Nhớ anh “bám đội, lội đồng”

(PLO) - Nhân kỷ niệm 100 năm Ngày sinh Đại tướng Nguyễn Chí Thanh (01/01/1914- 01/01/2014), ngày 26/12 tới, tại Hà Nội, Bộ Quốc phòng phối hợp với Ban Tuyên giáo Trung ương, Tỉnh ủy Thừa Thiên Huế và Học viện Hành chính Quốc gia Hồ Chí Minh tổ chức Hội thảo khoa học “Đồng chí Nguyễn Chí Thanh với cách mạng Việt Nam và quê hương Thừa Thiên Huế”. 
PLVN xin trân trọng trích đăng bài tham luận của nhà báo Hữu Thọ - Nguyên Tổng Biên tập Báo Nhân dân, nguyên Trưởng ban Tư tưởng - Văn hóa Trung ương-  về một số kỷ niệm với Đại tướng Nguyễn Chí Thanh. 
Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh - Ủy viên Bộ Chính trị, Đại tướng Quân đội nhân dân - được điều động sang phụ trách nông nghiệp - mặt trận kinh tế hàng đầu lúc đó - thì tôi  hay được theo anh đi các cơ sở nghiên cứu tình hình vì thời điểm đó tôi công tác ở Báo Nhân dân, được phân công theo dõi, viết bài về nông nghiệp.
Tuy mới được tiếp xúc với anh nhưng tôi đã có ấn tượng sâu sắc về anh ngay từ trong cuộc kháng chiến chống Pháp. Khi được làm việc với anh - tôi càng hiểu thêm tư tưởng và phong cách của anh - một đồng chí lãnh đạo mẫu mực, có tầm ảnh hưởng lớn tới sự lãnh đạo của Đảng.
Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cấy lúa với bà con xã viên HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh tháng 1/1962 (ảnh tư liệu)
 Đồng chí Nguyễn Chí Thanh cấy lúa với bà con xã viên 
HTX Chiến Thắng, xã Lý Ninh tháng 1/1962 (ảnh tư liệu)
Mặc dù biết anh Thanh rất quý nhà văn, nhà báo nhưng đối với chúng tôi, Ủy viên Bộ Chính trị, rồi Đại tướng là vị trí rất to trong Đảng và Quân đội, cho nên tiếp xúc lúc đầu không thoải mái. Nhưng anh thường gợi mở để chúng tôi cũng như cán bộ anh mời đến mạnh dạn nêu ý kiến thảo luận.
Anh nói: “Các cậu cứ tranh cãi thoải mái, mình xuất thân từ nông dân, suốt đời trận mạc, nay được trao phụ trách nông nghiệp có nhiều điều chưa biết, cho nên sẽ cùng tham gia tranh cãi, khi tranh luận có ý đúng, có ý chưa đúng là việc bình thường. Còn nếu cậu nào nói đúng một nửa cũng đã giữ 50% chân lý, rất “oách” rồi còn gì!”.
Trong không khí thoải mái đó, chúng tôi cũng hăng hái, nhiều lúc có ý kiến “quá mạnh bạo”, nói xong rồi mới thấy run. Chẳng hạn, lúc đó Đoàn cố vấn về thủy lợi của Trung Quốc do bà Bộ trưởng Tiền Chính Anh dẫn đầu sang đã góp ý kiến về phương châm “ba chính” trong công tác thủy lợi: giữ nước là chính, thủy lợi nhỏ là chính, nhân dân làm là chính.
Nghe phổ biến, một số cán bộ của ta băn khoăn nhưng cũng chỉ xầm xì với nhau vì lúc bấy giờ, ý kiến của các đoàn cố vấn Trung Quốc có sức nặng ghê gớm. Tôi liền mạnh dạn thưa với anh: “Ở ta có vùng hạn, vùng úng mà chống úng xem ra khó hơn. Nếu nhất loạt “giữ nước là chính” để chống hạn thì không bao quát tình hình; rồi cần làm nhiều thủy lợi nhỏ nhưng phải làm thủy lợi vừa và lớn mới có nguồn để chủ động cấp nước và tiêu nước, cho nên chỉ “thủy lợi nhỏ là chính” mà chưa có công trình vừa và lớn thì e chống hạn và chống úng đều không hiệu quả”.
Thực ra, tôi thưa với anh cũng chỉ là nói lại ý kiến của một số cán bộ mà tôi nghe được. Nhưng động chạm tới ý kiến của cố vấn là chuyện to. Buột miệng nói ra rồi, tôi chờ nghe phê phán nhưng anh đã ôn tồn nói: “Ta cứ khiêm tốn lắng nghe ý kiến cố vấn nhưng khi làm thì điều chỉnh cho phù hợp với tình hình cụ thể của cả nước và từng vùng”. 
Nhớ những ngày theo anh về Hợp tác xã Đại Phong, huyện Lệ Thủy, tỉnh Quảng Bình để nghiên cứu tình hình, tổng kết công tác “đuổi kịp trung nông”. Anh ngủ tại xã chứ không nghỉ tại nhà khách huyện. Quần áo bộ đội bạc màu, đi dép râu, anh ngồi bệt xuống đất ven bờ sông Kiến trò chuyện với cán bộ xã và nông dân. Nhiều bà con, nhất là các cựu binh, biết tiếng Đại tướng nhưng chưa hề biết mặt nên cứ trầm trồ hỏi anh em trong đoàn “Đại tướng mô?”.
Anh sợ phiền bà con và mất thời giờ cho nên chỉ vào anh Dương Quốc Cẩm, lúc đó là Vụ trưởng của Ban Nông nghiệp Trung ương, nói: “Cứ hỏi ông này”. Thấy dáng anh Cẩm cao to, trắng trẻo, đi đứng bệ vệ, nhiều người cứ tưởng anh là Đại tướng. Nhưng biết tính anh nên anh Cẩm cũng ậm ừ, không dám cải chính...
Làm việc xong, anh nói: “Cậu Thọ tối nay đi cấy với bà con, tâm tình xem bà con đánh giá chủ nhiệm Ánh thế nào”. Ở đây có thủy triều nước nên bà con phải chờ nước rút cấy “lấn nước”, ra đồng từ nửa đêm, vừa cấy vừa hò vui vẻ. Sáng ra đã thấy anh đứng ở đầu bờ thăm bà con...
Ở Đại Phong, anh muốn đến tận nơi khai hoang Bến Tiến đi dọc sông Kiến Giang cũng tới mười cây số. Ngồi đò chở đi, có lúc anh thay tay cầm chèo cùng hò câu hò Lệ Thủy mà anh mới học được như nguời nông dân Đại Phong chính hiệu.
Khi tổng kết công tác, anh thường nêu những khẩu hiệu cổ vũ phong trào rất dễ nhớ. Với nông nghiệp, ai cũng nhớ câu “bám đội, lội đồng” nêu tác phong sát dân, sát đồng ruộng của người lãnh đạo, quản lý. Nếu tôi nhớ không nhầm thì đó chính là câu trả lời của chủ nhiệm Nguyễn Ngọc Ánh với anh mà anh rút ra thành chuẩn mực tác phong của người lãnh đạo nông nghiệp.
Sau này khi được nghe anh nêu phương châm đánh Mỹ ở miền Nam “nắm thắt lưng địch mà đánh” vừa tỏ rõ khí phách, vừa chỉ rõ phương pháp, chiến thuật, nghe nói lại là anh cũng tổng kết phương châm đánh địch của một đại đội ở Núi Thành - Quảng Nam…
Để hiểu thêm phẩm chất của người lãnh đạo là sát dân, sát lính không phải là một kiểu mị dân mà ở sự đồng cảm, chân thành, tôn trọng dân, học dân, tổng kết sáng tạo của dân để nâng tầm lãnh đạo… Đó thực sự là  phong cách của Hồ Chí Minh mà anh là người học trò xuất sắc.
Những công việc quan trọng nhất trong sự nghiệp của anh tôi không có dịp chứng kiến, chỉ xin kể lại chút kỷ niệm nhỏ về anh để nhớ người cán bộ hết lòng vì dân, bao dung, lắng nghe, sát cơ sở, sát đồng bào theo phong cách Hồ Chí Minh.

Đọc thêm