Nhọc nhằn nghề “ăn sắt” dưới đáy biển

(PLO) - Hơn 20 năm lênh đênh trên biển, gắn đời mình với nghề "ăn sắt" -  lặn tìm phế liệu dưới lòng đại dương, anh Võ Văn Thân (42 tuổi, ngụ thôn Tân An, thị trấn Thuận An, tỉnh Thừa Thiên – Huế)  từng “hái” ra bạc tỷ nhờ nghề lặn, nhưng mỗi lần lao xuống biển cắt sắt cũng là lúc anh đánh cược cả mạng sống. 
 
Nhọc nhằn nghề “ăn sắt” dưới đáy biển
Nghề độc đáo chuyên “săn”tàu chìm
Sinh ra và lớn lên ở vùng biển Thuận An (tỉnh Thừa Thiên - Huế), vốn là con nhà ngư dân, nhưng anh Võ Văn Thân đã tìm thầy tận Đà Nẵng học nghề lặn phế liệu mưu sinh. 
Vào nghề từ năm 18 tuổi, anh từng lặn xuống lòng biển để “trục vớt” hàng trăm con tàu, thuyền bị chìm, hầu hết là những tàu chiến do tàn tích của chiến tranh còn sót lại, hoặc những tàu đánh cá lớn bị bão nhấn chìm.
Anh Thân ngồi nhớ lại đời lặn biển: “Mỗi lần nghe ngư dân “mách nước” nơi có tàu bị chìm là tôi liền đi khảo sát. Đầu tiên phải lặn xuống “do thám”, nếu thấy có lời tui mới quyết định kêu anh em làm. 
Để giữ được “mối”, sau mỗi lần lặn được phế liệu, tui đều bồi dưỡng vài ba chục triệu cho ngư dân. Cứ thế người này “rỉ tai” người kia, nên mỗi lần lưới của ngư dân vướng phải tàu chìm, thì họ đều báo cho tàu tui biết”. 
“Tiếng lành đồn xa”, hầu hết các ngư dân trong nghề đều biết đến tiếng tăm của đội thợ lặn trên tàu anh Thân. Có những “hợp đồng” lặn phế liệu ở xa tận Thanh Hóa, Nghệ An, Ninh Thuận… đội của anh Thân vẫn nhận lời. Mỗi lần đi xa, có khi phải mất cả nửa năm lênh đênh trên biển, sống cảnh “cơm niêu nước lọ”, mới lặn xong một chiếc tàu chìm. 
Thợ lặn Võ Văn Thân
 Thợ lặn Võ Văn Thân
Nhớ lại ngày mới vào nghề, với sức trai trẻ và sự tự tin, mới 22 tuổi anh Thân đã liều lĩnh nhận lặn  xử lý một chiếc tàu chiến thời Pháp, trong khi nhiều thợ lặn lâu năm không dám. 
“Vì hồi đó tui mê quá dữ đi, thấy có việc là lao vào làm luôn, chỉ cần được cắt sắt là tui cảm thấy sung sướng lắm rồi”, anh Thân cười hết cỡ khi kể về kỷ niệm đầu tiên của đời lặn phế liệu. 
Cũng chính vì dám làm những việc người khác không dám, lần lặn đó cho anh một món hời lớn. Anh nhẩm tính: “Lặn chiếc tàu đó tôi kiếm được hàng tỷ bạc, trừ tiền sắm dụng cụ đồ nghề, chia cho anh em thợ lặn thì cũng lời 700 – 800 triệu”.
Chỉ đống dụng cụ, anh Thân nói thêm: “Đây là vật bất ly thân của những người thợ lặn gồm: bộ quần áo nhái, dây tời, máy nén, ống khí thở, bình ga, đèn cắt sắt dưới nước, cho đến búa, đục…”. Đồ nghề ai cũng như ai, nhưng kinh nghiệm và sự khôn khéo thì không. 
Đánh cược mạng sống  
Trong kí ức làm nghề lặn phế liệu, anh Thân đã từng “chạm mặt” với tử thần nhưng may mắn thoát chết. Đó là lần lặn xuống để trục vớt chiếc tàu “Thánh giá”, một chiếc tàu chiến từ thời xưa bị chìm tại khu vực biển Thuận An. 
Khi đang cắt sắt được một lúc, đột nhiên khí độc trong tàu bị rò rỉ. Sự cố bất ngờ khiến anh Thân choáng váng. Vừa ngoi lên khỏi mặt nước, anh đã ngất lịm vì ngấm khí độc, mọi người phải tức tốc đưa anh vào bờ nhập viện. 
Anh kể lại: “Lúc đó tui xây xẩm mặt mũi, một ngôi nhà mà nhìn ra cả chục ngôi nhà, toàn thân tê liệt, cơ rút co quắp… không thể nhúc nhích được”.
Chuẩn bị dụng cụ cho một chuyến ra biển lặn phế liệu
 Chuẩn bị dụng cụ cho một chuyến ra biển lặn phế liệu
Sau lần tai nạn đó, anh Thân tưởng chừng không qua khỏi. Bác sĩ kết luận bệnh tai biến có thể liệt toàn thân. 
Phải mất nửa năm điều trị miệt mài ở bệnh viện Trung ương Huế, anh mới hồi phục và đi lại được. Vừa mới lành bệnh, anh lại nhớ biển, “thèm” được lặn xuống lòng đại dương và cắt sắt.
Thế nhưng cắt sắt không chỉ khát khao kiếm tiền, mà còn là niềm đam mê, đã thật sự ngấm vào trong máu của người thợ lặn. Như anh Thân, sau lần tai nạn “thừa sống thiếu chết”, nhiều người nghĩ anh sẽ bỏ nghề, nhưng chỉ sau một năm anh lại ra khơi, lặn hết vùng biển này đến vùng biển khác. 
Những người thân trong gia đình khóc lóc, van nài anh bỏ biển, bỏ nghề lặn lên bờ sinh sống nhưng anh kiên quyết bảo: “Sinh ra trên biển, sống chết gì cũng ở trên biển, trời dông tố thì vô bờ chứ bắt tui bỏ biển, bỏ nghề lặn thì tui không cách chi sống nổi. Hễ ai thuê đi cắt sắt xa mấy trăm cây số, cực khổ mấy tui cũng đi, mà tàu càng to tui càng ưa, tính tui thích rứa…”.
Nghề lặn phế liệu một thời có sức hấp dẫn mãnh liệt đối với nhiều thợ lặn. Trước đây khi tàn tích của chiến tranh còn nhiều, người ta đổ xô xuống biển lặn phế liệu. Lặn mãi cũng cạn kiệt, nên nay ít người còn bám trụ với nghề. 
Anh Thân nói: “Ngày trước một ngày thuyền của tui phải kéo ít nhất một tạ sắt là có 8 triệu một ngày, bây chừ sắt xuống có 3,5 triệu một tạ, nên nhiều khi thấy phế liệu đó mà cũng không ưng kéo lên, bởi lời lãi chẳng được “mấy sản” (không được bao nhiêu - PV), mà lỡ không may bị sắt đâm phải đổ máu chứ chẳng chơi”. 
Cũng vì lẽ đó, mà trên thuyền anh Thân cũng chỉ có có ba bốn thợ lặn còn “đeo bám” nghề lặn phế liệu. Khi được hỏi sao không nghỉ ngơi, anh cười: “Lặn phế liệu với tôi không chỉ còn là nghề mưu sinh mà là…duyên nợ”./.

Đọc thêm