Nhức nhối nỗi lo bom mìn nổ trong thời bình

(PLO) - Dù chiến tranh đã lùi xa nhưng bom mìn, vật liệu nổ còn sót lại tại nhiều địa phương vẫn luôn là vấn đề nhức nhối, gây nguy hại đến môi trường và cuộc sống người dân. Tuy nhiên, đến nay, chính sách hỗ trợ còn rất khiêm tốn, chỉ số ít nạn nhân bom mìn được hỗ trợ toàn diện để hòa nhập cộng đồng.
Nạn nhân bom mìn được hỗ trợ ở Quảng Trị
Nạn nhân bom mìn được hỗ trợ ở Quảng Trị

Những nỗi đau sau tiếng nổ

Trung tướng Nguyễn Đức Soát - Chủ tịch Hội Hỗ trợ khắc phục hậu quả bom mìn cho biết: “Theo tính toán, khoảng 20% diện tích đất tự nhiên của Việt Nam, ước tính khoảng 6,6 triệu héc ta đang bị ô nhiễm bom mìn. Trước đây những thành phố như TP Hà Nội không được tính vào khu vực bị ô nhiễm bom mìn. Tuy nhiên, sau vụ nổ ở Văn Phú vừa qua có thể nói là cả 63 tỉnh, thành Việt Nam vẫn có bom mìn còn sót lại”.

Theo Trung tướng Soát, hiện nay Nhà nước mỗi năm huy động các nguồn lực tiến hành ra phá được khoảng 200 ngàn héc ta. Như vậy, nếu muốn rà phá toàn bộ 6,6 triệu héc ta thì phải mất 320 năm nữa mới rà phá hết được. Việc tồn tại một số lượng khổng lồ bom đạn trên khắp các tỉnh, thành của Việt Nam đang gây ra những hậu quả thương tâm. Rất nhiều người dân chết và bị thương do bom mìn còn sót lại sau chiến tranh.

Trung tướng Soát cho biết, nhiều nạn nhân của bom mìn (NNBM) sau chiến tranh là trụ cột lao động trong gia đình khiến hoàn cảnh gia đình vô cùng khó khăn. Tuy nhiên, NNBM sau chiến tranh không có chế độ hỗ trợ đặc biệt nào từ Nhà nước. Họ chỉ được coi như những người bị thương tật bình thường giống như những người bị tai nạn giao thông.

“Trong khi nạn nhân chiến tranh, tham gia chiến đấu có chế độ thương binh. Những nạn nhân chất độc da cam cũng có chế độ hỗ trợ riêng nhưng NNBM thì hoàn toàn không có chế độ gì” - Trung tướng Soát nhấn mạnh.

Đơn cử như ông Trần Văn Cường (65 tuổi) ở tỉnh Quảng Trị bị tai nạn cụt chân trong lần đi cuốc đất trúng quả mìn từ thời chiến tranh. Ông Cường nhớ lại: “Mìn nổ, vợ chồng tôi được hàng xóm đưa đi cấp cứu, nhưng vì nhà xa trạm xá, nên lúc tới nơi chân tôi phải cắt cụt, còn vợ thì hỏng mắt”. Cuộc sống sau đó của vợ chồng ông rất khó khăn. Nhà có tới 7 khẩu (2 vợ chồng, 4 con và mẹ già) nhưng chỉ trông vào 2 sào ruộng. Sau này, ông được địa phương rà soát đưa vào đối tượng người khuyết tật (NKT), mỗi tháng được gần 200.000 đồng trợ cấp.

Cũng là NNBM, anh Triệu Văn Nguyên (sinh năm 1980) ở xã Thanh Thủy (huyện Vị Xuyên, Hà Giang) là một trong những NNBM vật nổ sau chiến tranh. Tháng 8/2008, khi lên rừng lấy gỗ về làm nhà, do giẫm phải mìn nên anh Nguyên bị cụt chân. Là lao động chính, bị tai nạn do bom mìn nên nhà anh Nguyên luôn xếp vào hộ nghèo của xã. Anh có 3 con, trong đó 1 đứa bị dị tật bẩm sinh, đứa lớn 10 tuổi nghỉ học đi chăn trâu, đứa nhỏ theo mẹ đi hái chè. Hiện trên địa bàn xã Thanh Thủy có 50 người bị tàn tật do bom mìn, đang được hưởng chính sách hỗ trợ theo mức độ thương tật của NKT, được vay vốn giảm nghèo nhưng cuộc sống vẫn hết sức khó khăn.

Chị Cao Thị Mến, xã Mỹ Trạch (huyện Bố Trạch, tỉnh Quảng Bình) đến nay vẫn nhớ rõ vụ tai nạn xảy ra cách đây 25 năm. Lúc ấy, chị Mến còn là cô bé 5 tuổi, đang chơi đùa ở trước sân nhà thì bị một mảnh bom nổ gần đó vô tình găm vào cột sống gây thương tật. Sau ngày bị tai nạn, chị Mến chỉ có thể ngồi trong nhà, không tiếp xúc với bất kỳ ai ngoài vợ chồng cô em gái. Cuộc sống chị gắn liền với nỗi sợ hãi và mặc cảm đau ốm, tật nguyền.

Chị Mến luôn ao ước được học nghề nhưng việc tái hòa nhập rất khó khăn. Và mãi 2 năm sau được sự hỗ trợ của Hội Hỗ trợ người khuyết tật tỉnh Quảng Bình, chị Mến đến bệnh viện để phẫu thuật lấy mảnh đạn, được hướng dẫn luyện tập phục hồi chức năng và học nghề làm nón lá, mây tre đan. Hiện tại chị Mến không chỉ là người khuyết tật có thể tự sống bằng nghề mây tre đan mà còn là “giảng viên” tại chỗ hướng dẫn nghề mới cho bà con trong làng.

Thế nhưng, số NNBM may mắn có được một công việc có thu nhập ổn định như chị Cao Thị Mến còn rất ít. “Hầu hết NNBM sống dựa vào gia đình và được hỗ trợ dựa trên mức độ thương tật theo chính sách đối với người khuyết tật”, ông Tô Đức - Phó Cục trưởng Cục Bảo trợ xã hội (Bộ LĐTB&XH) cho biết.

Vẫn chưa xác định được số nạn nhân bom mìn

Để hỗ trợ NNBM, đã có những dự án liên quan đến bom mìn và những người bị ảnh hưởng được thực hiện ở một số khu vực nhưng đều là những dự án riêng lẻ, chỉ diễn ra trong một thời gian nhất định. Theo ông Hoàng Văn Thông, Phó Giám đốc Sở LĐTB&XH tỉnh Quảng Trị, tỉnh có 83% diện tích đất bị ô nhiễm bom mìn và có hơn 7.000 NNBM.

Nguyên nhân dẫn tới tai nạn chủ yếu là do bà con lao động sản xuất gặp phải bom mìn, buôn bán phế liệu là bom mình và trẻ lấy vật liệu bom mìn làm đồ chơi. Hầu hết NNBM đều được xếp vào diện người khuyết tật và có tiền trợ cấp hàng tháng. NNBM nặng không còn người thân sẽ được nuôi dưỡng tại Trung tâm bảo trợ xã hội.

Tuy nhiên, đây mới chỉ là chính sách bảo trợ, chưa có chính sách hỗ trợ toàn diện đối với người bị ảnh hưởng của bom mìn. Thực tế, từ năm 2006 - 2010, NNBM chủ yếu là do rà phá bom mìn để bán sắt vụn và là người nghèo. Do đó, cần có hỗ trợ sinh kế để NNBM có nghề không phải tiếp tục rà phá bom mìn bán lấy sắt vụn.

Ông Tô Đức chia sẻ: Việt Nam có khoảng 6,7 triệu người khuyết tật, chiếm 7,8% dân số; trong đó, có nhiều người khuyết tật do hậu quả của bom mìn. Việt Nam chưa có cuộc khảo sát nhằm đánh giá chính xác số nạn nhân bị thương và chết vì bom mìn sau chiến tranh.

Do chưa lập danh sách các NNBM nên chưa có đánh giá tổng thể nhu cầu của nạn nhân; xác định nguồn lực hỗ trợ cho nạn nhân, thiếu đội ngũ nhân viên và cộng tác viên trong hỗ trợ nạn nhân như hoạt động công tác xã hội, trị liệu tâm lý, phục hồi chức năng.

Ngành cũng chưa có đánh giá và nhân rộng các mô hình hỗ trợ NNBM hòa nhập xã hội và tạo việc làm bền vững…“Khi có thống kê chính xác số NNBM cũng như nhu cầu của họ thì mới có thể có biện pháp hỗ trợ phù hợp, hiệu quả”, ông Tô Đức khẳng định.

Hiện mỗi năm Việt Nam vẫn dành hơn một ngàn tỷ đồng cho việc rà phá bom mìn và hàng trăm tỷ đồng cho cứu chữa, trợ giúp, phục hồi chức năng, đào tạo nghề, tái định cư cho NNBM. Tuy nhiên, việc khắc phục hậu quả bom mìn và hỗ trợ nạn nhân còn nhiều khó khăn.

Ông Nghiêm Đình Thiện, Phó Giám đốc Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn, Binh chủng Công binh, cho biết: “Rà phá bom mìn trong khu dân cư còn gặp nhiều khó khăn, bởi phải có kế hoạch, có tiềm lực kinh tế ở các khu vực thì mới có thể bắt đầu rà soát và lên kế hoạch dò tìm ở những khu vực ấy. Ngoài ra còn hai vấn đề: Thứ nhất là do chủ quan, người dân vì mưu sinh mà chưa hiểu hết sự nguy hiểm khi đục đẽo, cưa cắt các loại bom mìn, vật nổ để lấy thuốc nổ và lấy vỏ để bán. Thứ hai là, cũng có thể người dân không biết cưa, cắt vật nổ gây thương vong và người dân trong cuộc sống đi làm đồng cuốc phải, giẫm phải cũng gây nổ”.

Bộ LĐTB&XH Việt Nam đã trình Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án xây dựng cơ sở dữ liệu về an sinh xã hội. Một trong các mục tiêu là sẽ xây dựng hệ thống dữ liệu về các đối tượng bảo trợ xã hội và cả nhóm người khuyết tật, trong đó có người khuyết tật do bom mìn gây nên. Bên cạnh đó, Bộ cũng phối hợp với Hội Hỗ trợ người khuyết tật Việt Nam, tổ chức Quỹ Cựu chiến binh Mỹ và các tổ chức quốc tế từng bước triển khai thí điểm xây dựng hệ thống dữ liệu về NNBM, nhằm nâng cao hơn nữa công tác chăm sóc cho NNBM tại Việt Nam. 

Phải hàng trăm năm nữa Việt Nam mới sạch bom mìn

Ông Lưu Hồng Sơn - Phó Chánh Văn phòng Bộ LĐTB &XH cho biết, bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh là hiểm họa hàng ngày đối với người dân; là vấn đề nhức nhối đối với chính phủ nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, đất nước ta trải qua nhiều cuộc chiến tranh, đất đai và con người bị ảnh hưởng nặng nề bởi số lượng bom mìn, vật nổ. Chỉ tính riêng số bom mìn, vật nổ từ năm 1945 đến năm 1975 do quân đội đối phương sử dụng ở Việt Nam đã lên tới trên 15 triệu tấn, nhiều gấp 4 lần so với Chiến tranh thế giới thứ hai.

Trả lời câu hỏi của báo chí về việc phải mất hơn 100 năm mới có thể làm sạch hết bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam, ông Nghiêm Đình Thiện - Phó Giám đốc Trung tâm hành động khắc phục bom mìn Việt Nam cho biết: Hiện nay, Ban Chỉ đạo quốc gia khắc phục hậu quả bom mìn sau chiến tranh đang tích cực kêu gọi các tổ chức quốc tế, tổ chức phi chính phủ cùng chung tay khắc phục hậu quả bom mìn, vật nổ còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Nếu chúng ta huy động được nhiều nguồn lực thì diện tích đất đai bị ô nhiễm do bom mìn cần làm sạch hàng năm sẽ được tăng lên và thời gian làm sạch sẽ rút xuống. Do vậy, rất cần sự chung tay, góp sức của cả xã hội và sự hỗ trợ của các nhà tài trợ trong nước và quốc tế để rút ngắn thời gian làm sạch bom mìn còn sót lại sau chiến tranh ở Việt Nam.

Đọc thêm