Những anh hùng chống Bắc thuộc người đời ít biết: Chu Đạt

(PLO) -Sách Hậu Hán Thư là tài liệu đầu tiên chép về Chu Đạt và cuộc “phản loạn” của ông. Sử sách Việt Nam sau này như Đại Việt sử kí toàn thư, Khâm định Việt sử thông giám cương mục… đều dựa vào Hậu Hán Thư để thuật lại sự kiện gây chấn động Giao Châu những năm 157 – 160, thuộc thế kỷ II.
Chu Đạt quyết cứu nước cứu dân (Hình minh hoạ)
Chu Đạt quyết cứu nước cứu dân (Hình minh hoạ)

Giương cờ trừ bạo cứu dân

Sau khi chính quyền độc lập non trẻ của Hai Bà Trưng bị lật đổ (năm 43), chính quyền phong kiến nhà Hán ra sức củng cố nền thống trị trên đất nước ta. Bọn quan lại đô hộ thi hành nhiều chính sách đàn áp đẫm máu và khủng bố man rợ đối với tất cả những cuộc phản kháng mà chúng cho là nguy hại đến nền đô hộ.

Các thủ đoạn cai trị và đồng hoá thâm độc cùng bạo lực đàn áp không ghê tay khiến cho các cuộc đấu tranh của nhân dân ta trong nửa sau thế kỉ I tạm thời lắng xuống. Nhưng “tức nước vỡ bờ”, kể từ thế kỉ II trở đi, ngọn lửa tranh đấu lại bùng lên dữ dội với trung tâm của phong trào dần chuyển dịch từ quận Giao Chỉ ở phía bắc đến hai quận Cửu Chân, Nhật Nam xa xôi ở phía nam.

Vào những năm 50 của thế kỉ II, tại huyện Cư Phong, quận Cửu Chân thuộc Giao Châu, nhân dân ta đang phải rên xiết trước cách cai trị bạo tàn và lối bóc lột không biết chán của tên huyện lệnh người Hán. Nhân nỗi bất bình và oán hận tột độ của người dân, một người trong huyện là Chu Đạt đã hô hào dân chúng nhất tề đứng lên.  Sử cũ không cho biết về xuất thân và lí lịch của Chu Đạt mà chỉ chép rằng, cuộc đấu tranh do ông khởi xướng nổ ra vào năm 157.

Lời hiệu triệu được lòng người của Chu Đạt có sức lay động mạnh mẽ. Nhân dân huyện Cư Phong nô nức theo về với ông. Sau khi có trong tay một lực lượng đáng kể, Chu Đạt chính thức phất cờ nổi dậy, sẵn sàng đương đầu với đội quân hùng mạnh của chính quyền đô hộ nhà Hậu Hán.

Chu Đạt trừng trị tên huyện lệnh ác ôn (Hình minh hoạ)
Chu Đạt trừng trị tên huyện lệnh ác ôn (Hình minh hoạ)

Ba năm làm chủ một phương

Mục tiêu cần đạp đổ trước tiên của Chu Đạt là huyện đường Cư Phong cùng tên huyện lệnh tham bạo. Chỉ trong một trận đánh chớp nhoáng, Chu Đạt và các nghĩa sĩ đã chiếm được huyện đường, bắt giết tên huyện lệnh. Sau thắng lợi này, thanh thế của nghĩa quân tăng lên rất nhanh. Nhân dân nhiều nơi trong quận Cửu Chân nườm nượp gia nhập nghĩa quân. Chu Đạt vì thế chẳng mấy chốc đã có trong tay quân số khá đông, khoảng 4000 – 5000 người.

Thắng lợi nhanh chóng ở Cư Phong khiến tinh thần các nghĩa sĩ dâng cao bao nhiêu thì lại khiến bọn quan lại nhà Hán ở quận Cửu Chân hoang mang, lo sợ bấy nhiêu. Không thoả mãn với mục tiêu đã đạt và muốn thực hiện trọn vẹn ý nguyện cứu nước cứu dân, sau một thời gian chuẩn bị, Chu Đạt quyết định kéo quân đánh thẳng vào quận lị Cửu Chân.

Về phía quân Hán, sau khi nhận hung tin từ Cư Phong, Thái thú Cửu Chân là Nghê Thức chưa biết liệu tính ra sao để dẹp yên bọn “nổi loạn” thì đã hay tin Chu Đạt kéo quân đến quận thành. Nghê Thức vội vã điểm binh chọn tướng chờ hội chiến. Nghê Thức tin tưởng rằng với đội quân được huấn luyện chu đáo và trang bị đầy đủ, hắn sẽ dễ dàng giành phần thắng trước Chu Đạt.

Khi quân Chu Đạt đến trước cổng thành, Nghê Thức hùng hổ dẫn đầu đội quân ra ngoài thành nghênh chiến. Sức chiến đấu của binh sĩ Hán không phải là kém nhưng dũng khí của quân Chu Đạt còn cao hơn gấp bội. Bởi đó, sau một hồi kịch chiến, Chu Đạt đã chiếm thế thượng phong. Đến cuối cùng, đội quân của thành Cửu Chân dần tan rã, bản thân Nghê Thức bị nghĩa quân giết chết. 

Thấy Thái thú bị giết, viên tướng dưới quyền Nghê Thức là Đô uý Nguỵ Lãng hốt hoảng thu quân, triệt thoái vào thành. Chu Đạt thúc quân chiếm thành. Nhưng trước sự kiên cố của toà thành, nghĩa quân không dễ chiếm ngay được. Sau những trận giao tranh không có kết quả lại bị Nguỵ Lãng nhiều phen thừa cơ tập kích, Chu Đạt đã dẫn toàn bộ lực lượng vào quận Nhật Nam. Nhật Nam là địa bàn tận cùng phía nam của chính quyền đô hộ nên bộ máy cai trị có phần lỏng lẻo và quân đội đóng giữ cũng không đông đảo như ở Cửu Chân, vì thế, nghĩa quân có thể lấy đó làm chỗ đứng chân để chuẩn bị cho các hành động tiếp theo. Trong năm 157, Chu Đạt và lực lượng dưới quyền đã có mặt ở Nhật Nam.

Sau khi vào Nhật Nam, nghĩa quân dần chiếm cứ được một khu vực khá rộng lớn và giữ vững các nơi đó. Cùng với đó, nghĩa quân không ngừng hoạt động, tăng cường đánh phá và vây hãm các huyện khiến tướng sĩ nhà Hán phải chống đỡ rất mệt mỏi. Thanh thế của nghĩa quân ngày càng trở nên lừng lẫy. Nghĩa quân tự tin làm chủ gần như hoàn toàn vùng Nhật Nam trong suốt ba năm (157 – 160).

Quân đội nhà Hán (Hình minh hoạ)
Quân đội nhà Hán (Hình minh hoạ)

Anh hùng tiếng để nghìn năm

Tin tức ở Nhật Nam báo về khiến vua nhà Hán rất lo lắng. Năm 160, nghĩa là sau 3 năm Chu Đạt gần như làm chủ hoàn toàn quận Nhật Nam, nhà Hán quyết định phái Hạ Phương làm Thứ sử Giao Châu và đem quân đi chinh phạt. Hạ Phương là viên tướng khét tiếng mưu mẹo và dày dạn kinh nghiệm, đã từng đè bẹp cuộc phản kháng của nhân dân Nhật Nam vào năm 144 khi còn là Thái thú Cửu Chân. Đối với nghĩa quân Chu Đạt mà nói, sự xuất hiện của Hạ Phương là một thử thách rất cam go.

Tuy có sẵn lực lượng mạnh nhưng khi đến Nhật Nam, Hạ Phương không vội vàng thảo phạt. Viên tướng nổi tiếng nhiều mưu mẹo này thừa biết rằng, nếu ra quân ngay sẽ vấp phải sự chống trả quyết liệt của Chu Đạt, thắng thua chưa biết thế nào và rất dễ bị sa lầy ở đây, khó hoàn thành sứ mệnh triều đình tin cậy giao phó. Hạ Phương cũng thừa biết rằng, trong số những người sát cánh với Chu Đạt, không phải ai cũng kiên gan bền chí như Chu Đạt.

Nếu biết cách dụ dỗ những người như vậy về với Hạ Phương thì sẽ khiến lực lượng của Chu Đạt bị rối loạn và suy yếu từ bên trong, sức mạnh của Chu Đạt sẽ bị suy giảm một cách đáng kể và quân Hán có thể nhân đó đàn áp cuộc nổi dậy này.

Từ những suy tính rất thâm hiểm như vậy, Hạ Phương đã từng bước dùng của cải để mua chuộc, dùng lời lẽ dịu ngọt để lung lạc kết hợp với dùng quân đội để uy hiếp, rốt cuộc đã khiến nội bộ nghĩa quân Chu Đạt bị phân hoá. Nhiều thủ lĩnh đã dẫn quân quy hàng Hạ Phương. 

Sau khi nắm chắc phần thắng, Hạ Phương hạ lệnh tấn công tới tấp vào lực lượng của Chu Đạt. Chu Đạt và các nghĩa sĩ còn lại dù hết sức chiến đấu nhưng thế cô không thể đương nổi địch quân hùng hậu, cuối cùng, ông đã tử trận. Cuộc khởi nghĩa do ông đề xướng và lãnh đạo, kéo dài trong ba năm, đến đây bị dập tắt hoàn toàn.

Không cam chịu sống dưới sự đè nén của ngoại bang, không nhẫn tâm nhìn dân chúng chịu cảnh đoạ đày dưới gót giày quân đô hộ, Chu Đạt đã quả cảm phát động nhân dân đứng dậy đánh đuổi kẻ thù chung. Tuy chưa thành công nhưng hùng tâm tráng chí của ông và các nghĩa sĩ vẫn mãi ngời sáng, sẽ tiếp thêm chí khí để các thế hệ nối tiếp không ngừng nổi lên, tấn công không khoan nhượng vào cơ đồ thống trị của các triều đại phong kiến Trung Quốc trên đất nước ta cho đến ngày toàn thắng cuối cùng...

Đọc thêm