Những “bông hoa” nở trên cao nguyên đá Hà Giang

(PLO) - Vượt qua những đói nghèo lẫn điệp trùng núi đá tai mèo xám xịt ngăn lối, những thế hệ giáo viên vùng núi cao Hà Giang vẫn miệt mài gieo con chữ, mong kéo vùng đất địa đầu này có những đứa trẻ lớn lên bước gần kịp hơn với miền xuôi.
Giờ học của các cháu trường Mần non xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ.
Giờ học của các cháu trường Mần non xã Bát Đại Sơn, huyện Quản Bạ.
"Bông hoa" Lan nở ở Mèo Vạc
Từ TP. Hà Giang, ngược đường về hướng núi, leo ngược dốc cổng trời Quản Bạ, xe đưa khách vùng xuôi lạc vào cao nguyên đá, công viên địa chất đã được thế giới ghi danh. Những đứa trẻ lưng mang cặp sách lúi cúi ven đường, thấy xe chở khách từ xuôi lên, nhất loạt đứng dậy vẫy tay chào cùng nụ cười tươi rói. 
Suốt quãng đường hơn 150km được mệnh danh là "con đường Hạnh phúc" dài dằng dặc, cheo leo bám ven vách núi đá, dẫn từ Quản Bạ tới Yên Minh, lên Đồng Văn qua Mèo Vạc, đó là những hình ảnh gần gũi đầu tiên mà những đứa trẻ vùng cao tưởng rất xa xôi này gây ấn tượng mạnh với khách đường xa.
Sinh năm 1986 tại thôn Phe Thán, xã Sơn Vĩ, huyện Mèo Vạc (Hà Giang) trong một gia đình có 7 anh chị em, sinh sống chủ yếu bằng sản xuất nông nghiệp nên bố mẹ Hứa Thị Lan gặp nhiều khó khăn khi muốn cho con cái đi tìm cái chứ. Sớm ý thức được nỗi vất vả, khó khăn của gia đình, Lan khao khát được đến trường để thầy cô dạy cho biết cách đánh vần, làm toán. 
Cô giáo Hứa Thị Lan luôn chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ bằng các tranh ảnh minh họa sinh động.
Cô giáo Hứa Thị Lan luôn chú trọng tăng cường tiếng Việt cho trẻ bằng các tranh ảnh minh họa sinh động. 
Nhưng vào thời điểm năm 1992, các điểm trường học ở huyện Mèo Vạc khuất nẻo trong vùng cao nguyên đá này đều thiếu giáo viên, trong khi đó đường đi đến điểm trường chính tại trung tâm xã lại rất xa nên mãi đến năm 8 tuổi, Lan mới đi học lớp 1. Tuy nhiên, không vì thế mà ngăn nổi quyết tâm của một cô gái dân tộc Xuồng xinh xắn, giàu nghị lực. Đến năm học lớp 3, Lan may mắn được tuyển ra học tại Trường phổ thông dân tộc (PTDT) nội trú huyện Mèo Vạc. 
Lan tâm sự: “ Thấu hiểu nỗi vất vả của trẻ em vùng cao, ngay từ nhỏ, em đã ước mơ trở thành cô giáo, đứng trên bục giảng, dìu dắt các em thơ. Ước mơ đó đã thôi thúc em luôn cố gắng học tập tốt. Sau khi tốt nghiệp THPT, em đăng ký thi vào trường Cao đẳng sư phạm Hà Giang và trở thành giáo viên Mầm non”.
Tốt nghiệp tháng 6/2009, đến đầu năm 2010, Lan được UBND huyện Mèo Vạc tuyển dụng và phân công giảng dạy tại Trường Mầm non xã Thượng Phùng, sau đó chuyển đến công tác tại Trường Mầm non xã Xín Cái. Đến dạy học tại những xã biên giới xa xôi, khó khăn nhất của huyện, tuy nhiên với lợi thế là người địa phương và năng lực chuyên môn tốt nên các lớp 5 tuổi do Lan giảng dạy, số học sinh duy trì và chất lượng chuyển lớp cuối năm đều đạt 100%. Với những nỗ lực phấn đấu của bản thân, Lan đã đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp huyện và đầu năm 2013 được điều động đến giảng dạy tại Trường Mầm non xã Pả Vi.
Mến trẻ, yêu nghề, tâm huyết và không ngừng sáng tạo,… đó chính là những lời nhận xét, khen ngợi của đồng nghiệp, bạn bè và cấp trên giành cho cô giáo Hứa Thị Lan, trường Mầm non xã Pả Vi, huyện Mèo Vạc - người vừa đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp tỉnh, năm học 2013-2014. 
Gắn bó với nghề dạy trẻ, Lan luôn nỗ lực phấn đấu không mệt mỏi để trở thành người bạn, người mẹ của các em nhỏ dân tộc thiểu số vùng cao. Bên cạnh đó, cô ý thức được việc phải luôn nâng cao trình độ hiểu biết, chuyên môn nghiệp vụ của mình mới đáp ứng được nhiệm vụ giáo dục ngày càng đòi hỏi sự đổi mới, đi lên, Lan hiểu rằng chất lượng học tập của các bé mầm non bắt đầu từ chất lượng giáo viên. 
Trong suốt quá trình giảng dạy, Lan không chỉ tìm tòi, sáng tạo ra nhiều đồ chơi, đồ trang trí thiết thực, bổ ích trong lớp học, cô còn không ngừng học hỏi, sưu tầm và làm những đồ dùng học tập phù hợp với nội dung, chủ đề trong từng tiết học; có nhiều sáng kiến giúp trẻ mạnh dạn tự tin trong giao tiếp, phát triển ngôn ngữ cho trẻ, tạo môi trường thân thiện giúp trẻ tích cực hoạt động. Với lòng yêu nghề, yêu trẻ cộng với sự nỗ lực vươn lên không mệt mỏi, nhiều năm liền cô đều đạt  giáo viên dạy giỏi cấp trường, cấp huyện và trở thành giáo viên đầu tiên, duy nhất của Trường Mầm non xã Pả Vi đạt thành tích giáo viên dạy giỏi cấp tỉnhnăm học vừa qua.
Nhận xét về Lan, cô Bàn Thị Bình, hiệu trưởng nhà trường cho biết: “ Nhà trường có 17 giáo viên trực tiếp giảng dạy, nhưng cô Lan là người điển hình nhất về công tác chuyên môn. Hầu hết các giờ thao giảng, cô tham gia đều đạt loại giỏi. Bản thân Lan luôn có sự đổi mới, sáng tạo về phương pháp rèn luyện học sinh. Vì vậy, so với nhiều giáo viên người địa phương và cả giáo viên vùng xuôi công tác ở Mèo Vạc thì năng lực của Lan nổi trội hơn hẳn”. 
Lớp Lan trực tiếp giảng dạy có 100% trẻ là con em dân tộc thiểu số, ở độ tuổi nhỏ chưa biết tiếng phổ thông nên sự tiếp thu của trẻ còn rất hạn chế. Do đó cô đã khéo léo vận dụng linh hoạt tăng cường tiếng Việt cho trẻ, giúp trẻ có thêm vốn tiếng phổ thông để trẻ tiếp thu một cách tốt nhất những kiến thức mà cô truyền tải trong các tiết dạy, cũng như trong các hoạt động ở trường, lớp mầm non.
Bên cạnh công tác giảng dạy, Lan còn tích cực tham gia các phong trào văn hóa, văn nghệ và là hạt nhân tiêu biểu trong đội văn nghệ xung kích của trường. Tham gia nhiệt tình các phong trào, hội thi do Phòng Giáo dục và Đào tạo huyện Mèo Vạc phát động. Đồng thời tích cực tuyên truyền, hướng dẫn phụ huynh biết cách phối hợp chăm sóc dinh dưỡng, giáo dục trẻ một cách khoa học; thường xuyên phối hợp với trưởng thôn tuyên truyền, vận động học sinh trong độ tuổi đến trường. Tham mưu cho nhà trường hoàn thiện các loại hồ sơ chuyên môn và đẩy mạnh đổi mới phương pháp giảng dạy nâng cao chất lượng học sinh. 
Vì vậy, nhờ sự chung tay góp sức của cô giáo Lan, Trường Mầm non xã Pả Vi đã được công nhận đạt chuẩn quốc gia vào dịp khai giảng năm học mới trong tháng 9/2014 vừa qua, còn cá nhân Hứa Thị Lan được tập thể nhà trường bầu làm Tổ trưởng nữ công, tổ phó chuyên môn và vinh dự được chi bộ nhà trường kết nạp vào Đảng Cộng sản Việt Nam vào tháng 5/2014.
Bữa ăn của học sinh bán trú xã Vần Chải, huyện Đồng Văn.

Bữa ăn của học sinh bán trú xã Vần Chải, huyện Đồng Văn. 

Khát khao "trồng người"
Luôn luôn gần gũi, thân thiện; luôn luôn cảm nhận được sự chia sẻ, đồng cảm... Đó là cảm nhận của những ai đã từng tiếp xúc với cô giáo Nguyễn Thị Út (Nguyễn Thị Út Lan), hiện nay đang là Phó Hiệu trưởng trường Tiểu học Minh Khai, thành phố Hà Giang.
Cô giáo Nguyễn Thị Út.
 Cô giáo Nguyễn Thị Út.
Sinh ra và lớn lên trên mảnh đất Hà Giang, cô nữ sinh trường Trung cấp Sư phạm Hà Giang luôn ấp ủ một hoài bão lớn lao là sẽ cống hiến hết sức mình cho sự nghiệp trồng người trên mảnh đất quê hương. Hoài bão ấy cứ lớn dần theo năm tháng. Rồi đến ngày ra trường, ngày 15/8/1994, nữ sinh Nguyễn Thị Út đã trở thành cô giáo tại trường Tiểu học Tân Thượng, xã Kim Linh với đầy nhiệt huyết và khát khao cống hiến. 
Sự tận tâm, tận tình, tận tụy; luôn nâng cao trách nhiệm, luôn trau dồi chuyên môn, được bạn bè, đồng nghiệp tin tưởng, học sinh quý trọng, 2 năm sau cô được tín nhiệm đảm nhiệm cương vị Quyền Hiệu trưởng, rồi Hiệu trưởng nhà trường. Sau 7 năm gắn bó với ngôi trường Tiểu học Tân Thượng, đến năm 2001, thực hiện sự phân công của tổ chức, cô Nguyễn Thị Út về đảm nhiệm cương vị Hiệu trưởng trường Tiểu học Nguyễn Trãi trong sự ngậm ngùi, bịn rịn, tiếc nuối của không những đồng nghiệp, học sinh mà cả những bậc phụ huynh ở Tân Thượng. Rồi 2 năm sau, cũng đúng ngày ấy, ngày 15/8 của năm 2003, cô chuyển về nhận công tác tại trường Tiểu học Minh Khai.
Với cương vị là Phó Bí thư chi bộ, Phó Hiệu trưởng phụ trách chuyên môn khối lớp 1, 2, 3, kiêm nhiệm công tác phổ cập; thống kê, tổng hợp số liệu; chỉ đạo công tác Đội, Sao nhi đồng; Thư ký Ban Giám hiệu; thành viên trong Ban bán trú… Công việc bộn bề, sức khỏe có hạn, điều kiện gia đình còn khó khăn nhưng ở vai trò nào cô giáo Út cũng luôn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ, không quản những khó khăn, những vất vả đời thường. 
Sự có mặt của cô tại trường vào những ngày thứ bảy, chủ nhật để làm việc mới đầu đã gây sự ngạc nhiên, thắc mắc cho không ít người, kể cả người thân và đồng nghiệp. Nhưng rồi việc đó vẫn diễn ra thường xuyên, thậm chí cả những chiều muộn, buổi tối, cô Út vẫn gắn mình với ngổn ngang tài liệu, với trằn trọc suy tư. Rồi mọi người cũng hiểu ra, đó là cái Tâm, đó là Trách nhiệm, đó là cô giáo Nguyễn Thị Út - người luôn hết mình vì công việc, người luôn chăm lo cho sự phát triển của nhà trường, cho sự tiến bộ của học sinh. 
Những sáng kiến, đề tài khoa học của cô đã được ứng dụng trong thực tế như: “Xây dựng phong cách làm việc khoa học của người quản lý trường học”, “Đẩy mạnh công tác xã hội hóa giáo dục và xây dựng cơ sở vật chất nhà trường ngày càng hoàn thiện”, đề tài nghiên cứu khoa học “Nâng cao chất lượng học tập môn Toán cho học sinh lớp 2”… được tập thể giáo viên, học sinh nhiệt tình ủng hộ. Thực tế cho thấy, qua thực hiện các sáng kiến, đề tài do cô thực hiện, chất lượng hoạt động chuyên môn, ý thức trách nhiệm của giáo viên đã có chuyển biến rõ nét, chất lượng học tập của học sinh được nâng lên.
Mặc dù biết trong mình mang bệnh trọng, cô vẫn có nghị lực phi thường để miệt mài hơn, tận tụy hơn và cống hiến nhiều hơn cho công việc mà cô đã ấp ủ, đã khao khát từ những ngày còn thơ bé. Hơn 20 năm trong nghề, trải qua nhiều cương vị, nhiều địa bàn công tác bằng nhiệt huyết, sự tận tâm, nhiệt tình, trách nhiệm cống hiến cho sự nghiệp giáo dục, cô giáo Nguyễn Thị Út đã vinh dự được nhận các Bằng khen của Bộ Giáo dục – Đào tạo, của UBND tỉnh Hà Giang; nhiều Giấy khen của cấp ủy, chính quyền địa phương, của các đơn vị trong ngành giáo dục cũng như nhiều danh hiệu đáng trân trọng khác. 
Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo thăm trường Mầm non xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục – Đào tạo thăm trường Mầm non xã Lũng Cú, huyện Đồng Văn. 

Và suốt một dải đất biên cương của tỉnh địa đầu Hà Giang này, còn nhiều lắm những giáo viên đang miệt mài ngày đêm vượt núi đá tai mèo, cõng con chữ lên nương như thế.

Đọc thêm