Những bữa cơm vắng bố của con nhà lính

(PLO) - Dù tổ ấm thiếu thốn hơi ấm người đàn ông, những bữa cơm thường xuyên vắng bố nhưng các chị hãnh diện khi là hậu phương cho chồng nơi đảo xa để các anh giữ vững từng tấc đất, chủ quyền biển đảo thiêng liêng của Tổ quốc...
Chị Hợi bên bức ảnh hiếm hoi cả gia đình chụp cùng nhau.
Chị Hợi bên bức ảnh hiếm hoi cả gia đình chụp cùng nhau.
Tự động viên mình cố gắng để chồng yên tâm
Một ngày tháng 6/2015 tại thành phố biển Nha Trang, chúng tôi tìm đến nhà chị Trịnh Thị Ngọc (SN 1982, quê gốc Thanh Chương, Nghệ An, nay trú tại phường Vĩnh Hòa, TP.Nha Trang) khi chị vừa tan ca làm tại nhà máy sợi. Tất tả đón con từ nhà trẻ về, chị tắm cho con và chuẩn bị bữa cơm tối chỉ có hai mẹ con. 
Có lẽ ít ai biết rằng, bữa cơm tối của hai mẹ con đã thường trực như vậy suốt một thời gian dài khi chồng chị, Trung úy Hải quân Nguyễn Văn Tĩnh (hiện đang công tác tại đảo Nam Yết) đã lên đường đi nhận nhiệm vụ nơi đảo xa lần thứ hai. 
Chị Ngọc tâm sự: “Năm 2013, khi đó hai vợ chồng mới cưới nhau thì anh nhận quyết định đi công tác ngoài Trường Sa. Anh động viên chị rất nhiều bởi khi đó chị đang mang thai bé Bông 4 tháng. Sau khi tiễn anh ấy ra công tác ngoài đảo Sinh Tồn Đông, do bụng mang dạ chửa, ở lại Nha Trang gặp nhiều khó khăn nên hai mẹ con bồng bế nhau về quê Nghệ An để chị sinh con. Khi bé Bống được 6 tháng tuổi, hai mẹ con lại bắt tàu quay trở lại Nha Trang bởi anh chị đã xác định nơi đây sẽ là miền đất mới, quê hương thứ hai của cả hai vợ chồng”.
Hoàn cảnh còn khó khăn, chị Ngọc thuê một căn nhà cấp bốn hai mẹ con ở. Khi anh Tĩnh vừa hoàn thành nhiệm vụ 18 tháng tại đảo Sinh Tồn Đông thì đến cuối năm 2014, anh lại nhận nhiệm vụ mới: lên đường công tác tại đảo Nam Yết. 
“Chồng đi vắng, ban đầu vất vả lắm, con còn nhỏ nên sau giờ tan ở nhà máy sợi gần như không có lúc ngơi tay. Dọn mâm cơm ra, có khi con ngồi xúc ăn một mình để mẹ còn tranh thủ giặt quần áo, thu dọn nhà cửa. Có hôm, công việc ngơi tay cũng đã 22h đêm. Nhìn con gái ngủ ngon lành bên đống đồ chơi, lúc ấy chỉ chực khóc” - chị Ngọc giãi bày. 
Chị Ngọc bên con gái.
Chị Ngọc bên con gái. 
Anh Tĩnh đã có tới 3 cái tết xa nhà. Những lúc rảnh rỗi và nhớ vợ con, anh vẫn thường điện thoại về hỏi thăm hai mẹ con và dặn dò vợ chăm sóc con gái. Một ngày làm việc của chị Ngọc bắt đầu từ 5h sáng. Mua bữa sáng và cho con ăn, đưa bé Bống đến trường cũng là lúc chị lên xe ô tô của công ty ra làm việc tại nhà máy sợi. Khi tan ca buổi chiều, chị chỉ mong về đón con bởi có hôm khi đến nhà trẻ chỉ duy nhất bé Bống vẫn còn tha thẩn chơi trong lớp. Nhìn thấy mẹ, cô bé bẽn lẽn chạy ra nhưng đôi mắt đã rơm rớm vì quá ngóng trông mẹ đến đón. 
Điều vất vả nhất của chị Ngọc đó chính là những hôm nhà máy sợi tăng ca, chị được phân công làm ca đêm 3 hôm liền (từ 22h ngày hôm trước đến 6h sáng hôm sau - PV) là những hôm chị phải đem bé Bống đi gửi nhà người quen để đi làm. 
“Có những hôm hai mẹ con ăn cơm, vừa bón cho con vừa thấy thèm cảm giác đầm ấm gia đình bên mâm cơm sum họp, thế nhưng biết làm sao được, anh ấy còn đi công tác, còn nhiệm vụ được giao, trọng trách nặng nề thì mình càng phải cố gắng để chồng an tâm công tác nơi đảo xa” - chị Ngọc nói.
Nỗi nhớ bố chẳng lúc nào vơi 
Chia tay chị Ngọc, phóng viên tìm về huyện Cam Lâm (cách TP.Nha Trang 35km) để gặp chị Nguyễn Thị Hợi (SN 1971, quê gốc Cẩm Xuyên, Hà Tĩnh, nay trú tại thôn Lam Sơn, xã Cam Thành Bắc), vợ của Đại úy Nguyễn Xuân Vinh (SN 1970, hiện đang công tác tại đảo Nam Yết).
Hai anh chị cùng quê, yêu nhau vì cái nết, mến nhau vì cùng lớn lên, cả hai trở thành vợ chồng từ năm 1997 và có hai bé gái xinh xắn. Đại úy Vinh bắt đầu nhận nhiệm vụ tại đảo Trường Sa Đông năm 2007, đến năm 2011 anh tiếp tục nhận nhiệm vụ tại đảo Sơn Ca. Cuối năm 2014, người sĩ quan hải quân này một lần nữa tiếp tục nhận công tác tại đảo Nam Yết. 
Cháu Nguyễn Thị Khánh Chi (SN 1998, con gái đầu của Đại úy Vinh) chia sẻ: “Cháu vẫn thường xuyên hỏi các chú công tác trong Vùng IV hải quân khi nào có tàu ra thăm đảo để viết thư gửi cho bố. Giờ bố cháu có điện thoại rồi, cháu cài phần mềm Zalo nhắn tin, nói chuyện với bố hàng ngày. Tuy vẫn nhìn thấy bố, nói chuyện với bố nhưng nỗi nhớ bố chẳng lúc nào vơi. Cháu thương mẹ vất vả, nhiều hôm đêm muộn mà còn chưa xong việc để vào ngủ với hai chị em cháu. Cháu cũng thèm cảm giác cả nhà quây quần bên mâm cơm chiều, bố đi lâu rồi chưa về phép nên càng nhớ hơn nữa”. 
Chị Hợi bảo, khi tất cả mọi công việc trong ngày kết thúc, vào màn nhìn hai con say ngủ là lúc chị nhớ chồng nhiều nhất. Nỗi nhớ chồng, yêu thương và niềm tin mãnh liệt vào người đàn ông của cuộc đời như giúp chị có thêm nhiều động lực và cố gắng trong cuộc sống. 
“Các cháu rất ngoan và học giỏi nên tôi cũng an tâm và thường dặn anh cứ yên tâm công tác nơi đảo xa, hoàn thành nhiệm vụ mà Tổ quốc đặt lên vai anh và các đồng đội là giữ vững chủ quyền biển đảo. Lấy chồng là lính hải quân, nếu không chấp nhận hy sinh, thiệt thòi có lẽ không thể nào làm được” - chị Hợi tâm sự.
Ít ai biết được rằng, trong Câu lạc bộ “Phụ nữ hướng về biển đảo” tại huyện Cam Lâm, chị Hợi là một thành viên rất tích cực. Ngoài việc hỗ trợ các chị em khác vươn lên trong cuộc sống, vượt qua những khó khăn trong cuộc sống thường ngày, chị còn chia sẻ những kinh nghiệm khi chồng đi công tác ngoài đảo xa. 

Đọc thêm