Những câu chuyện cảm động từ năm cũ

(PLO) - Ngày cuối năm, bạn gửi cho một bức ảnh từ phương Nam xa xôi, trong ảnh, cậu bé bị bỏ rơi trên xe taxi được về với gia đình. Gương mặt đẫm nước mắt vì ân hận của người mẹ, ánh mắt khắc khoải của ông dượng nuôi cậu bé và cái ôm bịn rịn của nhân viên trung tâm bảo trợ xã hội khiến người xem rơi nước mắt.
Cậu bé bị bỏ rơi trên xe taxi.
Cậu bé bị bỏ rơi trên xe taxi.
Chợt nhớ tới bài thơ gửi con chim sẻ tóc xù, có đoạn “ Nếu cuộc đời này toàn chuyện xấu xa;  Tại sao cây táo lại nở hoa;  Sao rãnh nước trong veo đến thế?”
“Con chim sẻ tóc xù ơi; Bác thợ mộc nói sai rồi” (thơ Lưu Quang Vũ), cuộc sống vẫn còn nhiều lắm những điều tốt đẹp…
Câu chuyện thứ nhất:
Ngô Văn Kỳ, 38 tuổi, quê gốc Long Xuyên, hiện đang sinh sống tại TP Hồ Chí Minh có một tuổi thơ dữ dội khi theo cha mẹ lang thang lên TP.HCM,  sống vạ vật ở vỉa hè. 11 tuổi Kỳ theo đàn anh đường phố học “nghề” trộm cắp, cướp giật, thành tích “nổi bật” là 10 giây đã tháo được một cốp xe máy, 30 giây một bình xăng con, kính xe hơi thì chỉ cần một cái phẩy tay... 12 tuổi Kỳ bị bắt lần đầu vào trường giáo dưỡng. 
3 năm sau, Kỳ trở thành đại ca, đập phá trường học, đánh bạn, đâm bạn, lập băng nhóm, trộm cắp xung quanh các khách sạn. 18 tuổi, Kỳ “sở hữu” thành tích 3 lần đi trại. Sau khi cha mẹ mất, Kỳ đi xin việc không ai nhận, tiếp tục đi cướp giật, nuôi hai đứa em. Vài năm sau, hai đứa em của Kỳ cũng chết do hút chích ma túy. Kỳ có hai đứa con gái, vợ là dân cờ bạc. 
Người đàn ông này đã lê lết khắp nơi mong có một việc làm lương thiện để nuôi con nhưng cánh cửa cuộc đời dường như luôn đóng trước mặt anh. Một ngày, ôm bụng đói meo gặm nhấm sự tuyệt vọng bỗng Kỳ nhớ trong những chương trình thời sự trên tivi mà phần lớn được xem trong trại giam, có những cán bộ của hội chữ thập đỏ thường xuyên mang quà đi thăm tặng người nghèo. Kỳ liền lên xe chạy quanh một vòng, tìm tới trụ sở UBND P.10, Q.Tân Bình. 
Tại đây, Kỳ kể đã gặp được “vị cứu tinh” của đời mình là chị Nguyễn Thị Thanh. Chị Thanh đã  gọi cho Kỳ ly cà phê đá, lắng nghe và trò chuyện với Kỳ như người nhà. Sau đó, chị cho mấy ký gạo, mấy hộp sữa. Người phụ nữ này nói với Kỳ: quyết tâm “gác kiếm” đi, đứng lên, lao động bằng sức của mình mà lo cho con mình thành người. Nếu quyết được vậy thì giúp được gì tôi sẽ cố giúp, dù anh không phải người thuộc địa phương của tôi...”.
Chị Nguyễn Thị Thanh
 Chị Nguyễn Thị Thanh
Người đàn ông giang hồ này đã “rửa tay, gác kiếm” thực sự và gọi phút gặp được chị Thanh là “phút thức tỉnh”, như lời anh chia sẻ với báo giới : “Nếu được người tốt mở lòng giúp đỡ thì người xấu cũng sẽ bớt đi. Từ nay có người đã tin tưởng tôi, tôi sẽ cố gắng sống cho có ý nghĩa, không làm cho người ấy phải thất vọng”.
Câu chuyện thứ hai:
“Nếu có người tốt mở lòng giúp đỡ thì người xấu cũng sẽ bớt đi”. Có một người đàn ông khác, ở cương vị khác và sống cách anh Kỳ hàng ngàn cây số cũng nghĩ như vậy, không phải một giây mà suốt cuộc đời công chức của mình. Ông là “nhân vật” gây sốt mạng xã hội năm 2014, Thượng tá Lê Đức Đoàn, đội CSGT số 1, Hà Nội.
Người cảnh sát già, bình dị này 19 năm miệt mài làm công việc phân luồng giao thông bên cây cầu Chương Dương. Nụ cười hiền hậu và cái vẫy tau kèm lời dặn dò đi đường cẩn thận là “món quà” vô giá ông dành cho những người lưu thông trên đường, những người dưng ông không hề quen biết. Ông đã cứu sống khoảng 40 người có ý định tự tử trên cây cầu Chương Dương. Nhiều lần, ông phải lao theo xuống dòng sông để giành lại sự sống cho một người xa lạ. Nhiều người bị tai nạn giao thông cũng nhờ có ông mà thoát được “lưỡi hái tử thần”. 
Ông lặng lẽ làm việc của mình, không kêu ca, không đòi hỏi, món quà quý giá nhất với ông là dòng người bình yên đi qua cầu mỗi ngày. Trong dòng người ấy, có những người ông từng cứu sống, họ thi thoảng lại dúi cho ông củ khoai, củ sắn, những món quà quê như lời cảm ơn mộc mạc vì có ông, họ còn được sống. 
Thượng tá Lê Đức Đoàn trong ngày làm việc cuối cùng trước khi về hưu.
Thượng tá Lê Đức Đoàn trong ngày làm việc cuối cùng trước khi về hưu.
Cộng đồng mạng đã rơi nước mắt khi biết ông là thương binh hạng ¾ cũng chỉ vì cứu giúp người khác. Năm 2005, khi ông đi công tác trở về ngang qua đoạn đường Sóc Sơn, có một cô gái đi đường bị đám thanh niên gần chục tên có vũ khí cướp giật chiếc túi mang theo bên mình. 
Ông vội vã mở cửa xe nhảy xuống cứu, thì bị chúng lấy thanh sắt đập vào mặt, vỡ xương, gãy mũi. Nằm viện 3 tháng trở về, ông thành thương binh hạng ¾. Nhắc lại chuyện này, ông chỉ thở phào, cũng may cô gái đó không sao.
Câu chuyện về ông và những giây phút cuối cùng ông đứng phân làn xe, kết thúc cuộc đời công chức của mình lay động hàng triệu con tim. Ông đã gửi lại những điều đẹp đẽ và tử tế, nói như một fb nổi tiếng, một nhà báo tại báo Quân đội nhân dân thì “lòng tốt, sự tử tế không thể có được khi ta không cho đi lòng tốt và sự tẻ tế của chính mình. Đừng đòi hỏi những người xung quanh giúp đỡ bạn khi bạn chẳng giúp đỡ, quan tâm tới ai bao giờ. 
Ta cho qua những chuyện thường gặp trên đường, cho rằng đó là chuyện của ai đó, không liên quan tới mình. Để rồi, khi mình gặp khó khăn, hoạn nạn thì lại kêu ca, phàn nàn rằng xã hội bây giờ thiếu đi sự tử tế, thiếu đi lòng tốt. Ta ích kỷ trước người tốt, ta sợ hãi trước kẻ xấu, ta lừa dối trước chính bản thân mình. Vậy nên, cuối cùng, ai kia mất cái ví tiền, nhưng ta mất đi nhân tính”.
Câu chuyện thứ ba:
“Sự tử tế vẫn còn nguyên đấy thôi. Hãy học làm người tử tế trước khi mong muốn trở thành người có quyền hành, giỏi giang, siêu phàm”, chủ facebook có tên Giang Mèo ở trên đã kết thúc bài viết của mình trên facebook như thế. Ngoài đời, bạn trẻ này cùng các đồng nghiệp, bạn bè đã đồng hành tổ chức nhiều chương trình từ thiện có ý nghĩa. 
13 phòng học, phòng bán trú, 1 trạm y tế quân dân y trị giá  hơn 1,2 tỷ đồng đã được xây dựng, hoàn thành và bàn giao đưa vào sử dụng. Gần 1000 áo ấm cho học sinh nghèo, hơn 50 suất học bổng nâng bước em đến trường và hơn 100 triệu đồng tiền mặt cũng được bạn trẻ này quyên góp, giúp đỡ cho người nghèo. 
Trò chuyện với Giang, cậu chỉ nói đơn giản rằng khi cậu trưởng thành, mẹ cậu, một nhà báo nổi tiếng chỉ dặn dò một câu: hãy thành người tử tế trước khi thành “ông nọ, bà kia”, và cậu đã sống như thế, trả nợ cuộc đời theo cách của mình, luôn hướng tới mục tiêu dành “nhiều sự tử tế” hơn nữa cho cuộc đời.
Anh Giang trong một chuyến từ thiện.
Anh Giang trong một chuyến từ thiện. 
Những người như Giang không “hiếm có, khó tìm” trong cuộc đời này. Họ có thể là một nhà báo nổi tiếng (ông Trần Đăng Tuấn với quỹ từ thiện Cơm có thịt), một doanh nhân thầm lặng xây hết công trình này tới công trình khác cho người nghèo khắp nơi nhưng cũng có thể chỉ là một anh lái taxi bình thường, vật vã mưu sinh giữa thành phố ồn ào, tấp nập.
Đêm đó, anh tài xết Hồ Minh Thuận chở người phụ nữ bế theo bé trai tại khu Trung Sơn, quận 7 sang quận 8. Ngỡ được “cuốc xe” lớn, nào ngờ anh nhận được “tiền công” cho mấy giờ đồng hồ chạy lòng vòng là một đứa trẻ đẹp như thiên thần. Ôm đứa trẻ suốt 1 giờ đồng hồ chờ mẹ nó đi mượn tiền trả tiền xe không thấy quay lại, anh đã đưa cháu bé đến trụ sở Công an phường 1, quận 8, trình báo.
Một đứa trẻ bị bỏ rơi chẳng phải chuyện lạ ở thành phố này, nhưng hình ảnh một đứa trẻ đang độ tuổi bi bô bỗng dưng bị chính mẹ đẻ vứt bỏ đã lay động trái tim hàng triệu người. Người ta kéo tới trụ sở UBND phường 1 Q.8 (TP.HCM) nựng nịu  đứa bé tbị bỏ rơi như để bù đắp tình thương cho em. Cộng đồng mạng chia sẻ tin tức, cầu mong cho mẹ em tỉnh ngộ quay về nhận em. Tin tức về em được cập nhật mỗi ngày trên những tờ báo lớn nhất đất nước.
Và rồi, những ngày cuối năm, hình ảnh em được đón về trong vòng tay gia đình đã làm vỡ òa cảm xúc cộng đồng. Biết bao người nhìn em vui cười trong vòng tay của mẹ, của bà, của ông dượng nuôi mà rớt nước mắt.
Câu chuyện thứ 4:
Cũng một chuyện đong đầy nước mắt về cậu bé “con của trời”, Nguyễn Quốc Huy. Cậu bé văng ra khỏi bụng mẹ đã sống sót thần kỳ, như một phép màu của cuộc sống, cho dù phải cắt bỏ một chân. Thương xót cậu bé vừa chào đời đã mất mẹ, cha cũng thập tử nhất sinh, cộng đồng và các nhà hảo tâm đã đến bên em. Mỗi ngày nằm viện Huy có tới 18 bác sĩ và nhân viên y tế cận kề chăm sóc. 
"Thương lắm. Xót xa lắm. Mình cũng làm mẹ, nhìn cảnh bé chép miệng đòi bú mà không cầm được nước mắt. Không cần ai dặn dò, chúng tôi vẫn xem bé như người thân của mình. Nhìn thấy nó bú được, đi tiểu đi tiêu được, cực nhọc bao nhiêu cũng quên hết", nữ hộ lý Trần Thị Xuân Thu chia sẻ trên VNE.
Cũng như cậu bé bị bỏ rơi trên xe taxi, thông tin về Nguyễn Quốc Huy được báo chí cập nhật từng ngày. Các nhà hảo tâm đã giúp cha con cháu bé 2,9 tỷ đồng. "Tôi rất trân trọng mọi sự giúp đỡ của mọi người và cam kết không bao giờ sử dụng hoang phí những đồng tiền hỗ trợ của bà con gần xa. Gia đình cũng đã xin bãi nại cho người tài xế gây tai nạn”, bố cháu bé chia sẻ, không quên chuyển lời cảm ơn chân thành nhất đối với tất cả ân nhân gần xa và các y bác sĩ đã giúp đỡ gia đình mình trong cơn khốn khó.
Bé Nguyễn Quốc Huy
Bé Nguyễn Quốc Huy 
“Bác thợ mộc đã sai”, đã sai thật rồi. Cuộc sống không chỉ toàn những chuyện xấu xa, xã hội không phải đã hoàn toàn vô cảm. “Cây táo vẫn nở hoa, rãnh nước vẫn trong veo” và “Lũ trẻ lên gác thượng. Thổi bay cao bao bong bóng xà phòng”.
Hãy tin rằng những điều tốt đẹp trên đời này vẫn còn, dành cho những ai xứng với nó. 

Đọc thêm