Những câu chuyện huyễn hoặc về ngôi miếu thiêng

(PLO) -Nhắc đến Nghi Sơn (xã Quế Hiệp, huyện Quế Sơn, Quảng Nam) người dân sẽ nghĩ ngay đến một làng Nam Bộ trong lòng xứ Quảng. Nhưng ít ai biết được, nơi đây vẫn còn một khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý tồn tại hơn 400 năm qua. 6 tộc họ ở làng Nghi Sơn đã thay phiên nhau canh giữ khu rừng chỉ bằng một yếu tố tâm linh truyền tụng từ ngàn xưa…
Đình làng nơi ra thờ rừng Miếu Cấm và tiến hành nghi lễ cúng khai sơn mỗi năm.
Đình làng nơi ra thờ rừng Miếu Cấm và tiến hành nghi lễ cúng khai sơn mỗi năm.

Kỳ bí ngôi làng bao quanh khu rừng Miếu Cấm

Làng Nghi Sơn nằm phía trước mặt của dãy núi Hòn Tàu cao chót vót, bốn mùa mây phủ. Theo lịch sử ghi lại, những người dân sinh sống ở đây có gốc gác con dân làng Nghi Sơn (Thanh Hóa). Nhiều thế kỷ trước, họ theo chân các vị vua Nam tiến, khi đến vùng đất này đã hạ trại, lập làng rồi lấy tên làng cũ Nghi Sơn đặt cho vùng đất mới.

Có một điều đặc biệt mà bất kỳ ai đến làng Nghi Sơn đều cảm nhận được, phát âm của người dân rất khác biệt so với người xứ Quảng, cũng không phải chất giọng xứ Thanh. Người trong làng đều nói giọng Nam Bộ đặc sệt. 

Ngoài ra, nơi đây cũng có những loại trái cây chỉ có thể trồng ở trong Nam như chôm chôm, sầu riêng… Anh Đinh Hữu Hoàng, trưởng thôn Nghi Sơn cho biết, “Dù nhiều thôn, nhiều làng cùng nằm trong một xã nhưng chỉ có ở Nghi Sơn nói giọng và trồng được các loại cây như vậy thôi. Đi ra ngoài, cất tiếng lên, mọi người nhận biết liền. Chắc có lẽ do nguồn uống mà tạo nên”.

Theo anh Hoàng, làng có hơn 130 ngôi nhà với 6 tộc họ, mọc theo hình vòng cung dựa lưng vào khu rừng Miếu Cấm, mặt hướng ra ruộng bậc thang trước mặt. Con đường bê tông độc đạo vào làng cũng vì thế mà chạy quanh khu rừng già.

Cũng lời anh Hoàng, khu rừng Miếu Cấm là khu rừng nguyên sinh với hàng trăm cây gỗ quý từ lâu đã trở thành “thành trì tâm linh” của ngôi làng suốt hơn 400. Sở dĩ nó có tên như vậy vì trong rừng có xây một ngôi miếu, tương truyền vô cùng linh thiêng. Cho đến nay, con cháu trong làng vẫn được cha ông kể lại cho nghe những câu chuyện rất ly kỳ, nhuốm màu huyễn hoặc. 

Thời chiến tranh có tiểu đoàn biệt động quân ngụy vào phóng hỏa đốt rừng. Đang nắng như nung, bỗng dưng trời sấm chớp, mưa gió vần vũ, mưa lớn dập tắt đám cháy ngay. Đám quân ngụy sợ quá bỏ chạy khỏi rừng. Ra đến ngoài, lại thấy trời vẫn nắng chang chang. Hoảng sợ, từ đó bọn lính không dám bén mảng vào rừng Miếu Cấm nữa. Rồi đến câu chuyện, vài năm về trước có một đoàn cải lương đến làng biểu diễn.

Lúc đó, làng vẫn chưa có điện. Đoàn cải lương phải dùng máy phát điện được đặt trên ngôi đình thờ Miếu Cấm, nhưng quay thế nào máy cũng không nổ. Một người mang chiếc máy khác tới, nhưng cả diễn viên đến cán bộ xã xúm lại giật dây, nó cũng không thèm hoạt động.

Một cụ già trong làng thấy vậy mới lên tiếng bảo đưa ra khỏi đình, đặt chỗ khác sẽ nổ ngay. Mọi người nghe lời, mang ra phía trước, chỉ giật nhẹ máy đã nổ giòn, từ đấy dân làng càng kinh sợ.

Bà Mùi kể về những chuyện ly kỳ quanh rừng Miếu Cấm
Bà Mùi kể về những chuyện ly kỳ quanh rừng Miếu Cấm

 Còn về sau này, khi thi công đường dây điện trung thế đi qua làng, công nhân thi công vì cần cây làm trụ điện nhưng không biết miếu linh thiêng nên không xin phép thần rừng, tự tiện chặt hạ một cây chò lớn. Đám thợ dù loay hoay thế nào vẫn không thể nào chở cây được ra khỏi rừng. Năm lần bảy lượt như vậy, đám thợ mới khiếp sợ bỏ luôn cả xe, cả cây. Đến khi các bô lão trong làng bày lễ vào miếu xin, công việc với trôi chảy.

Đặc biệt, bất cứ người nào vào rừng chặt cây mang bán đều sẽ bị “thần rừng” cho một trận đau ốm, hay năm đó sẽ gặp một họa, thậm chí dẫn đến thiệt thân. Đã có không ít người dân bên ngoài làng Nghi Sơn vào rừng đốn củi, về nhà ngay lập tức mặt mày sưng phù, điên loạn. Sau đó, họ phải làm lễ, vào miếu khấn nguyện, xin “thần rừng” tha thứ mới tai qua nạn khỏi. 

Theo lời bà giáo làng Đinh Thị Mùi (75 tuổi), con cháu ở làng ai cũng nằm lòng những câu chuyện trên và tuyệt nhiên không dám vi phạm. Bà giáo Mùi cho biết, từ thời còn trẻ, bà cũng rất tò mò về điều này nên thường gặp các bậc cao niên để tìm hiểu.

Bà được kể lại rằng, dãy núi Hòn Tàu cũng là một chốn rất linh thiên. Ngày xưa khi nghĩa quân bị giặc truy đuổi đến đây, trong bước đường cùng, một vị tướng lĩnh mới cúi đầu khấn vái, cầu xin thần núi chở che. Ngay lúc đó, bất ngờ trong lòng núi tạo thành 1 đường hầm thông qua bên kia để nghĩa quân thoát chạy. Cho đến bây giờ, dấu tích này vẫn còn lưu lại. 

Điều đáng nói, sau sự kiến tạo kỳ lạ của thiên nhiên, trên đỉnh núi cũng mọc lên một phiến đá sừng sững. Điều tối kỵ, hễ để phiến đá nhìn xuống làng (nghĩa là người dân không được nhìn thấy-PV), sẽ gây họa, mùa màng thất bát, dịch bệnh… Cũng chính vì vậy, tổ tiên làng Nghi Sơn mới trồng, gìn giữ cho cây xanh vươn cao phủ kín rừng Miếu Cấm để che khuất tầm quan sát mỗi khi hướng lên đỉnh Hòn Tàu.

400 giữ rừng chỉ bằng những câu chuyện tâm linh

Thế nhưng, những câu chuyện huyễn hoặc về làng và trong khu rừng Miếu Cấm vẫn chưa dừng lại. Đến năm 2001, làng làm nhà thờ rồi bày biện nghi lễ rước miếu trong rừng ra thờ và cúng khai sơn.

Nhưng khi vừa đốt nhang lên, bỗng có con bướm to bằng bàn tay cứ bay quanh mâm cúng, rồi đậu xuống giữa đĩa trầu cau. Dân làng cho rằng, tổ tiên ông bà khai hoang vùng đất và cả thần rừng đều đang dự nên hốt hoảng cùng chủ lễ xì xụp bái. 

Lúc sau, con bướm mới bay vào trong miếu. Từ đó, cứ ra tết âm lịch một tuần, dân trong làng lại lấy ngày này, tụ tập trước cổng đình để cúng bái. Bất kể con cháu đang làm ăn, sinh sống ở đâu cũng tìm cách về dự để cùng góp của, góp công. Theo các cao niên trong làng, lễ hội khai sơn mỗi năm tổ chức một lần, ngoài ra còn có lễ rước vong, 3 năm diễn ra một lần.

Đường vào làng Nghi Sơn
 Đường vào làng Nghi Sơn

Điều đáng nói, theo bà giáo Mùi, rừng Miếu Cấm tuy mang yếu tố tâm linh, nhưng chứa đựng điều tích cực. Những lời kể, lời đồn thực tế vẫn chưa ai khẳng định được điều gì, nhưng nhờ đó mà việc giữ được rừng thiêng trở thành sự ngưỡng vọng đang lan truyền qua nhiều thế hệ con cháu Nghi Sơn.

Trong khi rừng núi ở các nơi đang bị tàn phá, thì rừng Miếu Cấm vẫn nguyên vẹn, đảm luôn chức năng phòng hộ, bảo vệ nguồn nước cho làng. Bà giáo này kể, cách đây khoảng 10 năm, bọn lâm tặc các nơi “đánh hơi” mùi gỗ quý. Lợi dụng thời điểm nửa đêm, trời mưa gió chúng mang cưa, xe vào rừng chặt hạ.

Sáng ra chứng kiến, dân làng ai cũng xót xa trước những cây gỗ to, trơ gốc đang tứa nhựa. Từ đó, ngoài lan truyền các câu chuyện nhuốm màu kỳ bí, dân làng còn họp nhau lại cùng bàn cách bảo vệ khu rừng quý giá của làng. 

Cuối cùng, các cao niên thống nhất lập ra đội bảo vệ rừng, chia thành nhiều nhóm, thay phiên nhau canh gác. Và cũng chính thời gian này, một hương ước làng cũng được đưa ra, với những nội dung quy định cụ thể: “Con cháu Nghi Sơn, bất cứ ai cũng phải có trách nhiệm bảo vệ rừng, không được để người khác xâm phạm nơi linh thiêng Miếu Cấm.

Rừng do tổ tiên, cha ông trồng nên, rừng đã che chở cho làng hơn 400 năm, nên phải xem nó như linh hồn của làng. Rừng giữ làng, làng phải giữ rừng. Cấm cư dân trong làng và các nơi vào rừng chặt củi làm than, chặt cây bán… Nếu vi phạm sẽ bị xử phạt, nhẹ bị đánh đòn roi, nghiêm trọng đuổi khỏi làng, cắt tên khỏi gia phả…”

 Cùng với bản hương ước đang lưu giữ, bà giáo Mùi và một số cao niên khác còn đang tích cực sưu tầm lại hết những huyền thoại về khu rừng Miếu Cấm, cũng như tích xưa làng Nghi Sơn, với hi vọng có thể ra đời một cuốn sử làng để truyền lại cho con cháu về những đức tính cao đẹp của tiền nhân trong việc bảo vệ rừng.

Đọc thêm