Những chiến binh áo trắng ngược dòng vào tâm dịch

(PLVN) - Khi những khu cách ly, những vùng “nóng” tâm điểm dịch bệnh là nơi không ai muốn đến, chỉ có họ, những “thiên thần áo trắng” đã xung phong lội ngược dòng, không ngại gian nguy để đương đầu bệnh tật, hỗ trợ đồng đội, cứu giúp bệnh nhân.
Bức ảnh các “chiến binh áo trắng” chuẩn bị đến vùng tâm điểm dịch được đông đảo người dân chia sẻ và bày tỏ niềm cảm phục
Bức ảnh các “chiến binh áo trắng” chuẩn bị đến vùng tâm điểm dịch được đông đảo người dân chia sẻ và bày tỏ niềm cảm phục

Những “tình nguyện viên” đặc biệt

Những ngày gần đây, Đà Nẵng liên tục tiếp nhận những đoàn chuyên gia y tế với chuyên môn “đỉnh” nhất trong các lĩnh vực. Họ đến từ các bệnh viện cũng hàng đầu cả nước, như Chợ Rẫy, Bạch Mai, Đại học Y dược TP HCM… 

Từ ngày 24/7, đoàn chuyên gia y tế từ BV Chợ Rẫy đã có mặt gần như sớm nhất tại Đà Nẵng, ngay sau khi công bố những bệnh nhân Covid-19 đầu tiên. Đó là đoàn của của bác sĩ Trần Thanh Linh, Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực Bệnh viện Chợ Rẫy, người đã điều trị cho bệnh nhân 91 phi công người Anh cùng hai đồng đội nữa.

Ngày 27/7, BS Nguyễn Quang Tuấn, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai cùng đoàn y bác sĩ đầu ngành công tác tại BV như PGS.TS Đào Xuân Cơ - Trưởng khoa Hồi sức tích cực, PGS.TS Đỗ Duy Cường - Giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Thạc sĩ Ngô Gia Khánh - Trưởng khoa Phẫu thuật lồng ngực, Thạc sĩ Phạm Thế Thạch - Phó Trưởng khoa Hồi sức tích cực cũng đã có mặt để “tiếp sức” cho Đà Nẵng. Ngày 28/7, Nhóm hỗ trợ kỹ thuật từ Bệnh viện Bạch Mai và tổ điều trị đã đi khảo sát tại Trung tâm Y tế Hòa Vang nhằm xác định cơ sở cách ly, điều trị cho bệnh nhân Covid-19. 

Các bác sĩ Bệnh viện Bạch Mai và Bệnh viện Chợ Rẫy đã tích cực hỗ trợ cho Bệnh viện Đà Nẵng về công tác phân luồng bệnh nhân, cách ly, giám sát nhiễm khuẩn, hồi sức tích cực cho các bệnh nhân nặng.

Đồng thời, dưới sự tư vấn và giúp đỡ về chuyên môn của Bệnh viện Bạch Mai, Đà Nẵng đang xây dựng Bệnh viện Phổi thành cơ sở điều trị dành riêng cho bệnh nhân mắc Covid-19 nhằm giảm tải cho các cơ sở y tế hiện đang bị cách ly bởi mật độ bệnh nhân quá đông và không bảo đảm thoáng khí do thiết kế kín dễ lây lan dịch. 

Rạng sáng ngày 01/8, Đoàn y bác sĩ của BV Đại học Y dược TP HCM đã lên đường “tiếp lửa” cho miền Trung. Đây là đội cơ động phản ứng nhanh đầu tiên của BV Đại học Y dược TP HCM đến Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam để cùng góp sức với đội ngũ nhân viên y tế tại đây trong cuộc chiến chống đại dịch Covid-19. Đội phản ứng gồm hai nữ bác sĩ là ThS BS. Bùi Thị Hạnh Duyên – Trưởng khoa Hồi sức tích cực và BS. Nguyễn Thị Xuân Đào – Khoa Kiểm soát nhiễm khuẩn.

BS trẻ Nguyễn Thị Xuân Đào chia sẻ: “Trước tình hình dịch bệnh đang diễn biến phức tạp, mình đã chuẩn bị sẵn sàng để lên đường hỗ trợ cho các bệnh viện địa phương đang thiếu thốn nhiều về mặt nhân sự, dù không tránh khỏi những bỡ ngỡ, lo lắng nhưng mình sẽ cố gắng hết sức cùng các đồng nghiệp và người dân nơi đây đẩy lùi dịch bệnh”. 

Đến tiền tuyến “chiến đấu”, các bác sĩ quả cảm còn đem theo rất nhiều “vũ khí” ứng cứu, gồm khẩu trang y tế, đồ bảo hộ và các loại sát khuẩn, rửa tay…

Rất nhiều đồng nghiệp của họ, những người chưa có mặt trong chuyến đi, đã bày tỏ sự xúc động, quý mến và tự hào bên dưới dòng bản tin của BV Đại học Y dược TP HCM: “Xin cảm ơn các BS đồng nghiệp thân thương! Chúc mọi người bình an và quyết thắng đại dịch và sớm trở về nhà của chúng ta”. “Rất tự hào vì các bạn. Duyên ơi, Đào ơi hãy cố lên, thật khỏe mạnh, thật bình an, toàn thể mọi người ở BV Đại học Y dược TP HCM luôn sát cánh bên các bạn”…

Trong lá mail gửi tạm biệt các bác sĩ đội cơ động, bác sĩ Nguyễn Hoàng Bắc, Giám đốc BV Y dược TP HCM đã chia sẻ cảm xúc “rơm rớm nước mắt” vì thương và tự hào đối với các đồng nghiệp trẻ của mình.

Các bác sĩ trong đội cơ động của BV Đại học Y dược TP HCM lên đường đến Quảng Nam tiếp ứng
Các bác sĩ trong đội cơ động của BV Đại học Y dược TP HCM lên đường đến Quảng Nam tiếp ứng 

Ngưỡng mộ và biết ơn

Cho đến nay, BV Chợ Rẫy đã chi viện tất cả 4 đội phản ứng nhanh với 11 nhân viên y tế ra tâm dịch Đà Nẵng và hỗ trợ Quảng Nam. Có lẽ, đó chưa phải là con số cuối cùng. Trong khi đó, Chợ Rẫy luôn được xem là một trong những BV có lượng việc nhiều, lượng bệnh nhân khám chữa đông nhất nước. Đội mới đây nhất, đội số 4 gồm có 3 nhân sự chuyên về vi sinh, sinh hóa và huyết học. Các bác sĩ tâm niệm, sẽ đi đến khi nào dịch được kiểm soát tại Đà Nẵng mới về. 

Cạnh đó, nhiều bệnh viện khác trong cả nước cũng đã và đang cử các đoàn hỗ trợ cho các bệnh viện miền Trung. Như Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới TP HCM tăng cường lực lượng hỗ trợ đào tạo và trực tiếp tham gia điều trị người bệnh Covid-19 tại Bệnh viện Đa khoa Trung ương Quảng Nam.

Bộ Y tế cũng đã điều động 10 y bác sĩ của Bệnh viện ĐH Y Hà Nội và trước mắt 2 chuyên gia về cấp cứu và hồi sức tích cực của Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới trung ương vào Đà Nẵng, Quảng Nam và Huế để hỗ trợ điều trị cho các bệnh nhân nhiễm Covid-19… 

Từng đoàn, từng đoàn y bác sĩ cả nước không ngại gian khó lên đường về tiếp sức cho khúc ruột miền Trung. Ai cũng biết, đã ra đi là đối mặt với hiểm nguy, với bệnh tật và gian khổ. Nhiều bác sĩ chia sẻ rằng, họ hiểu đây là chuyến đi “chưa biết ngày về”.

Bởi, không như những chuyến công tác thông thường, đến tâm dịch, hàng ngày tiếp xúc, chữa trị cho bệnh nhân là đối mặt với nguy cơ lây lan dịch bệnh bất cứ lúc nào. Là làm việc với cường độ cao, là áp lực cả về tâm lý lẫn thể chất. Và đã đi là đến khi nào được điều về, hay khi nào dịch bệnh được khống chế, thì mới trở về. Gian nan và không biết ngày về là như thế.

Ở đợt bùng phát dịch tại Việt Nam, cũng chính những “thiên thần áo trắng” là những người vất vả, xông pha hiểm nguy nhiều nhất. Trước đó, từ khi dịch bùng phát ở nhiều tỉnh thành nước ta, các đội phản ứng nhanh của Bệnh viện Chợ Rẫy đã có 8 lần xuất quân tới các điểm nóng ở Bình Thuận, Ninh Thuận, Tây Ninh, Bạc Liêu, Vũng Tàu.

Rồi từng đoàn, từng đoàn y bác sĩ trong đội “Cảm tử” sang các nước phương Tây giữa lúc dịch bệnh tại các nước này đang cao điểm, để đón đồng bào, kiều bào về nước. Lần này, khi đồng bào Việt Nam tại Guinea Xích đạo lên tiếng kêu cứu, cả một đội bay, trong đó có đoàn công tác BV Bệnh Nhiệt đới Trung ương gồm 4 nhân viên y tế, (trong đó có 2 bác sĩ, 2 điều dưỡng) mang theo trang thiết bị, máy móc, thuốc và phương tiện cấp cứu… đã lên đường đi đón 219 công dân Việt Nam từ Guinea Xích đạo về nước. Trong những người được đón về nước, có 120 người đã được xác định mắc Covid-19. Số còn lại, chưa biết thế nào. Nhưng, những y, bác sĩ vẫn đi, vì nghĩa đồng bào, và vì trách nhiệm của những người đã tuyên thệ lời thề thiêng liêng Hippocrates. 

Cũng những ngày này, người dân cả nước chia sẻ tấm lòng của mình đối với y, bác sĩ trên cả nước, và đặc biệt bày tỏ sự cảm phục, xúc động đối với các bác sĩ trong đội cơ động ra miền Trung chống dịch, ra nước ngoài “cứu” công dân Việt. Tấm ảnh đoàn bác sĩ với trang bị trang phục bảo hộ, bước đi hiên ngang, khí thế chuẩn bị tiếp ứng cho miền Trung được chia sẻ rộng rãi trên mạng xã hội. Bức ảnh ấy, nhiều người dùng photo shop đã ghép thành hình ảnh các “chiến sĩ áo trắng” bước về phía cầu Rồng, tượng trưng cho Đà Nẵng, và xa xa là mặt trời bình minh đang tỏa sáng. Nhiều người gọi hình ảnh đẹp ấy là “tỏa sáng tinh thần quả cảm Việt Nam”.

Trên mạng xã hội, biết bao lời chúc lành, lời cảm phục, mến thương dành cho các chiến binh áo trắng. “Bác sĩ , điều dưỡng là những chiến binh trong cuộc chiến chống dịch! Chúc các bạn hoàn thành tốt nhiệm vụ cao cả của mình”. “Cám ơn các anh hùng thời bình”. “Chân thành gửi đến những người chiến sĩ áo trắng dũng cảm và nhân hậu lòng biết ơn cùng lời chúc chiến thắng! Mong các bạn giữ gìn sức khoẻ tốt và bình an. Các bạn là niềm tự hào của ngành Y Việt Nam và đồng bào cả nước”…

Nói làm sao hết, lòng cảm phục của người dân dành cho các y, bác sĩ, cho ngành y tế. Người ta bảo, càng trong gian khó càng hiểu lòng nhau. Đại dịch gây bao đau thương, bao mất mát. Nhưng ít nhất, đại dịch cũng đã đem đến sự gắn kết và niềm tin, đã giúp cho người dân hiểu rõ hơn bao giờ hết sự vất vả, hy sinh và sự cao quý của nghề y, của những “thiên thần áo trắng”. Và có hiểu, thì mới có thương.

Đọc thêm