Những đại gia đình lý tưởng của Việt Nam

(PLO) -Trong lịch sử hiện đại của nước ta, có rất nhiều mẫu hình đại gia đình lý tưởng được nhiều người ngưỡng mộ. Đó có thể là những đại gia đình có truyền thống yêu nước, những đại gia đình có truyền thống học hành hay cũng có thể là những đại gia đình có truyền thống nghệ thuật, những đại gia đình có truyền thống kinh doanh…
7 người con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân
7 người con trai của cố Giáo sư Nguyễn Lân

Yêu nước nồng nàn

Đại gia đình có truyền thống yêu nước đầu tiên phải kể đến chính là gia đình Chủ tịch Hồ Chí Minh vĩ đại – vị Cha già kính yêu của dân tộc Việt Nam. Bác Hồ sinh ra và lớn lên trong một gia đình nhà Nho yêu nước.

Ông bà nội của Bác là Nguyễn Sinh Nhậm và Hà Thị Hy, còn ông bà ngoại là Hoàng Xuân Đường và Nguyễn Thị Kép. Thân sinh Bác Hồ là cụ Phó bảng Nguyễn Sinh Sắc và cụ bà Hoàng Thị Loan.

Các anh chị em của Bác Hồ đều là những người con ưu tú của đất nước. Chị cả Nguyễn Thị Thanh hoạt động tích cực chống Pháp dưới ngọn cờ yêu nước của chí sĩ Phan Bội Châu.

Năm 1918, bà Nguyễn Thị Thanh phối hợp với Nguyễn Kiên tổ chức lấy trộm súng trong doanh trại lính khố xanh đóng tại thành phố Vinh. Bị phát giác nên bà Nguyễn Thị Thanh bị bắt và nhốt vào nhà tù tra tấn dã man… Anh trai Nguyễn Sinh Khiêm, thời thanh niên đã tham gia các hoạt động yêu nước chống thực dân và phong kiến nên từng bị tù đày nhiều năm. 

Gia đình đại tướng Võ Nguyên Giáp cũng rạng danh với truyền thống tốt đẹp này. Ông ngoại Võ Nguyên Giáp từng tham gia phong trào Văn Thân – Cần Vương, làm đến chức Đề đốc coi đại đồn tiền vệ, sau bị quân Pháp bắt, tra tấn dã man, nhưng một mực trung thành, không một lời khai báo.

Ông nội ông cũng từng tham gia phò tá vua Hàm Nghi trong phong trào Văn Thân – Cần Vương. Cha ông, Võ Quang Nghiêm, là một nho sinh đầy chí khí, bị Pháp bắt, đưa về giam ở Huế khi chiến tranh Đông Dương bùng nổ và mất trong tù.

Đại tướng kết hôn lần đầu với bà Nguyễn Thị Quang Thái vào năm 1933. Bà Thái là em gái nhà yêu nước Nguyễn Thị Minh Khai - vợ của Lê Hồng Phong, Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam (sau Trần Phú) năm 1943. Bà Quang Thái bị Pháp bắt giam ở Hỏa Lò và hy sinh ở đó, được biết đến như một hình tượng người phụ nữ mẫu mực, kiên trung, yêu nước. 

Năm 1946, đại tướng tái hôn với giáo sư Đặng Bích Hà, con gái của giáo sư Đặng Thai Mai. Ông bà có 4 người con, 2 gái và 2 trai, tất cả đều giỏi giang và thành đạt. Tướng Giáp luôn đặt tên con cháu theo ước vọng về đất nước.

Người con trai Võ Điện Biên được lấy tên theo sự kiện lịch sử 1954. Hai con gái Võ Hòa Bình, Võ Hạnh Phúc thể hiện mơ ước về ngày hạnh phúc của đất nước. Người con út Võ Hồng Nam là niềm mong ước một miền Nam rực cờ hồng.

Gia đình hạnh phúc của cố nhạc sĩ Thuận Yến
Gia đình hạnh phúc của cố nhạc sĩ Thuận Yến

Học hành vinh hiển

Hiếm gia đình nào có đến 8 người con đều là giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ như gia đình cố giáo sư - nhà giáo nhân dân Nguyễn Lân. Người đi trước dìu dắt người đi sau, họ đã xây đắp nên hình mẫu một đại gia đình hiếu học, tài hoa, chuẩn mực.

Dù theo đuổi những chuyên ngành khác nhau nhưng cả 8 người con - 7 trai, 1 gái - của cố giáo sư Nguyễn Lân đều chọn nghề làm thầy cao quý, đó là thầy giáo và thầy thuốc.

Không chỉ 8 người con ruột mới là những giáo sư, phó giáo sư, tiến sĩ mà nhiều con rể, con dâu cũng là những trí thức có uy tín. Vợ của Giáo sư - Tiến sĩ - Nhạc sĩ Nguyễn Lân Tuất là Phó giáo sư - nghệ sĩ công huân Liên bang Nga Svetlana Kurbetova.

Chồng của Tiến sĩ Nguyễn Tề Chỉnh (đã mất vào năm 1992 vì tai nạn giao thông) là giáo sư Bùi Thế Kỳ, sinh thời là chuyên gia đầu ngành về tim mạch ở Bệnh viện Hữu nghị Việt - Xô...

Truyền thống hiếu học của gia đình “bén rễ” sang thế hệ thứ ba. Tiến sĩ Nguyễn Lân Hiếu, con trai của Giáo sư Nguyễn Lân Dũng, là chuyên gia tim mạch có tên tuổi. Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng Sơn (con trai của Giáo sư - Tiến sĩ Nguyễn Lân Hùng) là một nhà điểu học có triển vọng...

Kinh tế cường thịnh

Tập đoàn DOJI có thể được xem là công ty gia đình có truyền thống kinh doanh lâu đời nhất hiện nay tại Việt Nam. Thế hệ thứ nhất của tập đoàn gia đình là cụ Đỗ Thế Sử (sinh năm 1923), vốn là Tổng Biên tập Báo Sơn Tây những năm 1955-1958 nhưng hoàn cảnh gia đình đông con cùng với niềm đam mê kinh doanh khiến cụ nghỉ chức Tổng Biên tập ra thành lập hợp tác xã Tiến Hưng.

Cụ Đỗ Thế Sử có 11 người con là giáo sư, tiến sĩ, thầy thuốc nhân dân, doanh nhân nổi tiếng. Trong đó, người con thứ 3 của cụ Sử là Đỗ Minh Phú, là người làm rạng danh nghiệp kinh doanh của gia đình nhất với việc thành lập Tập đoàn vàng bạc đá quý DOJI chuyên kinh doanh trang sức.

Kế thừa sự nghiệp kinh doanh của gia đình là hai con ông Phú - Đỗ Vũ Phương Anh và Đỗ Minh Đức. Cả hai đều tốt nghiệp đại học và có bằng thạc sỹ nước ngoài về quản trị kinh doanh và marketing.

Ngoài ra, có nhiều công ty gia đình Việt Nam khác đóng góp lớn vào sự thay đổi bộ mặt kinh tế Việt Nam khi cùng những thành phần kinh tế ngoài quốc doanh tạo ra gần 50% GDP cả nước. Cùng với đó, những thương hiệu gia đình danh tiếng của Việt Nam như Minh Long, Thép Việt-Pomina, Kinh Đô, Biti’s,… ra đời và ghi dấu ấn với người tiêu dùng trong nước và thế giới. 

Ông Đỗ Thế Sử và con cháu
Ông Đỗ Thế Sử và con cháu

Đam mê nghệ thuật

Đại gia đình của cố nhạc sĩ Thuận Yến có lẽ là một trong những gia đình nghệ thuật hạnh phúc và thành công bậc nhất showbiz hiện nay. Ông là một đại thụ của làng âm nhạc Việt Nam, vợ là NSƯT Thanh Hương từng là một mỹ nhân đánh đàn dân tộc nổi tiếng.

Thanh Lam tất nhiên là người con thành công nhất của gia đình, nhờ một phần vào những tác phẩm để đời của bố. Con trai Đăng Quang của Thanh Lam lọt top 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu năm 2013 với tài năng piano vượt trội. Người con trai duy nhất của cố nhạc sĩ là DJ/nhạc sĩ Trí Minh cũng thành công với sự nghiệp và có một gia đình hạnh phúc bên người vợ Tây.

Tương tự, các gia đình của ca sĩ Trần Thu Hà, ca sĩ Anna Trương, ca sĩ Khánh Linh đều là những ví dụ điển hình cho truyền thống “cha truyền con nối” trong lĩnh vực nghệ thuật. 

Nữ diễn viên duy nhất trong lịch sử được phong NSND trước tuổi - Lê Khanh cũng có gia thế nghệ thuật khiến nhiều người ganh tỵ. Ông ngoại của Lê Khanh là nhà thơ, nhà giáo Lê Đại Thanh, còn bà ngoại là nữ nghệ sĩ không chuyên Đinh Ngọc Anh đã thành công ở lĩnh vực sân khấu Hải Phòng.

Bố mẹ của cô là nghệ sĩ kịch nói Trần Tiến và Lê Mai. Hai người chị em của Lê Khanh cũng là những nghệ sĩ nổi tiếng không kém là NSƯT Lê Vân và NSƯT Lê Vy. 

Còn NSƯT Bảo Quốc cũng sinh ra trong một gia tộc nghệ sĩ nổi tiếng khu vực phía Nam. Mẹ là “bà bầu Thơ” - chủ đoàn cải lương Thanh Minh lừng lẫy một thời và chị gái là cố nghệ sĩ cải lương huyền thoại Thanh Nga.

Cố nghệ sĩ hài Hữu Lộc là cháu của Bảo Quốc. Ông còn có 2 người cháu nữa là nghệ sĩ hài Hữu Châu và Gia Bảo - hai cái tên đang rất đắt show tại các sân khấu kịch nói lớn nhất TP.HCM hiện nay.

Đọc thêm