Những 'Đại sứ văn hóa' ở Đền Hùng

(PLO) - Thuyết minh viên du lịch tại Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng là những người thổi hồn vào các di tích, hiện vật, địa danh một cách sống động để những di sản văn hóa trường tồn cùng thời gian. Họ được xem như những “đại sứ văn hóa” - những người gắn kết các giá trị văn hóa, lịch sử từ quá khứ tới hiện tại nhằm tạo sức hấp dẫn cho du khách thập phương mỗi lần về với Đất Tổ cội nguồn.
Chị Lê Thị Tuyết Nhung - Đội phó đội hướng dẫn thuyết minh, Phòng Quản lý di tích và bảo tàng hướng dẫn đoàn khách tham quan tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.
Chị Lê Thị Tuyết Nhung - Đội phó đội hướng dẫn thuyết minh, Phòng Quản lý di tích và bảo tàng hướng dẫn đoàn khách tham quan tại Khu Di tích lịch sử Đền Hùng.

Để chào đón đoàn khách đầu tiên của tour du lịch hàng ngày Hà Nội - Phú Thọ với trên 70 người đến từ các tỉnh, thành miền Bắc về với Đền Hùng vào trung tuần tháng 2 âm lịch vừa qua, chị Lê Thị Tuyết Nhung - Đội phó đội hướng dẫn thuyết minh, Phòng Quản lý di tích và bảo tàng đã chuẩn bị kỹ lưỡng những thông tin, kiến thức nhằm làm hài lòng du khách.

Phục vụ đoàn khách với thành phần chủ yếu là các cán bộ, công chức nên chị Nhung đã chọn cách giới thiệu, thuyết minh phù hợp với trình độ hiểu biết và mong muốn tìm hiểu của mọi người. Bằng thái độ niềm nở, ân cần, chị sẵn sàng giải đáp những thắc mắc của du khách liên quan đến lịch sử dựng nước cũng như các hiện vật thời đại nhà nước Văn Lang còn lưu giữ tại Bảo tàng Hùng Vương, giúp du khách bổ sung thêm lượng kiến thức về một thời kỳ lịch sử, văn hóa nước nhà.

Chị Nhung chia sẻ: “Với 7 năm kinh nghiệm làm nghề thuyết minh viên, tôi hiểu rằng mỗi đối tượng khách tham quan mình lại cần phải truyền đạt nội dung sao cho thích hợp. Đối với học sinh chủ yếu thuyết minh về lòng yêu nước, tự hào dân tộc, sự tích bánh chưng bánh giầy; với nông dân là tinh thần đấu tranh dựng nước của ông cha; với các nhà nghiên cứu thì giới thiệu nghệ thuật đúc đồng, những chữ nho trên bức đại tự… Vì thế, ngoài việc hướng dẫn, thuyết minh, mỗi thuyết minh viên còn gánh trên mình trách nhiệm, tinh thần quảng bá, lưu giữ giá trị văn hóa lịch sử dân tộc”. 

Đội hướng dẫn thuyết minh thuộc Phòng Quản lý di tích và bảo tàng gồm 12 người, trong đó nhiều người có tới 20 năm kinh nghiệm làm thuyết minh và khả năng giao tiếp tiếng Anh khá tốt. Có lực lượng tương đối “hùng hậu” vậy nhưng đội thuyết minh viên tại điểm Khu Di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng vẫn thường xuyên không đáp ứng đủ nhu cầu của các đoàn khách tham quan nhất là những tháng trẩy hội mùa Xuân.

Thực tế là nhiều đoàn khách tham quan mặc dù có hướng dẫn viên du lịch đi cùng nhưng khi đến với Đền Hùng họ vẫn thiết tha nhờ thuyết minh viên tại điểm giới thiệu. Bởi nhiều hướng dẫn viên từ tỉnh khác đến không thể hiểu biết tường tận, tỉ mỉ và thông tin chính xác như các thuyết minh viên ở Đền Hùng. Do đó, trong vài năm trở lại đây, trung bình mỗi năm đội hướng dẫn thuyết minh tại điểm hướng dẫn cho trên 700 đoàn khách với số lượng khoảng 10 vạn người.

Để có thể hướng dẫn cho các đoàn khách, trong đó có đoàn lên tới hàng ngàn người luôn đòi hỏi ở mỗi thuyết minh viên kỹ năng giao tiếp trước đám đông, khả năng nắm bắt tâm lý người nghe và giải quyết tình huống linh hoạt, khéo léo. Bằng chất giọng truyền cảm, cuốn hút người nghe trong quá trình thuyết minh họ còn phải biết lồng ghép những câu chuyện một cách hợp lý, dẫn dắt người nghe vào những khung cảnh phù hợp. 

Không chỉ hướng dẫn, thuyết minh cho các đoàn khách tham quan, kể từ khi các cấp học trên địa bàn tỉnh đồng loạt triển khai mô hình “Trường học gắn với di sản văn hóa” thì đội thuyết minh viên ở Đền Hùng lại có “thêm việc” phải làm. Bên cạnh đưa hát Xoan vào trường học, các trường còn tổ chức nhiều hoạt động trải nghiệm tại Khu di tích lịch sử Quốc gia đặc biệt Đền Hùng nhằm giáo dục truyền thống yêu nước, lòng tự hào dân tộc cho học sinh.

Trong các chuyến đồng hành với giáo viên và học sinh đều không thể thiếu bóng dáng của các “đại sứ văn hóa” - những thuyết minh viên tại điểm Đền Hùng. Chính các chị là người khiến cho những chuyến thực tế của các trường trở nên ý nghĩa hơn bởi ngoài hoạt động báo công với Vua Hùng về kết quả mà nhà trường đã đạt được trong năm học, các thầy cô giáo và các em học sinh còn được nghe giới thiệu về cội nguồn, truyền thống dân tộc... Những giờ học thực tế như vậy trở nên vô cùng bổ ích, hấp dẫn với các em. 

Mặc dù thuyết minh viên du lịch tại điểm có vai trò hết sức quan trọng nhưng thời gian qua hiếm có lớp tập huấn chuyên môn nghiệp vụ nào được tổ chức nhằm nâng cao kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu cho đội ngũ này.

Bà Phạm Thị Hoàng Oanh - Trưởng phòng Quản lý di tích và bảo tàng cho biết: “Đa số đội thuyết minh viên ở đây tự trau dồi kiến thức, học hỏi lẫn nhau, người đi trước truyền cho người đi sau những kiến thức chuyên môn cũng như kỹ năng truyền đạt chứ hiếm khi được tham gia lớp tập huấn nghiệp vụ”. Vì vậy, cần phải tổ chức nhiều lớp tập huấn nghiệp vụ cho đội ngũ thuyết minh viên nơi đây khi mà nhu cầu hiểu biết của du khách ngày một nâng cao theo nhịp sống hiện đại. Có như vậy, sức quảng bá du lịch Đất Tổ mới thực sự mạnh mẽ, hiệu quả, tạo sức lan tỏa sâu rộng trong cộng đồng và những thuyết minh viên sẽ có thêm cơ hội làm tròn nghĩa vụ của những “đại sứ văn hóa” nơi núi Hùng thiêng liêng.

Đọc thêm