Những điều trông thấy mà đau đớn lòng!

(PLO) -Đó là câu mà bà Nguyễn Vân Anh – Giám đốc Trung tâm Nghiên cứu và Ứng dụng khoa học về Giới - Gia đình- Phụ nữ và Vị thành niên (Csaga) và cũng là người có nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực bảo vệ phụ nữ trước vấn nạn bạo lực giới – nhắc đi nhắc lại nhiều lần trong cuộc trò chuyện với các cơ quan truyền thông bên lề buổi tọa đàm “Bạo lực tình dục và truyền thông”
Hình minh họa
Hình minh họa

Câu nói này của bà Nguyễn Vân Anh có căn nguyên của nó khi mà bản thân bà, các cán bộ Trung tâm và không ít nhà báo đồng hành đã chứng kiến những câu chuyện đáng buồn tại tòa – vốn là nơi công lý, sự đúng đắn của đạo đức xã hội được thượng tôn.

Trong hành trình bảo vệ phụ nữ trước vấn nạn bạo lực giới, Trung tâm Csaga đã tham gia vào nhiều vụ việc bạo lực gia đình, mà vụ chị D.T.H  bị chồng cắt gân chân, gân tay dẫn đến thương tích 34% là một ví dụ. Tại phiên tòa xử C.Q.Đ (người chồng), theo lời thuật lại của nhiều cán bộ Trung tâm Csaga cũng như luật sư bảo vệ cho nạn nhân thì khi luật sư đặt câu hỏi với bị cáo:

“Đối với thương tích ở chân và tay không phải là vết sâu bình thường mà là vết cắt sâu đứt đến 5, 6 cái gân. Vết thương ở mồm không phải chỉ là vết chọc cảnh cáo mà là vết chọc từ miệng xuyên thủng má, trong khi đó chị Hồng đang đội mũ bảo hiểm và vẫn ngồi trên xe. Anh nói là anh đánh cảnh cáo vợ nhưng mức độ thương tổn lên đến 34% thì anh nghĩ cảnh cáo như vậy đã đủ chưa. Anh nghĩ như thế nào?”.

Bị cáo đã thản nhiên trả lời: “Vụ việc tôi đã làm rồi, bây giờ hỏi nhiều quá tôi choáng rồi” và không trả lời thêm. Bị cáo ngang ngược như vậy nên khi bị TAND tuyên phạt 5 năm tù, thì người nhà bị cáo đã lồng lộn chửi rủa nạn nhân và dọa luật sư ngay tại phòng xét xử. Điều đáng buồn là không hề có một động thái vãn hồi trật tự nào. 

Cách đây ít hôm, dư luận xã hội đã rúng động trước câu chuyện N.V.H đã giết vợ ngay tại hành lang trụ sở TAND một thị xã vùng cao nguyên khi đôi vợ chồng được TAND mời lên tổ chức hòa giải trước khi ly hôn. Đây không phải là lần đầu tiên một người vợ bị chồng giết ngay tại khuôn viên tòa án. Còn nhớ, tháng 10/2017, tại một TAND huyện trung du phía bắc cũng xảy ra vụ người chồng đâm chết vợ khi được tòa mời xuống làm thủ tục để ly hôn. 

Vì ảnh hưởng của Nho giáo, trọng nam, khinh nữ, khi đối diện với vụ bạo lực gia đình, dư luận xã hội thường có suy nghĩ: Người vợ phải làm gì đó thì mới bị chồng đánh; Sao không nhịn cho êm ấm gia đình mà lại đi kiện chồng... Hay nói cách khác, dù là nạn nhân của bạo lực gia đình, bị hành hung thương tích nặng, thậm chí là chết người, nhưng nhiều người phụ nữ vẫn bị coi như “tội đồ” vì dư luận cho rằng họ đã đặt lợi ích bản thân lên trên gia đình(?!). 

Cũng theo chia sẻ của bà Nguyễn Vân Anh, tháng 3/2018, Trung tâm Csaga nhận được đơn trình báo của chị N.T.H kêu cứu về việc chị có người chồng thường xuyên đi ngoại tình và về nhà gây mâu thuẫn và đánh đập chị tàn tệ, đuổi chị ra khỏi nhà khiến mẹ con chị phải ngủ ngoài đường. Ngay tại phiên tòa ly hôn, người chồng đã chửi bới thóa mạ cán bộ dự án và luật sư.

Còn thẩm phán thì khi xét xử đã hỏi người vợ với thái độ lạnh lùng với nhiều câu hỏi mang tính định kiến: “Là vợ mà lại không biết chồng làm gì à?”, nhưng khi hỏi đến người chồng lại nhẹ nhàng, thậm chí nở nụ cười (!). Cũng ngay trong phiên tòa, người chồng  liên tục xúc phạm vợ: “Mày là con lừa đảo, con ăn cắp”; xúc phạm luật sư: “Không biết chuyện gì, chỉ đi nghe lén, hồ đồ”, “Là người mà óc chó” mà Hội đồng xét xử cũng không hề có một động thái vãn hồi trật tự hay có thái độ nào đối với sự ngang ngược của người chồng...

Đọc thêm