Những đứa trẻ sống nhờ du lịch

(PLVN) - Du lịch ngày càng phát triển kéo theo cuộc sống của người dân trong vùng lõi “thay đổi’ từng ngày nhờ du lịch. Tuy nhiên, những đứa trẻ tại các điểm du lịch nổi tiếng như SaPa (Lào Cai), Hà Giang… lại đang phải chạy đua để sống theo “du lịch”.
Những đứa trẻ sống nhờ du lịch

Vật vờ sống theo du lịch

Ai đã từng đến Sapa (Lào Cai) sẽ không khỏi ngao ngán trước tình trạng chèo kéo, ăn xin của một số người dân, đặc biệt là các em nhỏ tại đây. Vấn nạn du lịch này đang làm hình ảnh du lịch SaPa trở nên xấu xí trong mắt du khách trong và ngoài nước. Nhiều người còn tuyên bố “cạch mặt” SaPa bởi họ cảm thấy bị “làm phiền” và không thoải mái vì nạn “xin tiền” và chèo kéo khách tại các địa điểm du lịch. 

Dù tiết trời lạnh như băng hay nắng như thiêu như đốt thì các em bé ở đây vẫn mải miết ra đường kiếm sống. Cảnh tượng hàng trăm em nhỏ dân tộc địu em đang còn đỏ hỏn trên lưng đi xin tiền bán hàng rong khiến nhiều du khách xót xa, thương cảm. Chúng bị người lớn lạm dụng thành “công cụ” kiếm tiền cho gia đình bằng công việc đứng đón khách tại khu vực đông người để mời chào mua đồ.

Từ khu vực quảng trường nhà thờ Đá, chợ phiên hay các bản đều có bóng dáng các em nhỏ đi mưu sinh. Các em đó được cha mẹ hướng dẫn bán hàng, chèo kéo khách. Mặc nhiên, khi các em “tiếp cận” khách hàng hoàn toàn không hề có sự xuất hiện của người lớn. Họ chỉ ngồi một chỗ, thu tiền và nhận lấy những đồng tiền xin được từ những đứa trẻ. Họ đã biến con em họ thành kẻ sống vật vờ theo du lịch.

Trẻ con ở đây được người lớn chỉ cho cách “chèo kéo và xin khách”, cách mời chào bán hàng đầy chuyên nghiệp, đặc biệt với khách nước ngoài. Những hình ảnh em bé tầm 5-10 tuổi tập trung thành từng nhóm, có vài em lại địu các em nhỏ hơn, mũi còn thò lò, mặt đỏ hỏn, đeo bám lấy các khách du lịch. Khó ai có thể cầm lòng trước những cảnh này nên mua cho vài thứ đồ hay đơn giản là cho tiền. Vì vậy, rất nhiều em nhỏ được bố mẹ đưa xuống bán hàng rong để “sống theo du lịch”.

Đánh trúng tâm lý thương người, hiếu kỳ của khách du lịch để “xin” hay bán những món đồ giá khá cao. Những đứa trẻ cứ mải miết đi kiếm sống theo ý người lớn, còn tuổi thơ của các em thì lại xa rời với trường lớp, sách vở. 

Bạn Bùi Quốc Hưng (24 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Mình lên SaPa khá nhiều lần, có lần độc hành, có lần đi theo đoàn. Mỗi lần lên là thấy hình ảnh những đứa trẻ quen thuộc không đi xin thì cũng bán hàng. Có đứa còn nhỏ vài tháng bố mẹ cũng bế lên quảng trường bán đến tận đêm. Thấy mà buồn, nhưng họ đang kiếm sống cũng chả cấm cản được”.

Còn cô Lê Thu Hiền (53 tuổi, khách du lịch) cũng lắc đầu ngao ngán: “Vừa bước chân xuống xe đã có đám nhỏ chạy vô xin tiền mua sữa, bán đồ. Hôm sau ra quảng trường chụp ảnh cô lại gặp tiếp mà chán ngán”.

“Hư hỏng” theo du lịch

Thị trấn Đồng Văn, Hà Giang là nơi thu hút đông đảo khách du lịch, đặc biệt dân “phượt” từ khắp các tỉnh thành và cả khách quốc tế. Hiện tượng “ăn xin” xuất hiện ngày càng nhiều tại các địa điểm du lịch nơi đây. Vẫn là những đứa trẻ dân tộc, chúng tụ tập trên đèo Mã Pí Lèng, sông Nho Quế… để “chờ xin” kẹo, đồ ăn và tiền từ khách du lịch. Không phải chúng không có nhà, không phải bỏ nhà đi ăn xin, càng không phải không có cha mẹ, anh em, họ hàng mà chúng bỏ học để ra đèo “ăn xin”.

Nhiều bạn trẻ đi phượt khi thấy các em nhỏ thì vội vã cho chúng kẹo, tiền lẻ, hành động đó vô tình biến chúng kiến tạo nên những thói quen xấu. Từ một người rồi tiếp theo nhiều khách, nhiều đoàn du lịch khiến chúng có tâm thế “ỉ lại”, bỏ học, thích ra ngoài “ăn xin” hơn là việc đến trường. Đôi khi chúng ta vô tình làm việc tốt không đúng cách khiến chúng trở nên “hư hỏng” bởi chính lòng thương hại của người lớn. 

Những đứa trẻ phải bỏ tuổi thơ để mưu sinh.
Những đứa trẻ phải bỏ tuổi thơ để mưu sinh.

Có một số “dân phượt” mượn việc cho trẻ em kẹo và tiền để thỏa mãn mong muốn quay video, post Facebook “sống ảo” khiến hiện tượng này trở nên phổ biến. Sự “cho đi” không đúng cách đang biến trẻ em tại các khu du lịch trở thành những đứa trẻ “ăn mày”. 

Bạn Đỗ Kiên (25 tuổi, Hà Nội) chia sẻ về những thay đổi trẻ em nơi đây, trong suốt nhiều năm lên Hà Giang du lịch cho biết. Năm 2016, đã từng có chuyện những đứa dàn hàng, cướp đồ khách du lịch ngay trên đèo Mã Pí Lèng này. Từ đó, trên cung đèo này xuất hiện nhiều đứa trẻ, chúng tụ tập nhau, chờ khách du lịch chụp ảnh, cho đồ ăn và xin tiền. Khi tìm hiểu tại bản mới biết, chúng bỏ học rất nhiều vì ra đèo xin đồ thích hơn đi học. Có những đứa xin tiền trốn bố mẹ đi chơi điện tử không về, hôm sau tiếp tục công cuộc “ăn xin” trên đèo.

“Lần gầy đây nhất đoàn mình đi sau một bạn nữ độc hành trên đèo và vô tình quay lại được cảnh bị một số em nhỏ giật túi hoa quả. Sau đó chúng mình đã ngăn cản và quyết định không công khai video này vì sợ xấu đi hình ảnh Hà Giang trong mọi người” anh Kiên chia sẻ. 

Hãy để chúng tự lớn lên

Câu chuyện ở SaPa hay Mèo Vạc không còn là chuyện hiếm tại các khu du lịch nổi tiếng. Những đứa trẻ được “tận dụng” để mưu sinh trên chính tuổi thơ của mình. Đáng lẽ, chúng sẽ được đi học, được vui chơi như các bạn nhưng lại phải làm theo mong muốn kiếm tiền của người lớn. Vô tình bọn trẻ mất đi tuổi thơ, sự hồn nhiên ngây thơ, mất cơ hội được học cái chữ. Phải chăng, từ chính sự cho đi không đúng cách của một bộ phận khách du lịch vô tình đẩy những đứa trẻ vào thói quen tiêu cực. 

Một ngôi trường ở Hà Giang đã phải dán biển thông báo: “Quý khách không cho trẻ em tiền và kẹo. Trẻ em sẽ bỏ chữ để đi xin tiền và bánh kẹo” như một sự bất lực trước tình trạng học sinh bỏ học đi “ăn xin”.  Chúng vô tình bị cuốn theo nhịp sống du lịch đang phát triển cực mạnh tại địa phương. Để rồi từ chính sự phát triển ấy, chúng hình thành những thói quen xấu: ỉ lại, bỏ học, xin xỏ, chèo kéo.

Bọn trẻ không có lỗi, sai là ở chúng ta đã vô tình tạo cho chúng những thói quen xấu từ chính những việc tưởng chừng là tốt mà chúng ta đang làm. Hãy cho đi tình thương đúng cách, để lòng tốt được đặt đúng chỗ. Tôi nhớ mãi hình ảnh bà cụ trong bản phải tức giận khi nhìn thấy những đứa trẻ đi ra đèo ăn xin trở về. “Làm thế là sinh hư bọn nó”, họ không cổ súy việc “cho tiền, cho kẹo” vô tội vạ để rồi con cháu họ bỏ học và chỉ trực chờ những thứ đó từ tay người xuôi.

Hãy để những đứa trẻ được đi học, chúng tự lớn lên và về tự phát triển quê hương mình. Cũng tại một vùng của người dân tộc tại Bắc Hà, Lào Cai có phiên chợ Bắc Hà nổi tiếng nhưng tuyệt nhiên không có bóng dáng những đứa trẻ ăn xin. Khi gặp những đứa trẻ quần áo lấm lem đang chơi đùa, một vị khách nước ngoài ngỏ ý cho chúng đồ ăn và quần áo.

Nhưng chúng đã từ chối và chỉ cười rất tươi cảm ơn. Theo như người dân chia sẻ, họ không muốn con cái nhận đồ người khác, họ vẫn đi nương làm rẫy nuôi con cái ăn học. Người dân nơi đây không muốn trẻ con đi bán hàng rong vì họ ưu tiên việc học nhiều hơn. Chỉ có thứ Bảy, Chủ Nhật chúng sẽ múa sạp, thổi khèn truyền thống phục vụ khách du lịch để kiếm tiền. 

 “Của cho không bằng cách cho! Cá nhân mình thấy việc như thế này tuy xuất phát từ tình thương nhưng dễ gây hệ quả xấu là các em sẽ có thói quen xấu. Hãy cho đi một cách đúng đắn” chị Trần Vân (30 tuổi, Hà Nội) chia sẻ quan điểm.

Những chuyến du lịch là đi để trải nghiệm, để khám phá và trưởng thành, nhận ra giá trị cuộc sống. Chúng ta hãy cùng nhau kiến tạo văn hóa du lịch văn minh, bền vững, tạo dựng tương lai tươi sáng cho những đứa trẻ không còn sống theo “du lịch” một cách tiêu cực.

Đọc thêm