Những “hạt muối” xát vào vết thương lòng

(PLO) - Nếu muốn biết tình hình bạo lực gia đình (BLGĐ) đang diễn biến như thế nào, hãy nhìn vào một cơ sở y tế chuyên tiếp nhận nạn nhân BLGĐ – Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ, Bệnh viện Đức Giang, Long Biên, Hà Nội.
Minh họa: Internet
Minh họa: Internet
Sau gần 11 năm, Trung tâm đã tiếp nhận trên 26.000 lượt người là nạn nhân bạo hành giới, trong đó nạn nhân BLGĐ chiếm 75%. Nạn nhân nhỏ nhất là 5 tuổi, cao tuổi nhất là 86. Trong vết thương do BLGĐ gây ra thì đa chấn thương chiếm 50%, vùng đầu - mặt - cổ chiếm 50%. Các nạn nhân thường chịu bạo lực trong thời gian dài, phổ biến là 5 năm, có người chịu tới 20 năm, nên 10-15% nạn nhân có biểu hiện rối loạn tâm thần. Đặc biệt, nạn nhân đến từ địa bàn Hà Nội chiếm 65%, người địa phương khác 35%...
Vốn được mệnh danh là “bác sĩ của nạn nhân BLGĐ”, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết – Giám đốc Trung tâm Tư vấn chăm sóc sức khỏe phụ nữ kể rằng, trong đời ông đã chứng kiến rất nhiều câu chuyện, những hoàn cảnh thương tâm của BLGĐ, nhưng có một nạn nhân ông không bao giờ quên, đó là một cô giáo ở Thái Nguyên. 
Năm 2010, khi nạn nhân đến Trung tâm thì mới 49 tuổi, nhưng đã có trên dưới 20 năm chịu đòn thù của người chồng cũng có học thức đàng hoàng. Đỉnh điểm của những trận đòn thù đó là anh chồng đã lấy dao lam rạch chằng chịt trên mặt vợ “để cho mày xấu hổ không đi dạy được nữa”.

Đau vì những nạn nhân BLGĐ với những vết thương như đòn thù trên cơ thể họ đã đành, bác sĩ Nguyễn Ngọc Quyết còn đau hơn vì những “hạt muối” đã và đang xát vào lòng  họ.

Đó là đa số nạn nhân mất lòng tin vào người thân và cộng đồng, dẫn đến 35-40% nạn nhân nói rằng họ không tin tưởng vào sự can thiệp của chính quyền. Sở dĩ có điều này bởi sự thờ ơ, “việc nhà tự giải quyết”, “chắc chị làm sao nên chồng mới đánh chứ” là những câu thường gặp mỗi khi họ cầu cứu. Thêm vào đó, sự yếu ớt của các tổ chức đoàn, hội càng khiến cho nắm đấm dội lên người họ điên cuồng hơn.

Đó là 85% nạn nhân BLGĐ không có thẻ BHYT. Thương xót, nhưng cơ sở y tế cũng chỉ giúp đỡ họ được một phần chi phí giường bệnh, chăm sóc, còn thuốc men, bông băng đành chịu vì không biết lấy ở đâu, tính vào khoản nào. Cũng có nạn nhân có BHYT nhưng trớ trêu thay, hiện nay rất nhiều cơ sở y tế lại từ chối thanh toán cho người bệnh là nạn nhân BLGĐ, lý do vì chưa  có hướng dẫn, dù rằng Luật Phòng chống BLGĐ đã quy định.

Còn nhiều, nhiều lắm những “hạt muối” khiến vết thương BLGĐ thêm đau. Và, nỗi đau này còn dai dẳng đến bao giờ?.

Đọc thêm