Những linh địa phải đến một lần trong đời (Kỳ 1): Nơi Đức Phật nhập định

(PLO) - Đối với Phật giáo, Bồ Đề Đạo Tràng còn là “cái rốn của vũ trụ”, là thánh tích có cây Bồ đề vi diệu mà Đức Phật đã ngồi thiền nhập định 49 ngày đêm và thành đạo. Xung quanh Bồ Đề Đạo Tràng có cả trăm ngôi chùa lớn nhỏ. Mỗi chùa mang một dáng vẻ riêng biệt theo văn hóa và kiến trúc của từng nơi nhưng đều hướng về thờ Phật.
Những linh địa phải đến một lần trong đời (Kỳ 1): Nơi Đức Phật nhập định

Bodh Gaya hay Bodhgaya hay còn gọi là Bồ Đề Đạo Tràng, nằm ở phía nam thành Gaya, nước Ma Kiệt Đà (Magadha) thời Ấn Độ cổ đại, nay là vùng ngoại ô Bodhgaya, cách thành phố Gaya khoảng 7km về phía Nam thuộc bang Bihar, Ấn Độ. 

Bồ Đề Đạo Tràng một trong 4 thánh tích của Phật giáo. Ba Thánh tích còn lại là vườn Lâm Tỳ Ni (Lumbini) - nơi Đức Phật đản sinh, vườn Lộc Uyển (Sarnath) - nơi Đức Phật thuyết pháp lần đầu tiên và Câu Thi Na (Kusinara) - nơi Đức Phật nhập Niết Bàn. 

Vào năm 1953, chính phủ Ấn Độ đã chính thức thành lập Ban quản lý Khu thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng gọi là Bodhgaya Temple Management Committee. Nhiệm vụ chính của Ban quản lý này là giữ gìn và tu sửa khu thánh tích, mở mang và cải thiện khu đất của thánh tích, bảo vệ lợi ích và sự an toàn cho khách hành hương, và cuối cùng là thực hiện những nghi lễ thờ phụng thích hợp tại Bồ Đề Đạo Tràng.

Theo truyền thuyết Phật giáo, vào khoảng năm 500 trước Công nguyên, Thái Tử Gautama Siddhartha (Tất Đạt Đà Cồ Đàm) đã đi khất thực và đi đến bờ sông Falgu, gần thành phố Gaya. Ở đây, ngài đã ngồi thiền dưới bóng cây bồ đề.

Sau ba ngày và ba đêm thiền định, Phật đã đạt được giác ngộ và sự thấu hiểu. 7 tuần lễ tiếp theo tại đây, Phật đã tiếp tục thiền định và suy xét trải nghiệm của mình. Sau 7 tuần ngài đã tới Sarnath và bắt đầu giảng dạy phật giáo.  

Hiện nay, khu Bồ Đề Đạo Tràng có diện tích khoảng 3 hecta đất, bao gồm nhiều thánh tích quan trọng như tháp Đại Giác, cội Bồ Đề, Bảo Toà Kim Cương, bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, quần thể tháp cổ...

Và dường như Bồ Đề Đạo Tràng khu là thánh tích còn nguyên vẹn nhất so với tất cả những thánh tích khác liên quan đến Phật giáo. Vạn vật từ cây cỏ, tường thành cho đến những đóa hoa, vạc dầu thơm đều được bài trí một cách cẩn trọng.

Chốn thiêng của đạo và đời 

Đại Tháp hay còn gọi là Tháp Đại Giác (Mahabodhi) nằm giữa khu đất trũng thấp hơn so với mặt đường khoảng 10m. Từ xa du khách vẫn thấy được ngọn tháp đứng sừng sững vươn lên giữa những cây cổ thụ, tượng trưng cho sự giác ngộ của Đức Phật tại cõi đời như hoa sen trong bùn vươn lên thoát khỏi bùn nhơ. Tòa tháp này được Vua A Dục xây dựng vào khoảng 250 năm sau khi đức Phật nhập Niết Bàn nhằm để tưởng niệm nơi thành đạo của Đức Phật Thích Ca.

Tường của tháp được xây dựng bằng gạch xanh trộn vôi với các khung trong hốc tường để thờ các tượng Phật bằng vàng. Cột, cửa chính, và cửa sổ được trang trí với vàng và bạc, trộn lẫn cùng xà cừ và ngọc qúy. Tượng phật Quan Thế Âm và Đức Phật Di Lặc mỗi tượng cao hơn 3m đặt trong hốc tường bên trái và bên phải cửa bên ngoài chánh điện. 

Tiến vào bên trong ngôi Đại tháp, khách hành hương sẽ được chiêm ngưỡng một tôn tượng vô cùng đặc biệt của Đức Từ Phụ Thích Ca Mâu Ni. Bức tượng này được điêu khắc thật là hoàn mỹ. Đấy là bức tượng Đức Thế Tôn đang ngồi trong tư thế kiết già, cao hơn 2m, với nét mặt điềm tĩnh và hiền hòa, tươi đẹp. Bức tượng này được tạc từ một tảng đá đen. Màu vàng của bức tượng như trong hiện tại là do bức tượng đã được sơn lại bởi những tín đồ hành hương. 

Thánh tích Tháp Đại Giác
Thánh tích Tháp Đại Giác

Theo nhiều nguồn sử liệu ghi chép thì bức tượng này được tạo dựng vào khoảng thế kỷ thứ II sau Tây lịch, lúc mà Phật giáo Đại thừa (Mahayana) phát triển nhanh và nghi thức thờ phụng tôn tượng bắt đầu nảy sinh và phát triển trong truyền thống Phật giáo Đại thừa.

Là một biểu tượng của sự phát triển Phật giáo, Cây Bồ Đề liên quan mật thiết với sự chứng ngộ của Đức Phật, trở thành trung tâm chính của nơi thờ tự của khách hành hương và Phật tử từ khắp thế giới.

Tương truyền Thái Tử Tất Đạt Đà Cồ Đàm (tức Đức Phật) tu khổ hạnh ở đây trong 6 năm, thân xác và tinh thần gần như đã đi đến cái chết, cũng là lúc Ngài nhận thấy lối tu khổ hạnh này chưa phải là cứu cánh giải thoát cho mình và cho chúng sanh.

Từ bỏ lối tu khổ hạnh, Ngài nhặt lấy miếng vải liệm làm y phục và nhận bát cháo sữa từ người thiếu nữ Sujata dâng cúng. Sau đó ngài xuống sông Ni Liên Thuyền tắm gội sạch sẽ và thọ dụng thức ăn, sức khoẻ dần bình phục. Ngài thong thả đi đến cội cây bồ đề trải cỏ và thiền định. Đây chính là nơi của sự chứng ngộ.

Khi đến với Bồ Đề Đạo Tràng, hãy đến gốc cây bồ đề thiêng, vái ba vái rồi đi quanh 18 vòng, không suy nghĩ, không tạp niệm, không nói chuyện, bước đi thong thả, khoan thai. Khi đủ vòng 18 mới lại vái ba vái nơi gốc bồ đề và khấn lời mình mong muốn. Đó cũng là 18 vòng giác ngộ mà Đức Phật đã làm trước đây khi người ngồi lại thiền định nơi gốc cây bồ đề.

Những người đến Bồ Đề Đạo Tràng đều mong nhặt được một chiếc lá bồ đề, một sự may mắn cho bất cứ ai ghé thăm đất Phật. Bởi thế, có không ít các vị chư tăng đứng đợi nhặt cho được một chiếc lá của cây bồ đề thiêng. Những chiếc lá bồ đề cũng được ép khô và bán thành những món quà lưu niệm ngay bên ngoài cổng chùa.

Sự kính thờ cây Bồ Đề không chỉ tồn tại trong dân gian mà còn được quy phạm thành luật, bất cứ ai có hành động phá hủy hay làm hư hại Thánh địa cùng với cây Bồ Đề sẽ đều bị trừng trị một cách nghiêm minh.

Cây Bồ Đề chính gốc mà Đức Phật đã ngồi thiền định tại Bồ Đề Đạo Tràng đã bị phá hủy vào năm 1874. Thế nhưng, sau khi bị phá hủy, một nhánh cây con mới mọc lên ngay tại gốc Bồ Đề cũ và phát triển mạnh mẽ cho đến ngày nay. Tính đến nay, gốc cây này đã được hơn 140 tuổi.

Một trong những thánh tích quan trọng ở Bồ Đề Đạo Tràng là Bảo tòa Kim Cương. Đây là vị trí đức Phật ngồi nhập định 49 ngày đêm dưới cội cây Bồ Đề, khoảng cách nằm giữa Đại Tháp và cội Bồ Đề.

Theo lịch sử Phật giáo thì tòa này được vua A Dục xây vào khoảng thế kỷ thứ ba trước Tây Lịch. Ngày nay tòa Kim Cang được bảo vệ trong một hàng rào xi măng có lối kiến trúc cổ và thêm một hàng rào có trụ bằng kim loại mạ vàng do Tích Lan xây dựng bao quanh rất trang nghiêm.

Ngoài ra còn một số thánh tích khác như Bảy nơi đức Phật ngự sau khi thành đạo, Sông Ni Liên Thiền (Niranjara), Núi Tượng Đầu và Khổ Hạnh Lâm…

Về đất Phật với tấm lòng thành kính 

Bồ Đề Đạo Tràng ngày nay đã được toàn thế giới biết đến. Vào ngày 27/6/2002, Ủy ban văn hóa, khoa học và giáo dục của Liên hợp quốc (UNESCO) đã công nhận Bồ Đề Đạo Tràng là một di sản của thế giới. 

Cây Bồ Đề linh thiêng
Cây Bồ Đề linh thiêng

Mỗi ngày, tại đây đón hàng nghìn tăng lữ và các vị khách hành hương về đất Phật với tấm lòng thành kính. Được đặt chân đến mảnh đất linh thiêng này với bất kỳ du khách nào cũng là một niềm tự hào. Không ai bảo ai, mọi người đến đây đầu ăn mặc chỉnh tế, kín đáo, nghiêm trang, cùng bỏ lại đôi giày nhuốm bụi đường để bước chân trần vào chùa

Từ bên trong cho đến bên ngoài thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng lúc nào cũng đông đúc đoàn người hoặc cá nhân tham quan, tụng kinh, lễ bái, tọa thiền hoặc đi kinh hành xung quanh Tháp Đại Giác và Cây Bồ Đề trong không khí trầm ấm, thanh tịnh, thiêng liêng với lời kinh nguyện cầu, tiếng lâm râm tụng chú...mà không bị loãng bởi bất cứ một tạp âm nào. 

Nếu ai có điều kiện hãy nên một lần đến chiêm bái thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng. Khi đến chiêm bái khu thánh tích, khách hành hương nên dành thời gian cho nó, không nên vội vàng, không nên để mình bị chi phối bởi bất kỳ một lý do nào khác.

Hãy đến đó để thấy, để tự mình cảm nhận, tự mình trải nghiệm những diễn biến tâm lý diễn ra trong tâm của mình. Nếu có thời gian thì khách hành hương nên đến chiêm bái vào các thời điểm khác nhau trong ngày.

Vì vào mỗi thời điểm khác nhau ấy, chúng ta sẽ có những cảm nhận khác nhau. Cảm nhận vào lúc sáng sớm nó khác với lúc hoàng hôn, và cũng khác với lúc màn đêm buông xuống bao trùm lấy cảnh vật, toàn cảnh Khu thánh tích Bồ Đề Đạo Tràng hiện lên mờ ảo dưới ánh đèn điện.

Đọc thêm