Những lý do “cù nhầy” trong vụ kiện 3 đời chưa trả căn nhà ở nhờ

(PLO) -Gia đình người em trai ở nhờ nhà chị gái mấy chục năm. Khi người chị đòi lại nhà, gia đình người em liên tục tìm cách trì hoãn, khiến vụ tranh chấp đã kéo dài hơn thập kỷ. 
Hình minh họa.
Hình minh họa.

Trước sự bức xúc của nguyên đơn, người đại diện phía bị đơn cũng phải phân trần cho sự “bất lực” của mình: “Những gì liên quan đến vụ án này, tôi hiểu rõ. Kể cả trong trường hợp tôi biết là bị đơn sai, nhưng với tư cách là người đại diện, tôi vẫn phải phát biểu những ý kiến ông ấy ủy quyền. Nếu ra tòa, tôi đồng ý trả nhà, rất có thể ông ấy sẽ kiện tôi để đòi nhà. Do đó, tôi không thể làm khác được”.

3 đời ở nhờ

Ngày 5/7 vừa qua, TAND TP.HCM mở phiên xử phúc thẩm lần thứ hai vụ án dân sự “Đòi nhà cho ở nhờ và Tranh chấp quyền sở hữu nhà” giữa nguyên đơn là baf Nguyễn Thị Tuyết (SN 1947) và em trai là ông Nguyễn Văn Thanh (SN 1949, cùng ngụ quận Bình Thạnh). Năm 2014, ông Thanh  qua đời, người thừa kế địa vị tố tụng của ông là con trai Nguyễn Văn Ngọc (SN 1975).

Tóm tắt nội dung vụ án như sau: 

Bà Tuyết sở hữu một căn nhà nằm trong hẻm trên đường Lê Quang Định (phường 14, quận Bình Thạnh).  Năm 1994, do vợ chồng người em trai không có nhà ở nên bà cho gia đình này ở nhờ. Năm 2004, thấy vợ chồng người em trai đã có nhà riêng, bà Tuyết đòi lại ngôi nhà nói trên.

Tuy nhiên, từ đó đến nay đã 12 năm, trải qua bốn phiên tòa, song người chị vẫn chưa thể đòi được lại ngôi nhà của mình.

Có mặt tại phòng xử, người đại diện cho bị đơn cho rằng bản án sơ thẩm vi phạm nghiêm trọng thủ tục tố tụng nên đề nghị HĐXX hủy bản án, trả hồ sơ để cấp sơ thẩm xét xử lại.

Theo đại diện bị đơn, trước đây bị đơn của vụ án dân sự này là ông Nguyễn Văn Thanh, nay ông Thanh đã chết nên con trai ông là anh Nguyễn Văn Ngọc tiếp tục tham gia vụ án với tư cách người thừa kế. Anh Ngọc có một người con chín tuổi, nhưng cấp sơ thẩm không đưa cháu bé vào tham gia tố tụng. 

Đại diện bị đơn trình bày: Một đứa trẻ chín tuổi, khi bước vào nhà để ở luôn có tâm lý đây là nhà của mình. Đây là nơi cháu bé có nhiều kỷ niệm, nếu buộc cháu dời đi sẽ ảnh hưởng lớn đến học hành và cuộc sống của cháu.

Đại diện bị đơn dẫn chiếu: Không phải ngẫu nhiên mà Luật Hôn nhân gia đình quy định, khi cha mẹ li hôn, nếu con hơn 7 tuổi thì phải hỏi ý kiến cháu bé vì pháp luật rất quan tâm và bảo vệ quyền của trẻ em.

Quan điểm của đại diện bị đơn đã bị luật sư của nguyên đơn thẳng thừng bác bỏ: Không thể đưa Luật Hôn nhân gia đình áp dụng vào trường hợp này. Nếu cha mẹ li hôn, HĐXX muốn nghe ý kiến đứa trẻ là đúng, vì việc li hôn có ảnh hưởng lớn đến cuộc sống của con.

Tuy nhiên, trong trường hợp này, cha mẹ đứa trẻ mượn nhà để ở nhờ, một khi chủ nhà không đồng ý cho ở nhờ nữa thì cả gia đình phải chuyển đi. Con theo cha mẹ là lẽ đương nhiên. 

Luật sư của nguyên đơn tiếp tục chất vấn: Đến nay, gia đình ông Thanh đã ở nhờ 22 năm, trải qua 3 thế hệ. Bà Tuyết đi đòi lại ngôi nhà nhưng phía bị đơn cố tình kéo dài suốt 12 năm không chịu trả, liên tục tìm lý do này lý do khác để trì hoãn.

Không lẽ giờ hỏi cháu bé: “Cha mẹ con ở nhờ nhà người ta, giờ con có đồng ý chuyển đi không?”, nếu cháu bé trả lời không đồng ý, vậy là phía bị đơn cứ tiếp tục ở đó để “bảo vệ quyền lợi của cháu bé sao?”.

Trước sự bức xúc của nguyên đơn, người đại diện phía bị đơn cũng phải phân trần cho sự “bất lực” của mình: “Những gì liên quan đến vụ án này tôi hiểu rõ. Kể cả trong trường hợp tôi biết là ông Ngọc sai, vì với tư cách là người đại diện, tôi vẫn phải phát biểu những ý kiến ông ấy ủy quyền. Nếu ra tòa tôi nói đồng ý trả nhà, rất có thể ông ấy sẽ kiện tôi để đòi nhà. Do đó, tôi không thể làm khác được”.

12 năm “vật vã” đòi nhà

Trở lại quá trình 12 năm “khăn gói theo kiện” của nguyên đơn, có thể thấy sự “áy náy” của người đại diện phía bị đơn là có cơ sở.

Bà Nguyễn Thị Tuyết đòi lại nhà từ gia đình người em từ năm 2004. Ban đầu, người em trai là ông Thanh cho rằng ngôi nhà trên là của bà cô xuất cảnh để lại cho các cháu gồm ông, bà Tuyết và các anh chị em khác.

Và ông Thanh cho rằng chính ông là người được bà cô này ủy quyền quản lý và sử dụng tài sản nói trên để làm nơi thờ cúng tổ tiên. Do đó, em trai bà Tuyết đề nghị xem xét tính hợp pháp về nguồn gốc giấy chủ quyền của căn nhà được cấp cho chị gái mình.

Qua phân tích, xem xét và đánh giá toàn diện các chứng cứ, Tòa án xác định bà Nguyễn Thị Tuyết là chủ sở hữu hợp pháp của ngôi nhà. Cụ thể: Tuy bà Tuyết cho em trai ở nhờ không được thể hiện bằng văn bản, song qua xác minh xác định căn nhà trên có nguồn gốc từ người chị gái để lại cho bà Tuyết, khi bà này xuất cảnh vào năm 1989.

Sau đó, năm 1994, bà Tuyết cũng có ý định xuất cảnh sang Mỹ nên làm thủ tục tặng cho ngôi nhà này cho một người em gái khác. Cùng thời điểm này, do ông Thanh chưa có nhà nên được tạo điều kiện cho ở nhà ngôi nhà trên.

Tuy nhiên, sau đó bà Tuyết không đủ điều kiện xuất cảnh. Hai năm sau, người em gái đã trả lại ngôi nhà trên cho bà Tuyết, hợp đồng đã được công chứng.

Mặc khác, Tòa án cũng xác định, ông Thanh không đưa được ra chứng cứ chứng minh căn nhà thuộc quyền sở hữu của cô mình, từ đó tuyên buộc ông Thanh phải trả lại ngôi nhà cho người chị gái.

Tuy nhiên, tại phiên tòa phúc thẩm, người em trai này lại trình bày: Trong quá trình ở, bản thân ông đã bỏ tiền ra nâng cấp sửa chữa, do đó yêu cầu chị gái phải trả lại số tiền sửa chữa trên. HĐXX cấp phúc thẩm từ đó đã tuyên hủy bản án, để cấp sơ thẩm xét xử lại.

Sau đó, hội đồng định giá kết luận số tiền ông Thanh sửa chữa nâng cấp ngôi nhà trên là hơn 40 triệu đồng. Cùng thời điểm này, ông Thanh qua đời, con trai ông là anh Nguyễn Văn Ngọc là người kế thừa địa vị tố tụng của cha, tiếp tục là bị đơn trong vụ án.

Ngày 30/9/2015, tại phiên tòa sơ thẩm lần hai, bà Tuyết đồng ý trả lại toàn bộ số tiền người em bỏ ra để sữa chữa nâng cấp ngôi nhà, đồng thời hỗ trợ thêm 10 triệu đồng để gia đình cháu trai di dời. Tuy nhiên, lần này phía bị đơn lại thay đổi. Người cháu yêu cầu bà Tuyết hỗ trợ tiền mua căn nhà mới mới đồng ý chuyển đi. Đề nghị này bị bà Tuyết từ chối.

Qua phân tích, xem xét và đánh giá toàn diện các chứng cứ, HĐXX TAND quận Bình Thạnh tuyên buộc phía bị đơn phải giao lại căn nhà cho bà Nguyễn Thị Tuyết.

Bị đơn tiếp tục kháng cáo vì cho rằng cấp xét xử sơ thẩm đã vi phạm thủ tục tố tụng khi không đưa cháu bé chín tuổi, con của anh Ngọc, vào tham gia tố tụng với vai trò là người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan như đã trình bày ở trên.

Trước yêu phía bị đơn, Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm: Cha mẹ có quyền giám hộ đương nhiên cho con, nên việc thiếu con ở vị trí người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan không có ảnh hưởng đến quyền lợi của cháu bé. Từ đó, đại diện Viện kiểm sát đề nghị HĐXX bác đơn kháng cáo của bị đơn.

Tuy nhiên, sau khi nghị án, HĐXX nhận định do ở giai đoạn hòa giải cấp sơ thẩm chưa đánh giá đúng tư cách tham gia tố tụng là ông Nguyễn Văn Ngọc, đồng thời qua xác minh thì cháu bé có tạm trú trong ngôi nhà trên nên cần thiết đưa cháu bé vào tham gia tố tụng. Từ đó, HĐXX cấp phúc thẩm đã tuyên hủy bản án, trả hồ sơ cho cấp sơ thẩm xét xử lại. 

Trưa muộn, mọi người vội vã rời phòng xử ra về. Bà , Tuyết ngồi lại một mình trong phòng xử. Bà thất vọng thở dài: “Lại xét xử lại từ đầu, năm nay tôi gần 70 tuổi rồi, không biết có còn sống đến ngày được nhận lại ngôi nhà của mình nữa hay không”.

Khi đại diện bị đơn nêu yêu cầu phải đưa cháu của bị đơn (9 tuổi) tham gia tố tụng “hỏi ý kiến” để bảo vệ quyền lợi trẻ em, luật sư của nguyên đơn thẳng thừng bác bỏ. Luật sư nguyên đơn chất vấn: gia đình ông Thanh đã ở nhờ 22 năm, trải qua 3 thế hệ.
Bà Tuyết đi đòi lại ngôi nhà nhưng phía bị đơn cố tình kéo dài suốt 12 năm không chịu trả, liên tục tìm lý do này lý do khác để trì hoãn. Không lẽ giờ hỏi cháu bé: “Cha mẹ con ở nhờ nhà người ta, giờ con có đồng ý chuyển đi không?”, nếu cháu bé trả lời không đồng ý, vậy là phía bị đơn cứ tiếp tục ở đó để “bảo vệ quyền lợi của cháu bé sao?”.

Đọc thêm