Những ngày biển chênh vênh lắm!

(PLVN) - Tôi đi tìm một vùng biển, giữa lặng im của dông dài quá khứ, nơi ấy biển đã cuốn chìm tất cả…
Những ngày biển chênh vênh lắm!

Mười năm về trước, giáo xứ Xương Điền thuộc xã Hải Lý, huyện Hải Hậu, tỉnh Nam Định bị nước biển xâm thực, nhà thờ Trái Tim và hai làng chài ven biển là Xương Điền, Văn Lý đã trở thành hoang tích. Sau chấn động địa lý này, nhà thờ đổ nát chỉ còn giữ lại khung xương bên ngoài với nền móng hòa lẫn cát biển.Từ đó, địa chỉ này bị bỏ hoang, vì thế người dân gọi là nhà thờ Đổ. Giờ đây, trong Xương Điền người ta xây nhà thờ to hơn, nhưng tháp chuông cũ kĩ được treo biển “nguy hiểm, cấm lại gần” vẫn được giữ lại như để nhớ về thời quá vãng, khi Chúa vẫn bên bờ biển Hải Lý.

Mảnh đất gầy guộc nơi đây, hàng năm từng bị biển gặm nhấm, bào mòn. Sóng biển gầm gào cuồn cuộn mỗi lần triều lên. Người dân lui dần vào sâu trong đất liền… Trước đây, nghe đâu xứ này là giáo phận lớn, có dăm nhà thờ to lớn, ấy vậy gần chục năm nay nay, biển động, khí hậu biến đổi. Sóng gió, bão tố điên cuồng tàn phá hàng năm.

Biển nhà thờ Đổ không trong xanh, nước khá đục, nhiều cát và sóng lớn. Mùi cá, tôm, mùi mặn của biển vẫn còn vương trên nền cát. Những bãi cát chạy dài, những con thuyền đang chờ ra khơi, im lìm trong đoàn người phương xa về tham quan. Ở đây, cũng ít nhà hàng, vào trong làng chài dường như không có. Lác đác vài ba nhà nghỉ, homestay theo kiểu mới mở vắng người phục vụ khách vãng lai.

Đêm hôm ấy, biển nổi sóng. Bầu trời đen kịt, cơn mưa to ập đến. Gió thít từng cơn như giận dữ, vài tiếng sét hù dọa lòng người. Biển cũng vắng hẳn, chẳng lấy bóng người ngoài chú chó lang thang và một hai người khách. Mưa lớn, người dân chài không thể đi biển, họ thở dài nhìn ra quãng biển xa đang đen màu mây. Vài người đàn ông bám trụ trước những cơn sóng dữ như sự thức dậy của quỷ Sa - tăng. 

Một người đàn ông lặng lẽ trở về, ông vừa mới ra biển đánh cá. Sóng to, gió lớn, chiếc thuyền thúng gập ghềnh mãi mới vào bờ. Ông nhọc nhằn từng bước một. Rít đuối thuốc, thả khói lên bầu trời mà nhìn mẻ cá lác đác ít ỏi.

- Nay được gì không chú?

- Mấy như, chả được mấy con bây.

- Chú đi sớm thế không sợ mưa to à?

- Mưa to, thuyền không đi nổi nên tao quay về.

Bà vợ cũng đon đả ra phụ chồng kéo thuyền vào bờ. Mẻ cá lèo tèo vài con. Chắc nay chú lại ế hàng.

Nhìn bóng dáng đơn độc, bước chân nặng chịch của người đàn ông làng chài, phía sau, trời đen mù mịt, chỉ có tiếng cười nhạt. Thế rồi, bóng ông đổ dài trên nền cát, phía sau biển vẫn như nuốt chửng con thuyền.

Biển giận dữ, ghen tuông…

Sấm rung trời một độ, trời hửng nắng. Người dân bắt đầu ra biển, những chiếc tàu đẩy ra mép biển, phấp phới giữa trùng khơi. Nắng lên, họ lại đi đánh cá, tiếng cười, hò dô lại vang cả quãng biển dài như xua đi không khí căng thẳng khi vừa kết thúc trận chiến giữa con người và biển cả.

Trời hửng lắm, nên biển cũng dịu dàng hơn như người ta vẫn viết “Biển vẫn thấy mình dài rộng thế, xa cánh buồn một chút đã cô đơn”. Sóng vỗ, ôm lấy những đường biên dài chắn biển.Vài người phụ nữ cặm cũi đẽo bên mỏm xi măng, kiếm những con chân chó để bán.

Nhà thờ  Đổ cô đơn, biển cô đơn, người cũng cô đơn. Cứ vài lần biển ôm lấy nhà thờ, cuộn đi vài lớp đất đá. Nhưng cuối cùng họ cũng không có nhau. Biển Hải Lý ngày càng xâm thực, bóng dáng nhà thờ cũng nghiêng ngả dần theo thời gian. Rồi vài năm nữa, có khi chúng cũng sẽ được trở về với biển, như chính sự cồn cào bấy lâu.

“Biển cô đơn. Ấy là lúc Xương Điền buồn. Tiếc nuối. Vòm chuông nhà thờ vẫn như muốn đổ dồn dập báo hiệu cho dân làng ngày nào chạy giặc Pháp càn tới. Chuông cũng rung lên, ngân nga ru con trẻ vào giấc ngủ bên sóng biển cồn cào ngày đêm...” (trích).

Sự biến đổi khí hậu ngày càng trở nên khắc nghiệt. Đất của xã Hải Lý bị biển lấn dần. Những năm tháng triền miên sóng vỗ, thiên nhiên “dữ dằn” tàn phá cả vùng đất mép biển. “Dữ dội và dịu êm”. Ngày trước, biển lấn dần, người dân sống sát mép nhà thờ, nhưng xâm thực mỗi năm một sâu. Những con sóng “không hiểu nổi mình”, nhấn chìm mênh mông cả tòa nhà lớn. Tất thảy đau đớn cho một “trái tim của Chúa” ngự trị trước biển. Mọi thứ dần lụi tàn và trở thành phế tích. Chỉ còn cái chợ nhỏ, vài quán ăn xập xình nhạc vắng người. 

Làng Xương Điền vẫn bình yên sau 10 năm, sau sự kiện địa lý chấn động, nhà những người dân chài vài hôm cửa đóng then cài đi biển. Họ bình lặng với nghề cá, chưa biết làm du lịch, hằng ngày vài cụ già đứng lặng trên con đê biển nhìn về phía nhà thờ Đổ. Trái tim giáo xứ một thời nay đã thành phế tích, ngày đêm vẫn chịu những “hằn học” của biển cả, như tên điên cuồng. Vẫn có gì đó tiếc nuối, khi nhắc nhớ về “trái tim” một thời bị chiếm lấy bởi những lần biển động.

Đọc thêm