Những người được trao truyền ngọn lửa

0:00 / 0:00
0:00
(PLVN) - Giữa một cuộc sống bộn bề, đẩy người ta gấp rút tiến về phía trước, vẫn có những người trẻ lội ngược dòng nước, bắt đầu hành trình tìm về nguồn cội ngàn năm.
Những người được trao truyền ngọn lửa

Tháng 1 năm 2021, bỗng dưng trên mạng xã hội xuất hiện hàng loạt hình ảnh những người trẻ mang áo dài Việt với kiểu dáng khá lạ lùng. Nhiều người tinh mắt nhận ra, đó chẳng phải là những chiếc áo dài thông thường được thiết kế độc đáo mà chính là những trang phục Việt cổ hầu như đã từng một thời gian thất truyền trong đời sống người Việt.

Những bạn trẻ tự hào khoác lên mình tấm áo dài Việt xưa ấy đã tham gia một ngày hội, gọi là Ngày hội Việt Phục “Tóc xanh - Vạt áo”. Ngày hội ấy do Trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn, Đại học Quốc gia TP HCM tổ chức với mong muốn lan tỏa giá trị văn hóa tốt đẹp của dân tộc tới sinh viên nói riêng và các bạn trẻ nói chung. Dựng lại phong tục tập quán của người Việt xưa, cách trưng bày thờ cúng, nghệ thuật cung nỏ truyền thống, những cuộc chuyện trò về hành trình văn hóa, cổ phục Việt… Ngày hội ấy đã “hiện thực hóa” một trào lưu ngầm đang tỏa  lan trong giới trẻ thời gian qua: Tìm về cội nguồn văn hóa Việt.  

Đại Việt cổ phong là một nhóm kín hoạt động trên mạng xã hội từ năm 2014 cho đến nay. Thuở ban đầu, đó chỉ là một diễn đàn nho nhỏ cho những bạn trẻ yêu văn hóa Việt có nơi để giao lưu, tương tác, tìm hiểu kiến thức. Nhưng dần dà, nhóm ngày càng mở rộng, số lượng thành viên tăng đột biến, tỉ lệ thuận với sự quan tâm mà giới trẻ dành cho văn hóa Việt. Đến nay, Đại Việt cổ phong đã trở thành một miền đất mà người bước vào được coi như đặt chân trên hành trình khám phá những nét văn hóa cổ Việt Nam.

Giờ đây, có không ít nhóm trẻ trên mạng hướng về văn hóa Việt xưa như thế. Thiên Nam Lịch Đại Hậu Phi, Great Vietnam, Sử Talk, Ngàn năm Sử Việt, Ỷ Vân Hiên, Vương Sư Kiên Duệ, Đại Nam Hội Quán… Là những nhóm nổi đình nổi đám trên mạng xã hội thời gian qua. Có nhóm đam mê cổ phục, nhóm thì thiên về yếu tổ lịch sử, vẽ sử Việt qua tranh… Có giao lưu, học thuật, có kinh doanh, nhưng những người trẻ ấy đều hướng đến mục đích cao nhất: Tìm về và lan tỏa nét đẹp Việt ngàn năm văn hiến. 

Chưa bao giờ như bây giờ, những kiến thức về lịch sử, ẩm thực, văn hóa Việt được phổ biến mạnh mẽ trên mạng xã hội như thế. Có những bạn trẻ viết truyện, vẽ tranh lịch sử như một đam mê. Đáng ngạc nhiên hơn, mỗi chi tiết trong truyện đều được một số lượng lớn độc giả vào phân tích, thậm chí chỉ ra sai sót về lịch sử. Có thể thấy, không ít người trẻ tìm hiểu và nắm vững lịch sử dân tộc như thế nào.

Cũng chưa từng thấy những không gian văn hóa Việt xưa lại được tái dựng sinh động như thế. Từ những bảo tàng áo dài, từ những cửa hiệu bán trang phục Việt cổ, những nhà hàng ẩm thực Việt mang hơi hướng truyền thống. Cũng chưa bao giờ, nhiều bộ phim, vở kịch hướng về văn hóa, văn học Việt được tái dựng nhiều đến thế. Dù có cái hay, cái chưa hay, nhưng nỗ lực để tìm về giá trị văn hóa Việt của những nghệ sĩ ấy rất đáng để trân trọng. 

Và cũng đáng ngạc nhiên khi chứng kiến sự xuất hiện mạnh mẽ của cổ phục Việt trong đời sống tinh thần người Việt trẻ. Từ các buổi trình diễn thời trang cho đến những bộ ảnh lưu lại khoảnh khắc thanh xuân của giới trẻ. Nào  áo giao lĩnh, áo Nhật Bình, áo ngũ thân, những trang phục tưởng như đã biến mất khỏi đời sống người Việt, nay lại tái xuất với những sắc màu đẹp đẽ, trong những hình dáng thướt tha yêu kiều.

Còn cả những bộ ảnh cưới nữa. Đã nhiều chục năm nay chúng ta quen mắt dần với xoa rê xòe bồng nhiều lớp, với vest nam lịch lãm. Thế mà gần đây, những hình ảnh chú rể, cô dâu áo dài khăn đóng, áo tấc sánh đôi cũng áo Nhật Bình, ngũ thân trông lạ mắt mà thân thương vô cùng. Mới đây, một cô dâu Việt cưới chồng ngoại thực hiện bộ ảnh cưới bên trời Tây xa xôi. Hai bộ áo dài cổ phục Việt lung linh trên nền tuyết trắng xóa, với nụ cười rạng rỡ trên môi cô dâu, chú rể, chợt làm người ta xúc động đến lạ bởi tấm tình hướng về quê hương của người con xa xứ. 

Giữa thời đại của số hóa, của thức ăn nhanh và cái gì cũng nhanh, đã có nhiều lo lắng từ những người có lòng, rằng những nét đẹp văn hóa cổ truyền của nước ta sẽ dần mai một đi. Khi người trẻ luôn yêu chuộng mới mẻ, thích hòa vào xu thế quốc tế. Nhưng, với những gì đang diễn ra trước mắt, có lẽ mối lo ấy không quá đáng lo ngại nữa. 

Văn hóa Việt đã thấm đẫm vào mỗi người Việt, trong từng giọt máu, hơi thở. Dòng chảy bất tận ấy, tuy âm thầm mà mạnh mẽ. Nó khiến người Việt giữa tất bật vẫn cho mình chút lắng lòng để tìm về quá khứ. Giúp người trẻ ở thời đại 4.0 vẫn tận dụng công nghệ để lan tỏa lòng yêu nước. Nó khiến người ta càng trong cuộc mưu sinh tha hương lòng lại càng hướng về cố quốc. Khiến những bát phở nóng mang quốc hồn quốc túy được đi khắp năm châu quảng bá cho ẩm thực Việt. Giúp tà áo dài Việt kiêu hãnh tung bay từ Paris kinh đô thời trang quốc tế đến những đất nước xa xôi tận châu Phi.

Một thế hệ trẻ đầy tâm huyết, đầy nhiệt thành, đủ tài năng và đủ cả sự sâu sắc, sẽ là những người đủ tư cách để được trao truyền ngọn lửa của cha ông. Hành trình của những người trẻ tìm về quá khứ cũng chính là hành trình xây nên những viên gạch vững chãi cho tương lai. 

Đọc thêm