Những người phát minh ra máy thông minh… phòng chống “thiên nga đen”

(PLVN) - Đại dịch Covid được nhiều người gọi là đại dịch “thiên nga đen” đang diễn biến phức tạp, một số người dân đặc biệt là học sinh đã mày mò, sáng chế cho ra đời những máy thông minh như: ATM gạo, khẩu trang, máy phun cồn tự động, máy khử khuẩn toàn thân nhằm giúp cộng đồng vượt qua khó khăn, giữ gìn sức khỏe, phòng chống, đẩy lùi dịch Covid.
Máy rửa tay sát khuẩn tự động
Máy rửa tay sát khuẩn tự động

Trăn trở sáng chế máy giúp cộng đồng phòng dịch

Ngày 6/8/2020, ATM khẩu trang chính thức được đưa vào hoạt động tại số 204B, đường Vườn Lài, quận Tân Phú, TP HCM. Đây chính là địa điểm quen thuộc đặt máy ATM gạo đầu tiên trong đợt dịch Covid-19 đầu tiên (3/2020). “Cha đẻ” của ATM gạo - anh Hoàng Tuấn Anh cũng chính là người sáng chế ra ATM khẩu trang lần này.

Chủ nhân máy ATM độc đáo chia sẻ: “Ý tưởng máy ATM khẩu trang được lấy từ chuông cửa màn hình của đơn vị mình đang sử dụng."

So với phiên bản cũ “ATM gạo” trước đây, thiết bị thông minh “ATM khẩu trang” miễn phí của anh Hoàng Tuấn Anh lần này đã có những cải tiến tốt hơn, giúp người dân khi đến nhận quà tặng hạn chế tối thiểu tiếp xúc với những đồ vật xung quanh.

Người nghèo muốn nhận gạo ở “ATM” gạo phải bấm nút, còn người nhận khẩu trang lần này không cần phải bấm bất kì nút nào trên thân máy mà “ATM khẩu trang” sẽ nhận diện gương mặt thông qua hệ thống camera được lắp trên thân máy. Sau đó, khẩu trang tự động tuồn ra cho người nhận trước cây ATM trong khoảng 5 giây.

Để người dân không phải đi lại nhiều lần, đối với khẩu trang vải kháng khuẩn có thể giặt được 30 lần cây ATM sẽ cho ra 1 chiếc/1 bịch. Còn đối với khuẩn trang vải sử dụng được từ 5 đến 7 ngày, ATM sẽ cho ra 3 chiếc/1 bịch. Mọi thao tác diễn ra nhanh chóng và đơn giản.

Đa phần người tới lấy khẩu trang chủ yếu là người có hoàn cảnh khó khăn, các bác xe ôm, công nhân, những người lượm ve chai... Trong ngày đầu hoạt động, máy ATM đã phát được cho hơn 1.000 lượt người từ khoảng 10.000 chiếc khẩu trang từ các nhà hảo tâm nguyên góp trước đó. Máy sẽ tiếp tục đợt phát tiếp theo vào thứ 5 hàng tuần từ lúc 10h đến 16h. Thời gian tới, nhóm của anh Tuấn Anh cũng sẽ cho các quận, huyện khác mượn để phát khẩu trang miễn phí cho người dân.

Anh Tuấn Anh cho biết, hiện đã vận động được 8.000 khẩu trang để phục vụ người dân và đang muốn kêu gọi nhiều “mạnh thường quân” ủng hộ, giúp đỡ. Anh Tuấn Anh tâm sự: “Tôi thấy việc đeo khẩu trang rất quan trọng trong việc phòng ngừa dịch Covid-19. Thứ nhất là chi phí không quá đắt, nhưng hiệu quả phòng dịch cao. Khi mùa dịch đợt 2 này xảy ra, mình cũng ấp ủ việc thực hiện 1 điểm ATM phát khẩu trang miễn phí. Vừa rồi UBND TP HCM bắt buộc đeo khẩu trang nơi công cộng, đó là động lực để mình sớm thực hiện máy ATM này”. Anh Tuấn Anh dự kiến sắp tới sẽ tặng máy phát khẩu trang này cho các nơi như Hà Nội và Đà Nẵng.

Cảm kích trước tấm lòng của nhà hảo tâm khi khẩu trang tại máy ATM, bà Ngô Thị Thơ (quận Thủ Đức, TP Hồ Chí Minh) tâm sự: “Tôi bán hàng rong qua đây, thấy có ATM khẩu trang liền rẽ vô xin một vài chiếc khẩu trang đeo phòng dịch. Đây là điều may mắn với những người nghèo như tôi vì tiết kiệm được một khoản tiền nhỏ để mua rau dưa, cuộc sống giảm chút ưu phiền”.

Cũng như anh Tuấn Anh, anh Mai Văn Đức cũng cố gắng góp công sức mình để phòng chống dịch bệnh. Theo Phòng Công tác xã hội (Bệnh viện Việt Đức), trong mùa dịch Covid-19, anh Mai Văn Đức, trợ giúp chăm sóc tại khoa Điều trị theo yêu cầu, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã  nghiên cứu chế tạo máy phun cồn tự động đặt tại cổng tiếp đón người bệnh. Đây là loại máy phun dùng van từ, có thể phun tự động cồn khi có người đi qua. Chiếc máy này sẽ hỗ trợ rất nhiều cho công tác khai báo y tế, kiểm soát dịch tại cổng bệnh viện.

Là một người thích nghiên cứu chế tạo, anh Mai Văn Đức cho biết đã tham khảo những mẫu máy phun trên mạng và dựa vào tình hình thực tiễn để chế tạo ra chiếc máy phun cồn phù hợp. Nói về ý tưởng để sáng tạo máy phun cồn, anh Đức chia sẻ: “Ý tưởng nảy ra khi tôi nhìn thấy những người bệnh và người nhà người bệnh đi qua cổng khi đang xách thức ăn, nhưng họ vẫn phải đặt đồ xuống để sử dụng bình rửa tay khử khuẩn, vì vậy tôi muốn chế tạo chiếc máy này tạo sự thuận tiện cho người bệnh, giúp họ được đảm bảo sức khỏe và góp phần vào công tác kiểm soát dịch bệnh tại bệnh viện. Chiếc máy của anh có ưu điểm giúp tiết kiệm cồn mỗi khi sử dụng”.

Vốn là một người đam mê nghiên cứu chế tạo cùng với sự thấu cảm người bệnh, anh Đức đã có nhiều phát minh hữu ích nâng cao công tác khám, chữa bệnh. Anh là tác giả của đề tài nghiên cứu “Xe gội đầu dành cho người bệnh nặng”.

Chiếc xe này giống như một tiệm gội đầu thu nhỏ, có thể di chuyển đến giường bệnh và gối vào đầu giường bệnh. Người bệnh sẽ được gội đầu dễ dàng và các hộ lý không phải xách những xô nước nặng đến bên giường bệnh. Bên cạnh đó, anh còn là đồng tác giả máy tập gối cải tiến tối ưu, bán tự động giúp cho người bệnh sau mổ chấn thương gối luyện tập dễ dàng hơn.

Anh Mai Văn Đức rất vui mừng khi những sản phẩm nghiên cứu của mình giúp ích cho người bệnh. Anh luôn đặt bản thân vào hoàn cảnh người bệnh để hiểu họ đang cần điều gì và mang lại những điều tốt đẹp nhất cho họ. Anh là một trong số hơn 2200 cán bộ, nhân viên y tế Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức luôn nỗ lực cải tiến và sáng tạo không ngừng nhằm nâng cao chất lượng điều trị, tất cả hướng đến sự hài lòng của người bệnh.

Giàn phun khử trùng, chiếc máy phun cồn tự động của các em học sinh

Phát huy kiến thức đã học, sự sáng tạo và tấm lòng nhân ái, thầy và trò Trường THPT số 1 Lào Cai đã tự nghiên cứu, chế tạo giàn khử trùng toàn thân tự động và cây ATM gạo hỗ trợ người nghèo; góp sức phòng, chống dịch Covid-19 hiệu quả.

Từ ý tưởng sản xuất giàn phun khử trùng tự động và sát khuẩn, thầy và trò Trường THPT số 1 Lào Cai đã phân công nghiên cứu và miệt mài làm việc theo nhóm, như: cơ khí, lập trình, điện... Hệ thống giàn phun khử trùng này ra đời từ ý tưởng của nhóm học sinh trong câu lạc bộ khoa học của nhà trường, do em Lê Hoàng Quốc, lớp 12D1 làm nhóm trưởng, cùng với Nguyễn Hoàng Long lớp 12A3, Trần Huy Long lớp 10A1, dưới sự hướng dẫn của thầy Nguyễn Tiến Dũng, giáo viên Vật lý và thầy Nguyễn Trung Cao, giáo viên Tin học.

Chỉ sau năm ngày làm việc, giàn phun khử trùng toàn thân tự động đã hoàn thành. Ðây là hệ thống được thiết kế hệ thống cơ khí tối ưu bảo đảm độ thoáng, hệ thống đèn, tia chiếu, nhiệt độ 45 đến 50 oC, hệ thống đủ cho người và xe mô-tô đi qua để khử trùng. Hệ thống gồm ba cửa độc lập, tương ứng ba hàng người và xe đi vào.

Trưởng nhóm Lê Hoàng Quốc cho biết, mục tiêu hệ thống hướng tới là tiêu diệt các vi khuẩn, vi-rút, nấm mốc, bào tử... bằng nhiệt độ và các tia chiếu làm vỡ màng, tạo sốc nhiệt chết vi-rút. Hệ thống được thiết kế gồm cảm biến phát hiện người để tự động phun, có đèn tín hiệu, vòi phun tơi (sương mù mịn) với tám vòi phun/cửa từ nhiều hướng không gây ướt và giúp khử khuẩn toàn bộ cơ thể và phương tiện trong thời gian từ 25 đến 30 giây. Ngoài ra, hệ thống còn được lắp đặt đèn chiếu hồng ngoại thường dùng trong khử khuẩn y tế để bảo đảm nhiệt độ và tăng cường chức năng khử trùng

Cứ mỗi sáng hàng ngày, các thầy giáo, cô giáo và các em học sinh của Trường THPT số 1 Lào Cai có mặt, lần lượt đi qua giàn máy phun khử trùng toàn thân tự động đặt ngay ở cổng trường. Chỉ mất 20 giây, toàn bộ người và xe đã được phun khử trùng, bảo đảm nhanh gọn, an toàn, tác dụng phòng dịch Covid-19 cao.

Cô giáo Nguyễn Thị Tuyết Thanh  - Hiệu trưởng Trường THPT số 1 Lào Cai  cho biết, qua các hoạt động trên của nhóm khơi dậy niềm đam mê nghiên cứu khoa học, giúp học sinh mang được kiến thức lý thuyết chế tạo ra các máy hữu ích phục vụ cộng đồng, cùng với đó là bài học về sự sẻ chia, biết cho đi trước khi nhận lại. “Ðây cũng là bài học về tinh thần hỗ trợ, đoàn kết, biết sẻ chia với những người khó khăn, yếu thế hơn trong xã hội ngay khi các em còn ngồi trên ghế nhà trường phổ thông”.

Cũng sáng chế chiếc máy thông minh, chiếc máy sát khuẩn tự động được hai học sinh Võ Thanh Minh Nhật (lớp 11C5) và Nguyễn Trần Nguyệt Hà (lớp 10C4, đều là thành viên CLB Khoa học kỹ thuật của trường THPT Trường Chinh) cùng thầy giáo Nguyễn Trần Thái Vũ sáng chế được toàn trường thích thú.

Mỗi khi vừa bước qua cổng trường, các em học sinh lại thấy vui khi nghe giọng nói điện tử nhắc nhở: “Đề nghị các em học sinh rửa tay bằng dung dịch sát khuẩn trước khi vào trường học”. Sau khi nghe nhắc nhở, các học sinh tiến đến, đưa tay gần máy thì máy sẽ phun ra một lượng nước sát khuẩn vừa đủ cho các em rửa tay.

Em Võ Thanh Minh Nhật mô tả chiếc máy: “Cấu tạo của chiếc máy gồm 4 hệ thống chính. Bao gồm vỏ hộp bảo bệ, hệ thống cảm biến và cảnh báo, hệ thống chứa và bơm dung dịch sát khuẩn, cuối cùng là mạch điều khiển đồng bộ hoạt động của máy”.

Trong đó, vỏ hộp bảo vệ được làm bằng nhựa. Mặt trước trang trí và hướng dẫn sử dụng, đèn led 2 màu báo hiệu lượng dung dịch trong hộp chứa và loa thông báo. Mặt bên dưới là cảm biến xác nhận tay người và ống nhỏ dung dịch sát khuẩn, nút nguồn và nút reset hệ thống. Mặt bên phải có gắn cảm biến nhận diện sự xuất hiện của người khi vào cổng cơ quan, trường học.

Mặt bên trên có ống dẫn đưa dung dịch sát khuẩn vào hộp chứa. Mặt sau có vị trí để gắn ốc cố định máy vào tường.

Về hệ thống cảm biến điều khiển và cảnh báo, Nhật cho biết, máy bao gồm 1 cảm biến xác định sự xuất hiện người vào cổng cơ quan và 1 cảm biến xác định sự xuất hiện tay người để truyền tín hiệu điều khiển mạch bơm dung dịch.

Ngoài ra, hệ thống này còn có còi và loa báo hiệu, ngay khi cảm biến phát hiện người đi qua sẽ phát còi và loa nhắc nhở phải rửa tay trước khi vào cơ quan.

… Những “cha đẻ” của chiếc máy ATM gạo, ATM khẩu trang, giàn phun cồn tự động... đều mong muốn thực hiện được nhiều máy dành tặng cho những vùng có nhiều người nhiễm bệnh cũng như nơi khó khăn để góp phần chung tay đẩy lùi đại dịch “thiên nga đen”. 

Đọc thêm