Những người trẻ không muốn sống

(PLO) - Khi chúng tôi đến thì trên nấm mộ cỏ đang dần mọc lại. Đó là ngôi mộ của T. X. C. - một sơn nữ “tự kết thúc” mình lúc còn quá trẻ (15 tuổi) mà chẳng vì lý do gì to tát, ngoài chuyện yêu đương nông nổi lúc tuổi trẻ con. Cái chết của T. X. C. chỉ là một ví dụ trong rất nhiều vụ tự tử bằng lá ngón, tại địa bàn các xã vùng cao Lai Châu trong những thập niên qua...
Hoa ngón trắng.
Hoa ngón trắng.

Những cái chết “đơn giản”

Trên sườn núi ở độ cao chừng 1.200 mét, căn nhà gỗ của gia đình anh Tẩn Phù Dương (sinh năm 1983, dân tộc Dao, bản Po Chà, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ, tỉnh Lai Châu) nằm im lìm dưới tán rừng già. Cách đây hơn một tháng, cô con gái đầu lòng của gia đình là T. X. C. (sinh năm 2002) chết đột ngột, sau khi ăn nắm lá ngón hái từ bìa rừng sau nhà.

Câu chuyện buồn ấy đã qua, nhưng không chỉ người trong gia đình mà cả bản Po Chà như vẫn còn bàng hoàng, trước hung tin cô bé ngoan hiền T. X. C. vĩnh viễn ra đi vào tuổi thiếu thời. Dường như phải cố gắng lắm anh Tẩn Phù Dương mới có thể nhận lời tiếp chuyện chúng tôi, sau khi biết chúng tôi trình bày ý định muốn viết về cái chết của cháu T. X. C. - đứa con mà anh chị đứt ruột đẻ ra và chắt bóp nuôi nấng bằng công cấy cày suốt 15 năm nắng lửa mưa dầu...  

Run run cầm tấm giấy khen học sinh giỏi của con gái (cháu T.X.C.) trên tay, anh Dương ngân ngấn nước mắt, nghẹn ngào chia sẻ, năm trước, khi C. đang học lớp 7 tại một trường trung học cơ sở trên xã thì đột ngột bỏ về nhà. Gia đình tưởng nó thương bố mẹ nghèo, vất vả nên xin nghỉ học sớm để ở nhà giúp làm nương nuôi các em.

Thời gian gần đây, biết nó thích đứa con trai người bản bên nhưng do không muốn con lấy chồng sớm và ở bản xa, nên gia đình đã ngăn cấm chuyện cháu thường đi chơi đêm. Nó không phản đối, không cãi cự nhưng tính trầm hẳn xuống, ít trò chuyện cởi mở với mẹ và em.

Anh Tẩn Phù Dương nói: “Tối khuya đó thấy con gái sử dụng điện thoại để nhắn tin, tôi bảo cất điện thoại, muộn rồi để mọi người đi ngủ. Sáng sớm hôm sau, như mọi ngày tôi đi chăn trâu thì đến trưa chú nó hớt hải lên rừng tìm về, bảo là con gái mất rồi. Mẹ cháu cũng ở nhà nhưng do cháu quyết tâm tìm đến cái chết nên hành động lặng lẽ và kín đáo, không tỏ ra dấu hiệu gì để mẹ sinh nghi. Lúc mẹ cháu phát hiện ra thì đã quá muộn, độc tố đã ngấm toàn thân, không còn cách nào có thể cứu được...”.

Vượt qua con dốc dựng đứng ở bên kia sườn núi là câu chuyện buồn của gia đình anh Phàn A Văn (cùng dân tộc Dao). Từ ngày vợ anh là chị Lý Xa T. tự tử bằng lá ngón, kinh tế gia đình vốn đã khó khăn nay càng thêm khó khăn hơn. Từ hôm T. mất, căn nhà bỗng trở nên trống trải, người thân trong gia đình buồn đau vô tận, cơm chả muốn ăn. Công việc ruộng nương trước đây có vợ cùng gánh vác, thì nay dồn hết lên đôi vai của người đàn ông mới hơn 40 tuổi mà trông như người ngoài 50 tuổi. Ngoài việc ruộng nương nặng nhọc, giờ đây, anh Phàn A Văn kiêm luôn “bảo mẫu” khi phải trông cháu và quán xuyến việc nhà cho vợ chồng cô con gái út đi làm ăn xa.

Vừa cho thêm củi vào bếp, anh Phàn A Văn vừa rơm rớm nước mắt kể lại nguồn cơn câu chuyện buồn của gia đình. Số là, hai vợ chồng anh ở với vợ chồng cô con gái út. Một buổi chiều cuối tháng 2/2017, cô con gái cả lấy chồng ở xã bên gọi điện về nhà hỏi thăm sức khỏe bố mẹ và thông báo hôm sau cả gia đình về nhà chơi. Gọi cho mẹ nhiều lần nhưng không được, cô con gái cả gọi điện cho em rể lúc đó đang đi làm nương, nhờ em rể báo với bố mẹ mấy hôm nữa anh chị và các cháu về thăm.

Chuyện chỉ có thế, nhưng lập tức người mẹ (vợ anh Phàn A Văn) gọi điện mắng con gái, cho rằng con mình có tình ý với em rể và sau đó bà đi ăn lá ngón. Vậy là, thật buồn vợ chồng cô con gái cả cũng về nhưng không phải về thăm bố mẹ, mà về để chịu tang mẹ. Anh Phàn A Văn chia sẻ: “Gia đình tôi nghèo nhưng cuộc sống cũng bình thường như bao gia đình khác. Không hiểu sao chỉ có thế thôi mà vợ nó không giữ được, ăn lá ngón chết. Giờ nhớ nó lắm, nhưng chỉ biết nhìn cái ảnh thôi, nhớ trong lòng vì nó không sống được rồi.

Từ ngày vợ nó chết cũng buồn, nên có ngày thì tôi ở nhà trông cháu, có ngày phải đi làm thuê để phụ con cháu. Cuộc sống kinh tế bây giờ của gia đình ăn bữa nào tính bữa đấy, tôi chỉ biết cố gắng trông con, trông cháu, nuôi lợn, nuôi gà và làm ruộng thôi”.

Hoa ngón vàng
Hoa ngón vàng

Gần 2 năm 50 vụ tự tử bằng lá ngón

Thượng tá Lý Ngọc Linh, Đồn trưởng Đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ cho biết: Do xã hội ngày càng phát triển, con người càng dễ bị nhiều sức ép như gánh nặng công việc, cuộc sống khó khăn, áp lực học tập... Bên cạnh đó còn có các nguyên nhân chủ quan đến từ chính các nạn nhân như mâu thuẫn gia đình, thất tình, bị bệnh hiểm nghèo dẫn đến căng thẳng tinh thần. Cộng với sự thiếu quan tâm từ gia đình, người thân cho nên tình trạng tự tử tại Lai Châu đang có những diễn biến phức tạp.

Có những trường hợp tự tử vì những nguyên nhân rất nhỏ như bị điểm kém, bố mẹ không mua cho điện thoại, thậm chí không cho xem ti vi khuya cũng dẫn đến tự tử. Hình thức tự tử nhiều nhất là ăn lá ngón và nạn nhân phần lớn là phụ nữ và nhất là các cô gái trẻ, thậm chí rất trẻ. Địa bàn xảy ra các vụ tự tử phần lớn đồng bào dân tộc thiểu số sinh sống, kinh tế đặc biệt khó khăn, nhận thức của người dân không đồng đều, một số hủ tục vẫn tồn tại... là những nguyên nhân chính khiến tình trạng tự tử ngày càng gia tăng. 

Đã có một thời gian đồn biên phòng trên địa bàn phối hợp với chính quyền địa phương tổ chức các chiến dịch triệt phá cây lá ngón, nhưng lá ngón là cây hoang dại, mọc rất nhanh nên rất khó để triệt hết. Theo thống kê chưa đầy đủ của cơ quan chức năng, từ năm 2015 đến nay trên địa bàn tỉnh Lai Châu đã xảy ra hơn 50 vụ tự tử bằng lá ngón và đã cướp đi sinh mạng của hơn 40 người. Ngay cả những người may mắn được cứu sống, cũng để lại những di hại lâu dài và nghiêm trọng về khả năng phục hồi sức khoẻ cũng như hệ thần kinh trung ương. Điều đáng nói là các vụ tự tử chủ yếu xảy ra trong vùng đồng bào Mông, Dao, La Hủ, Thái... ở vùng sâu, vùng xa và nhiều nhất vẫn là địa bàn các xã biên giới khó khăn, nơi trình độ dân trí của bà con còn hạn chế. 

Đẩy mạnh hoạt động tổ hòa giải

Vẫn theo lời của Thượng tá Lý Ngọc Linh - Đồn trưởng đồn Biên phòng Sin Suối Hồ, huyện Phong Thổ - Mặc dù các cơ quan chức năng và chính quyền địa phương vào cuộc rất quyết liệt, tuyên truyền cho bà con về tác hại của cây lá ngón nhưng hiệu quả đem lại chưa như mong muốn. “Để giải quyết vấn đề này, tôi cho rằng việc phá nhổ ta vẫn tiến hành, nhưng đồng thời phải chú trọng tuyên truyền tới bà con về tác hại của cây lá ngón đối với cộng đồng. Cho dù là các mâu thuẫn lớn hay bé, các tổ hòa giải thôn bản phải nắm chắc tâm tư, nguyện vọng của bà con để giải quyết thấu tình đạt lý”, Thượng tá Lý Ngọc Linh nhận định.

Ông Phàn Tiến Ngân, Trưởng bản Pa Chà, xã Nậm Xe, huyện Phong Thổ nói: “Bản chúng tôi ở vùng sâu, vùng xa, trước đây hay xảy ra các trường hợp tự tử bằng lá ngón. Được đồn Biên phòng, chính quyền địa phương có nhiều buổi tuyên truyền, qua đó các trường hợp tự tử đi ăn lá ngón cũng giảm. Thời gian tới chúng tôi sẽ tăng cường các buổi tuyên truyền qua các buổi họp bản để bà con hiểu biết hơn nữa”.

Trong khi các cơ quan chức năng và chính quyền các cấp tỉnh Lai Châu đã và đang quyết liệt vào cuộc, thì hàng ngày bên các bản làng những bụi dây leo lá ngón vẫn lung linh khoe hai màu hoa vàng - trắng như thể “gọi mời” những ai muốn “tự kết thúc” mình qua cách xử sự nông nổi…

Đọc thêm