Những nhân vật truyền cảm hứng cho thế hệ trẻ trong năm 2020

(PLVN) - Năm 2020 nhiều biến động, thách thức, khó khăn chồng chất, nhưng những nhân vật dưới đây đã tạo được dấu ấn đặc biệt và truyền cảm hứng mạnh mẽ cho thế hệ trẻ.

Nam sinh 10 năm cõng bạn đi học

Trong mùa thi Đại học năm nay, hình ảnh cặp bạn thân Nguyễn Tất Minh và Ngô Minh Hiếu (cựu học sinh lớp 12, Trường THPT Triệu Sơn 5, huyện Triệu Sơn, Thanh Hóa) khiến không ít người xúc động. 10 năm qua, Minh Hiếu thường xuyên cõng người bạn kém may mắn của mình đến trường.

Ngô Minh Hiếu cõng bạn đến trường.
 Ngô Minh Hiếu cõng bạn đến trường.

Hành trình 10 năm cùng kề vai sát cánh, cõng bạn đi học, cuối cùng cả hai thực hiện ước mơ vào giảng đường.

2 bạn trẻ truyền cảm hứng về tình bạn tuyệt đẹp, giúp đỡ nhau vượt qua thử thách.
 2 bạn trẻ truyền cảm hứng về tình bạn tuyệt đẹp, giúp đỡ nhau vượt qua thử thách.

Ngô Minh Hiếu đã trở thành sinh viên của trường ĐH Y Dược Thái Bình, còn Nguyễn Tất Minh đang theo học Đại học Bách Khoa Hà Nội. Dù không thể tiếp tục đồng hành cùng người bạn của mình mỗi ngày đến trường, nhưng cái tên Ngô Minh Hiếu luôn đẹp trong tâm trí mọi người.

Jang Kều – Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ

Trong những ngày miền Trung đang bị ảnh hưởng nặng nề bởi bão lũ, dự án Nhà Chống lũ đang được quan tâm bởi tính hiệu quả cũng như sự an toàn của những ngôi nhà được hỗ trợ xây dựng.

Người sáng lập ra dự án này là chị Phạm Thị Hương Giang (Jang Kều). Mục tiêu của dự án Nhà Chống Lũ không chỉ giúp người ta xây nhà, mà còn hỗ trợ thay đổi nhận thức. Khi có được căn nhà an toàn, họ mới thực sự vững vàng ước mơ cho tương lai, chứ không chỉ chờ đợi cứu trợ hàng năm.

Jang Kều - Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ.
Jang Kều - Người phụ nữ đứng sau dự án Nhà Chống Lũ. 

Được sáng lập từ năm 2013, nhưng từ đó đến nay, dự án Nhà Chống Lũ của chị Giang vẫn luôn hoạt động đều đặn và ngày càng phát triển để giúp đỡ người dân mỗi mùa lũ lụt.

Dự án Nhà Chống Lũ của chị Giang.
 Dự án Nhà Chống Lũ của chị Giang.

Hoàng Tuấn Anh – cha đẻ của 'ATM gạo'

Với suy nghĩ làm thế nào để có thể giúp đỡ những người có hoàn cảnh khó khăn giữa thời điểm cách ly xã hội do dịch Covid-19, anh Hoàng Tuấn Anh - CEO PHGLock, đã nảy sinh ra ý tưởng làm máy phát gạo (ATM gạo) cho người nghèo.

Không chỉ là chia sẻ, giải quyết khó khăn trước mắt cho người nghèo do phải cách ly xã hội để phòng chống dịch bệnh Covid-19, những chiếc AMT gạo còn chất chứa nghĩa cử, tinh thần tương thân tương ái trong cộng đồng.

 

Sau khi xuất hiện, nhiều trang báo trên thế giới và châu Á như Straittimes, Bangkok Post… đều dẫn lại tin tức về máy ATM gạo ở Việt Nam. Đa số đều dành những lời khen ngợi đối với tinh thần tương thân tương ái của người Việt cũng như nỗ lực ngăn chặn dịch bệnh của Chính phủ Việt Nam.

Mô hình ATM gạo được đặt tại nhiều nơi trên cả nước
 Mô hình ATM gạo được đặt tại nhiều nơi trên cả nước

Sau đó không lâu, anh Hoàng Tuấn Anh tiếp tục chế tạo 'ATM khẩu trang' để phục vụ người dân thời điểm dịch bệnh. Những phát minh của anh đã nhận được nhiều lời khen ngợi và sự ủng hộ từ người dân cả nước.

Nữ sinh ngoại thương mắc ung thư vú "tốt nghiệp bệnh viện K"

Đầu tháng 6/2019, Đặng Trần Thủy Tiên (20 tuổi, quê ở Hải Phòng) tạm gác lại việc học tập ở ngôi trường đại học mơ ước khi phải kiên cường đối mặt với hành trình dài điều trị căn bệnh ung thư vú giai đoạn 2.

Trong suốt thời gian qua, Thủy Tiên luôn kiên cường từng ngày chống lại căn bệnh, tham gia cuộc thi sắc đẹp, chấp nhận cắt phăng mái tóc như một lời tuyên chiến với bệnh tật. Thời điểm đó, câu chuyện về nghị lực phi thường của cô gái trẻ nhận được rất sự nhiều quan tâm, chia sẻ từ cộng đồng. 

Bức ảnh Đặng Trần Thủy Tiên dự thi Duyên dáng Ngoại thương - Beauty & Charm 2019 khi đang trong quá trình điều trị
Bức ảnh Đặng Trần Thủy Tiên dự thi Duyên dáng Ngoại thương - Beauty & Charm 2019 khi đang trong quá trình điều trị 

Sau một thời gian chữa bệnh, ngày 28/10/2020, Thủy Tiên đã đẩy lùi được những tế bào ung thư trong cơ thể, chính thức được xuất viện. Cô mọc tóc trở lại, ngày càng tươi vui và khỏe khoắn hơn.

Sự lạc quan, yêu đời và ý chí chiến đấu mạnh mẽ với căn bệnh ung thư của Thủy Tiên đã truyền cảm hứng lớn đến thế hệ trẻ, đặc biệt những người không may mắc căn bệnh quái ác.

Nữ sinh mắc ung thư xuất viện, tiếp nối hành trình truyền cảm hứng.
Nữ sinh mắc ung thư xuất viện, tiếp nối hành trình truyền cảm hứng. 

Chủ kênh Youtube "Ẩm thực mẹ làm" vươn tầm thế giới

Mang đến sắc màu bình dị, nhẹ nhàng trong mỗi video, kênh YouTube "Ẩm thực mẹ làm" được nhiều người biết đến từ khung cảnh nơi miền quê nhỏ, với những món ăn đạm bạc như cơm lam chấm muối vừng, canh cua, măng đắng luộc chấm tương, bánh đúc, cà muối…

Chủ nhân của kênh "Ẩm thực mẹ làm" là anh Đồng Văn Hùng (sinh năm 1996, Thái Nguyên) và cô Dương Thị Cường (sinh năm 1964), mẹ của Hùng cũng là nhân vật chính trong mỗi video.

Đồng Văn Hùng - chủ kênh 'Ẩm thực mẹ làm' và cô Dương Thị Cường - mẹ của Hùng
Đồng Văn Hùng - chủ kênh 'Ẩm thực mẹ làm' và cô Dương Thị Cường - mẹ của Hùng 

Giữa một thị trường không thiếu các YouTuber gây ồn ào, sử dụng đủ chiêu trò câu view, việc Đồng Văn Hùng sáng tạo các kênh Youtube của mình bằng chính hình ảnh người mẹ nấu những món ăn quê nhà bên con mèo, đàn gà trở nên đáng quý và ý nghĩa hơn.

Mới đây, kênh "Ẩm thực mẹ làm" - kênh YouTube đại diện Việt Nam đi thi YouTube FanFest 2020. Đây không chỉ là tin vui với kênh mà còn là niềm tự hào của nhiều khán giả trong nước khi hình ảnh quê hương xứ sở được chia sẻ rộng rãi hơn đến bạn bè quốc tế.

Kênh "Ẩm thực mẹ làm" - kênh YouTube đại diện Việt Nam đi thi YouTube FanFest 2020.
 Kênh "Ẩm thực mẹ làm" - kênh YouTube đại diện Việt Nam đi thi YouTube FanFest 2020.

Đọc thêm