Những phận đời leo lét bên triền núi

(PLO) - Họ ăn còn chẳng đủ nói chi đến việc thuốc thang. Họ mặc kệ cho bệnh tật, ốm đau dày vò, hành hạ. Họ mặc nhiên coi bệnh tật song hành cuộc đời mình. Họ sống trong căn nhà được dựng tạm bợ, xiêu vẹo bằng gỗ, phên, tre, nứa. Trời nắng, ánh mặt trời vẫn xuyên thấu qua những khe hở chiếu chói chang. Trời mưa ngồi trong nhà vẫn ướt sũng.
Gia đình anh Bàn Văn Hen
Gia đình anh Bàn Văn Hen

Gia đình ngây dại trong “túp lều” rách

Nằm cách Hà Nội 180 km, Suối Nánh là xã lòng hồ của huyện vùng cao Đà Bắc, Hòa Bình. Đường núi quanh co bám theo sườn núi, lúc thì hạ thấp xuống thung lũng, lúc lại lên cao chót vót. Đứng bên này dốc không nhìn thấy phía bên kia.

Nhìn vào bản đồ thì chả khác gì như đi xe đua địa hình, ngoằn nghèo như con rắn, các khúc cua nối nhau liên tiếp. Nếu tay lái không “lụa”, xe lao xuống vực bất cứ lúc nào. Có nhiều đoạn đường đồi bị sạt lở chưa kịp gia cố lại. Xe muốn qua phải xuống thu dọn đất đá.

 Đường đi khó khăn, hiểm trở, Suối Nánh như một ốc đảo nằm chơ vơ giữa núi rừng. Diện tích canh tác ít trong khi điều kiện tự nhiên vô cùng khắc nghiệt đã đẩy nhiều hộ dân xã Suối Nánh vào cuộc sống khó khăn.  

Với khoảng 90% người Mường, Dao, cả xã có với trên 300 hộ dân. Tỷ lệ hộ nghèo xấp xỉ 50%, hơn 20% hộ cận nghèo. Cả xã có 5 xóm nhưng chỉ có 3 xóm sống tập trung, còn lại 2 xóm nằm tít trên những sườn dốc như xóm Bưa Sen, xóm Duốc. Cuộc sống của họ bám vào những hốc đá và mưu sinh trên những sườn núi.

Trong “túp lều” gỗ dột nát, siêu vẹo nằm thu lu cuối xóm Duốc, anh Bàn Văn Hen, dân tộc Dao, 40 tuổi nói lảm nhảm liên hồi. Chị vợ bàn Thị Nái (42 tuổi) nhìn thấy chồng như vậy cũng cười ngây dại. Hai đứa con anh chị Bàn Thị Tuyết (4 tuổi), Bàn Văn Tâm (2 tuổi) mặt mũi lấm lem thu lu một góc.

Nói “túp lều” không sai. Nó chỉ là mấy phên gỗ ghép tạm bợ, rộng chừng 8 mét vuông. Có cảm tưởng, chỉ cần 1 trận mưa lớn, nước lũ trên núi đổ xuống, thì số phận của 4 con người khốn khổ này không biết sẽ đi về đâu. 

Trong “túp lều” gỗ tồi tàn ấy, chiếc gường mối mọt chất đầy quần áo vấy bẩn, cũ nát. Giữa nền nhà đất độc một chiếc bếp 3 chân, lạnh giá. Đã mấy ngày nay, cả gia đình anh Hen không có lấy một hạt cơm vào bụng. Cứ đến bữa, gia đình lại dắt díu nhau xin ăn quanh làng. Lúc cái bắp ngô, lúc củ khoai sượng nhét vào bụng. 

Trong xóm Duốc này, gia đình anh chị Hen là trong số 4 hoàn cảnh đáng thương. Sinh ra, anh Hen đã bị thần kinh bẩm sinh. Suốt ngày chỉ nói lảm nhảm. Dù đã 40 tuổi, trí tuệ của anh cũng chỉ như đứa 4 tuổi. Bố mẹ dạy làm nương, làm rẫy, anh cứ đứng ngẩn, cười cười và lảm nhảm những gì chẳng ai hiểu.

Cứ mỗi lần trái gió, dở giời anh Hen lại đập đầu vào tường, tóe máu. Những lúc nổi điên, chẳng còn cách nào khác, gia đình lại cột anh vào góc nhà để giảm chấn thương cho anh. 30 tuổi, gia đình anh mai mối cho cô vợ bản bên. “Nồi nào úp vung ấy”, chị Nái hơn anh 2 tuổi, mặt lúc nào cũng ngơ ngơ. Hai vợ chồng “ngơ ngác” lấy nhau.

Cả hai không biết tiếng Kinh, không biết chữ, không biết lên nương rẫy, ngày ngày lang thang khắp đồi núi. Nhặt được thứ gì cũng cho vào miệng. Tự nuôi mình đã khó huống chi có thêm con. Con gái đầu sinh ra khóc ngặt ngặt đói sữa.

Nhà không có cái ăn, chị Nái xanh như tàu lá chuối, gầy chưa tới 37 cân, chẳng có tí sữa nào cho con. Dân bản lại thương, người cho đấu gạo, người cho ít ngô đun dừ lấy nước nhấp vào miệng trẻ sơ sinh. Con bé 2 tuổi, quặt quẹo ốm, da dẻ bủng beo, bé như giẻ vắt vai.

Có lần, anh Hen hứng chí thế nào đưa con ra suối tắm. Đang tắm dở, anh Hen lên cơn, ôm đầu, bỏ mặc con gái 2 tuổi trôi theo dòng suối. Rất may, đúng lúc đó, có người trong bản đi ngang qua, vội vã chạy theo bế thốc con bé lên. Sau đận đó, người em trong họ xin con bé về nuôi. 

Chỉ vài năm sau, vợ chồng anh chị tiếp tục sinh con trai rồi lại thêm đứa con gái. Gia đình cơ cực. 4 miệng ăn, cả gia đình trông vào tiền hỗ trợ gia đình khó khăn: 540 nghìn/ tháng. Thỉnh thoảng, dân bản cho ít gạo, mấy con lợn lửng hàng xóm sang rúc vào ăn. Thấy lợn ăn gạo, hai vợ chồng cười cười, chẳng biết đường xua đuổi. Đói triền miên.

Hai đứa trẻ bao ngày không biết đến hạt cơm, thèm khát một bữa ăn đủ đầy. Chúng cứ lủi thủi trong nhà, chẳng giao tiếp với ai. Gặp ai, chúng cũng ngượng ngùng, lí nhí được vài câu tiếng Dao rồi lại tìm chỗ khuất ẩn mình.

Chị Bàn Thị Lún
Chị Bàn Thị Lún

Đói ăn, hai đứa trẻ ấy còn đối mặt với sự “bỏ rơi” của bố mẹ. Cứ mỗi lần trái gió, anh chị lại đi lang thang quên cả thời gian. Có nhiều khi, hai đứa trẻ bị “bỏ quên” ở trong nhà cả ngày trời, không ăn không uống.

Tối xẩm, dân bản ngó qua thấy hai đứa trẻ nằm co quắp trên giường mục, ôm bụng đói mới hốt hoảng bế về cho ăn uống. Nửa đêm, hai vợ chồng mới dắt díu về cười cười, lảm nhảm ngây ngô. Chán, họ leo lên giường ngủ chẳng màng nhớ hai đứa con mình đang ở đâu. 

Nằm ngay sát “túp lều” anh Hen là một “túp lều” khác của chị gái anh Hen. Chị là Bàn thị Lún (43 tuổi). Sinh ra bị câm điếc, lại thiểu năng trí tuệ,  chị Lún cũng không thể tự nuôi mình. Phận đời chị leo lét bên những đồi núi trập trùng. Lớn lên, chị có chút nhan sắc nhưng trai bản chẳng ai buồn lai vãng.

Trong một lần đi lang thang, chị đã bị một người đàn ông hãm hiếp. Trở về thấy con gái quần áo xộc xệch, gia đình hỏi, chị chỉ cười cười ngơ ngẩn. Sau đận ấy, chị sinh đứa con gái. Gia đình thương, cất cho “túp lều” ở riêng.

Chị nuôi con theo cách của những người không bình thường. Trời đang mưa rét, chị bế thốc con bé ra ngoài sân để tắm. Con bé vài tháng tuổi run lẩy bẩy, chân tay co quắp cảm lạnh. Con còn nhỏ, chị chẳng cho ăn cháo mà cứ lấy cơm độn ngô nhét vào miệng con. Báo hại, con bé bị sặc, tím tái. Con bị sặc, chẳng biết làm cách nào, chị vội bế con sang nhà dân bản vứt đấy rồi lủi thủi ra về.

Báo hại, dân bản tìm mọi cách để cứu con bé. Mẹ đã bị thiểu năng trí tuệ, cám cảnh hơn, đứa con ấy cũng bị bệnh như mẹ. Hai mẹ con sống với nhau thỉnh thoảng cùng nhau cất lên tiếng cười khanh khách man dại. Mỗi tháng, 2 mẹ con xoay vần với số tiền trợ cấp 270 nghìn đồng/ tháng.

Cô quạnh trước cơn bão rừng

Bản xóm Duốc còn có sự hiện hữu của hai gia đình cơ cực. Đó là vợ chồng già 72 tuổi tên là Bàn Văn Thanh đau yếu bệnh tật, nằm liệt giường. Đã vậy, họ lại phải “nuôi” ông anh ruột 75 tuổi bị thần kinh và đứa con tật nguyền có khuôn mặt giống khỉ. 

Tiếp đến là vợ chồng già 74 tuổi tên Bàn Văn Heng có con trai vừa mới mất vì căn bệnh thoái hóa cột sống. Mất con trai, mất chỗ dựa tuổi già, vợ chồng ông buồn chán, khóc ròng hàng tuần tưởng phát điên. Bệnh tật ở đâu ùn ùn kéo tới. Hết bệnh xương khớp lại tới thiên đầu thống hành hạ ông bà suốt ngày đêm. Hai vợ chồng già cô quạnh ốm đau bệnh tật như đèn trước bão rừng. Họ sống le lói với số tiền trợ cấp 360 nghìn đồng/ tháng.

Ở tuổi này, ông bà Thanh, ông bà Hen không sợ đói bằng sợ bão, lũ, mưa, gió. Mỗi lần có cơn gió, “túp lều” của ông run lên bật bật. Vài cái liếp, vài mảnh ván trực bung ra, đổ sập xuống. Ông bà còn run hơn cả túp lều trước dông bão vốn khắc nghiệt, thất thường nơi đồi hoang.

Những hoàn cảnh khốn khó này hầu hết đều không biết tiếng Kinh. Chị Bùi Thị Chính, dân tộc Mường- giáo viên mầm non xóm Duốc làm “phiên dịch viên” cho hay, những hoàn cảnh này rất đáng thương. Họ ăn còn chẳng đủ nói chi đến việc thuốc thang.

Họ mặc kệ cho bệnh tật, ốm đau dày vò, hành hạ. Họ mặc nhiên coi bệnh tật song hành cuộc đời mình. Họ sống trong căn nhà được dựng tạm bợ, xiêu vẹo bằng gỗ, phên, tre, nứa. Trời nắng, ánh mặt trời vẫn xuyên thấu qua những khe hở chiếu chói chang.

Trời mưa ngồi trong nhà vẫn ướt sũng. Gia cảnh nhìn cái quý nhất, đáng giá nhất chỉ có cái giường ọp ẹp, cái nồi nấu cơm và những bức vách nứa. Ngoài ra chẳng có một thứ gì đáng 5.000 ngàn đồng.

Bà con, dân bản ở đây ai cũng thương. Nhưng điều kiện kinh tế có hạn, họ chỉ giúp đỡ phần nào những gia cảnh “chị Dậu” này. Cảnh hoang vắng, tiêu điều hiện hữu nơi này. Chiều hè nhập nhoạng, gió heo may thổi khiến khung cảnh xóm Duốc thêm buồn não nề.

Đọc thêm