Những phận đời nhem nhuốc ở quanh bệnh viện

(PLO) - Gần 20 người cho 15 m2. Nhà vệ sinh ẩm thấp, mùi hôi nồng nặc. Người lớn, trẻ con, người già, phụ nữ phải nằm chung đụng nhau trong một không gian nóng bức, ngột ngạt đến kinh hoàng. Đó là tình cảnh của những người đi nuôi bệnh hoặc bệnh nhân điều trị ngoại trú. 
Các bảng thuê nhà trọ được treo đầy quanh các bệnh viện lớn. Ảnh: Hướng Dương
Các bảng thuê nhà trọ được treo đầy quanh các bệnh viện lớn. Ảnh: Hướng Dương
Giá cắt cổ…điều kiện tồi tàn
Con hẻm nhỏ, ẩm ướt nhếch nhác trước cổng bệnh viện Nhi Trung ương tràn lan các biển báo cho thuê nhà trọ, nhà trọ qua đêm phục vụ bệnh nhân và người nhà bệnh nhân. Ở đây, hầu như nhà nào cũng có ít là vài phòng trọ nhiều cũng vài chục phòng trọ cho thuê. Với cái giá “trên trời” nhưng hàng ngày các khu trọ này vẫn tấp nập người đến thuê trọ.
Một phòng trọ chỉ đặt vừa chiếc phản nhỏ, điều kiện rất tồi tàn là nơi các bệnh nhân tá túc chữa bệnh. Ảnh: Hướng Dương
 Một phòng trọ chỉ đặt vừa chiếc phản nhỏ, điều kiện rất tồi tàn là nơi các bệnh nhân tá túc chữa bệnh. Ảnh: Hướng Dương
Trong vai một người đi thuê trọ, tôi được một bà tên Vân dẫn vào một con hẻm nhỏ có một dãy nhà 2 tầng  cũ kĩ và lụp xụp, tường đã bong tróc mọc rong rêu. Trước cửa  đề bảng to “cho thuê phòng trọ bệnh nhân giá rẻ”. 
Bà chủ nhà trọ dẫn tôi vào phía trong, vừa đi vừa thao thao: “100 nghìn qua đêm, 20 nghìn chỗ ngả lưng. Phòng 12 giường. Nếu muốn phòng riêng thì 200 - 300 nghìn/đêm, đảm bảo đầy đủ tiện nghi”.  Khi tôi bày tỏ ý muốn ở tháng vì người nhà phải điều trị ngoại trú lâu dài mà kinh phí lại eo hẹp,  bà Vân nói ngay: “Vậy thì ở phòng tập thể đi ở đây thiếu gì người trọ lâu dài. Có người ở đến nửa năm. Tôi lấy rẻ 3 triệu/ tháng”. 
Vừa nói, bà Vân chỉ cho tôi một phòng đang có 8 người ở. Đó là một căn phòng khoảng 15m2 tối mù, ẩm thấp. Căn phòng kê 12 chiếc giường xếp làm 2 tầng, mặt sàn dưới kê 6 chiếc giường san sát nhau chỉ cách phần nhỏ rộng bằng gang tay được dành lại là lối đi. Để tiết kiệm tối đa diện tích, phòng còn được thiết kế gác xép bằng các khung sắt nhỏ chống lên, đặt thêm được 6 giường trên cao với chiếc thang nhỏ xíu để cho bệnh nhân leo lên.
Mỗi giường chỉ có duy nhất chiếc quạt máy nhỏ xíu. Mặc dù phòng trọ bẩn, ẩm thấp, bốc mùi nhưng có giá chẳng hề rẻ vì nó là nơi đón các bệnh nhân nghèo từ mọi phương về đây trọ qua ngày đoạn tháng để chữa bệnh. Trong phòng hầu hết các đồ đạc đã cũ kĩ tự lâu, các manh chiếu hoa văn đỏ đã nhợt nhạt, sờn rách tứ tung. Mỗi phòng được trang bị 1 phòng vệ sinh nhỏ cùng với khu giặt giũ, nấu ăn.
Các khu trọ ẩm thấp, tồi tàn nằm sâu trong các ngõ tối. Ảnh: Hướng Dương
 Các khu trọ ẩm thấp, tồi tàn nằm sâu trong các ngõ tối.
Ảnh: Hướng Dương
Giá những phòng trọ kiểu này dao động 80 – 100 nghìn/ ngày. Người ở trọ được ghép chung ở cùng trong một căn phòng, vệ sinh chung, không cho phép nấu ăn. Khi bệnh viện quá tải, các phòng trọ  nhồi nhét đến 20 người trong một diện tích chừng 15m2Mỗi người chưa được một mét vuông. 
Ngoài ra, quanh bệnh viện còn có phòng giá rất cao từ 200-300 ngàn đồng/ngày. Phòng rộng chừng 4-6m2, chỉ đặt vừa một tấm phản cộng với quạt máy. “Đây là phòng dành cho các bệnh nhân khá giả, họ muốn ở một mình một phòng cho yên tĩnh chữa bệnh chứ người nghèo không thuê nổi cái giá đó đâu”, bà chủ trọ nói. 
Càng vào sâu trong con ngõ nhỏ sát ngay Bệnh viện Nhi, chi chít các bảng quảng cáo chìa hẳn ra đường. Không chỉ bệnh viện Phụ sản Hà Nội, Bệnh viện Nhi HN, quanh khu vực bệnh viện Bạch Mai, Viện K Trung ương, Việt Đức, Phụ sản đều có các nhà trọ kiểu này. Người có nhà thì thoải mái ra giá cao, người bệnh từ nơi xa tới buộc phải thuê vì không cũng chẳng biết đi đâu tá túc để chữa bệnh.
Bệnh nhân và người nhà dễ dàng tìm thấy những nhà cho thuê trọ này trên các bảng bằng bìa cạc-tông “cho thuê phòng trọ” hoặc qua các tờ rơi nằm rải rác trên các ghế đá hay được dán trên cột điện. 
Những phận đời "nhem nhuốc"
Càng về khuya, tiếng quạt phe phẩy cùng với tiếng đập muỗi bem bép, một vài người trở mình nặng nhọc. Không khí ngột ngạt oi bức cùng với với sự âu lo khiến họ ai cũng trằn trọc. Chị Nguyễn Thị Hằng (23 tuổi, quê ở Phú Thọ) đưa tay phẩy những con muỗi vo ve bên đứa bé đang thở khò khè bên cạnh. Lấy chồng từ năm 20 tuổi, hai vợ chồng có 2 sào ruộng cùng với bà mẹ già 70 tuổi. Cuộc sống khó khăn, chồng chị phải xuống Hà Nội làm xe ôm, tháng về nhà đôi lần để “tiếp tế” cùng thăm chị và mẹ. 
Cuộc sống tưởng cứ thế trôi đi dù tạm bợ thì chỉ mới năm ngoái, trong một lần về thăm nhà, anh bị tai nạn giữa đường, để lại cho chị đứa con mới được 2 tuổi.  Bao nỗi đau dồn lên đôi vai chị, đến khi biết đứa con bị bệnh chậm phát triển chị như phát điên. Nghĩ cuộc đời chẳng còn gì nữa, đứa con bây giờ là tất cả với chị. Chị bán hết tài sản trong nhà khăn gói lên Hà Nội chữa bệnh cho con.
Hai mẹ con thuê một chiếc giường ở gần bệnh viện Nhi tá túc. Ngày bé được đi khám rồi tối lại trở về phòng trọ. Dù khó khăn nhưng chị vẫn cố mua cơm cho con ăn đều đặn, còn lượt mình thì ăn mì tôm trường kì. Chị thật thà: “Tiền thuê trọ, thuốc thang, ăn cơm tốn quá, đến nước cũng phải mua, hơn 2 tháng ròng, tiền tiêu cũng đã sắp hết nên chắc phải về quê thôi. Trời nắng nóng thế này mà ở trong các phòng trọ này chắc người lớn cũng ốm chứ trẻ con chống sao nổi”.
Hơn 1 tháng từ quê Nam Định lên Hà Nội chữa bệnh người mẹ chỉ dám ăn mì tôm cho qua ngày và thuê một chiếc giường rộng chưa đầy 1m cho con ngả lưng. Ảnh: Hướng Dương
 Hơn 1 tháng từ quê Nam Định lên Hà Nội chữa bệnh người mẹ chỉ dám ăn mì tôm cho qua ngày và thuê một chiếc giường rộng chưa đầy 1m cho con ngả lưng. Ảnh: Hướng Dương
Bệnh viện trong tình trạng quá tải, đó là điều kiện để các chủ nhà trọ quanh bệnh viện ép giá, đẩy giá lên cao. Mặc dù giá cả và chất lượng không phải lúc nào cũng tương xứng, nhưng nhiều bệnh nhân buộc phải bỏ tiền thuê. Khuôn mặt khắc khổ của người bệnh nghèo càng trở nên đau đớn, buồn bã, trầm tư trước gánh nặng của cuộc sống...
Lên Hà Nội gần 1 tháng chữa bệnh, thuê một phòng nhỏ hình tam giác, đặt vừa cái giường. Vừa vuốt tóc con chị An nói: “Vì bố cháu bận đi làm nên chỉ có hai mẹ con chiến đấu với bệnh tật. Ngày nào cũng 100 ngàn tiền thuê trọ, cộng với tiền ăn, tiền mặc, tiền nước mỗi tháng tính sơ qua hết gần 5 triệu đồng rồi, không trụ nổi đâu”. Chị An dự định đầu tháng đưa bé về quê Nam Định rồi từ từ tính tiếp, lúc nào có tiền lại lên HN chữa bệnh! “Tôi đưa cháu về để tạm chữa thuốc nam ở nhà xem sao chứ ở đây không khí cũng không có mà thở thì dễ sinh bệnh thêm lắm, con ốm yếu sẵn rồi”, chị An vừa nói vừa đưa tay quệt mồ hôi nhễ nhại trên chán.
Nhiều bệnh nhân chia sẻ, họ rất sợ lên Hà Nội chữa bệnh vì các chi phí quá đắt đỏ, phải ở trong những nhà trọ kinh hoàng. Một người đến viện nhưng bao nhiêu người trong gia đình phải lo, họ không chỉ lo cho sức khỏe mà còn mang thêm nỗi lo về tiền bạc đè nặng. 
Nhìn vào phía trong viện Nhi, hàng trăm con người nhốn nháo, chen lấn mua phiếu, chờ đợi đến lượt khám. Ngoài này, những khuôn mặt khắc khổ của những người cha, bà mẹ đang bồng bế con dáo dác đi tìm nhà trọ. 

Đọc thêm