Những phụ nữ bật khóc ở lớp học… yêu

(PLO) - Nhiều phụ nữ cho rằng cuộc sống càng hiện đại thì chỉ số hạnh phúc càng thấp và để cân bằng, họ tìm tới các lớp học... yêu.
Những phụ nữ bật khóc ở lớp học… yêu

"Ở đó tôi tìm lại được người phụ nữ trong mình. Tôi cho phép mình yếu đuối và được che chở. Cũng vì nhận ra điều đó kịp thời nên cuộc hôn nhân của tôi đã được cứu khi đang bên bờ vực ly hôn”, chị Trần Thu Hà (*), học viên tại một lớp học yêu chia sẻ. Còn rất nhiều cô gái khác cũng nhờ tới lớp học yêu mà đã tìm được hạnh phúc cho mình.

Nhổ mầm xấu trong suy nghĩ
Ngay ở buổi đầu tiên tham gia lớp học “yêu” tại Trường Vương quốc hạnh phúc, cảm xúc của tôi tụt một cách thê thảm bởi ở đây, tôi nghe nhiều câu chuyện đau lòng của những phụ nữ chông chênh, bất hạnh. Chỉ vì không dám dứt bỏ, không biết cách để thoát ra khỏi mối quan hệ bế tắc mà nhiều người đã tự giam mình cả chục năm trong đau khổ, tuyệt vọng, giày vò ngay tại tổ ấm mà họ từng dành cả thanh xuân để vun đắp...
Có một sự nghiệp thành đạt, thu nhập tốt và nhan sắc thuộc hạng khá nhưng chị Hinh Văn, (Q.Bình Tân) lại tìm tới Trường Vương quốc hạnh phúc và tham gia khóa học “Men and sex” với một tâm trạng tuyệt vọng.
Chị là một trong những học viên tới lớp sớm nhất. Sau khi chọn cho mình một góc khuất ở cuối lớp, chị từ từ kéo cặp kiếng đen che 1/3 khuôn mặt để lộ lớp trang điểm kỹ nhưng vẫn không giấu được quầng thâm và bọng mắt sưng húp cho thấy chị đã mất ngủ nhiều ngày.
Đưa đôi mắt mệt mỏi sang nhóm học viên ngồi cạnh, chị Văn hỏi: “Nhìn tôi thấy ghê không?” Họ trả lời không. Chị buồn nói: “Thế mà chồng tôi chê đấy. Gần chục năm nay chồng ít khi thèm đụng tới tôi. Anh ấy hay chê tôi sồ sề. Đặc biệt, sau khi tôi sinh con lần 2, dù tập thể dục, tập yoga nhưng vẫn không thể lấy lại vóc dáng cũ. Bây giờ, thay vì gần vợ, anh ấy chỉ xem phim người lớn và tự giải quyết. Anh ấy còn thường xuyên so sánh tôi với các cô gái trong phim khiến tôi bị tổn thương”.
Chị Văn nói như phân trần: “Tôi từng giải thích nhiều lần với chồng rằng tôi sinh con rồi thì nhìn không thể như những cô người mẫu đôi mươi. Bản thân tôi cũng muốn mình đẹp nhưng cái tuổi nó đuổi xuân đi. Làm sao tôi có thể mãi như ngày trẻ được”. Yêu nhưng không được chồng yêu lại. Quan tâm tới chồng thì bị phớt lờ khiến chị Văn bị stress nặng. Hiện tại, chị không thể tự lái xe đi làm mà phải thuê một tài xế để đưa đón. “Tôi sợ đi đường không tập trung, gây tai nạn. Lúc ấy mình thiệt mà con thì bơ vơ”, chị Văn tâm sự.
Ở lớp học “yêu”, những trường hợp bị chồng chán, chồng chê như chị Văn không hiếm. Tuy nhiên, mỗi người lại có một cách tiếp nhận sự việc khác nhau.
Chị Thu Hà thì tỏ ra lạc quan ngay khi chồng ngoại tình: “Chồng tôi có người khác. Nhưng tôi có lợi thế hơn cô đó ở chỗ tôi có giấy đăng ký kết hôn và 2 đứa con luôn đứng về phía mẹ. Chồng tôi tuy yêu nhân tình nhưng cũng rất thương con. Tôi thường lấy con ra làm áp lực bắt chồng chia tay với bồ nhưng anh không quyết đoán được. Anh bảo cho anh thời gian nhưng tôi chờ mãi, đợi mãi anh vẫn chưa dứt”, chị Hà còn nói thêm việc chị giữ chồng là vì con.
“Chuyện chồng tôi ngoại tình chỉ có 3 người là tôi, chồng và nhân tình của chồng biết. Mặc dù đau khổ, có lúc cũng thấy tuyệt vọng và cô độc nhưng tôi quyết không ly hôn vì tôi biết có ngày anh sẽ quay về”, chị Hà chia sẻ. Để níu chân chồng, chị liên tục tới các trung tâm thẩm mỹ để làm đẹp: “Tôi sửa mắt, sửa mũi, thêu lông mày cũng là làm cho chồng ngắm. Chứ nếu vì mình thì tôi không làm...”
Một điều rõ ràng là cuộc sống của những người phụ nữ này phụ thuộc khá nhiều ở người chồng. Bởi vậy, khi người chồng “lơ” hoặc ngoại tình, họ cảm thấy thế gian như sụp đổ. Người chồng đi mang theo cả thế giới tươi đẹp mà họ xây dựng. Với vai trò đứng lớp lắng nghe tâm sự, TS Phan Thị Huyền Trân (biệt danh: Dr Pepper - giảng viên các lớp học “yêu” tại Trường Vương quốc hạnh phúc) ngoài việc vỗ về những trái tim tổn thương còn đặt ra một vài câu hỏi: các chị có từng tìm hiểu vì sao chồng mình ngoại tình? Vì sao anh ấy say nắng một ai đó? Và các chị muốn gì? Các chị muốn giữ anh ấy lại hay để anh ấy đi luôn? Các chị muốn chồng mình chỉ say nắng hay là chết luôn ngoài nắng?...
Những câu hỏi đó khiến nhiều phụ nữ giật mình. “Có lẽ tôi đã yêu sai cách. Tôi cứ nghĩ cho nhiều là yêu nhiều. Nhưng tôi vừa nhận ra những thứ tôi cho có lẽ là chưa đúng”, chị Văn thừa nhận.
Những câu hỏi này còn chạm vào tâm can của nhiều phụ nữ khác khiến họ bỗng nhận ra: “Chồng mình trở thành một tên xấu xa, thấp hèn hay là một người vĩ đại thật ra phụ thuộc rất nhiều ở suy nghĩ của mình. Nếu mình không mong muốn chồng mình có bồ thì đừng nghĩ như vậy. Sự hoài nghi sẽ giết chết tình yêu. Cứ nghĩ tới những việc làm xấu xí của chồng sẽ khiến tâm trạng mình không thoải mái và vì thế không khí gia đình sẽ ngột ngạt, mình trở nên ích kỷ và biết đâu, đó lại chính là lý do khiến chồng ngoại tình”, chị Hoài Thương (học viên chăm chú từ đầu buổi học yêu) đúc kết. Chị Thương nghiệm ra: “Cuộc sống vốn rất ngắn ngủi, nó được tính bằng từng giây. 60 giây cộng lại là 1 phút. Vậy nếu không muốn một phút của mình buồn rầu thì nên tập suy nghĩ tích cực, tìm ra ưu điểm để nghĩ tốt và sống vui hơn”.
Không chỉ nghiệm ra các bài học cho mình, nhiều chị em phụ nữ còn xem chia sẻ của TS Phan Thị Huyền Trân là kim chỉ nam cho cuộc sống của mình từ thời điểm tham gia lớp học yêu: “Trước mọi khó khăn có thể giải quyết được bằng 2 lựa chọn, một là chấp nhận và hai là từ bỏ. Nếu từ bỏ, họ sẽ phải học cách mạnh mẽ để dứt bỏ cái cũ, chủ động và thoát ra. Còn nếu chấp nhận, họ sẽ phải tự thay đổi và tìm cách xoay chuyển người khác”. Đặc biệt, TS Huyền Trân khẳng định: “Khi người phụ nữ biết cách làm cho mình hạnh phúc thì họ mới có thể mang đến điều tương tự cho những người xung quanh”.
Bật khóc khi đổi vai
Để hiểu chồng (bạn trai) đang nghĩ gì, muốn gì, mỗi học viên tại lớp học “yêu” được thực hành bài tập “nhắm mắt và đổi vai”.
Ở bài tập này, tất cả các học viên sẽ nhắm mắt, hình dung chồng (bạn trai) đứng trước mặt rồi hỏi xem anh ấy muốn gì? Cần gì? Sau khi hỏi xong, những người phụ nữ sẽ bước về vị trí đối diện, đặt mình vào vai chồng (người yêu) để trả lời. Bài tập này kéo dài khoảng 15 phút nhưng chưa hết thời gian, nhiều chị đã bật khóc. “Khi lắng nghe anh ấy, mình thấy anh ấy rất buồn, rất đau khổ. Thời gian vừa rồi mình chỉ biết la mắng, nhưng anh ấy thì luôn thông cảm. Tự nhiên, mình thấy thương anh khủng khiếp. Trong khi anh đau thì mình không thể vỗ về mà làm anh đau hơn. Mình thấy thất vọng về bản thân và sẽ tìm cách để thay đổi”, chị Họa My (học viên lớp học Nghệ thuật quyến rũ) nức nở.
Cũng xúc động tương tự, chị Thu Thủy từ từ mở mắt và kể cho mọi người nghe về hình ảnh chồng mình hiện lên khi chị nhắm mắt: “Khi đặt bản thân mình vào vị trí người phối ngẫu, tôi chợt nhận ra tại sao anh ấy cảm thấy tổn thương và thất vọng nhiều về tôi. Tôi thấy những gì tôi suy nghĩ hay cư xử chưa phải là những gì anh ấy cần và cũng chưa chắc là những gì anh ấy nghĩ. Trong khi đó, những gì anh ấy ra sức làm vì tôi thì tôi luôn cho rằng đó là chuyện hết sức hiển nhiên và không cảm nhận được những tình cảm sâu sắc ẩn dưới những hành động ấy”.
Nhân tiện chị Thủy cũng chia sẻ thêm câu chuyện của mình: “Vợ chồng tôi lấy nhau 18 năm có 2 đứa con nhưng cách đây một năm, chồng ngoại tình và tôi đã cảnh báo chồng lẫn người thứ ba nhưng họ vẫn tiếp tục mối quan hệ vụng trộm. Hiện tại tôi và chồng đã ly thân. Khi đối mặt với sự thật phũ phàng này, tôi chợt nhìn nhận lại bản thân và phát hiện ra một phần lỗi tại chính mình. Tôi đã không cho đủ những gì chồng mình cần. Tôi nhận ra, ở một người phụ nữ ngoài thiên chức làm vợ, làm mẹ thì còn cần một tính cách mềm mại, dịu dàng để giúp chồng mình có cơ hội thể hiện thiên chức bảo bọc, chở che”.
Chị Thủy cũng cho rằng: “Nhiều cái tôi nghĩ trước đây có lẽ là do tôi tự suy diễn ra chứ không hẳn là những gì chồng tôi nghĩ. Việc tự suy diễn như vậy khiến tôi tự chuốc mệt mỏi vào thân và làm cho quan hệ vợ chồng dần dần đi vào ngõ hẹp. Chỉ khi đổi vai tôi mới thấu hiểu sâu sắc và nhận ra những gì mình còn thiếu sót. Tôi thấy mình cần suy nghĩ rộng ra để thấu hiểu mọi việc hơn”.
Lam Ngọc
(*) Tên các nhân vật trong bài đã được thay đổi vì lý do riêng tư

Đọc thêm