Những ước mơ màu nắng

(PLO) - Phiên chính thức của Diễn đàn trẻ em quốc gia lần thứ V năm 2017 diễn ra trong một ngày thu Hà Nội tràn nắng. 200 cô bé, cậu bé đại diện cho trẻ em 48 tỉnh, thành trên cả nước và các làng trẻ em SOS đã mang đến Diễn đàn nhiều ước mơ mang sắc màu trong trẻo và nhiệt huyết của nắng, với mong muốn được người lớn lắng nghe, chia sẻ và hành động.  
Các đại biểu trẻ em đang trình bày quan điểm, kiến nghị của mình về vấn nạn tảo hôn.
Các đại biểu trẻ em đang trình bày quan điểm, kiến nghị của mình về vấn nạn tảo hôn.

Năm 2017 – năm của trẻ em

Đến với Diễn đàn từ quê hương quan họ Bắc Ninh, em Nguyễn Thị Thùy Linh gửi gắm ước mơ “có thể tạo ra loại thuốc chữa được chất độc da cam” vì qua ti vi sách báo, em đã chứng kiến nỗi khổ của những nạn nhân chất độc da cam, nhất là những đứa trẻ.

Không chỉ nói lên ước mơ của mình, em Tạ Lê Thanh Lam ở tỉnh Sóc Trăng còn gửi vào đó nỗi nhớ thương người bà đã mất: “Từ lúc em còn nhỏ em đã phải xa bà vì căn bệnh tim quái ác. Từ ấy ước mơ của em là trở thành một người bác sĩ giỏi để cứu lấy tính mạng của những người dân, đúng như lời hứa của em với bà. Bà ơi, con yêu bà!”.

Rất giản dị nhưng cũng rất đỗi thân thương, em Nhật Linh ở tỉnh Bình Dương cho biết, mẹ em là một giáo viên và rất yêu trẻ em. Sau nhiều lần phụ giúp mẹ trông lớp em trở nên yêu thích công việc này. Nhật Linh ước sau này có thể trở thành một giáo viên chuẩn mực như mẹ…

Từ những ước mơ này có thể thấy, trẻ em lúc nào cũng vậy, luôn trong trẻo và không vụ lợi. Nhưng cuộc sống xô bồ hôm nay đã mang đến quá nhiều sự hiểm nguy và nỗi lo cho trẻ em, đó là vấn nạn bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, vấn nạn tảo hôn, vấn nạn bóc lột lao động trẻ em, mối an nguy đe dọa trẻ em từ môi trường mạng… Chính vì thế mà sự lắng nghe và hành động của người lớn là rất cần thiết để bảo vệ trẻ em, mang đến cho trẻ em một cuộc sống an toàn. 

Năm 2017 đánh dấu có nhiều văn bản pháp luật, chính sách dành cho trẻ em có hiệu lực thi hành, thể hiện sự quan tâm của Đảng, Quốc hội, Chính phủ và lãnh đạo các địa phương đối với lĩnh vực trẻ em – đó là khẳng định của bà Đào Hồng Lan – Thứ trưởng Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội.

Luật Trẻ em có hiệu lực thi hành từ ngày 01/6/2017; Nghị định số 56/2017/NĐ-CP quy định chi tiết một số điều của Luật Trẻ em; Nghị định số 80/2017/NĐ-CP quy định về môi trường giáo dục an toàn, lành mạnh, thân thiện, phòng chống bạo lực học đường có hiệu lực từ ngày 05/9/2017; Chỉ thị số 18/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường giải pháp phòng, chống bạo lực, xâm hại trẻ em, Quyết định số 856/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Ủy ban Quốc gia về trẻ em và nhiều chương trình, kế hoạch của các địa phương… 

“Tất cả các văn bản pháp luật, chính sách nêu trên đều nhằm mục tiêu bảo vệ trẻ em tốt hơn, bảo đảm thực hiện các quyền của trẻ em và mang lại những điều tốt đẹp hơn cho trẻ em. Chúng ta lắng nghe trẻ em bằng trái tim, bảo vệ trẻ em bằng hành động” – bà Đào Hồng Lan nhấn mạnh. 

Giám sát việc bộ, ngành thực hiện kiến nghị của trẻ em

Trong những ngày diễn ra Diễn đàn, 200 trẻ em đã được chia thành nhóm để thảo luận những vấn đề đã và đang liên quan, ảnh hưởng trực tiếp đến cuộc sống của các em như: vấn nạn bạo lực, xâm hại đối với trẻ em, vấn nạn tảo hôn, vấn nạn bóc lột lao động trẻ em, mối an nguy đe dọa trẻ em từ môi trường mạng.

Bày tỏ lo ngại về thái độ sống ảo của một bộ phận trẻ em, bạn bè do tham gia mạng xã hội, em Đinh Thái Duy - học sinh lớp 9 Trường THCS ở Cao Lãnh Đồng Tháp cho rằng hiện nay nhiều bậc cha mẹ vì lo làm ăn nên sắm cho con điện thoại thông minh để con đỡ chơi bời bên ngoài mà không biết rằng trên mạng đầy rẫy cạm bẫy.

“Mong muốn người lớn cung cấp phần mềm quản lý độ tuổi, phát triển bộ lọc thông tin để quản lý thông tin phù hợp với độ tuổi trẻ em, đồng thời mở các lớp dạy kỹ năng cho trẻ em để tham gia môi trường mạng an toàn, biết cách bảo vệ bản thân”, theo em Duy.  

Cũng như nhiều trẻ em tham gia Diễn đàn, em Đinh Thái Duy nghĩ rằng chủ đề của diễn đàn năm nay “Trẻ em với vấn đề phòng chống bạo lực, xâm hại trẻ em” sẽ giúp các em có thể đưa ra thực trạng ở địa phương, nói suy nghĩ của mình để người lớn biết và bảo vệ trẻ em. 

Trao đổi về sự lắng nghe, ghi nhận của người lớn với những đề xuất, kiến nghị của trẻ em, bà Ngô Thị Minh - Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội cho biết, kiến nghị của trẻ em trong Diễn đàn trẻ em lần thứ 4 năm 2015 đã được gửi tới 7 bộ, ngành và được đưa vào Luật Trẻ em năm 2016. Trong Diễn đàn trẻ em năm nay, thông điệp, kiến nghị của các em cũng sẽ tiếp tục được xem xét. 

“Trong quá trình tổ chức triển khai thực hiện luật, trong các văn bản dưới luật, chúng tôi tiếp tục xem xét các kiến nghị của trẻ em được các bộ, ngành thực hiện như thế nào. Trong Luật Trẻ em 2016 đã quy định, Trung ương Đoàn TNCS Hồ Chí Minh được quyền giám sát quyền trẻ em, đại diện tiếng nói, nguyện vọng của trẻ em, nhìn từ góc độ trẻ em.

Cùng với Hội Bảo vệ quyền trẻ em, đại diện cho các cơ quan, tổ chức phi Chính phủ có chức năng giám sát những nội dung này cùng Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội. Chúng tôi sẽ giám sát xem những kiến nghị của trẻ em trong diễn đàn hôm nay sẽ được giải quyết như thế nào để trả lời cho các em vào diễn đàn lần sau tổ chức năm 2019” - bà Ngô Thị Minh khẳng định. 

Để đáp ứng các yêu cầu bảo vệ trẻ em, nâng cao hiệu quả phòng ngừa, giải quyết các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, tôi đề nghị các cấp chính quyền, các tổ chức xã hội, gia đình, nhà trường, cộng đồng triển khai đồng bộ Luật Trẻ em, các nghị định của Chính phủ, các quy định của Thủ tướng Chính phủ và các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Trẻ em. Đặc biệt là quan tâm triển khai các quy định về quy trình tiếp nhận, phối hợp xử lý thông tin, thông báo, tố giác hành vi xâm hại trẻ em; quy trình hỗ trợ, can thiệp đối với trường hợp trẻ em bị xâm hại, có nguy cơ bị bạo lực, bóc lột, bỏ rơi, trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt nhằm phòng ngừa và xử lý kịp thời các vụ việc bạo lực, xâm hại trẻ em, giảm tối đa các tổn hại cho trẻ em” – Thứ trưởng Bộ LĐTBXH Đào Hồng Lan.

Đọc thêm