Niềm vui đầu năm cho người làm công tác gia đình

(PLO) - Chế độ tài chính cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và các hình thức tuyên truyền khác. 
Ảnh minh họa từ internet.
Ảnh minh họa từ internet.

Đầu năm mới 2017, những người làm công tác gia đình trên cả nước đã đón nhận niềm vui. Đó là lần đầu tiên Bộ Tài chính có hướng dẫn kinh phí cho công tác gia đình trên toàn quốc gửi các Bộ, ngành và địa phương. 

Cụ thể, Hướng dẫn số 355 ngày 10/1/2017 do Thứ trưởng Bộ Tài chính Trần Xuân Hà ký hướng dẫn một số nội dung về cơ chế và định mức tài chính thực hiện công tác gia đình.

Theo đó, các hoạt động thuộc công tác gia đình sẽ có cơ chế tài chính bao gồm: xây dựng; rà soát, hệ thống hóa văn bản quy phạm pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng nâng cao trình độ chuyên môn và tập huấn nghiệp vụ để nâng cao năng lực cho cán bộ, công chức, viên chức, cộng tác viên thực hiện công tác gia đình; công tác thông tin, tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật liên quan đến gia đình; biên soạn, biên dịch, xuất bản các ấn phẩm bao gồm bài giảng, sách, đặc san, tài liệu chuyên đề, tài liệu tham khảo, hướng dẫn nghiệp vụ liên quan đến công tác gia đình; công tác phòng, chống bạo lực gia đình; hỗ trợ các cơ sở hỗ trợ nạn nhân bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn về phòng, chống bạo lực gia đình ngoài công lập và hỗ trợ hoạt động nhóm phòng, chống bạo lực gia đình; các loại hình câu lạc bộ về gia đình; công tác hòa giải mâu thuẫn, tranh chấp trong gia đình và bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của các thành viên trong gia đình; tư vấn, giáo dục về hôn nhân và gia đình; hoạt động hỗ trợ xây dựng gia đình hạnh phúc, phát triển bền vững tại cộng đồng

Riêng vấn đề tài chính cho hoạt động tuyên truyền, giáo dục, phổ biến kiến thức pháp luật trong xây dựng gia đình hạnh phúc bền vững, phòng, chống bạo lực gia đình trên các phương tiện thông tin đại chúng (báo in, báo nói, báo hình, báo điện tử) và các hình thức tuyên truyền khác, Hướng dẫn 355 chỉ rõ để thực hiện theo Thông tư liên tịch số 14/2014/TTLT-BTC-BTP ngày 27/1/2014 của Bộ Tài chính, Bộ Tư pháp quy định việc lập dự toán, quản lý, sử dụng và quyết toán kinh phí ngân sách nhà nước bảo đảm cho công tác phổ biến, giáo dục pháp luật và chuẩn tiếp cận pháp luật của người dân tại cơ sở...

Trong nhiều chuyến công tác địa phương, điều phóng viên nhận thấy rõ ràng nhất là nguồn kinh phí để duy trì hoạt động cho công tác gia đình rất eo hẹp, nếu không muốn nói là không có. Đơn cử như, ở Hải Dương, theo bà Nguyễn Hà Phương - Trưởng Phòng Nếp sống văn hóa gia đình - Sở VH-TT&DL tỉnh Hải Dương khi bắt đầu triển khai mô hình PCBLGĐ, kinh phí cho mảng việc gia đình chỉ có vỏn vẹn 76 triệu đồng. Xã Kỳ Sơn huyện Tứ Kỳ - Hải Dương là một trong những mô hình điểm về PCBLGĐ. Nhưng  các cán bộ cũng phải đối mặt không ít khó khăn về cơ sở vật chất, kinh phí hoạt động. Ví dụ, mỗi báo cáo viên của CLB gia đình PCBLGĐ được 50.000đ, mỗi thành viên được 5.000đ một buổi sinh hoạt chỉ đủ tiền đánh máy, photo tài liệu... Thế nên bà Phương thường nói vui rằng: “Cán bộ PCBLGĐ là đối tượng của sách đỏ” vì khó khăn, thiếu kinh phí nên không ai muốn làm. 

Theo Hướng dẫn 355, nhóm phòng, chống bạo lực gia đình sẽ được hỗ trợ xăng xe/điện thoại để triển khai nhiệm vụ tối đa 100.000đ/người/tháng, tùy điều kiện thực tế dân số, mỗi thôn có tối đa 01 nhóm phòng, chống bạo lực gia đình và quy mô mỗi nhóm tối đa 5 thành viên.Tiền hỗ trợ chè nước, tài liệu phục vụ họp nhóm tối đa 200.000đ/nhóm/tháng.

Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững và các loại hình câu lạc bộ về gia đình (sau đây gọi tắt là Câu lạc bộ) do Ủy ban nhân dân xã /phường /thị trấn thành lập sẽ được hỗ trợ chè nước, tài liệu phục vụ cho sinh hoạt câu lạc bộ, mức chi tối đa 100.000đ/câu lạc bộ/lần sinh hoạt, số lần tối đa 12 lần/năm. Thành viên Ban chủ nhiệm câu lạc bộ (tùy điều kiện thực tế dân số, mỗi thôn có tối đa 01 Câu lạc bộ gia đình phát triển bền vững) sẽ được hỗ trợ mức chi tối đa 50.000đ/người/tháng... 

Cũng theo Hướng dẫn 355, cộng tác viên thực hiện công tác gia đình ở thôn/ấp/bản/làng cũng sẽ được nhận hỗ trợ thù lao hàng tháng không vượt quá 0,4 lần mức lương cơ sở hiện hành và tùy điều kiện thực tế dân số, mỗi thôn/bản/ấp/làng có tối đa 01 cộng tác viên thôn/bản/ấp/làng. Cán bộ gia đình ở địa phương nếu vì yêu cầu công việc phải làm ngoài giờ, thực hiện hoạt động nghiên cứu khoa học sẽ được nhận lương ngoài giờ theo chế độ trả lương làm việc vào ban đêm, làm thêm giờ đối với cán bộ công chức, viên chức, hoạt động nghiên cứu khoa học hướng dẫn định mức xây dựng, phân bổ dự toán và quyết toán kinh phí đối với nhiệm vụ khoa học và công nghệ có sử dụng ngân sách nhà nước.

Chính vì thế có thể nói rằng, Hướng dẫn 355 đối với những cán bộ làm công tác gia đình thực sự là một niềm vui, một sự động viên to lớn. Gia đình là tế bào của xã hội, gia đình được quan tâm để phát triển bền vững, lành mạnh, hạnh phúc thì xã hội mới an vui. 

Đọc thêm