Niềm vui làng mới của 60 hộ người Banah

(PLO) -Giữa hai dòng chảy của suối Đăk Queo và Đăk Dơm dẫn nước từ ngọn núi cao Bling về là làng Brang (xã Đăk Bling, huyện Kông Chro, Gia Lai) với 108 hộ đều là dân tộc Banah. Họ sống tách biệt bởi địa hình và giao thông đi lại khó khăn. Từ xưa đến nay, bà con vẫn quen với cuộc sống gần với thiên nhiên, rừng núi và sống nhờ vào trồng trọt, chăn nuôi nên nơi đây được rất đông các hộ dân lựa chọn để cất nhà. Đường đi khó khăn, tách biệt nhưng hầu như không ai nghĩ đến việc di dời đến nơi ở mới xa con suối, cánh rừng.
Làng Brang được di chuyển đến nơi an toàn hơn
Làng Brang được di chuyển đến nơi an toàn hơn

Nơm nớp sống chung với sạt lở đất

Nhưng từ trận lũ năm 2009, cuộc sống của 60 hộ người Banah nơi đây bị xáo trộn mỗi khi mùa mưa đến. Sau nhiều ngày mưa liên tiếp, tình trạng lở đất đã chôn vùi nhiều vườn tược của bà con. Tuy chưa có thiệt hại nào nghiêm trọng về con người, nhưng những người dân sống dưới chân núi phải sống chung với mối nguy hiểm do tình trạng sạt lở kéo dài nhiều năm với mức độ ngày càng nặng hơn. 

Với tinh thần khẩn trương, nhằm đảm bảo tính mạng và giúp cho người bà con yên tâm sản xuất, lãnh đạo huyện Kông Chro đã quyết định di dời khẩn cấp 60 hộ với hơn 200 nhân khẩu tại làng Brang (xã Đak Pling) ra khỏi vùng sạt lở trước mùa mưa lũ 2016.

Ngoài ra UBND tỉnh Gia Lai cũng quyết định trích ngân sách địa phương hỗ trợ cho mỗi hộ 20 triệu đồng để mua lương thực, thực phẩm… giúp nhân dân sớm ổn định ở khu định cư mới, cách đó khoảng 1km.

Ngày 10/10/2016, 60 hộ đã được bốc thăm chọn lô đất và di dời ra khỏi vùng nguy hiểm.

Để di chuyển 60 hộ với hơn 200 nhân khẩu, địa phương đã phải tích cực tuyên truyền, vận động người dân cũng như tìm nguồn kinh phí để thực hiện chương trình.

Bộ đội giúp dân dựng nhà
Bộ đội giúp dân dựng nhà

Ông Ngô Hữu Luật, Chánh văn phòng huyện Kông Chro cho biết: “Nhằm giúp bà con nhanh chóng ổn định cuộc sống và yên tâm lo kinh tế, chúng tôi đã huy động tối đa lực lượng tham gia.

Dự án lần này có sự góp sức của gần 300 người thuộc Trung đoàn 1 – Sư đoàn Bộ binh 2, dân quân cơ động xã Đăk Pling, Bộ chỉ huy Quân sự tỉnh và các Đoàn viên Thanh niên trong huyện. Dự kiến sẽ hoàn thành công việc di dời trong vòng 10 ngày từ 10/10 – 20/10/2016”.

Được biết tổng diện tích đất cấp cho 60 hộ trong diện di dời ở khu định cư mới là 3,76ha, trong đó 2,04 ha, trung bình mỗi người có 340m2 để xây nhà.

Ngoài ra, sau khi hoàn thành việc di dời 60 hộ dân, huyện sẽ đầu tư cấp thêm vốn để làm đường dân sinh, điện thắp sáng, xây công trình vệ sinh cho các nhà không nằm trong diện di dời, đảm bảo cả nơi ở cũ và nơi ở mới đều có đủ điều kiện về đời sống và sinh hoạt cho bà con. 

Trước ngày bắt đầu khởi công di dời, trạm y tế cũng đã xuống phun hóa chất xung quanh để tránh các bệnh sốt xuất huyết, sốt sét… đang có xu hướng gia tăng và lây lan trong mùa mưa. 

Về những khó khăn trong quá trình giúp dân di dời nhà, anh Trần Văn Thành, bộ đội Trung đoàn 1 – Sư đoàn Bộ binh 2 chia sẻ: “Những ngày đầu mới đến đây, bộ đội không hiểu tiếng dân nên giao tiếp khó khăn. Nhưng dần cũng quen, bà con lại dễ gần nên hầu hết những khó khăn ban đầu đều đã được giải quyết”. 

Niềm vui làng mới

Từ trung tâm huyện Kông Chro, vượt qua hơn 40km đường dốc ngoằn nghèo, chúng tôi tìm đến làng Brang đã vào quá trưa. Hàng trăm con người vẫn luôn tay làm việc dưới cái nắng như đổ lửa.

Người dân đang dỡ những ngôi nhà cũ dưới chân núi, bộ đội vác gỗ, dựng nhà trên mảnh đất mới cách đó chừng 1km. Cả quân và dân đều tích cực để bà con nơi đây sớm được chuyển đến nhà mới. Mặc dù mệt nhọc, nhưng tiếng cười, tiếng nói dường như không lúc nào ngơi.

Sau 4 ngày làm việc khẩn trương, gần 40 hộ gia đình đã được chuyển đến ổn định cuộc sống trong ngôi nhà mới. Bà Đinh Thi Hleo tâm sự: “Mình còn nhớ những mùa mưa trước, khi nhà chưa được di dời ra chỗ an toàn, chẳng khi nào được yên cái bụng. Ngày đi làm cũng chỉ lo mưa lớn bất chợt, đá từ trên núi lăn trúng nhà thì những đứa con mình ở nhà phải làm sao? 

Có lần đang đi làm trên nương thì mưa lớn, lo cho những đứa trẻ, vợ chồng mình phải đội trời mưa chạy về nhà, cũng may không có chuyện gì. Từ lần đó, vợ chồng chỉ một người đi làm, một người phải ở nhà để trông nhà, trông con, lỡ trời mưa lớn lại không kịp chạy. Đến tối về, hai vợ chồng cũng không dám ngủ say. Còn những đứa trẻ thì luôn phải dặn dò chúng không được chơi gần chân núi. Bây giờ nhà chuyển đến đây rồi mình mừng lắm, yên tâm đi làm được rồi”.

Bộ đội giúp dân dựng nhà
Bộ đội giúp dân dựng nhà

Những đứa trẻ lăng xăng ôm đồ áo, sách vở của mình chạy theo cha mẹ đến nơi ở mới, gương mặt phấn khởi nói cười rôm rả. Ông Đinh Ong, Trưởng thôn Brang hào hứng chia sẻ:

“Tuy từ trước đến nay chưa có thiệt hại nào nghiêm trọng xảy ra với bà con nhưng hàng ngày nhìn bà con mất ăn mất ngủ vì lo sợ đất đá lăn xuống nhà mình, tôi cũng không sao yên được. Nay có chính quyền, có bộ đội xuống nhiệt tình giúp đỡ, bà con đã được chuyển đến ở trong ngôi nhà mới, các em học sinh cũng sẽ có trường học mới để không bị gián đoạn với con chữ”. 

Mặc những giọt mồ hôi lấm tấm trên gương mặt, Trung tá Nguyễn Xuân Hải, Chính trị viên, Phó chủ nhiệm Chính trị Ban chỉ huy quân sự tỉnh cho biết: “Ngoài việc giúp bà con nhanh chóng chuyển đến nơi ở mới để ổn định cuộc sống, chúng tôi còn chú trọng quan tâm đến đời sống tinh thần của bà con bằng cách tổ chức đêm liên hoan văn nghệ thắm tình quân dân để tăng thêm tinh thần đoàn kết, tạo mối quan hệ tốt đẹp với bà con, xích lại gần dân để hiểu rõ tâm tư nguyện vọng của bà con”.

Hiến 1200m2 đất xây trường tiểu học

Nằm ngay dưới chân núi, trường Tiểu học Bùi Thị Xuân cũng thuộc diện có nguy cơ sạt lở cao. Trước tình hình trên, ông Lê Văn Cảnh, một người dân làng Brang, đã hiến 1.200m2 đất vườn cho buôn để xây dựng thêm phòng học ở khu định cư mới. 

Ông Cảnh chia sẻ: “Hơn 30 năm gắn bó với ngôi làng Brang, với bà con Banah nơi đây, tôi coi bà con như anh em ruột thịt, lo với nỗi lo của bà con và cũng vui với niềm vui của bà con. Nay được chính quyền quan tâm tạo điều kiện cho bà con có nơi ở mới, tôi cũng rất vui mừng.

Gia đình tôi có một mảnh đất đối diện với khu đất mới di dời đến, nhận thấy mảnh đất rất thích hợp với việc xây dựng trường tiểu học cho những đứa trẻ trong làng, nên tôi xin tặng một ít đất của mình để các em nhỏ có thể an tâm đến trường”.

Đọc thêm