Nỗ lực bảo tồn nhà vườn Huế

(PLO) - Theo Đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”, mỗi nhà vườn Huế đủ điều kiện sẽ được hỗ trợ 700 triệu đồng để trùng tu, bảo tồn. Ngoài ra, chủ nhân nhà vườn sẽ được hỗ trợ 100% lãi suất vay vốn để trùng tu nhà vườn. Đề án này chính thức đi vào cuộc sống vào đầu tháng 9 khiến nhiều chủ nhân nhà vườn phấn khởi.
Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung với kiến trúc nhà cổ còn nguyên vẹn.
Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung với kiến trúc nhà cổ còn nguyên vẹn.
Hỗ trợ để “cứu” nhà vườn
Theo Phòng Văn hóa - Thông tin TP.Huế, năm 2002 toàn thành phố còn 7.178 nhà vườn, trong đó 150 nhà vườn còn nguyên vẹn. Thế nhưng, qua khảo sát mới đây, trong số 150 nhà vườn nói trên chỉ còn 27 nhà vườn được giữ nguyên, tập trung chủ yếu ở phường Kim Long (TP.Huế). Nhà vườn Huế là di sản, mang dáng dấp đặc trưng của Cố đô Huế. Thế nhưng ngày càng có nhiều nhà vườn Huế “biến mất”. Trước nguy cơ đó, giữa năm 2015, HĐND tỉnh Thừa Thiên Huế thông qua Đề án “Chính sách bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn Huế đặc trưng”. Và Đề án này chính thức có hiệu lực từ đầu tháng 9 này. 
Theo đó, nhà vườn đáp ứng điều kiện được hỗ trợ kinh phí trùng tu tôn tạo nhà chính, nhưng tối đa không quá 700 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 1; không quá 500 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 2 và không quá 400 triệu đồng đối với nhà vườn xếp loại 3. Ngoài ra, chủ nhân nhà vườn được hỗ trợ 100% lãi suất vay khi vay vốn để trùng tu nhà vườn, thời gian hỗ trợ lãi suất không quá 5 năm, mức vay được hỗ trợ lãi suất tối đa không quá 500 triệu đồng/nhà vườn. Các nhà vườn còn được hỗ trợ các khoản khác như: duy trì cảnh quan của vườn, lập vườn tạo cảnh quan sinh thái, nâng cao giá trị nhà vườn phục vụ dịch vụ, du lịch; hỗ trợ tiền mua cây giống; hỗ trợ xây mới nhà vệ sinh, phòng thính nhạc và trang bị phòng ngủ cho khách lưu trú…. 
Nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung ở số 2/3 Phú Mộng (P. Kim Long, TP.Huế) với kiến trúc độc đáo hiếm có còn lại ở Việt Nam nói chung và ở Huế nói riêng. Đây vốn là nơi sinh sống của một vị quan Thượng thư Bộ Lễ ở triều đình Huế, ngôi nhà được xây dựng cách đây hơn 150 năm với kiến trúc 3 gian, 2 chái đang xuống cấp. 
Bà Phạm Thị Túy, chủ nhân của nhà vườn Xuân Viên Tiểu Cung cho biết: “Cách đây 8 năm, nhà bà được phường chọn hỗ trợ 100 triệu đồng để trùng tu lại khu nhà rường. Thế nhưng, do căn nhà tồn tại quá lâu năm nên xuống cấp nghiêm trọng, với chừng đó tiền sẽ không đủ để cải tạo. Mới đây, khi nghe tỉnh có những chính sách hỗ trợ mới để bảo tồn nhà vườn, đón khách tham quan, tui rất vui”. 
Ngôi nhà vườn của bà Túy đang ngày càng xuống cấp.
Ngôi nhà vườn của bà Túy đang ngày càng xuống cấp. 
Trùng tu, phát huy để giữ giá trị nhà vườn Huế
Phó Chủ tịch Thường trực UBND tỉnh Thừa thiên Huế Phan Ngọc Thọ chia sẻ, việc bảo vệ và phát huy giá trị nhà vườn với mục tiêu cuối cùng là mang lại thu nhập cho người dân. Nhưng bảo tồn, phát huy như thế nào, cái gì thì cần sự chung tay nghiên cứu của các cơ quan chức năng, chủ nhân nhà vườn. Nhà vườn Huế phải có gì hấp dẫn, đặc trưng để du khách muốn đến tham quan, trải nghiệm…
Nhiều khách du lịch trong và ngoài  nước đến tham quan nhà vườn Huế cho rằng nhà vườn Huế rất đẹp nhưng chưa tạo được điểm nhấn. Thực tế thời gian qua giữa các ngành, đơn vị liên quan và chủ nhà vườn đang thiếu sự liên kết; công tác phát triển du lịch từ nhà vườn Huế đang gặp nhiều khó khăn. Theo nhà nghiên cứu Nguyễn Xuân Hoa - nguyên Giám đốc Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch tỉnh Thừa Thiên Huế, du khách đến nhà vườn Huế mà chỉ xem nhà, ngắm vườn thì sẽ rất nhàm chán, bởi nhà nào cũng na ná nhau. Vì vậy chính quyền phải tạo ra điểm nhấn riêng cho mỗi nhà vườn bởi hầu hết chủ nhân nhà vườn không có năng lực liên quan đến dịch vụ du lịch. “Ví dụ như ở nhà vườn này chính quyền huy động một vài người đến ngồi chằm nón, nhà vườn kia bố trí người làm bánh, nhà khác thì vẽ tranh… Những hoạt động này có thể chỉ mang tính chất trình diễn nhưng nó tạo ra sức hút đối với du khách./.

Đọc thêm