Nỗ lực để không bệnh nhân nào tử vong vì virus Corona!

(PLVN) - Tính đến thời điểm ngày 6/2/2020, Việt Nam đã có 12 ca dương tính với virus Corona (nCoV) mới và cũng có tín hiệu đáng mừng là không có bất kỳ ai tử vong vì Corona và đã có 3 bệnh nhân dương tính với virus Corona được điều trị thành công và được xuất viện. Điều này cho thấy những cố gắng cũng như nỗ lực của ngành y tế nước nhà.
Bệnh nhân Trung Quốc dương tính với virus Corona được điều trị thành công và xuất viện
Bệnh nhân Trung Quốc dương tính với virus Corona được điều trị thành công và xuất viện

Nỗ lực chống nCoV

Tại những thời điểm bắt đầu bùng phát dịch, ngay lập tức, nhằm thi hành sự  chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Bộ Y tế đã có nhiều biện pháp, hành động cụ thể, đầy thiết thực nhằm đẩy lùi cũng như hạn chế tới mức thấp nhất thiệt hại về người cũng như kinh tế.

Bộ Y tế đã ban hành 12 văn bản và có kế hoạch đáp ứng chống dịch theo từng mức độ và theo từng kịch bản, đã thành lập 25 đội phản ứng nhanh; yêu cầu toàn ngành y tế triển khai các hoạt động giám sát, đáp ứng ở mức cao hơn một mức so với thực tế diễn biến dịch bệnh; Tổ chức giám sát nghiêm ngặt tất cả khách nhập cảnh tại các cửa khẩu, giám sát bệnh viêm phổi cấp tại cơ sở y tế và tại cộng đồng để phát hiện kịp thời, cách ly, quản lý chặt chẽ các trường hợp có biểu hiện nghi ngờ mắc bệnh; sẵn sàng tiếp nhận, cách ly, điều trị bệnh nhân, thực hiện nghiêm túc việc kiểm soát nhiễm khuẩn tại các bệnh viện.

Các bệnh viện luôn theo sát và thực hiện nghiêm túc các chỉ đạo của Bộ Y tế cũng như cập nhật những thông tin mới nhất về tình hình dịch bệnh trên thế giới, tại Việt Nam và các ca bệnh mới đang được điều trị cách ly, chuẩn bị chu đáo mọi mặt sẵn sàng ứng phó với dịch bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona (nCoV) gây ra; cập nhật những kiến thức cơ bản về chẩn đoán bệnh, các phương pháp phòng chống và hướng điều trị bệnh theo phác đồ chuẩn của Bộ Y tế.

Bên cạnh đó trong thời gian vừa qua có lẽ chúng ta hầu hết ai cũng nhận được những tin nhắn những khuyến cáo về dịch bệnh cũng như các biện pháp phòng bệnh. Điều này khiến nhiều người lại liên tưởng đến câu “lương y như từ mẫu”. 

Bác sĩ 2 tuần ở lại viện vì nCoV

Mới đây, bác sĩ Nguyễn Trung Cấp - Trưởng Khoa Cấp cứu, Bệnh viện Bệnh nhiệt đới T.Ư đã chia sẻ với truyền thông câu chuyện về một ngày làm việc của nhân viên y tế trong những ngày chống dịch nCoV vừa qua.

Bác sĩ Nguyên Trung Cấp
 Bác sĩ Nguyên Trung Cấp

“Buổi sáng từ 7h30 chúng tôi sẽ giao ban với ekip trực ngày hôm qua. Điểm lại tình hình  suốt ngày và đêm hôm trước, phải điểm lại từng trược hợp bệnh nhân một. sau giờ giao ban của khoa đó. Sau đó, tôi sẽ tiếp tục giao ban trên bệnh viện với tất cả các trưởng khoa, trưởng phòng và ban giám đốc để giải quyết tất cả những vấn đề phát sinh của ngày hôm trước cũng như các chiến lược cho ngày hôm sau.

Sau đó chúng tôi sẽ đi tới các buồng để trao đổi chuyên môn cùng các bác sỹ. Hiện nay chúng tôi còn thêm một lịch nữa từ 10h đến 11h đó là tiếp các đoàn báo chí để chúng ta đảm bảo việc thông tin. Buổi chiều có thể xuống hỗ trợ địa phương hoặc khu vực nào đó nếu họ yêu cầu hỗ trợ.  Hai tuần nay buổi tối tôi ở lại bệnh viện để bất cứ khi nào anh em trực hoặc các khoa phòng, các đơn vị họ gọi điện yêu cầu mình hỗ trợ thì mình tư vấn hỗ trợ qua điện thoại. 

Trong đợt dịch tính đến ngày 7/2 bệnh viện chúng tôi điều trị có 4 bệnh nhân dương tính với virus corona. Còn hàng ngày, khám  sàng lọc trung bình 50 đến 60 ca. Trong đó có tầm 30 đến 40 ca trong diện nghi ngờ phải sàng lọc chúng tôi phải cho vào viện để kiểm tra nếu họ âm tính thì sẽ được xuất viện. Trong suốt đợt vừa qua đã có hàng trăm bệnh nhân được ra viện như vậy rồi.

Trong đợt dịch này các tin giả về virus gây ảnh hưởng lớn đến hoặt động khám chữa bệnh cũng như sinh hoạt của các y bác sĩ.  Cá nhân tôi khi có việc ra ngoài bệnh viện gọi taxi không được do cánh tài xế lo ngại lây dịch cho dù trước đó tại cổng viện có rất nhiều taxi.

Hay bình thường một ngày chúng tôi chỉ phải tiếp nhận vài chục cho đến 100 bệnh nhân. Tuy nhiên khi thông tin giả bị lan truyền, có những đơn vị họ ồ ạt kéo mấy chục người đến vì người ta lo lắng, ví dụ như người đến khám trình bày: “Nhà tôi gần một ông người Trung Quốc. Làng bên có người từ nước ngoài về tôi không biết từ đâu về nhưng tôi lo lắng tôi đến khám…”, bác sĩ Cấp chia sẻ. 

Cũng theo bác sĩ Cấp, hiện nay chúng ta đang ưu tiên khám, xét nghiệm cho những trường hợp nghi ngờ, có nguy cơ cao nên việc giải thích cho người dân hiểu để họ thoải mái ra về là điều rất khó. Có những người họ đi vài chục cây số thâm chí vài trăm cây số để đến kiểm tra, xét nghiệm mà mình không giải thích, không xét nghiệm cho họ thì họ rất dễ nổi xung thậm chí có thể hành hung nhân viên y tế…

Đọc thêm