Nỗ lực dẹp “cơn khát” ngà voi trên thị trường

(PLO) - Trước sự gia tăng đáng báo động của tình trạng buôn lậu ngà voi xuyên quốc gia, Báo PLVN đã có cuộc trao đổi với bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc phụ trách chương trình chính sách – pháp luật, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV.
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ buôn lậu ngà voi
Lực lượng chức năng bắt giữ một vụ buôn lậu ngà voi

Thưa bà, bà có nhận định gì về sự gia tăng các vụ vận chuyển ngà voi trong thời gian gần đây?  

- Chỉ trong vòng chưa đầy một tháng, có tới 3 vụ vận chuyển ngà voi bị phát hiện. Cá biệt, có vụ vận chuyển lên tới 2 tấn ngà. Đây là một con số đáng báo động. Có thể thấy chưa bao giờ tình trạng buôn lậu mặt hàng này đang tăng lên với tốc độ chóng mặt đến vậy. Cách thức vận chuyển của các đối tượng cũng trở nên tinh vi, khó phát hiện hơn. Ngà voi vẫn được vận chuyển qua hai con đường chính là đường hàng không và đường thủy, nhưng đã được “ngụy trang” trong vỏ sữa hộp, thân gỗ, và được kê khai dưới tên hàng hóa khác… cản trở việc kiểm tra của cơ quan chức năng.

Mặc dù vậy, đây cũng có thể được coi là dấu hiệu tích cực từ những nỗ lực đẩy lùi tội phạm về ngà voi của Việt Nam. Sau khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 17/9/2016 về một số giải pháp cấp bách phòng ngừa, đấu tranh với hành vi xâm hại các loài động vật hoang dã trái pháp luật, và đặc biệt sau quyết định đóng cửa các thị trường ngà voi của CITES tại Hội nghị CoP17 vừa qua tại Nam Phi, công tác kiểm tra, rà soát và xử lý các vi phạm về ngà voi dường như cũng đang được đẩy mạnh. Các đối tượng sẽ phải dè chừng hơn khi vận chuyển ngà voi qua Việt Nam.

Theo bà, đâu là nguyên nhân của sự gia tăng này? 

- Có rất nhiều nguyên nhân dẫn tới tình trạng này, nhưng chủ yếu vẫn là do nhu cầu sử dụng và sở hữu các sản phẩm từ ngà voi tại một số quốc gia châu Á, đặc biệt là Việt Nam và Trung Quốc. Tại hai thị trường này, ngà voi đã trở thành một “cơn khát”. Người ta sử dụng nó làm trang sức, đồ lưu niệm, sản phẩm tâm linh, thậm chí đơn giản là để khoe mẽ, khẳng định đẳng cấp. “Cơn khát” này đã trực tiếp thúc đẩy các đối tượng buôn lậu tìm cách móc nối với các quốc gia châu Phi – nơi phân bố chính của loài voi – tạo ra những đường dây buôn bán xuyên quốc gia. 

Một nguyên nhân khác là các vi phạm về ngà voi hiện vẫn chưa được xử lý nghiêm, hình phạt cho loại tội phạm này còn chưa cao, chưa có sức răn đe. Bên cạnh đó, việc thực thi các quy định pháp luật về động vật hoang dã (ĐVHD) còn chưa được đến nơi đến chốn. Rất nhiều lần lực lượng hải quan thu giữ được những lô hàng ngà voi vô chủ tại sân bay, khi lần theo địa chỉ thì người được hỏi lại không hề biết tới sự tồn tại của lô hàng. Vậy là bế tắc, các lô hàng cứ được thường xuyên gửi về Việt Nam, nếu trót lọt thì chủ của chúng sẽ kiếm được lợi nhuận rất lớn, còn nếu có bị giữ lại cũng không ai bị tổn hại. Với nhiều lỗ hổng như vậy, Việt Nam đã trở thành thị trường – mối trung chuyển màu mỡ, thuận lợi cho việc buôn bán trái phép ngà voi. 

Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc phụ trách chương trình chính sách – pháp luật, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV
Bà Bùi Thị Hà - Phó Giám đốc phụ trách chương trình chính sách – pháp luật, Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV

Theo luật pháp Việt Nam, những quy định nào được áp dụng đối với các vi phạm về ngà voi? Việc thực thi pháp luật đối với những vi phạm này đã được nghiêm túc chưa? 

- Tại Việt Nam, hầu hết các vụ việc vi phạm liên quan đến ngà voi đều được các cơ quan chức năng phát hiện kịp thời. Liên quan đến việc xử lý vi phạm, có hai nhóm điều khoản trong Bộ luật Hình sự (BLHS) hiện hành có thể áp dụng đối với những vi phạm về ngà voi (voi châu Á) là Điều 190 (Tội vi phạm các quy định về bảo vệ loài thuộc Danh mục loài nguy cấp, quý, hiếm được ưu tiên bảo vệ) và nhóm Điều 153, 154, 155 về buôn lậu, vận chuyển trái phép qua biên giới, sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, buôn bán hàng cấm.

Tuy nhiên, không thể xử lý theo Điều 190 vì việc định giá ngà voi là điều kiện bắt buộc để xác định khung hình phạt. Trong khi đó, chỉ có thể truy cứu trách nhiệm hình sự các vi phạm về ngà voi theo nhóm Điều 153, 154, 155 nếu hàng cấm là ngà voi có số lượng lớn hoặc đối tượng đã từng bị xử phạt vi phạm hành chính về một số hành vi liệt kê tại các điều này mà còn vi phạm. Việc định khung hình phạt cũng hoàn toàn dựa vào số lượng hàng cấm “lớn”, “rất lớn”, “đặc biệt lớn” hoặc “giá trị hàng phạm pháp” (tính bằng tiền). 

Chính những bất cập nêu trên đã khiến cho một số lượng lớn vụ việc vi phạm liên quan đến ngà voi bị tồn đọng trong một thời gian khá dài mặc dù ngày 8/6/2016, các cơ quan liên ngành Tư pháp Trung ương đã có Công văn số 2140/VKSTC-V3 chỉ đạo các cơ quan thực thi pháp luật rà soát và áp dụng khoản 1 Điều 155 BLHS đối với các vi phạm về ngà voi. Mặt khác, BLHS 2015, mặc dù đang bị tạm hoãn hiệu lực, đã khắc phục được những bất cập nêu trên bằng việc quy định chi tiết về xử lý các vi phạm về ngà voi căn cứ vào khối lượng tang vật trong vụ việc. Điều này cho thấy quyết tâm của các cơ quan chức năng Việt Nam trong việc xử lý dứt điểm các vi phạm liên quan đến ngà voi. 

Theo bà, Việt Nam nên làm gì ngay lúc này để ngăn chặn các vụ vận chuyển, buôn bán ngà voi bất hợp pháp xuyên quốc gia hiện vẫn đang diễn ra?

- Việc làm cấp thiết nhất lúc này là đưa BLHS 2015 sớm có hiệu lực trên thực tế, với những chế tài xử lý nghiêm khắc các tội phạm về ngà voi. Điều này sẽ có tác dụng răn đe trực tiếp tới các đối tượng đã và đang có ý định tham gia vào mạng lưới buôn bán trái phép mặt hàng này. Về lâu về dài, chúng ta cũng cần tuyên truyền để người dân nhận thức được tiêu thụ sản phẩm từ ngà voi cũng như từ các loài động vật hoang dã nguy cấp, quý, hiếm khác là phạm pháp, là đe dọa sự tồn tại của loài voi.

Trung tâm Giáo dục Thiên nhiên ENV cũng hy vọng các cơ quan chức năng sẽ sớm tiến hành tiêu hủy toàn bộ số ngà voi thu giữ được từ các vụ vận chuyển trái phép ngà voi. Những hành động này vừa có tác dụng răn đe các đối tượng vi phạm, vừa là tuyên ngôn mạnh mẽ nhất đối với cộng đồng thế giới về quyết tâm của Việt Nam trong việc ngăn chặn nạn buôn bán ngà voi. 

Đọc thêm