Nổ nén – món quà của Tết nhà quê

(PLO) - Khi những bông thược dược  bắt đầu theo các chị hàng hoa trôi về trên phố, ấy là khi quê tôi cũng bắt đầu rộn rịp một mùa làm nổ nén, món ăn gợi nhớ gợi thương, gợi nỗi nhớ quay quắt  để phải tìm đường về quê mỗi khi Tết đến.
Nổ nén – món quà của Tết nhà quê

Cũng giống như nhiều món quà quê khác, nổ nén quê tôi chẳng kén một cái tên yêu kiều. Quê kệch, nhưng gần gũi. Nổ nén được làm từ những hạt nếp mây mẩy thơm nưng nức, từ những khuôn mật mía vàng óng ả, những hạt lạc no tròn, chút nồng nàn của gừng cay…

Thóc được chọn làm nổ nén phải là loại nếp cái hoa vàng, và cũng phải là loại nếp cất từ vụ Chiêm, đủ thời gian để nhựa được thu hết vào trong, tiết chế bớt đi cái dẻo đến xoắn xuýt của loại nếp được coi là “nữ hoàng” của đồng ruộng. Sàng xẩy, hong phơi, ca thóc nếp chỉ bắt đầu công đoạn đầu tiên của việc làm nổ nén khi đã sạch tinh tươm, không còn tì vết, không còn lẫn một hạt lép, hạt hỏng.

Công đoạn tiếp theo sẽ là ngâm thóc trong nước ấm. Cứ mỗi ngày một lần thay nước, cho đến khi những hạt thóc được uống nước no nê, căng tròn. Lựa một chút hanh vàng của nắng tháng Chạp, hay cơn gió se sắt tràn qua sân, thóc ngâm được đổ ra hong, làm cho khô vỏ, trước khi “luyện lửa” trong chảo gang.

Người rang thóc phải khỏe tay đảo, khéo tay trộn lắm, để nghìn hạt thóc được nóng đều như nhau, lại cũng phải có đôi tai thật tinh, để cảm nhận được tiếng reo tí tách rất khẽ , báo rằng chúng đã vừa đủ độ chín. Nếu dừng lửa sớm quá, tất nhiên cả mẻ thóc sẽ phải vứt đi, và quá lửa một chút, hạt thóc sẽ nở tung xòe như hoa thì cũng chẳng còn gì để làm nổ nén.

Ngày xưa, sau khi thóc được rang cho chín, người làng tôi cho thóc vào cối, giã bằng chày tay để lột bỏ vỏ trấu. Rồi cũng chính chiếc chày ấy sẽ làm cho hạt gạo dẹt ra để hoàn thành công đoạn tiếp theo của món nổ nén. Ai không khéo chọn thóc, ai không khéo tay rang, đến công đoạn này, sẽ chỉ nhận được những hạt gạo vỡ vụn.

Giờ thì làng tôi đã có máy làm thay. Thóc rang xong sẽ được đưa vào máy để xát bỏ vỏ trấu, rồi lại đưa tiếp vào một loại máy khác để cán dẹt hạt gạo. Những hạt gạo đã cán dẹt sẽ lại qua lửa một lần nữa, bung mình, thỏa hương thơm.

Xong công đoạn của thóc, khâu cuối cùng của việc làm nổ nén là nấu mật. Nếu về làng tôi hỏi công thức cho món nổ nén, sẽ chỉ nhận được những cái cười trừ của các bà, các mẹ. Bởi mỗi người sẽ có một cách tính, cách làm, một kiểu cảm nhận riêng cho món nổ nén của nhà mình.

Thông thường thì nguyên liệu nấu nước mật sẽ gồm mật mía, mạch nha và đường kính. Nổ nén mà không có mật sẽ không tạo nên sắc màu vàng thổ óng ánh, sẽ không có thứ mùi đặc trưng của một món quà quê Bắc bộ. Không có mạch nha, sẽ kém phần dẻo dai. Không có đường kính, sẽ mất cái vị thanh thanh trong cuống họng. Những người cầu kỳ còn giã dập lạc rang để vị béo, vị bùi của lạc quyện lẫn trong miếng nếp tan dần trong miệng.

Nước mật được nấu cho đến khi sôi bùng, giọt mật nhỏ vào bát nước kết hình tròn xoe, cắn thử thấy tan giòn trong miệng là đã đến thời khắc phải thật nhanh tay để cho nó quyện cùng các nguyên liệu khác.
Nổ nén mà không có mật sẽ không tạo nên sắc màu vàng thổ óng ánh, sẽ không có thứ mùi đặc trưng của một món quà quê Bắc bộ.
Nổ nén mà không có mật sẽ không tạo nên sắc màu vàng thổ óng ánh, sẽ không có thứ mùi đặc trưng của một món quà quê Bắc bộ.
Những món quà vặt thường thì chỉ có người đàn bà tha thẩn làm. Những người đàn bà làng tôi cũng cứ tha thẩn một mình từ ngâm thóc đến rang bỏng, cứ lựa lúc rỗi rãi mà làm. Nhưng đến công đoạn cuối cùng thì khác.

Tay người đàn bà có khéo, có dẻo đến mấy thì cũng không thể làm cho món nổ nén ngon nếu thiếu cái mạnh mẽ của bàn tay người đàn ông ở công đoạn cuối cùng. Người đàn ông sẽ nén những hạt nổ cho thật chặt, thật nhanh, pha những thanh nổ nén sắc nét đẹp đẽ.

Khi bố mẹ thoăn thoắt dạt hạt nổ, lũ trẻ con háo hức túm tụm xung quanh, thi thoảng nhón nhén nhặt một miếng vụn, ngấu nghiến ăn sao mà thấy thơm ngon như thể chẳng có món quà nào ngon đến vậy.

Ngày be bé, tôi cứ hỏi tại sao làng mình lại làm nổ nén, mà không phải là một loại bánh mứt gì đó dễ dàng hơn cho ngày Tết? Bà tôi cười móm mém lắc đầu. Mẹ tôi cũng chẳng biết. Sau này thêm một chút lớn khôn, tôi hiểu rằng có lẽ các cụ kỵ làng tôi muốn gửi gắm con cháu những triết lý sâu xa của việc làm người qua món nổ nén với các công đoạn nắng, lửa, nước, trầy da tróc vẩy của hạt thóc.

Các thế hệ nối tiếp nhau, dù không nói thành lời nhưng ngấm ngầm lưu truyền và gìn giữ lời dạy của tổ tiên qua món quà quê dân dã.

Ngày Tết, cắn miếng nổ nén giòn tan trong miệng, cảm cái giòn, dẻo của hạt gạo, mùi thơm thoang thoảng của lúa nếp trên cánh đồng chiêm, cảm vị béo ngậy của lạc, vị ngọt đậm đà của mật mía, thảng chút ấm nồng của gừng của quế… như ngấm ngầm nuốt vào lòng những tinh túy của của đồng đất quê mình.

Người quê tôi thường tự làm nổ nén mỗi khi Tết đến, như một cách để tự hào về sự khéo léo của đôi tay người đàn bà, cái mạnh mẽ của người đàn ông trong gia đình thông qua miếng ngon mời khách đầu năm.

Có lẽ cũng bởi những sự riêng tư như thế, nổ nén Dị Nậu không trở thành món quà của thị trường. Người làng tôi đi xa, nhiều lúc ngơ ngác giữa phố phường tìm món quà quê mình để thỏa cái thèm, cái nhớ... nhưng rồi lại tự nhủ lòng, góp dồn thành cái nhớ quay quắt để cuối năm có cớ để tìm về; Để được nghe người làng chào nhau bằng lời thứ thổ ngữ chẳng nơi nào có được: "Nổ nhà anh năm nay có đẹp không? Nhà anh làm nổ chửa!"

Dị Nậu là một xã nằm phía Bắc của huyện Thạch Thất – cửa ngõ phía Tây của Thủ đô. Mặc dù cách Hà Nội chưa đầy 30km, nhưng nơi đây còn giữ khá nhiều nét đẹp của truyền thống văn hóa. Đến Dị Nậu vào dịp Tết đến Xuân về, bạn sẽ không chỉ được thưởng thức món nổ nén tuyệt vời, mà còn được chứng kiến những nét đẹp trong thú chơi Xuân của người dân vùng đồng bằng Bắc Bộ tưởng như đã mai một. Đặc biệt, Dị Nậu còn có phong tục Mùng 3 tết Cá, Mùng 7 Tết gà với chợ cá, chợ gà khá thú vị.

Đọc thêm