“Nói chuyện” sống xanh, sống sạch với con

(PLO) - Trong tình trạng ô nhiễm môi trường và quản lý sản phẩm còn rất lộn xộn như hiện nay, điều tốt nhất bạn có thể làm cho con cái của mình là áp dụng lối sống xanh, sống sạch để vừa đảm bảo sức khỏe cho con vừa giúp bảo vệ môi trường, lại giảm chi phí trong sinh hoạt gia đình. Lối sống này cũng đang là xu hướng mới mà nhiều cha mẹ Việt hiện đại theo đuổi, giúp tăng cường hơn sự gắn kết trong gia đình.
Dạy con giúp bố mẹ làm việc nhà như chăm sóc cây cối
Dạy con giúp bố mẹ làm việc nhà như chăm sóc cây cối

Dạy con từ những việc đơn giản

Ở nhà bé Tùng (Cầu Diễn, Hà Nội), khi bé đã biết đọc biết viết, bất kể nơi nào có thiết bị điện trong nhà đều được bố mẹ dán một mảnh giấy nhỏ ghi chữ “Tắt khi không sử dụng”. Kèm theo đó là những biểu tượng mặt cười vui nhộn. Lý giải cho sự ra đời của những tấm giấy mang thông điệp đáng yêu này, mẹ bé Tùng vui vẻ nói:

“Từ khi cháu bắt đầu biết sử dụng tivi, máy quạt, vợ chồng tôi đã tập cho con thói quen tắt công tắc khi không cần sử dụng. Dạy con là vậy nhưng bố mẹ đôi khi cũng hay quên. Giờ con lớn hơn rồi, đang dùng cách viết ngộ nghĩnh đó để nhắc nhở ngược lại bố mẹ”.

Sống “xanh”, lành mạnh và thân thiện với môi trường là cách sống luôn rất cần được khuyến khích. Dù ở lứa tuổi nào thì con trẻ cũng đều có thể bắt đầu tập thói quen tốt này và đặc biệt là bé lại không hề nhận ra là mình đang học nữa cơ.

Đơn cử, với năng lượng, hãy dạy con ở độ tuổi mầm non rằng phải tắt đèn khi ra khỏi phòng và nếu không thật cần thiết thì không bật đèn vào ban ngày, vì ánh sáng tự nhiên ban ngày nói chung đã đủ như gia đình bé Tùng.

Khi trẻ học cấp tiểu học, hãy đề ra quy tắc phải tắt TV và máy tính trước khi ngủ. Trẻ lên cấp THCS, hãy bảo đảm con không mở cửa tủ lạnh quá lâu hay đóng cửa tủ không chặt, làm hơi lạnh thoát ra ngoài và tốn điện. Và thay vì bật ngay máy sưởi hay máy điều hòa khi thấy lạnh hoặc nóng, trẻ có thể choàng thêm một cái khăn hoặc mở cửa sổ.

Và lúc con bước vào độ tuổi THPT trở lên, hãy nhắc con tháo pin khỏi các thiết bị như MP3, máy ảnh… nếu lâu không dùng đến, tháo nguồn khi không sử dụng.

Hay với nguồn nước, bố mẹ đừng ngại giải thích cho trẻ là nước sạch không phải là vô hạn và do đó con không nên lãng phí nước. Bố mẹ cũng giải thích cả chuyện giấy được làm từ cây và nếu như con yêu cây cối thiên nhiên thì chúng sẽ biết tiết kiệm giấy.

Bố mẹ có thể dạy con “tái sử dụng” các đồ vật trong nhà, làm cái tủ đồ chơi từ mấy vỏ hộp diêm, làm ống cắm bút từ vỏ chai nước cũ, vừa giảm rác thải, vừa giúp bé tăng cường tư duy sáng tạo.

Bà Nguyễn Thị Thanh Thúy, Trưởng Hội quán các bà mẹ TP HCM, từng chia sẻ: Để dạy con cái sống “xanh và sạch”, đầu tiên cha mẹ cần phải là tấm gương cho chúng noi theo. Tuy nhiên, bà từng gặp nhiều phụ huynh có thói quen sống làm gương “mù” cho con.

Chẳng hạn, có người nhất định phải mở quạt, máy lạnh trong khi con mình không hề cảm thấy nóng nực. Một số khác điều chỉnh nhiệt độ máy điều hòa thật thấp rồi nằm đắp chăn run cầm cập. Chính những điều này đã tác động trực tiếp đến tư duy sống của trẻ, khiến chúng không phân biệt được đâu là đúng, sai.

Bà khẳng định: Không thể bắt trẻ phải sống xanh, thân thiện với môi trường, tiết kiệm tài nguyên trong khi người làm cha làm mẹ lại dửng dưng với những điều đó. 

Đừng ngại cho trẻ ra ngoài dọn dẹp môi trường
Đừng ngại cho trẻ ra ngoài dọn dẹp môi trường

Người sáng lập Hội quán các bà mẹ cho biết, vào ngày lễ Tết hoặc hè, vợ chồng bà thường tổ chức những chuyến dã ngoại cho các con đi chơi xa hoặc về quê. Trẻ có thêm nhiều cơ hội gần gũi với thiên nhiên, cha mẹ có thể khuyến khích và hướng dẫn con bảo vệ môi trường quanh mình bắt đầu từ những điều đơn giản nhất.

Lối sống mới gắn kết gia đình Việt

Một chuyên gia nhiều năm hoạt động trong lĩnh vực môi trường đã rút ra một kết luận: Nói chung là cực kỳ khó để thay đổi nhận thức, hành vi của các thế hệ lớn tuổi. Bao nhiêu dự án, chiến dịch môi trường, từ kêu gọi bảo vệ động vật hoang dã, cho đến kêu gọi tiết kiệm điện nước (là có lợi cho chính mình), mà chẳng thấy thay đổi được mấy người.

Chỉ có học sinh sinh viên, nhất là trẻ con, là nhận thức và thay đổi nhanh hơn cả, dễ thấm nhuần các thói quen của lối sống xanh một cách tự nhiên hơn cả.

Cách hiệu quả nhất để giúp con trẻ có một lối sống xanh là chính cha mẹ phải là tấm gương như tâm sự của bà Thúy trên đây. Khi con cái nhìn thấy bố mẹ nhặt rác trong công viên bỏ vào thùng thì chúng sẽ tự có ý thức về việc phải giữ vệ sinh nơi công cộng.

Bố mẹ có dạy con nhiều đến mấy về ý thức bảo vệ môi trường cũng sẽ vô tác dụng nếu bản thân trẻ không thấy những người xung quanh cùng hành động giống như những gì mẹ dạy. Bởi thế, trước tiên, bố mẹ cần làm gương cho con một nếp sống sạch sẽ, gọn gàng, vệ sinh.

Rộng hơn, có thể đưa bé đến tham gia các hoạt động xã hội, nơi mọi người cùng ra sức chung tay bảo vệ môi trường, cho bé thấy những hình ảnh cộng đồng cùng nhặt rác, trồng cây, tái sử dụng vật liệu...

Còn để có thể làm tấm gương sống xanh, bố mẹ thử thực hiện một số việc cụ thể như bố mẹ hãy đi bộ, đi xe đạp nhiều hơn và chịu khó chơi với con thường xuyên hơn. Con trẻ mà thấy bố mẹ ôm laptop cả ngày, ra khỏi cửa mua mấy quả ớt cũng đi xe máy thì đừng trách con không thích chạy nhảy ngoài trời mà cứ ngồi ôm iPad và ăn vặt cả ngày.

Bên cạnh đó là dùng phương tiện giao thông công cộng. Tuy đi xe máy tiện hơn nhưng đôi khi vào cuối tuần, bố mẹ thử đưa con đi chơi công viên bằng xe buýt xem sao vì cuối tuần thì xe buýt không đông. Hay cả nhà thường đi nghỉ mát bằng xe ôtô của gia đình, nhưng hãy đã thử đi tàu hỏa một lần xem sao.

Ngoài ra, có thể nhờ con giúp việc bởi trẻ con thường thích làm các việc của người lớn. Bố mẹ hãy thử nhờ bé giúp một tay khi phân loại rác để bán đồng nát hay nhờ bé tưới nước trong khi bố mẹ trồng rau thơm trên sân thượng. 

Đã có nhiều nghiên cứu chỉ ra rằng cách “dạy” con vừa làm vừa chơi của nhiều cha mẹ Việt hiện đại sẽ giúp cả gia đình gắn kết hơn, đặc biệt là giúp trẻ hình thành lối sống cân bằng, duy trì tinh thần khám phá vui tươi, có ích cho sự phát triển.

Tất nhiên, bố mẹ không cần phải lúc nào cũng phải “lăm lăm” tinh thần sống xanh và cũng không nên nghĩ là con mình cũng phải tăm tắp như vậy. Hãy bắt đầu từ những việc dễ nhất, mỗi ngày một chút và dần dần cả gia đình sẽ ngày càng sống xanh mà có khi chúng ta cũng không nhận ra!

Đọc thêm