Nỗi đau của gia đình hai thủy thủ mất tích trên biển

(PLO) - Người vợ của thuyền viên mất tích trên tàu cá Hsiang Fu Chun (Đài Loan) không còn sức để đứng dậy từ khi nhận được hung tin về việc chồng gặp nạn mất tích.
Chị Thơm nằm bẹp một chỗ từ khi nhận được tin tàu cá có chồng trên tàu mất tích.
Chị Thơm nằm bẹp một chỗ từ khi nhận được tin tàu cá có chồng trên tàu mất tích.
Mấy lần đi xuất khẩu lao động nghèo vẫn hoàn nghèo
Mấy ngày qua, nhiều người tập trung về nhà anh Nguyễn Văn Thuận (SN 1975 – trú tại xóm Bắc Thịnh, Nghi Thuận, Nghi Lộc, Nghệ An) hỏi thăm và động viên người vợ và đàn con thơ vì anh bị mất tích khi đi đánh cá ngoài biển tại Đài Loan.
Trước đó, ngày 26/2, tàu cá Hsiang Fu Chun bị mất liên lạc khi đang đánh bắt hải sản tại vùng biển Nam Thái Bình Dương. Thời điểm mất liên lạc, trên tàu có 49 thuyền viên gồm 2 người Việt Nam, 2 người Đài Loan, 11 người Trung Quốc, 21 người Indonesia, 13 người Philippines. 
Tàu cá Hsiang Fu Chun là tàu câu mực có tải trọng 700 tấn. Khu vực tàu cá mất liên lạc nằm xa đất liền nên công tác tìm kiếm cứu hộ gặp nhiều khó khăn. Nhiều ngày qua, mọi nỗ lực tìm kiếm con tàu vẫn chưa có kết quả. 
Mấy ngày qua, chị Thơm (SN 1978, vợ anh Thuận) đã kiệt sức. Chị khóc ngất lên ngất xuống gọi tên chồng và trách than ông trời bắt chồng mình đi. Cách đây 3-4 ngày, chị Thơm nghe được thông tin về việc tàu câu mực Hsiang Fu Chun mất tích cùng thủy thủ đoàn nên đi dò hỏi. Được chính quyền xã báo tin nhưng chị Thơm không tin vào sự việc đau lòng đó nên đã điện hỏi Công ty môi giới xuất khẩu lao động (XKLĐ) và được xác nhận chồng chị mất tích.  
Đầu năm 2014, khi đứa con gái út mới hơn 5 tháng tuổi, anh Thuận được Công ty TNHH một thành viên Đào tạo và Cung ứng nhân lực quốc tế Nosco (có địa chỉ tại đường Tôn Đức Thắng, quận Đống Đa, Hà Nội) đưa sang Đài Loan làm việc.
Theo cam kết ban đầu, mức lương của anh Thuận là 500 USD/tháng, trừ 50 USD tiền tiêu vặt nên mỗi tháng thực nhận 450 USD. 3 tháng đầu, anh Thuận không gửi được đồng nào về. Từ tháng thứ tư trở đi, mỗi tháng gửi về nhà cho vợ anh 8 triệu đồng, chị Thơm không dám tiêu đồng nào, dùng trả nợ lãi các khoản vay mà vẫn chưa đủ. 
Người vợ trẻ và 5 đứa con thơ ngóng tin
Năm 2000 anh Thuận và chị Thơm kết hôn. Vì muốn có con trai nối dõi nên chị Thơm liên tục sinh đẻ nhưng cả năm đứa đều là con gái. Gia đình nghèo, không có việc làm ổn định lại đông con nên chỉ riêng việc lo cơm ăn, áo mặc cho 7 miệng ăn cũng đã làm anh chị vã mồ hôi. Vì miếng cơm manh áo, vì gánh nặng mưu sinh nên anh Thuận và chị Thơm vất vả làm đủ nghề để có cái ăn cho đàn con nhỏ. 
Gia đình nghèo nên con gái đầu Nguyễn Thị Thân (SN 2001) chỉ học đến lớp 6 rồi bỏ học, ra Hà Nội đi trông trẻ thuê kiếm tiền phụ cha mẹ nuôi đàn em dại. Anh cũng làm nghề đi biển nhưng tàu thuyền nhỏ, phương tiện thô sơ nên chỉ đánh bắt gần bờ, bữa được bữa không. Anh Thuận quyết đi XKLĐ mong đổi đời nhưng 2 lần trước toàn thất bại, về nước khi chưa trả nợ được đồng nào. 
Năm 2013, sau khi bàn với vợ anh quyết đi XKLĐ lần nữa với hy vọng gặp may mắn hơn những lần trước. Vay mượn tiền của nhiều người để đóng tiền đi XKLĐ, đầu năm 2014, anh Thuận rời nhà sang xứ người làm ăn. Anh được bố trí làm việc trên tàu Hsiang Fu Chun, công việc là câu mực. 
Con gái thứ hai của anh chị phải nghỉ học để ở nhà trông em.
Con gái thứ hai của anh chị phải nghỉ học để ở nhà trông em. 
Bố xảy ra chuyện, con gái thứ hai là Nguyễn Thị Thương (SN 2002) phải nghỉ học ở nhà trông em. Vì sinh nhiều con nên anh chị bị phạt, nhưng vì nghèo quá chưa có tiền nộp phạt nên đứa con gái út đến nay vẫn chưa được làm giấy khai sinh.  Những ngày đầu xuân, làng biển nghèo ngày nào vốn yên bình bỗng “dậy sóng”, tiếng khóc của đàn con thơ, tiếng than khóc gọi tên chồng của người vợ trẻ làm người người nghẹn ngào… 

Đọc thêm