Nỗi khổ của những người sống cạnh bãi rác Đa Phước

(PLO) -Từ khi có sự xuất hiện của bãi rác Đa Phước, cuộc sống của người dân sống quanh khu vực bị đảo lộn hoàn toàn. Không chỉ phải mắt nhắm mắt mở sống chung với mùi hôi hám nồng nặc, việc kinh doanh, sản xuất của bà con cũng bị giảm sút, đời sống sinh hoạt trở nên khó khăn do nguồn nước bị ô nhiễm nặng nề.
Một ao nước bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng từ bãi rác Đa Phước
Một ao nước bị ô nhiễm nặng do ảnh hưởng từ bãi rác Đa Phước

Quanh năm hôi hám  

Dọc theo con đường quốc lộ 50, tìm về nhà máy xử lý rác Đa Phước, thuộc xã Đa Phước (huyện Bình Chánh, TP HCM), vừa đến đoạn giáp ranh giữa xã Phong Phú và xã Đa Phước cách bãi rác khoảng 5km, đã cảm nhận được mùi hôi hám của rác thải.

Con đường nhỏ hẹp nhưng những chiếc xe chở rác từ khắp thành phố đổ về đông nghịt. Vào giờ cao điểm, đường kẹt xe, nhiều người chạy sau xe rác luôn nhăn nhó khó thở. Một người địa phương cho biết:

“Chúng tôi sinh sống ở đây, mỗi lần xe rác đi qua là mỗi lần chúng tôi thấy như bị tra tấn, nhưng còn cách nào khác?”. 

Càng tiến gần vào, mùi hôi hám từ rác thải lại càng rõ rệt hơn. Ở ngay trước cổng khu xử lý bãi rác Đa Phước, hai quán ăn kề nhau khách vắng hoe.

Chị chủ quán ái ngại cho biết, khách của chị chủ yếu là công nhân làm việc trong khu xử lý, thường đến đây ăn sáng cho tiện vì còn phải vào làm việc cho kịp giờ, chứ những người ở ngoài không ăn, hoặc rất hiếm, vì không thể vừa ăn vừa hít thở bầu không khí hôi hám như thế.

Những người dân ở xã Đa Phước cho biết, từ khi bãi rác đi vào hoạt động cho đến nay, họ phải sống chung với bầu không khí bị ô nhiễm. Căn nhà khang trang kiên cố của ông Nguyễn Đặng Phong (57 tuổi, ngụ ấp 1, xã Đa Phước) cách bãi rác vài trăm mét luôn phải đóng cửa im ỉm.

Ông kể: “Buổi sáng còn đỡ, chứ đến trưa chiều, mùi hôi nồng nặc. Chúng tôi phải thường xuyên đóng cửa để tránh mùi hôi xộc vào mũi, nhưng cũng chẳng giảm được bao nhiêu. Những ngày mưa lớn, gia đình phải đưa nhau đi “lánh nạn””.

Trên con đường mòn nhỏ quanh bãi rác, những người dân ở ấp 3 cũng phải chịu hoàn cảnh tương tự. Chị Dương Thị Thắm (46 tuổi) vẻ khổ sở cho biết, cùng bà con lối xóm làm đơn kiến nghị đến cơ quan chức năng, nhưng nhiều năm qua không thay đổi được gì.

Hai con chị đang tuổi mới lớn, thường xuyên phải bịt khẩu trang để ngủ, để học bài. “Những lúc gió lớn, hai con tôi chạy quanh khắp nhà, đứa mắc màn, đứa đóng cửa lấy khẩu trang, bật quạt để ngay trước mũi xua mùi hôi. Cũng vì ô nhiễm mà tụi nhỏ thường xuyên bị viêm mũi, ho khan”, người phụ nữ nói.

Ông Lương Văn Chính (48 tuổi, Trưởng ấp 3, xã Đa Phước) cho biết, vào mùa khô còn đỡ, chứ vào mùa mưa thì mùi hôi hám bốc lên thật kinh khủng:

“Sau cơn mưa, mùi hôi bốc lên kéo dài 2-3 tiếng. Có những lúc gió thốc mạnh, mùi hôi xộc thẳng vào mũi, đang ăn cơm cũng phải buông bát đũa. Nửa đêm đang ngủ, mùi thoảng qua là tỉnh ngủ lập tức”.  

Không chỉ ở xã Đa Phước, mà nhiều tháng qua, các khu dân cư ở quận 7, quận 8, huyện Nhà Bè cũng bị “hành hạ” bởi mùi hôi nghi ngờ bốc lên từ bãi rác Đa Phước.  

Chị Phan Thị Liên nhặt xác tôm chết bên bờ ao
Chị Phan Thị Liên nhặt xác tôm chết bên bờ ao

Lao đao vì nguồn nước ô nhiễm

Không chỉ gây ô nhiễm không khí, bãi rác Đa Phước còn khiến sinh hoạt, sản xuất, nuôi trồng thủy sản của cư dân sống gần đó ảnh hưởng.  

Theo lời ông Lương Văn Chính, những người dân ở xã Đa Phước chủ yếu sử dụng giếng khoan, nước mưa, hoặc nước sông để phục vụ nhu cầu sinh hoạt sản xuất. Thế nhưng những ngày mưa lớn, nước bẩn thải ra từ bãi rác Đa Phước ngấm xuống đất, gây ảnh hưởng đến mạch nước ngầm cũng như khu vực ao nước xung quanh.

Gia đình bà Nguyễn Thị Đào (58 tuổi, ngụ ấp 3) cách bãi rác một con đường mòn nhỏ. Chỉ vào con rạch nhỏ bên nhà, bà Đào cho biết, trước đây nước này thường được sử dụng để giặt giũ, nhưng từ khi có bãi rác, nước trở nên vàng khè, mùi thối bốc lên, không thể sử dụng.

“Gia đình phải dùng nước mưa, nước giếng khoan. Nhưng vẫn ô nhiễm, đứa cháu nhỏ nhà tôi thường xuyên bị các bệnh ngoài da. Cứ dăm bữa nửa tháng lại phải đưa cháu đi viện thăm khám một lần”, bà nhìn về phía người con dâu đang tắm cho cháu rồi thở dài. 

Với những người nuôi trồng thủy sản, việc nguồn nước bị ô nhiễm khiến nhiều người phải chịu cảnh tay trắng, điêu đứng, nợ chồng chất. Chị Phan Thị Liên (36 tuổi, ngụ ấp 3) cho biết, gia đình chị đông người, mấy miệng ăn chỉ biết trông chờ vào ao tôm diện tích gần 9000m2. Từ đầu năm đến nay, gia đình chị đã thả 3 đợt tôm giống, nhưng vừa thả được đôi ba tháng, tôm đều chết. 

Đưa tay lượm những xác tôm dưới mép ao, chị buồn rười rượi cho biết, vừa rồi tôm của chị và nhà bên cạnh đều bị chết, thiệt hại cả trăm triệu. Mặc dù vậy, chị vẫn đang tháo nước, phơi ao để chuẩn bị thả giống nuôi đợt mới, vì “nếu không nuôi thì gia đình không có thu nhập nào khác”:

“Trước đây, ống xả thải bãi rác từng bị tràn, khiến tôm cá bà con đều chết hết. Đợt đó được bồi thường mỗi người 10 triệu. Sau lần đó, một số người có hồ nước dự trữ riêng, không dẫn nước ngoài kênh vào ao nên tôm còn sống. Còn những gia đình không có nước dự trữ như chúng tôi, một năm tôm chết vài bận. Nuôi tôm như đánh bạc”.

Vất vả khổ sở trăm bề vì bãi rác, nhưng những người dân nơi đây không còn cách nào khác, đành phải “sống chung với lũ” vì tiền đâu chuyển đi nơi khác sống. Một số hộ nằm trong khu vực giải tỏa để xây dựng công viên cây xanh cách ly giữa bãi rác Đa Phước với khu dân cư thì nhiều năm qua luôn sống thấp thỏm trong cảnh chờ di dời.

“Chúng tôi mong cơ quan chức năng nhanh chóng giải quyết sự việc để môi trường sống của người dân được tốt hơn, làm sao bãi rác Đa Phước có cách xử lý rác hiệu quả, không ảnh hưởng đến đời sống người dân địa phương”, Trưởng ấp 3 kiến nghị.

“Công nghệ” xử lý rác của Đa Phước như thế nào 

Giới thiệu trên website, Công ty TNHH xử lý chất thải rắn Việt Nam (VWS) cho biết công nghệ áp dụng tại bãi rác Đa Phước là "mới nhất, tiên tiến nhất" tương tự cách làm của họ tại tiểu bang California (Mỹ).

Tuy nhiên, theo Thanh tra TP HCM, hợp đồng VWS ký với Sở Tài nguyên – Môi trường ngày 28/2/2006 có nội dung công ty sẽ tiếp nhận khối lượng chất thải rắn sinh hoạt, sau đó phân loại, tái chế sản xuất phân compost, tái sử dụng plastic, phần còn lại không sử dụng được sẽ chôn lấp.

Song, thực tế sau gần 10 năm hoạt động, VWS chưa thực hiện phân loại, tái chế mà chôn lấp toàn bộ với công suất 3.000 tấn một ngày. 

Ngoài ra, thanh tra cũng kết luận rằng, VWS chưa thực hiện đúng giấy phép đầu tư số 2535 cấp ngày 28/12/2005 khi không xây dựng và điều hành nhà máy phân loại, thu gom nguyên liệu tái chế và tái sử dụng chất thải công suất 2.500-3.000 tấn mỗi ngày.

Lý do khiến Đa Phước không thực hiện như hợp đồng được cho là do thành phố chưa cung cấp được chất thải đã phân loại. Về vấn đề này, Sở Tài nguyên - Môi trường TP HCM đã triển khai nhiều chương trình phân loại rác tại nguồn nhưng đều thất bại dù kinh phí không nhỏ.

Nguyên nhân là thiếu đầu tư hệ thống phân loại một cách đồng bộ, từ thùng rác tại mỗi gia đình, phương tiện vận chuyển có ngăn riêng và các bãi rác phải phân loại, tái chế đúng yêu cầu.

Trong hợp đồng giao nhận và xử lý chất thải rắn ký kết giữa VWS và Sở Tài nguyên - Môi trường (đại diện ủy quyền của UBND TP HCM) hồi tháng 2/2006, quy định trách nhiệm của VWS sẽ trang bị cho nhà máy các thiết bị chuyên dụng mới, sử dụng công nghệ hiện đại phù hợp với môi trường làm việc của thành phố (với các thiết bị chủ yếu được sản xuất tại Mỹ, hoặc các nước khác theo công nghệ có giấy phép hoặc được công nhận của Mỹ, Canada, Nhật Bản hay EU). 

Tuy nhiên, báo Vnexpress dẫn lời một cán bộ Viện Kinh tế Tài nguyên và Môi trường TP HCM, dự án xử lý rác Đa Phước không có công nghệ nào được chuyển giao, bởi nếu được chuyển giao phải thực hiện đúng quy định của Luật Đầu tư nước ngoài.

Trong đó, nhà đầu tư nước ngoài có công nghệ chuyển giao hay góp vốn bằng bí quyết công nghệ phải được Bộ Khoa học và Công nghệ xác nhận. 

Khu xử lý rác Đa Phước chỉ nêu công nghệ dự án đang sử dụng là công nghệ Hoa Kỳ nhưng công nghệ trên chỉ do "trung tâm công nghệ và xử lý môi trường" tư vấn nêu trong dự án khả thi mà chính đơn vị này lập. Hiện, Đa Phước chỉ xử lý rác bằng công nghệ chôn lấp mà bất cứ đơn vị bãi rác nào ở TP HCM cũng thực hiện. 

Ngoài việc có khả năng gây ô nhiễm nghiêm trọng, Đa Phước còn bị cho là khiến TP HCM “mất” 3 triệu USD mỗi năm vì giá xử lý rác quá cao.

Bất cập này một lần nữa được nhắc đến hồi tháng 8 khi Thường vụ Thành ủy và UBND TP HCM yêu cầu các đơn vị liên quan xem xét lại (giá khởi đầu 16,4 USD/tấn) đã bao hàm cả chi phí sản xuất compost và chế biến phân hữu cơ so với thực tế khối lượng rác đang chôn lấp.

Đọc thêm