Nỗi lo “đứt” nghề gia truyền ở làng đàn Đào Xá

(PLO) - Ít ai biết rằng rẻo đất làng Đào Xá, xã Đông Lỗ, Ứng Hòa, Hà Nội  là nơi cho “ra lò” những cây đàn dân tộc, từ đàn bầu, đàn đáy đến nhị, sáo, hồ… và nhạc cụ nước ngoài. 
Ông Đào Văn Soạn, nghệ nhân duy nhất trong làng còn bám trụ với nghề
Ông Đào Văn Soạn, nghệ nhân duy nhất trong làng còn bám trụ với nghề
Ngôi  làng trên 200 năm chế tác đàn
Theo các cụ trong làng kể lại, nghề làm đàn đã có ở đất Đào Xá từ trên 200 năm trước. Cụ Đào Xuân Lan là người đã có công đi học nghề ở xứ Tàu rồi về truyền dạy cho người dân quê hương sau nhiều năm học nghề. 
Cụ được người dân làm đàn trong làng coi là Tổ nghề và được thờ phụng tại từ đường họ Đào. Trải qua bao thăng trầm của lịch sử, nghề làm đàn của Đào Xá cũng giúp người dân nơi đây thoát cảnh đói nghèo. Sản phẩm do các nghệ nhân trong làng làm ra nức tiếng gần xa, bán chạy đến nỗi không đủ đáp ứng nhu cầu thị trường.
Tuy nhiên, từ sau năm 1975, khi nước ta rơi vào thời kỳ khủng hoảng kinh tế kéo dài, nghề làm đàn ở Đào Xá cũng theo đó mà suy sụp. Những nghệ nhân làm đàn ở làng bỏ nghề đi làm thợ xây, thợ mộc, điện gia dụng,... Phải tới đầu những năm 90, nhờ chính sách đẩy mạnh khôi phục văn hóa truyền thống của Nhà nước, nghề làm đàn ở Đào Xá dần có những bước chuyển mình.
Về tới đầu làng, chúng tôi được người dân trong làng chỉ tới tìm gặp nghệ nhân làm đàn Đào Văn Soạn (74 tuổi). Ông Soạn là người có công lớn trong việc khôi phục và duy trì nghề tổ suốt mấy chục năm qua. Từ những chiếc đàn bầu, đàn tranh, đàn tam thập lục, đàn tứ, đàn sến cho tới các cây đàn đáy, đàn nguyệt, đàn hồ... tất cả đều do tay nghệ nhân tuổi ngoại thất tuần làm ra với tất cả tâm huyết và tình yêu nghề của mình. 
Ông Soạn cho biết: “Gia đình tôi đã bốn đời gắn bó với việc chế tác ra những cây đàn. Với tôi, niềm đam mê với nghề làm đàn đã ngấm vào máu”. Ông Soạn cho biết, để thạo nghề, làm được tất cả các loại nhạc cụ, người thông minh cũng phải học ngày, học đêm trong suốt 3 năm. Nhưng với những người thợ lành nghề như ông Soạn thì ngay cả với những loại nhạc cụ mới như nhạc cụ nước ngoài, chỉ cần “mổ” cái đàn ấy ra, tự mày mò mẫm, nghiên cứu, một tháng sau là đã có thể làm được. 
Ông Soạn còn cho biết thêm, để làm được cây đàn ưng ý cũng lắm công phu, đòi hỏi người thợ phải trải qua nhiều công đoạn, từ khâu chọn nguyên liệu, phơi gỗ, ra gỗ đến đánh bóng, trau chuốt và lắp ghép. Trung bình, để hoàn thành một chiếc đàn phải mất trọn một tuần đối với một thợ lành nghề. Đàn làm xong phải cẩn thận tráng sơn, sau đó khảm trai để trang trí họa tiết, hoa văn. Đó cũng chính là nét độc đáo của làng nghề này.
Giấc mơ chấn hưng xa vời
Dù đã tồn tại trên 200 năm nhưng tới năm 2009 Đào Xá mới được công nhận là Làng nghề. Tuy vậy, đến nay làng Đào Xá chỉ có khoảng mươi hộ còn theo nghề làm đàn, trong đó chỉ có hai hộ ông Đào Văn Soạn và ông Đào Văn Khương là sống được bằng nghề. 
Từng nức tiếng xa gần với nghề làm đàn đậm chất nhân văn thế nhưng sau những âm vang độc đáo ấy là cung trầm khắc khoải của các nghệ nhân không có người để truyền nghề cũng như nỗi lo canh cánh đàn làm ra không có người mua.
Không phải người Đào Xá không yêu nghề mà bởi sản phẩm họ làm ra không có nơi tiêu thụ, nhiều gia đình phải nhắm mắt bỏ nghề đi tìm việc khác. Gia đình ông Soạn giờ chỉ còn hai vợ chồng già và con trai làm đàn. Mỗi tháng hai ông bà làm khoảng 30 chiếc, chủ yếu là trống, đàn nguyệt do cánh hát chầu văn đặt và đàn bầu.
Ông Đào Văn Soạn cười buồn: “Chỉ khoảng vài năm nữa có lẽ Đào Xá sẽ không giữ nổi nghề làm đàn. Trước đây, chỉ mất khoảng 2 triệu đồng thì có thể mua được hàng tạ gỗ trắc, nhưng giờ người làm đàn phải bỏ ra gần chục triệu đồng cho việc lựa chọn nguyên liệu chế tác. Nhưng giá bán ra không cao, có khi cả tháng trời không bán được chiếc nào. Thu nhập không đảm bảo mức sống cho người dân nên số người bỏ nghề theo nghề khác ngày càng nhiều hơn”. 
Những nghệ nhân trong làng hầu hết đều bước sang tuổi “xưa nay hiếm” nhưng vẫn rất tâm huyết với nghề và luôn đau đáu nỗi lo thất truyền làng nghề cổ. Điển hình như ông Soạn là người am tường về đàn và các kỹ thuật để chế tác đàn, cũng là người đi tiên phong trong việc kêu gọi, động viên lớp trẻ giữ nghề. 
“Làm đàn không chỉ là một nghề của Đào Xá mà hơn thế, đó còn là nét văn hoá của làng. Tôi chỉ mong các cháu sẽ học, giữ nghề vậy nên sẵn sàng dạy miễn phí cho bất cứ ai muốn theo học làm đàn, thế nhưng cũng chẳng có mấy lớp thanh niên đủ kiên nhẫn học, bám trụ với nghề.” - ông Soạn buồn rầu chia sẻ.
Đối với những người dân trong làng, nghề làm đàn không chỉ là chiếc “cần câu cơm” mà còn là một nét văn hóa truyền thống của cha ông. Tuy nhiên, với họ hành trình duy trì lửa nghề qua các thế hệ vẫn là con đường gian nan. Việc khôi phục sự thịnh vượng của làng nghề làm đàn Đào Xá đối với họ vẫn là một ước mơ mà muốn hiện thực hóa sẽ cần rất nhiều nỗ lực.

Đọc thêm