Nỗi niềm người phụ nữ đặc biệt hát bên đường TP HCM

(PLO) -Ngày bà Ngọc kết duyên cùng ông Sanh, họ hàng hai bên ai cũng rơi nước mắt vừa thương xót vừa lo lắng, vì cả ông lẫn bà đều chung cảnh mù lòa, biết làm gì để nuôi nhau. Giữa những khó khăn chồng chất, ông Sanh đành chống gậy, mò mẫm từng bước dắt bà Ngọc đi hát rong bán vé số.
Bà Ngọc hát rong kiếm sống.
Bà Ngọc hát rong kiếm sống.

Nhờ giọng hát ngọt ngào “trời cho”, ông bà mới có tiền đắp đổi qua ngày. Ngày chồng không may lâm bạo bệnh, bà Ngọc tuy đã tuổi cao sức yếu nhưng vẫn phải gắng gượng lần mò khắp những ngõ ngách bán giọng ca tiếng nhạc, thay chồng tiếp tục đoạn đường mưu sinh.

Vợ chồng cùng cảnh mù lòa

Nhắc đến cảnh ngộ của vợ chồng bà Lương Đại Ngọc (60 tuổi) và ông Nguyễn Văn Sanh (63 tuổi), những người dân sinh sống ở đường Tân Kỳ Tân Qúy (phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM) đều chung niềm cảm thông: “Hồi trước tụi tui thường thấy ông dắt vợ đi qua đây bán vé số, ai cũng thương mua giùm vài tờ. Đợt này chỉ thấy một mình bà mò mẫm tự đi, khi thì có người bạn đến dẫn đi cùng. Nghe đâu ông bị bệnh nặng lắm... Tội nghiệp, vợ chồng đã già lại bệnh tật nhưng không có lấy một mái nhà, phải ở nhờ nhà người em”.

Bà Ngọc là chị cả trong gia đình nghèo có sáu người con. Cha mẹ đều làm thuê làm mướn, từ nhỏ bà đã phải nghỉ học để tự bươn chải kiếm sống. Năm 15 tuổi, trong lúc làm thuê giữ trẻ cho một gia đình khác, bà bị những cơn đau mắt dữ dội hành hạ.

Những nếp nhăn thi nhau xô lại trên gương mặt rầu rĩ của người phụ nữ, bà Ngọc nhớ lại: “Lúc tui bị đau mắt, những lần đầu chỉ ngứa, sau đó rát và đau nhức vô cùng. Vợ chồng chủ nhà cũng tốt bụng đưa tui đi khám một lần nhưng không đỡ. Sợ lây bệnh cho đứa nhỏ nên tui xin nghỉ về nhà”. Trong cảnh nghèo khó, miếng ăn cái mặc còn thiếu thốn, vì không có tiền để tiếp tục đưa con đến bệnh viện, cha mẹ bà Ngọc đành gạt nước mắt để con ở nhà tự điều trị.

Bà kể thêm: “Cha mẹ tui nghe ai mách ở đâu có lá thuốc hay thầy thuốc cũng đưa tui đến chữa trị. Nhưng uống và đắp bao nhiêu cũng không thấy đỡ, bệnh càng ngày càng nặng thêm. Cho đến khi mắt tui không còn nhìn thấy được, mọi hi vọng cũng tắt lịm”.

Bị mù khi mới 16 tuổi, nỗi đau đớn buồn tủi khiến bà Ngọc nhiều lần suy sụp chán chường. Nhờ sự động viên an ủi của cha mẹ, bà mới dần dần tự vực qua mọi chuyện. Thời điểm đó, có lớp học được mở ra dành cho những người khiếm thị, không giới hạn tuổi tác. Thương con chỉ quanh quẩn lần mò trong nhà, cha mẹ bà liền đưa con đến lớp.

Ông Nguyễn Văn Sanh (hơn bà Ngọc 3 tuổi) vào học trước bà hai năm. Sau nhiều buổi cùng học chữ nổi, học nghề, được nghe về chuyện đời và nghị lực vượt lên chính mình của ông, bà Ngọc dần đem lòng thương mến.

Vợ chồng bà Ngọc.
Vợ chồng bà Ngọc.

Nhớ lại chuyện xưa, bà Ngọc tuy có phần mệt mỏi nhưng vẫn nở nụ cười hiền hậu khi kể về người bạn đời đã tiếp thêm sức mạnh cho bà: “Gia đình ông cũng nghèo, cũng số phận bất hạnh như tui nhưng ông chưa một lần than vãn hay buông xuôi mà luôn lạc quan và nỗ lực. Chính ổng đã giúp tui vượt lên những ngày tháng đau buồn trong bóng tối”.

Dù cả hai đều không thể nhìn thấy ánh sáng, chưa một lần nhìn thấy mặt nhau nhưng sự đồng cảm đã nuôi dưỡng tình yêu bền vững giữa họ.

Ngày ông Sanh và bà Ngọc quyết định gắn bó, hai bên gia đình đều lên tiếng phản đối. “Tui đã không may bị mù, cha mẹ tui chỉ mong tui lấy được người chồng sáng mắt để cuộc sống được đỡ đần. Nhà ổng cũng vậy, chỉ mong ổng lấy được người vợ có thể chăm lo cho chồng. Ai cũng nói “hai người mù về với nhau thì làm được gì mà ăn”. Tui nghe rất buồn nhưng tin vào quyết định của mình nên không ân hận”, bà Ngọc tâm sự.

Hát rong mưu sinh

Ngày cưới đơn sơ của đôi trẻ khiến người thân vừa rơi nước mắt thương cảm vừa lo lắng về tương lai của hai người. “May mắn được người em họ thuê giúp một căn phòng trọ nhỏ, vợ chồng tui dắt nhau về ở. Tuy đã quen với bóng tối nhưng thời gian đầu rất khó khăn. Tui ở nhà tự lần mò lo cơm nước còn ổng nhờ những người hàng xóm chở đi xin việc ở một số xưởng mộc, gia công khung tranh. Tuy ổng đã được học nghề ở trung tâm, tay nghề khá vững nhưng khi ra ngoài thì không ai dám nhận một người mù về làm việc. Người ta bảo dù có sức khỏe nhưng thiếu đôi mắt cũng không làm được gì”.

Trong lúc khó khăn chồng chất khó khăn, ông Sanh đành bàn với vợ cùng dắt nhau đi bán vé số mưu sinh. Bà Ngọc kể, thời gian đầu chưa quen công việc và đường sá nên vợ chồng bà bán được rất ít, chỉ ngồi bán ở một địa điểm. Những lúc ế vé, bà Ngọc buồn nên ngồi hát an ủi chồng. Không ngờ giọng hát của bà được nhiều người dân đi đường chú ý. Thương vợ chồng bà, mỗi người đi qua đi lại mua vài tờ ủng hộ cho hai vợ chồng được về sớm.

“Có người khách dừng lại mua vé rồi khen tui có giọng hát ngọt ngào mùi mẫn. Tui nghe cũng thấy được an ủi phần nào và có thêm niềm vui mỗi ngày. Những bài hát đó tui đều nghe từ đài phát thanh và vô tuyến rồi nhẩm theo, nhẩm nhiều thành thuộc lời. Tui cũng chỉ thích nghe những bài nhạc buồn, biết rằng nó khiến tâm trạng tui buồn thêm nhưng vẫn thích hát”, bà Ngọc sụt sùi.

Giọng ca mùi mẫn và những ca từ ngọt ngào da diết đã theo vợ chồng bà hơn 20 năm qua bao nhiêu nẻo đường. Nhiều người đi đường đã dừng lại chỉ để nghe nốt những câu ca còn lại. Khi người phụ nữ mù kết thúc bài hát, người khách cũng mua một vài tờ vé số “lấy hên”. Đối với vợ chồng bà, việc hát rong bán vé số đã trở thành cái nghiệp, thành “cần câu cơm” của cả gia đình 5 miệng ăn.

Trên đường mưu sinh.
Trên đường mưu sinh.

Hơn 20 năm chung sống, vợ chồng bà Ngọc đã có 3 người con. May mắn cả 3 người đều khỏe mạnh bình thường, nhưng không được học hành đến nơi đến chốn. Ai cũng sớm đi làm thuê làm mướn và cái nghèo vẫn bám riết.

Hơn hai năm nay, ông Sanh lâm trọng bệnh, không còn sức để cùng vợ đi rong ruổi. Thương vợ chồng bà một đời cơ cực đến nay đã gần đất xa trời vẫn không có lấy một mái nhà phải ở trọ, người em trai bên họ ngoại cho gia đình bà mượn căn nhà nhỏ làm nơi tá túc. Khi người con cả có gia đình và sinh được 3 người con, căn nhà càng thêm chật hẹp.

Vì không muốn trở thành gánh nặng của các con và có đồng ra đồng vào thuốc thang cho chồng, bà Ngọc dù đã tuổi cao sức yếu đành “hợp tác” với một người phụ nữ nghèo khác (bà Phạm Thị Để, 48 tuổi, quê An Giang; một mình bán vé số nuôi 4 người con – PV) cùng đi bán vé số mưu sinh.

“Tui nhờ Để làm đôi mắt dắt dìu tui cùng đi bán, đến mỗi đoạn đường tui đứng hát còn Để đi mời mua vé. Để ít tuổi hơn nên gọi tui bằng chị. Tụi tui đã thân thiết còn hơn chị em... Tuy vất vả thật nhưng còn hát được tui cũng được an ủi nhiều”, bà Ngọc kể.

Bà Ngọc thuê trọ cùng những người bạn bán vé số.

Bà Ngọc thuê trọ cùng những người bạn bán vé số.

Để thuận lợi cho việc đi lại, hơn hai năm nay, bà Ngọc đã cùng một số người bạn mưu sinh bằng nghề vé số gom góp thuê chung một phòng trọ, cùng “lá lành đùm lá rách” giúp đỡ chia sẻ cho nhau. Để lo thuốc thang cho chồng, một tuần bà về thăm ông khoảng 3 lần.

Bà Ngọc gượng cười, giọng buồn: “Tui chỉ mong ai thương thì ủng hộ tui vài vé, để tui được về nghỉ sớm. Giờ già rồi, đi nhiều chân nhức không chịu được, hát nhiều cổ họng cũng đau rát. Hôm nào cũng bán hết vé là tui vui lắm, chẳng mong ước gì hơn”.

Đã quá trưa, hai người phụ nữ đầu đội nón lá, một người sáng mắt, một người mù lòa, dìu nhau đến trước đoạn đường có nhiều quán cà phê. Khi người phụ nữ mù lớn tuổi vừa đứng vững ở góc vỉa hè, người mắt sáng ít tuổi hơn xách chiếc loa đã móp méo đến đặt ngay phía trước.

Sau cái vỗ nhẹ vào vai ra hiệu “mọi thứ đã xong” của người em, người chị nhẹ nhàng đưa chiếc micrô lên cất tiếng hát. Tiếng hát trong trẻo, da diết buồn thương vừa cất lên, nhiều người lặng nghe. Có người xuýt xoa khen giọng ca “mùi”, có người trầm ngâm thưởng thức.

Người phụ nữ sáng mắt cầm xấp vé số mời “bà con ơi ủng hộ một tờ”. Chẳng mấy chốc xấp vé trên tay đã vơi. Bài hát vừa kết thúc cũng là lúc mồ hôi nhỏ giọt trên gương mặt khắc khổ không đếm được nếp nhăn.

Đọc thêm