Nỗi niềm người xích cổ đứa con nghịch ngợm vào gốc cây

(PLO) - Một bé trai khoảng chừng 12 tuổi, bị quấn một vòng xích lớn ở cổ và được cố định bằng một ổ khóa lớn, đi lang thang trên đường. 
Nỗi niềm người xích cổ đứa con nghịch ngợm vào gốc cây
Bé trai này được người dân xóm 12, xã Nghi Phương (huyện Nghi Lộc, tỉnh Nghệ An) vào khoảng 16h ngày 14/8. Sau khi được đưa về trụ sở UBND, công an xã phải dùng kìm cộng lực để tháo bỏ chiếc xích. Nhìn quanh người cháu bé phát hiện có nhiều vết trầy xước, thâm tím. 
Sau khi được ăn uống, tắm rửa, nghỉ ngơi, cháu bé cho biết tên là Sơn, 12 tuổi, học lớp 6, nhà ở xóm 15, xã Nghi Văn (cách xã Nghi Phương 5km), bố tên là Đại. 
Cách đó hai ngày (tức sáng ngày 13/8), vì lỡ làm đứt tay bé gái gần nhà trong lúc đùa nghịch nên bị bố lấy xích xích vào gốc cây bạch đàn ngay gần nhà. Quá hoảng sợ, Sơn đã lấy hòn đá gần đó đập xích rồi chạy lên rừng trốn. Sau một ngày một đêm ở trong rừng, vừa đói bụng, vừa khát nước, bé trai đã tìm ra phía nhà dân với hi vọng tìm được miếng gì lót dạ.
"Tối cùng ngày, có người điện thoại đến nhận là cha của cháu Sơn và muốn đến để đưa con về nhà. Vì đêm tối, lại sợ tinh thần cháu Sơn chưa ổn định nên chúng tôi đã giữ cháu ở lại, hẹn người nhà sáng 15/8 đến làm thủ tục”, ông Phạm Văn Hải (trưởng công an xã Nghi Phương) cho biết.
Có mặt với vẻ bơ phờ, ông Phan Văn Đại (46 tuổi, bố cháu Sơn) cho biết: “Sáng 13/8, Sơn đi học giáo lý còn mang theo dao. Trong lúc trêu đùa, nó làm đứt tay một bé gái nên bị bố mẹ bé gái đánh rồi người dân bắt lại. Họ điện thoại cho tôi đến nhận con về dạy dỗ. Bực tức, tôi xích nó vào gốc cây trong vườn nhà. Không ngờ mới quay trở vào nhà một lúc thì nó đã tháo xích bỏ trốn.”
Sơn là con thứ sáu trong gia đình có bảy anh em. Gia đình nghèo khó nên mẹ Sơn là bà Hoàng Thị Đệ (45 tuổi) cùng ba người con lớn phải qua Lào làm thuê. Một mình ông Đại ở nhà vừa chăm sóc cho bốn đứa con còn lại, vừa chăm bón năm sào ruộng khoán. Trong bảy người con, Sơn là đứa khó dạy nhất nhà. Ở trường, Sơn được biết đến là một học sinh cá biệt, lười học, nghịch ngợm, năm lớp Sáu thì nghỉ.
Dịp hè năm 2014, trong lúc đến quán internet chơi game, Sơn bị một người lớn tuổi hơn dụ dỗ ra đồng lùa trộm trâu đi bán. Nghĩ nếu dắt trộm trâu bán sẽ được nhiều tiền chơi game nên Sơn đã một mình lội ra giữa đàn trâu đang ăn ngoài đồng, dắt trộm con to nhất rồi mang ra chợ bán. Trong lúc đang rao bán trâu thì bị người dân phát hiện, Sơn bị bắt.
“Lần  ấy vợ chồng tôi phải dắt trâu đến tận nhà người mất trâu năn nỉ xin lỗi họ rồi bồi thường. Tôi còn mang tiếng là cha của thằng kẻ cắp, xúi giục con ăn cắp vặt lấy tiền đưa về nuôi cả gia đình. Hết cách dạy con mà nó vẫn không chịu sửa đổi nên tôi xích nó vào gốc cây để con khiếp sợ, mà chừa cái tật trộm cắp”, người cha phân trần.
Hàng xóm xác nhận: “Thằng Sơn nghịch lắm, suốt ngày bị bố mắng nhưng vẫn không chịu chừa. Có lần nó lẻn vào nhà hàng xóm ăn trộm gà bị người dân phát hiện; bị mẹ đánh, nó bỏ đi hai ngày liền mới về nhà, làm cả gia đình tỏa ra đi tìm khắp nơi. Nghĩ cũng tội cha mẹ, khuyên bảo nhiều mà con có chịu nghe đâu”.
Ông Đại thở dài: “Cực chẳng đã tôi mới phải xích con như thế. Chỉ có cách này thằng Sơn nó mới không thể đi đâu mà nghịch ngợm, trộm cắp được. Tôi không biết việc xích con là phạm luật. Lần này về mà không khuyên được nữa, chắc tôi phải gửi nó vào trại giáo dưỡng”. 
Phó trưởng công an xã Nghi Văn cho biết, tại địa phương, Sơn được biết đến là một đứa trẻ ngỗ nghịch, mới 12 tuổi đã thường gây gổ đánh bạn bè, trộm cắp, hỗn hào với người lớn … Nhiều lần địa phương đã phối hợp với gia đình dùng các biện pháp để dạy dỗ nhưng Sơn vẫn chứng nào tật ấy.
Trưởng công an xã Nghi Phương cho biết, vì cháu Sơn chưa có thương tích gì nặng nên công an hai xã đã phối hợp bàn giao cháu Sơn về cho gia đình, khuyên ông Đại có biện pháp hợp lý để giáo dục con.
(Tên cháu bé đã được thay đổi)

Đọc thêm