Nơi ươm mầm hạnh phúc cho trẻ mồ côi, cơ nhỡ

(PLO) - Giữa mảnh đất đầy nắng và gió, bên trong cánh cổng màu vàng là những dãy nhà khang trang, những hàng cây tỏa bóng…, một không gian mang lại cảm giác rất yên bình. Cũng trong cánh cổng ấy, gần 200 đứa trẻ với 200 cảnh ngộ khác nhau, được tăng ni Phật tử chùa Phước Quang cưu mang, chăm sóc tại Trung tâm cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương, huyện Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long.
Các em nhỏ đang vui đùa trong khuôn viên Trung tâm Cô Nhi Viện Phật Giáo Suối Nguồn Tình Thương
Các em nhỏ đang vui đùa trong khuôn viên Trung tâm Cô Nhi Viện Phật Giáo Suối Nguồn Tình Thương
Hành trình xây nẻo thiện
Một chiều cuối đông, trong tiếng mõ thu không, Đại Đức Thích Phước Ngọc – Ủy Viên Ban Hoằng Pháp TW GHPGVN, trụ trì chùa Phước Quang, kiêm giám đốc Trung Tâm Cô Nhi Viện Phật Giáo Suối Nguồn Tình Thương, trầm ngâm kể: “Với ý nguyện dấn thân, cứu độ chúng sanh và sống với yêu thương, sẻ chia, phục vụ, tăng ni, Phật tử Chùa Phước Quang trăn trở rất nhiều trước những số phận, hoàn cảnh của các con em thuộc gia đình nạn nhân trong sự cố sập nhịp dẫn cầu Cần Thơ cuối năm 2007. Chúng tôi quyết tâm xây dựng Trung Tâm Cô Nhi Phật Giáo trên mảnh đất Tam Bình – quê hương của cố Giáo sư Viện sỹ Trần Đại Nghĩa”.
Đầu năm 2008, Trung Tâm Cô nhi viện Suối Nguồn Tình Thương được UBND tỉnh Vĩnh Long cấp giấp phép cho phép thành lập. Cũng từ đây, Đại Đức Thích Phước Ngọc bắt đầu là những đêm dài mất ngủ, vì kinh phí để xây dựng trung tâm là một vấn đề nan giải. Đại Đức quyết định đi gặp gỡ những đệ tử, những người cùng tâm hướng với mình để trình bày ý tưởng và thuyết phục mọi người cùng chung tay chia sẻ, gánh vác công việc. 
Đại Đức cho biết “Giai đoạn bắt đầu xây dựng rơi đúng vào giai đoạn khủng hoảng kinh tế chung. Toàn bộ kinh phí xây dựng của trung tâm chỉ dựa vào nguồn quỹ cúng dường Tam Bảo của chùa Phước Quang, và củng cố, góp nhặt từ những tấm lòng từ bi bác ái của bá tánh, Phật tử trong các giới xa gần sát cánh, đồng hành với sự hỗ trợ tận tình của Chư Tôn Đức Giáo Hội Phật  Giáo, của chính quyền...
Nhiều khi nghĩ đến con đường trước mặt, nhiều người cảm thấy muốn buông tay. Thế nhưng, chính hình ảnh côi cút của các em nhỏ đã thôi thúc Ban quản trị trung tâm quyết tâm hơn trong hoàn thành mục tiêu của mình. Vượt nhiều khó khăn, đến tháng 11/2012 Trung Tâm Cô Nhi Phật Giáo Suối Nguồn Tình Thương đã được khánh thành, đón nhận các con em mồ côi, cơ nhỡ”.
Nơi hạnh phúc nảy mầm
Chuông thu không vang vọng giữa những tầng trời, không gian tĩnh mịch trở nên sống động hơn bởi tiếng nói cười của con trẻ. Ánh mắt Đại Đức Thích Phước Ngọc ánh lên niềm vui khi nhìn những “đứa con” của mình.
Đại Đức Thích Phước Ngọc chia sẻ: “Mỗi em ở đây đều để lại một kỷ niệm không thể quên với chúng tôi. Từ ngày Trung Tâm Cô Nhi Phật Giáo Suối Nguồn Tình Thương thực sự là một mái ấm gia đình, thì cũng bắt đầu có những câu chuyện mãi mãi chúng tôi không quên được khi đón nhận các em... Có những bé sơ sinh còn đỏ hỏn, khi tiếng chuông chùa đầu tiên chưa đổ, đã nghe tiếng khóc oa oa ngoài cổng. Có em bị để lại góc tường và có cả những cô bé dáng vóc học trò ngập ngừng đến xin Thầy cho gởi con. Tuổi trẻ bồng bột, dại khờ, nếu không có nơi gởi gấm nuôi dưỡng con mình, đường cùng, bế tắc, chắc chỉ còn cách phá thai, tự tử..., khác nào gây nghiệp chướng sát sanh…. Những câu chuyện của các con, và của cả những người mẹ, người cha khốn khổ luôn ám ảnh chúng tôi”.
Nuôi dạy trẻ có hoàn cảnh đặc biệt, ngoài kiến thức về tâm lý, những người thầy ở Trung tâm rất cần chữ Tâm. Các bé không chỉ được theo học văn hóa ở trường mà còn được chú trọng cân bằng tâm lý để có nghị lực tốt, vững tâm bước vào đời, hòa nhập với xã hội...
Thấy một em đang dựng lại chiếc xe đạp cho một em nhỏ khác, thầy hạ giọng kể, cậu bé được đưa về Trung Tâm cách đây 2 năm. Khi mới về, không ai nói được cậu bởi suốt ngày cậu ngồi một chỗ, ai động vào người là cậu phản ứng gay gắt. Thầy tìm hiểu và được biết, cậu phải sống với cha dượng suốt ngày say xỉn, mẹ con cậu bị đánh đập thường xuyên, cậu đã bỏ nhà đi. Ký ức tuổi thơ với những trận đòn khiến cậu bé trở thành người cục cằn. Thầy đã dùng tình thương của mình, dần cảm hóa cậu...
Chia tay khách trong ánh chiều tà, Đại Đức Thích Phước Ngọc nói những lời da diết: “Thật ra, dù một cô nhi viện có khang trang đến đâu, dù chúng tôi có tận tâm, dành mọi tâm huyết, thời gian đến thế nào chăm sóc các em thì vẫn không thể bằng được một gia đình thật sự, nơi có mẹ, có cha, có anh em, có họ hàng…. Vì vậy, chúng tôi hằng tâm nguyện cho đất nước chúng ta ngày càng bớt đi những hoàn cảnh trẻ thơ như thế này”.

Đọc thêm