Nơi ươm mầm những nhà báo điều tra trẻ

(PLO) - “Mục tiêu cốt lõi của dự án là xây dựng được một đội ngũ nhà báo viết điều tra có đủ kiến thức và kỹ năng cũng như kinh nghiệm tác nghiệp. Đây cũng là mục tiêu tâm huyết của Khoa Báo chí trong sự nghiệp đào tạo sinh viên báo chí nói chung và đào tạo sinh viên nói riêng”- cô Đỗ Thu Hằng, Chủ nhiệm dự án Câu lạc bộ Báo chí điều tra chia sẻ.
Cô Đỗ Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phát biểu trong buổi lễ tổng kết đợt 1
Cô Đỗ Thu Hằng, Chủ nhiệm Câu lạc bộ phát biểu trong buổi lễ tổng kết đợt 1
“Đất vàng” cho sinh viên yêu thích điều tra
Câu lạc bộ (CLB) Báo chí điều tra là một trong 42 đề án đạt giải trong chương trình Sáng kiến phòng, chống tham nhũng Việt Nam (VACI) 2013 do Thanh tra Chính phủ và Ngân hàng Thế giới tổ chức. Với tâm huyết yêu nghề và mong muốn mở ra nhiều cơ hội tác nghiệp cho sinh viên báo chí, thầy trò Khoa Báo Chí, Học viện Báo chí và Tuyên truyền đã chung sức để CLB nhanh chóng đi vào hoạt động.
Cô Đỗ Thu Hằng cho biết thêm: “Dự án Báo chí điều tra là hướng tới sinh viên báo chí, đào tạo kiến thức và kỹ năng điều tra ngay từ gốc, nỗ lực đưa điều tra phòng, chống tham nhũng vào chương trình đào tạo cử nhân báo chí chính quy dưới hình thức lồng ghép vào các môn học”.
Trên cơ sở thiết kế hoạt động của CLB Báo chí điều tra, sinh viên báo chí được đào tạo cả về kiến thức và thực hành kỹ năng nghề nghiệp, với nguồn lực tổng hợp từ các phía: giảng viên báo chí - sinh viên báo chí - nhà báo điều tra - chuyên gia lĩnh vực điều tra phòng, chống tham nhũng.
Tiếp cận vấn đề tham nhũng qua thể loại điều tra trong báo chí không phải là điều mà sinh viên báo chí nào, thậm chí là nhà báo nào cũng có thể làm được. Nhằm đào tạo sinh viên đến gần hơn với thể loại “búa tạ” này, CLB báo chí điều tra đã mở ra những khóa tập huấn chuyên sâu, những chuyến đi thực tế địa phương dài ngày liên quan trực tiếp đến mảng điều tra. 
Các thành viên CLB được học tập kinh nghiệm từ các nhà báo có nhiều năm trong mảng điều tra, có cơ hội được đi tác nghiệp với chính những nhà báo đó để có được những sản phẩm điều tra đầu tay thành công. 
Bạn Lê Thị Hoa, thành viên CLB cho hay: “Mình hoạt động trong CLB này được gần 2 năm rồi, hàng tháng bọn mình có những buổi tập huấn về các mảng kinh tế- xã hội, pháp luật… bên cạnh đó còn có các buổi sinh hoạt định kỳ do các thành viên tự lên ý tưởng. Thú vị hơn, kết thúc mỗi đợt tập huấn bọn mình còn được đi thực tế ở địa phương dưới sự chỉ dẫn trực tiếp của các nhà báo”.
Được xem là “cơ sở” đầu tiên trên cả nước huấn luyện sinh viên viết thể loại điều tra, qua gần 2 năm hoạt động, các thành viên trong CLB đang dần trưởng thành và cộng tác tích cực ở các tờ báo có liên quan đến mảng điều tra. 
Cần nhiều hơn cơ hội làm báo cho sinh viên báo chí?
Từ hoạt động nghiệp vụ thiết thực của CLB Báo chí điều tra, các trường đào tạo báo chí trong cả nước nên tạo ra nhiều cơ hội “làm nghề”  nhiều hơn cho sinh viên khi còn ngồi trên ghế nhà trường. 
Đưa ra ý kiến về hoạt động của CLB Báo chí điều tra, thầy Nguyễn Văn Dững, Trưởng Khoa Báo chí cho rằng: “CLB là cơ hội gặp gỡ thường kỳ của các sinh viên báo chí với các nhà báo đi trước, với các giảng viên và các chuyên gia liên quan đến báo chí điều tra. Đó là cơ hội để Khoa Báo chí có thêm điều kiện cung cấp kiến thức, kỹ năng, kinh nghiệm làm báo điều tra cho sinh viên; là cơ hội để các em được thực hành kỹ năng, được hình thành thái độ và bản lĩnh của nhà báo điều tra trong tương lai”.
Trong mọi nội dung hoạt động của CLB thì vấn đề làm sao để sinh viên có nhiều kinh nghiệm luôn được đề cao. Bạn Lê Nam, thành viên Ban Chủ nhiệm CLB nói: “Một môi trường rèn luyện nghiệp vụ chuyên nghiệp; nhận được rất nhiều sự hỗ trợ của các phóng viên, nhà báo, CLB đã mang lại rất nhiều kiến thức về báo chí thiết thực và kỹ năng nghiệp vụ vô cùng hữu ích. Hơn một năm hoạt động, hàng tháng CLB đều tổ chức các buổi tập huấn đều đặn dưới sự chỉ dạy của các nhà báo, giảng viên... đến từ các tòa soạn báo lớn tại Hà Nội”.
Báo chí điều tra nói chung, báo chí điều tra phòng, chống tham nhũng nói riêng đang là những thách thức rất lớn đối với các nhà báo ở Việt Nam. Những sinh viên báo chí ngay từ khi còn đang học tập cần được tiếp cận với môi trường báo chí sớm hơn, nhanh hơn để đảm bảo sự gắn kết giữa nhà trường với thực tiễn lao động báo chí; mặt khác, sẽ giúp sinh viên bớt bỡ ngỡ và tác nghiệp được ngay sau khi ra trường. 

Đọc thêm