“Nóng” tình trạng mua bán người qua núp bóng “lao động di cư”

(PLVN) - Ngày 15/1, tại Hải Phòng, Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Nhân quyền Chính phủ đã tổ chức Hội thảo “Bảo đảm quyền của người lao động Việt Nam di cư”.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Theo báo cáo tại hội thảo, hiện nay vẫn còn tình trạng người lao động (NLĐ) Việt Nam ở nước ngoài bỏ trốn, vi phạm hợp đồng, vi phạm pháp luật ở nước sở tại; NLĐ bị xâm phạm quyền tại nước đến và lao động di cư bất hợp pháp, trong có có việc lợi dụng NLĐ di cư để hoạt động phạm tội mua bán người.

Khu vực các nước Tiểu vùng sông Mê- Kông, trong đó có Việt Nam vẫn được đánh giá là điểm nóng của tình trạng mua bán người, di cư bất hợp pháp. Ước tính lợi nhuận từ hoạt động mua bán người tại khu vực lên tới hàng chục tỷ đô la/năm.

Chia sẻ về tình hình hoạt động tội phạm mua bán người tại Việt Nam, Thượng tá Cao Quốc Việt, Cục Cảnh sát Hình sự (Bộ Công an) cho biết, giai đoạn 2016 - 2020, toàn quốc đã phát hiện xảy ra 1.266 vụ, với 1.690 đối tượng, lừa bán 2.956 nạn nhân.

Trong đó, tại các tuyến biên giới, các đối tượng hình thành nhiều đường dây, băng nhóm liên tỉnh, xuyên quốc gia với tính chất, thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt, để lừa bán ép hoạt động mại dâm, bán làm vợ, đẻ thuê…, trong đó sang Trung Quốc (chiếm trên 75%), sang Lào và Campuchia (chiếm 11%), còn lại là đưa sang các nước khác thông qua đường hàng không và đường biển.

Các đối tượng lợi dụng khó khăn về kinh tế, sự nhẹ dạ cả tin, mất cảnh giác hoặc tục lệ cưới hỏi của đồng bào dân tộc ít người để lừa phụ nữ bán sang Trung Quốc tại các tỉnh miền núi phía Bắc; hoặc lừa gạt, dụ dỗ phụ nữ có thai ngoài ý muốn, phụ nữ có thai nhưng hoàn cảnh gia đình khó khăn xuất cảnh trái phép sang Trung Quốc sinh con, sau đó bán trẻ sơ sinh.

Tình trạng mua bán trẻ em, nhất là học sinh các trường dân tộc nội trú diễn biến phức tạp. Các đối tượng lợi dụng sự quản lý lỏng lẻo của gia đình, nhà trường; thông qua các trang mạng xã hội, tiếp cận, rủ rê, lôi kéo đi du lịch, mua tặng quà, làm thuê thu nhập cao, lừa nhiều em gái ở các tỉnh đưa về TP bán cho nhà hàng, quán karaoke hoặc massage ở các khu du lịch, khu công nghiệp hoặc ven tuyến quốc lộ để tổ chức hoạt động mại dâm, cưỡng bức lao động, cho vay nặng lãi...

Tại hội thảo, bà Nguyễn Thùy Dương, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội (Bộ LĐ-TB&XH) cho hay, trước thực trạng tình hình mua bán người diễn biến phức tạp, Quốc hội, Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ đã quan tâm, chỉ đạo sâu sát công tác hỗ trợ nạn nhân bị mua bán trở về. Quốc hội đã ban hành 03 Luật (Luật phòng, chống mua bán người năm 2012, Bộ luật Hình sự năm 2015, Bộ luật Tố tụng hình sự năm 2015); Chính phủ ban hành 02 Nghị định là Nghị định 62 năm 2012 và Nghị định 09 năm 2013.

Thống kê cho thấy, từ năm 2011 - 2015, lực lượng chức năng đã tổ chức giải cứu, tiếp nhận 5.359 nạn nhân. Ngành LĐ-TB&XH các địa phương đã tiếp nhận, hỗ trợ cho 2.213 nạn nhân bị mua bán có nhu cầu trở về hòa nhập cộng đồng. Giai đoạn 2016 - 2017, các đơn vị chức năng đã xác minh, giải cứu, tiếp nhận gần 3.500 trường hợp, trong đó, xác định 1.117 trường hợp là nạn nhân bị mua bán. Năm 2018 là 322; năm 2019 là 340 và năm 2020 là 115 nạn nhân. 

Số lượng nạn nhân bị mua bán được tiếp nhận, hỗ trợ ban đầu tập trung đông tại một số tỉnh: Lào Cai, Hà Giang, Quảng Ninh, Nghệ An, Lạng Sơn, Lai Châu, Sơn La, Nam Định, Thừa Thiên Huế, Hậu Giang, Vĩnh Phúc, An Giang, Kiên Giang...

100% nạn nhân bị mua bán, sau khi tiếp nhận được lực lượng chức năng gồm Công an, Bộ đội Biên phòng, chính quyền địa phương phối hợp bảo vệ, tổ chức bàn giao, cung cấp thông tin và thực hiện dịch vụ hỗ trợ, để nạn nhân nhanh chóng tái hòa nhập cộng đồng.

Hầu hết các trường hợp nạn nhân trở về chính thức, tự trở về hoặc được giải cứu đều nhận được sự hỗ trợ phù hợp: cung cấp nơi ăn nghỉ tạm thời, tư vấn tâm lý xã hội, đối với các trường hợp ốm đau, sức khỏe yếu được hỗ trợ chữa trị ban đầu; trợ cấp tiền tàu xe, tiền ăn khi trở về gia đình.

Các nạn nhân cũng được hỗ trợ pháp lý (làm thủ tục về hộ khẩu, cấp chứng minh thư nhân dân, giấy khai sinh), học nghề, hỗ trợ việc làm, học văn hóa và bảo vệ nạn nhân tố giác tội phạm.

Về nỗ lực hỗ trợ những nạn nhân tái hòa nhập cộng đồng, có nhiều mô hình ý nghĩa như Trung tâm, Nhà tạm lánh dành cho nạn nhân thông qua dự án tại Lào Cai, Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Cần Thơ, An Giang. Tại đây, các nạn nhân còn được tiếp cận với các dịch vụ ngoài Trung tâm để học văn hóa, học nghề hoặc khám chữa bệnh.

Nạn nhân cũng được hỗ trợ qua các Dự án quốc tế hỗ trợ về kinh phí và kỹ thuật như: mô hình “Nhóm tự lực” được thực hiện tại Thanh Hóa, Bắc Giang, Tây Ninh, Thừa Thiên Huế, Quảng Bình; mô hình “kết hợp hỗ trợ nạn nhân bị mua bán với phòng, chống mại dâm, phòng ngừa lây nhiễm HIV/AIDS” tại Hải Phòng và mô hình “Phòng ngừa phụ nữ có nguy cơ dẫn đến hoạt động mại dâm và dự phòng lây nhiễm HIV” tại Đà Nẵng… Các mô hình này đã được đánh giá cao về tính hiệu quả và thực tiễn. 

Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống tệ nạn xã hội Nguyễn Thùy Dương nhấn mạnh, khó khăn lớn nhất hiện đang gặp phải nằm ở tiêu chí xác định nạn nhân giữa Việt Nam và một số nước còn chưa thống nhất dẫn đến việc có trường hợp Việt Nam coi là nạn nhân nhưng phía nước ngoài không coi là nạn nhân và ngược lại. 

Tại hội nghị, TS. Nguyễn Văn Kỷ, Phó Chánh văn phòng Nhân quyền  mong muốn các ngành chức năng sớm đưa ra các giải pháp nâng cao hiệu quả bảo đảm quyền của lao động Việt Nam di cư; phòng ngừa, phòng chống lao động di cư ngoài nước trái phép, tình trạng lừa đảo lao động đi làm việc ở nước ngoài, hỗ trợ đối với nạn nhân trở về từ đó đẩy mạnh tuyên truyền giúp người lao động nhận thức được đầy đủ quyền lợi và trách nhiệm của mình, đồng thời đấu tranh chống các hoạt động tuyên truyền chống phá Việt Nam về vấn đề dân chủ nhân quyền.

Đọc thêm