Nữ công nhân nhà máy Dệt Hà Nội hoang mang đòi gặp Tổng Giám đốc

(PLO) - Chiều 17/10, một nhóm công nhân nhà máy Dệt Hà Nội số 89 Lĩnh Nam (Vĩnh Tụy, Hoàng Mai, Hà Nội) tập trung dưới chân tòa nhà Center Building (85 Vũ Trọng Phụng), đòi gặp trực tiếp ông Đỗ Văn Minh - Tổng Giám đốc Công ty Dệt 19/5 Hà Nội để biểu đạt nguyện vọng của mình.

Trước đó, cùng ngày, Công ty Dệt 19/5 Hà Nội đã đưa ra quyết định chính thức về việc thay đổ cơ cấu tổ chức, cơ cấu lao động của Nhà máy Dệt Hà Nội bằng hình thức sáp nhập Nhà máy Dệt Hà Nội vào nhà máy Dệt Hà Nam và bố trí toàn thể cán bộ, công nhân viên Nhà máy Dệt Hà Nội về làm việc tại Nhà máy Dệt Hà Nam.

Nhóm nữ công nhân công ty Dệt Hà Nội
Nhóm nữ công nhân công ty Dệt Hà Nội

Phương án sáp nhập trên ngay từ khi được công bố (10/10/2017) đã khiến công nhân Nhà máy dệt Hà Nội hoang mang. Hiện có 39 công nhân làm trong nhà máy, trong đó 32 người là nữ. Các công nhân nữ ở đây đều đã lập gia đình tại Hà Nội, có thời gian gắn bó lâu dài với công ty, việc chuyển đến nơi xa làm việc là bất khả thi đối với họ. Nhưng nếu không đồng ý chuyển tới làm việc tại Công ty ở Hà Nam thì họ sẽ thất nghiệp.

Chị Hồng Hằng (Số nhà 11, ngõ 114, phố Tây Trà, Trần Phú, Hoàng Mai, Hà Nội), một nữ công nhân Nhà máy Dệt Hà Nội cho biết: "Hôm nay toàn thể công nhân nhà máy Dệt 19/5 đến đây muốn được gặp Tổng giám đốc Đỗ Văn Minh với mong muốn đầu tiên là để có câu trả lời thích đáng về vấn đề cổ phần, thứ hai là mong muốn phía công ty tìm ra giải pháp khác hoặc trả lại quyền lợi thỏa đáng cho công nhân".

Theo lời các công nhân Nhà máy Dệt Hà Nội, cổ phiếu của công nhân đều là cổ phiếu của người gắn bó lâu năm với công ty, ít nhất cũng 10 năm, có người hơn 20 năm, thậm chí 30 năm... Công nhân được ký kết "quyền cổ phiếu gắn bó" và "quyền ưu đãi". Tuy nhiên, khi công nhân muốn bán lại cổ phiếu cho công ty thì công ty chỉ chấp nhận mua một loại cổ phiếu, còn một loại không mua và sẽ thu hồi.

Ngày 27/9, công nhân được tin công ty sẽ tạm thời dừng sản xuất từ 1/10. Đến ngày 2/10 nhà máy chỉ gọi một số công nhân đi làm và giám đốc nhà máy đứng ra trả lời: bản hợp đồng (Hỗ trợ cho công nhân trong trường hợp công ty tạm dừng sản xuất) sẽ không có hiệu lực vì bây giờ công ty đã có việc cho công nhân làm.

Cũng theo lời người lao động, do nhà máy không chắc chắn được công ăn việc làm ổn định cho họ nên họ đã gửi đơn chấm dứt hợp đồng lao động lên Giám đốc nhà máy. Sau đó Chủ tịch Công đoàn công ty có xuống nhà máy và khuyên công nhân quay lại làm và họ đồng ý. Tuy nhiên đơn xin thanh lý hợp đồng mới chỉ gửi tới giám đốc nhà máy chứ chưa hề gửi vượt cấp lên Công ty Dệt 19/5 như trong thông báo “Phương án sử dụng lao động” ngày 10/10 đã đưa ra. Ngày 11/10 phía công ty thông báo công ty sẽ đơn phương chấm dứt hợp đồng với toàn bộ công nhân nhà máy Dệt Hà Nội (có nghĩa đóng cửa nhà máy)

Ngày 12/10 công nhân vẫn đi làm bình thường nhưng nhà máy đã dừng sản xuất mà không thông báo cho toàn bộ công nhân. Đến 17/10, công nhân mới nhận được quyết định từ phía công ty.

Thông báo của Công ty Dệt 19/5 gửi cho công nhân nhà máy ngày 17/10.
Thông báo của Công ty Dệt 19/5 gửi cho công nhân nhà máy ngày 17/10.

Đọc thêm