Nước mắt người đàn bà “quá thì” mới lấy chồng vẫn không thể hạnh phúc

(PLO) - Họ từng là những người trong cùng một gia đình, từng sống bên nhau trong êm ấm, hạnh phúc. Thế rồi, vì cơm áo, vì lòng tham, họ đã trở mặt với nhau, coi nhau như kẻ thù…
Phan Văn Đ. (SN 1976), Phan Thị Như H. (SN 1974), Phan Thị Hiếu H. (SN 1970, cùng ngụ Dĩ An, Bình Dương) là ba anh em ruột cùng cha mẹ sinh ra. Thuở nhỏ, cha mẹ nghèo phải buôn gánh bán bưng kiếm sống, Hiếu H. phải nghỉ học từ lớp 6, cùng mẹ ra chợ buôn bán kiếm tiền nuôi hai em ăn học. Tuy  nhà tranh vách lá thôi nhưng gia đình rất đầm ấm, hạnh phúc. Như H. và Đ., hai đứa em của chị Hiếu H. đều chăm, học giỏi. 
Rồi mọi thứ cũng dần khá hơn, khi cha mẹ của ba chị em dành dụm mua được mảnh đất vườn để trồng cây ăn trái bán. Nói là khá, nhưng cũng là đủ ăn ba bữa, chị em không đói lay đói lắt, cháo thay cơm như trước kia nữa. Như H. và Đ. lần lượt học xong cấp 3, Đ. học trung cấp ngành xây dựng, còn Như H. xin đi làm công nhân, cũng tự kiếm sống được với đồng lương trung bình khá của mình.
Hai em của chị Hiếu H. lần lượt lập gia đình. Mảnh vườn rộng, cha mẹ của họ cắt hơn một nửa, bán đi để cho mỗi người một số vốn nho nhỏ. Làm lụng, dành dụm cả vợ lẫn chồng, rồi hai đứa em chị Hiếu H. cũng có được những mái nhà nho nhỏ trong những con hẻm, tuy sâu, nhưng cũng coi là ổn định cho một gia đình xuất phát điểm ban đầu quá nghèo túng. Riêng chị Hiếu H. vẫn sống với mẹ, trong ngôi nhà và mảnh vườn, cha chị đã mất trong một tai nạn giao thông.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
 Ảnh minh họa. Nguồn internet.

Rồi mẹ chị Hiếu H. cũng mất đi, để chị một mình thui thủi ở căn vườn ấy. Niềm vui của chị là chăm nom vườn tược, khi rảnh rỗi chạy sang chăm nom, chơi với cháu. Tiền dành dụm bán hoa quả, chị mua cho cháu thứ này thứ nọ, hoặc hai em mình cần gì, chị cũng đều lấy ra giúp đỡ không nề hà gì. Mọi chuyện sẽ yên ổn như vậy, chị Hiếu H. cũng định bụng là sống một mình cả đời. Thế nhưng, đến năm 44 tuổi ( năm 2011) chị gặp được “người đàn ông” của mình.

Người đàn ông này tên Kh., nhỏ hơn chị Hiếu H. 3 tuổi, làm nghề chở trái cây thuê cho các thương lái hay đi thu gom trái cây trong vườn. Thấy chị một mình vò võ, người cũng hiền hậu, Kh. thường lui tới giúp đỡ, nói chuyện. Rồi dần thương yêu nhau. Già lớn cả rồi, cũng không giàu có gì, vì Kh. cũng chỉ có hai bàn tay trắng, nên họ chẳng làm đám cưới, chỉ về sống chung với nhau, định bụng khi nào có con có cái thì làm giấy kết hôn cũng không muộn.

Những tưởng chuyện đời ai nấy lo, hạnh phúc ai nấy hưởng, chị cũng đã làm hết phần hết sức chăm lo cho các em mình, nay các em sẽ ủng hộ chị tìm kiếm hạnh phúc riêng. Thế nhưng, chị Hiếu H. lại nhận được phản ứng gay gắt từ phía hai em mình. Ban đầu, cả hai đứa em đều lấy lý do là chị lớn tuổi rồi, sống vậy cho yên thân, em út cháu chắt nó chăm lo cho, lấy chồng chi hầu chồng cho khổ. Sau đó là lý do do người đàn ông kia nhỏ hơn tuổi chị, sợ chỉ là lợi dụng thôi, chứ sống không bền, thiên hạ lại cười cho cái cảnh “phi công lái máy bay”, dắt díu nhau về ở chứ chẳng phải vợ chồng. 
Khi chị thuyết phục họ rằng chỉ có ba tuổi thì cũng chẳng đến mức thiên hạ dị nghị, rồi chị thì có gì đâu cho người ta lợi dụng?. Sống nhờ ít trái cây bán theo mùa, rồi gà vịt lặt vặt. Người kia thì có xe đi chở thuê, mỗi người tự lo phần mình được, đâu ai lợi dụng gì ai? Con cháu lo phần con cháu, còn chị cũng phải có người để đỡ đần, chăm nom mình lúc tuổi già chứ!.
Lúc này, các em chị Hiếu H. mới lộ rõ ý định của họ: “Nhưng còn miếng đất vườn của cha mẹ để lại thì sao?. Chị tính sống trên đó luôn, một mình hưởng hả?. Còn hai đứa em thì sao, cũng phải có phần chứ?”. Hóa ra, thời buổi bất động sản lên giá, mảnh đất vườn của chị, ngày xưa chẳng có giá bao nhiêu, nay lại nằm ở địa thế “đẹp”, được nhiều người ngắm nghía. Hai đứa em chị muốn chị bán, chia ra làm, họ hai phần, chị một phần. Trong khi đó, trước kia mảnh đất lớn, đã bán chia cho các em hai phần, cộng thêm tiền bạc dành dụm của chị, nên trước giờ chị vẫn nghĩ, đây là phần cha mẹ để lại cho chị. Mà khi mẹ chị còn sống, cũng luôn dặn là các em đã yên ổn phần mình, con nhớ gìn giữ mảnh đất này, coi như đất hưởng hỏa để thờ cúng cha mẹ, không được bán đi. 
Nói ý đó với các em, chị nhận được sự phản ứng quyết liệt: Chị nói đã chia rồi là sao?. Hồi đó bán 2/3 mảnh đất đi, cho tụi em, nhưng giá hồi đó chỉ bằng một góc bây giờ, hồi đó bán đi mua được 1/3 cái nhà, bây giờ bằng hai ba cái nhà, chị nói vậy mà nghe được?.
Khi chị không chịu bán, họ làm ầm ĩ, bêu riếu chị. Con cái họ không còn thương mến gọi chị “cô Hai, dì Hai” như ngày trước, mà thấy là ngoảnh phắt mặt đi. Họ sai người sang nhà chị chửi bới, sỉ nhục, chửi cả chồng chị là “chồng không giá thú”, “lợi dụng bà già”… Đến khi họ thuê luật sư kiện chị, thì chị chịu thua. Chị đành buông. Thắp nhang trước bàn thờ mẹ, chị xin mẹ thứ lỗi không giữ được mảnh đất.
“Hồi đó mẹ dặn con, mảnh đất là nơi chị em con lớn lên, con phải giữ để neo lại tình cảm chị em, con cháu có cái nhà mà về quây quần. Nhưng lòng các em con, không cần một nơi để quây quần, mà cần xé nhỏ, để có thêm tiền, dù chúng đã ổn định cả. Chúng sợ con rước người lạ vô chiếm đất, sợ con chiếm một mình đất hương đất hỏa. Chúng đâu có biết con đã tách ra, một phần đất dành cho con con sau này, còn phần lớn nhà và đất, con di chúc không được bán, làm đất hương hỏa gia đình. Thôi con đành trái ý mẹ, để chị em còn nhìn nhau…”.

Vậy là chị gạt nước mắt, kêu bán mảnh đất vườn. Tiền bán được, chia làm ba phần đều nhau. Vợ chồng chị mua ngôi nhà nhỏ xíu ở, yên thân, còn hai đứa em hí hửng ôm tiền mua thêm đất, sắm thêm xe. Khi gia đình đã quay lưng đi, tình nghĩa đã mất, thì mảnh đất thơ ấu, nơi chứng kiến những ngày tháng tần tảo của cha mẹ và người chị, nơi có những tiếng cười trong vắt ấu thơ… chẳng còn chút ý nghĩa nào…

Đọc thêm