Nuôi chó trong nhà cũng cần biết luật

(PLO) - Việc một chủ chó ở Hà Nội bị chính 4 con chó mình nuôi tấn công dữ dội gây thương tích nặng làm nhiều người hoang mang. Hiện rất nhiều người nuôi các loài chó dữ như “thú cảnh” mà không có biện pháp phòng vệ cho bản thân và người chung quanh... Họ không biết mình đang phạm luật.
Nhiều chủ nuôi chó “hồn nhiên” dắt chó đi dạo trong khu vực đông đúc nhưng không hề có biện pháp an toàn (ảnh minh họa).
Nhiều chủ nuôi chó “hồn nhiên” dắt chó đi dạo trong khu vực đông đúc nhưng không hề có biện pháp an toàn (ảnh minh họa).

Rước họa vào thân vì “thú cưng”

Đoạn clip ngắn phát tán trên mạng cho thấy đàn chó thuộc giống Doberman và Rottweiler đã tấn công một người phụ nữ đi ngang. Sau khi anh Duy, chủ nuôi chó đến “giải vây” cho người phụ nữ thì bất ngờ đàn chó kích động và tấn công anh. Người chủ nuôi chó ban đầu tưởng là chuyện đơn giản nên chưa có phản ứng. Tuy nhiên, càng lúc bầy chó càng trở nên hung tợn, tìm mọi cách lao vào cắn xé chủ. Khá lâu sau, anh Duy mới chống trả và kêu cứu. Được người khác đến ứng cứu bằng gậy, khó khăn lắm anh Duy mới thoát khỏi lũ chó với nhiều thương tích trên người.

Sự việc này làm người ta nhớ đến thời điểm năm 2015 rộ lên phong trào nuôi chó Pitpull, và rồi liên tiếp những vụ chó Pitpull cắn xé các loài thú nuôi khác một cách man rợ, thậm chí đe doạ người. Cùng thời điểm, đàn chó dữ ở Hải Dương cắn chết một cụ bà đi đổ rác. Ở TP HCM, một em bé đã bị chó nuôi trong nhà, thuộc giống Phú Quốc, cắn nát mặt, phải nhập viện khâu đến 200 mũi.

Theo nhận định của chuyên gia huấn luyện chó, để xảy ra hậu quả 4 con chó cắn xé chủ mới đây, nguyên nhân là do người chủ thiếu kĩ năng trong huấn luyện chó cũng như ứng phó thiếu chuyên nghiệp khi bị chó mình nuôi tấn công. Trên thực tế, hầu hết chủ nuôi chó dữ đều nhờ cậy vào các huấn luyện viên chứ bản thân không trang bị kĩ năng ứng phó khi bị chó dữ tấn công. Thậm chí, rất nhiều người có thói quen dắt chó dữ đi dạo nơi công cộng mà không rọ mõm, dây xích lỏng lẻo. 

Ông Trần Văn Tuấn, cán bộ hưu trí ở quận 1, TP HCM cho biết, nhà ông gần Công viên 30/4, ngày nào ông cũng ra đây tập thể dục. Chuyện mọi người dắt chó quý, chó đắt tiền đi dạo là bình thường.

không hiếm gặp những người chủ dắt một vài con chó thuộc loại chó dữ, kích thước lớn mà không hề có rọ mõm. “Con chó to như con bê, chỉ cần nó lên cơn hung phóng về phía trước là chủ tuột tay hoặc ngã sấp ngay, rất khó trở tay nếu chó tấn công người. Thấy những trường hợp nói trên, tôi đều bảo các phụ huynh đang có con nhỏ nên dẫn con ra xa khu vực nguy hiểm này, và bản thân mình cũng tránh xa” - ông Tuấn bức xúc.

Phớt lờ luật?

Xung quanh vấn đề này,  Luật sư Nguyễn Thanh Tùng (Đoàn Luật sư TP HCM) cho biết, thực ra luật đã có quy định rất rõ ràng về biện pháp an toàn, chế tài xử phạt.

Quy định tại Điều 4 Thông tư số 48/2009/TT-BNNPTNT ngày 4/8/2009 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về hướng dẫn các biện pháp phòng, chống bệnh dại ở động vật thì trách nhiệm của tổ chức, cá nhân nuôi chó phải quản lý số chó nuôi bằng biện pháp hành chính; phải chấp hành quy định tiêm phòng bệnh dại định kỳ và bổ sung của cơ quan thú y; phải thường xuyên xích chó, nuôi chó trong nhà, không được thả rông, để chó cắn người; ở các thành phố, thị xã, thị trấn, khu dân cư, khi dắt chó ra nơi công cộng phải có dây xích, phải rọ mõm (đối với con dữ) và có người dắt, không để chó đi lang thang ngoài đường, ngoài phố làm mất vệ sinh nơi công cộng…

Điều 7 Nghị định số 73/2010/NĐ-CP ngày 12/7/2010 của Chính phủ quy định người nuôi chó có hành vi thả rông chó ở khu dân cư hoặc dắt chó đi cùng mà không có dây xích, không rọ mõm (đối với con dữ) thì có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 đồng đến 200.000 đồng. Nếu để chó gây thương tích, thiệt hại tài sản cho người khác thì bị xử phạt từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng và phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do vật nuôi của mình gây ra.

Luật quy định khá chặt nhưng trên thực tế không mấy ai tuân thủ đúng quy định, việc nuôi chó hiện nay được “thả nổi”, khá tự do. Ngay cả khi chó tấn công người, nếu sự việc không quá nghiêm trọng, thông thường cả chủ chó lẫn nạn nhân đều “cho qua”. Thậm chí, rất nhiều trường hợp  chó dữ nuôi trong nhà đã nhiều lần cắn, đe doạ người, chủ nhân vẫn không hề có biện pháp xử lý. 

Phải chăng đã đến lúc cơ quan chức năng nên để mắt đến, quản lý tốt hơn việc nuôi chó dữ trong các gia đình, trong khu dân cư, tránh tiếp diễn những vụ chó dữ tấn công người và đừng để “mất bò mới lo làm chuồng”.

Đọc thêm