Nuôi con bằng sữa mẹ: Việc không riêng của phụ nữ

(PLO) - Năm 2016, tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tại Việt Nam ở mức 19,2% và Việt Nam đang nằm trong nhóm có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất thế giới. Trong khi đó, nhận thức từ thế giới đã cho thấy việc nuôi con bằng sữa mẹ không những giảm tỷ lệ tử vong bệnh tật của trẻ mà còn góp phần tạo nên một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn, tăng thu nhập quốc dân.
Ảnh minh họa
Ảnh minh họa

Nhiều trẻ em Việt chưa được bú sữa mẹ

Là một người đã từng chứng kiến nhiều người mẹ bị rơi vào hoàn cảnh éo le, không thể đủ sữa hoặc không có nguồn sữa trong lành để cho con bú, chị Lê Huyền Trang (29 tuổi, ngụ quận Tân Bình- TP HCM) đã lên ý tưởng thành lập tủ sữa mẹ miễn phí với mong muốn làm cầu nối giữa những giọt sữa của những bà mẹ dư thừa trao tặng lại cho em bé khi người mẹ gặp hoàn cảnh éo le do người mẹ bị bệnh hoặc ít sữa cho em bé bú. Có thể nói, tủ sữa miễn phí của chị Trang chính là cầu nối tuyệt vời, mang lại niềm hạnh phúc cho cả người cho và người nhận. Mỗi ngày chị Trang được rất nhiều bà mẹ trong TP HCM gọi đến tặng sữa. Chị đều ghi lại địa chỉ và sau đó nhờ nhân viên của công ty mình đến lấy về và bảo quản trữ đông trong tủ lạnh. Đã có rất nhiều gia đình tìm đến tủ sữa miễn phí này, trung bình mỗi ngày chị Trang trao 5 – 6 lít sữa mẹ. 

Ngân hàng sữa mẹ khai trương ngày 17/2/2017 đầu tiên của Việt Nam đặt tại Bệnh viện Phụ sản - Nhi, TP Đà Nẵng với mục đích sẽ cung cấp sữa mẹ để hỗ trợ chăm sóc điều trị cho 3.000 đến 4.000 trẻ nhỏ mỗi năm.

Theo tiêu chí riêng, Ngân hàng sữa mẹ sẽ chỉ nhận sữa hiến tặng của bà mẹ có con dưới 6 tháng để phù hợp với thể trạng và nhu cầu của các em bé sau sinh và chủ trương ban đầu của lãnh đạo bệnh viện là chỉ nhận sữa từ những bà mẹ tại bệnh viện. Nhưng sau 3 tháng đi vào hoạt động, thực tế cho thấy nhu cầu nhận sữa lớn hơn gấp nhiều lần so với lượng sữa hiến tặng, nên lãnh đạo bệnh viện quyết định kêu gọi hiến tặng sữa từ cộng đồng.

Những bà mẹ Đà Nẵng, miền Trung với tấm lòng nhân hậu đã rất nhiệt tình ủng hộ phương án này. Họ đọc báo, xem truyền hình và chủ động gọi điện đến bệnh viện đề nghị được hiến sữa giúp trẻ, giúp bệnh viện. Ngoài ra, những bà mẹ sinh non đã được nhận sữa, sau này nhận ra tầm quan trọng của sữa mẹ nên đã chủ động hiến tặng sữa của mình. Do đó, sau 3 tháng đi vào hoạt động đã có gần 70 bà mẹ hiến tặng sữa, giúp đỡ được 200 trẻ bị bệnh đang điều trị tại bệnh viện được uống sữa mẹ. Trung bình một ngày có 4 - 6 bà mẹ hiến tặng, tương đương với 1 - 2 lít sữa.

Trên đây là những tin tốt lành về việc sử dụng sữa mẹ ở Việt Nam, nhưng trên thực tế không phải lúc nào cũng khả quan như vậy. Trong chương trình Hành trình sữa mẹ xuyên Việt năm 2016, ThS.BS Bùi Hồng Vân, diễn giả của chương trình cho biết, hiện tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn trong 6 tháng đầu đời tại Việt Nam chỉ là 19,2%, thấp hơn hẳn so với Lào (40%) và Campuchia (65%).

Đặc biệt, nếu năm 2000, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ trong 6 tháng đầu ở Campuchia chỉ đạt 11% thì đến năm 2005 con số này đã tăng rất nhanh lên 60% và hiện tại giữ ở mức 65%. Còn tại Việt Nam, năm 1998, tỉ lệ nuôi con bằng sữa mẹ 6 tháng đầu đạt 34% nhưng sau đó đã giảm mạnh xuống còn 15,5% năm 2005. Hiện tại tỷ lệ này ở mức 19,2% và Việt Nam đang nằm trong nhóm có tỷ lệ nuôi con bằng sữa mẹ thấp nhất thế giới. 

Trong khi đó, những nghiên cứu mới được công bố năm 2015 từ Tạp chí Lancet chỉ ra rằng, việc nuôi con bằng sữa mẹ hoàn toàn có thể chặn 823.000 ca tử vong ở trẻ sơ sinh và trẻ nhỏ trên toàn thế giới, giúp ngăn ngừa nhiều bệnh tật ở trẻ cũng như ở giai đoạn trưởng thành như viêm nhiễm, dị ứng, các bệnh mạn tính như tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, các bệnh tim mạch và ung thư, tiết kiệm được hơn 302 tỷ USD cho nền kinh tế toàn cầu mỗi năm.

Tăng thu nhập quốc dân nhờ sữa mẹ

Với mục tiêu gây dựng lại văn hóa nuôi con bằng sữa mẹ và hỗ trợ việc nuôi con bằng sữa mẹ khắp thế giới, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ thế giới (từ ngày 1-7 tháng 8 hàng năm) đã được tổ chức. Năm nay, Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017 với chủ đề “Cùng nhau duy trì nuôi con bằng sữa mẹ” đã bắt đầu từ ngày 2/8/2017, nhấn mạnh tầm quan trọng của quan hệ hợp tác giữa các chính phủ, tổ chức phi chính phủ, viện nghiên cứu, các đối tác phát triển, khu vực tư nhân và những đối tác khác nhằm thu được những lợi ích về sức khỏe và kinh tế mà nuôi con bằng sữa mẹ đem lại.

Tạp chí Lancet 2016 về nuôi con bằng sữa mẹ phát hiện rằng nuôi con bằng sữa mẹ giúp giảm chi phí y tế và góp phần tạo nên một lực lượng lao động mạnh mẽ hơn. Cái giá phải trả cho khả năng nhận thức thấp hơn của trẻ do không được bú sữa mẹ lên đến khoảng 300 tỷ đô la Mỹ mỗi năm, chiếm 0,49 tổng thu nhập quốc dân. Tại Việt Nam, cải thiện nuôi con bằng sữa mẹ có thể cứu 2.011 trẻ em mỗi năm, góp phần quan trọng vào việc giảm tỷ lệ tử vong trẻ em dưới 5 tuổi.

Nhân Tuần lễ nuôi con bằng sữa mẹ năm 2017, PGS.TS Lê Danh Tuyên, Viện trưởng Viện Dinh dưỡng cho biết: “Nuôi con bằng sữa mẹ không chỉ đơn giản là việc của phụ nữ mà đòi hỏi phải có sự khuyến khích và hỗ trợ từ các cán bộ tư vấn, thành viên gia đình, nhân viên chăm sóc y tế, người sử dụng lao động, nhà hoạch định chính sách và những đối tác khác. Chúng tôi cam kết hợp tác với tất cả các bên để tạo ra môi trường thuận lợi giúp phụ nữ và trẻ em phát triển khỏe mạnh”. 

Đọc thêm