Ở đâu có Nhân văn ở đó có Hòa bình

(PLO) - Dù  Tổng thống Mỹ Obama đã rời Việt Nam nhưng ở khắp nơi, người dân Việt Nam vẫn nhắc tới ông bằng một tình cảm yêu quý, mến mộ. Điều gì đã đem lại cảm giác tuyệt vời này? Tiến sĩ, Nhà khoa học Lê Văn Tuấn đã phân tích về sức mạnh tiềm ẩn của Con đường Việt Nam nhân văn qua chuyến thăm của Tổng thống Obama.
Nhân dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama
Nhân dân Việt Nam chào đón Tổng thống Obama

Giá trị của con đường Việt Nam nhân văn là vô giá

Được biết, ông là người khởi xướng Con đường Việt Nam nhân văn, ông có thể chia sẻ đôi điều về giá trị của con đường mà ông đang xây dựng?

Dân tộc chúng ta là một dân tộc anh hùng, lịch sử dân tộc ta được dệt nên bằng những chiến công lẫy lừng và những chiến thắng vang dội. Nếu nói về vũ khí tối tân, chúng ta không sao bằng được. Nói về số lượng, sức người sức của chúng ta cũng không thể so, về khoa học kỹ thuật, mức sống chúng ta đều thua hết. Nhưng chiến thắng cuối cùng thuộc về dân tộc Việt Nam. Đó là cái rất riêng của dân tộc Việt Nam.

TS Lê Văn Tuấn là người khởi xướng việc nghiên cứu Con đường Việt Nam nhân văn
TS Lê Văn Tuấn là người khởi xướng việc nghiên cứu Con đường Việt Nam nhân văn

Các quý vị vá các bạn hỏi: “Cái rất riêng” ấy của Việt Nam là cái gì mà có một sức mạnh vĩ đại như vậy? Lịch sử của dân tộc Việt Nam ta đã kiến tạo ra nó – Đó là dòng máu nhân văn, tinh thần nhân văn, chủ nghĩa nhân văn. Dòng máu ấy, tinh khí ấy, chủ nghĩa ấy từ ngàn xưa cho đến nay, chảy trong từng mao mạch huyết quản của từng người dân Việt Nam. Chủ nghĩa nhân văn ấy là kiên nhẫn, là chịu đựng, là quả cảm, là bất khuất, là vị tha nhân ái quảng đại bao dung, là “lấy nhân nghĩa để thắng hung tàn, lấy chí nhân để thay cường bạo”, là những phẩm chất tối cao tối thượng được sản sinh ra từ những mảnh đất địa linh. Dòng máu ấy, tinh khí ấy, chủ nghĩa ấy có khi tỏ, khi mờ, nhưng mỗi khi đất nước cần, dân tộc cần thì lại sục sôi bùng nổ dâng trào với một giá trị vô biên. Vì thế, giá trị của con đường Việt Nam nhân văn là vô giá.

Dân tộc Việt Nam lấy chủ nghĩa Nhân văn làm trụ cột

Ông đánh giá thế nào về chuyến thăm Việt Nam của Tổng thống Obama ở khía cạnh nhân văn?

Hai con người không thể đến với nhau nếu như tư tưởng của họ đối nghịch, mâu thuẫn và không phù hợp. Chúng ta đang chứng kiến một thế giới bên cạnh xu huớng hội nhập là những xung đột vũ trang, và rất nhiều biến động với những học thuyết quái đản chống lại loài người đã sinh ra từ nửa cuối thế kỷ trước, đã làm cho nhiều quốc gia, nhiều vùng miền trên thế giới đứng truớc sự lựa chọn những con đường tất yếu và những bước đi đúng đắn, phù hợp của mình.

Mặc dù các các nền văn hóa khác nhau trên thế giới đang xích lại gần nhau, nhưng chúng ta đang chứng kiến một thế giới đầy mâu thuẫn và xung đột vũ trang, đang đứng trước sự lựa chọn khó khăn cho những con đường và những bước đi tất yếu. Sự chia rẽ chỉ làm cho thế giới suy yếu, đến với nhau, bắt tay nhau đó là những bước đi tiến tới thế giới đại đồng. Con đường đến với nhau không phải từ một bên, vì vậy đây là chiến thắng của cả hai bên và sức mạnh đưa hai bên đến với nhau là sức mạnh của tư tưởng, sức mạnh của dòng máu nhân văn.

Trong bài phát biểu trước 2.000 người ở Thủ đô Hà Nội, ông Obama đã nói: “Sự thân thiện của người Việt Nam đã chạm tới trái tim chúng tôi. Nhiều người vẫy chào tôi bên đường, làm tôi cảm thấy được tình hữu nghị giữa các dân tộc”. Tư tưởng, trái tim của Tổng thống Obama cũng đã chạm tới giá trị Nhân văn cốt lõi của người Việt Nam. Hai tư tưởng Nhân văn gặp nhau, sẽ tạo thành một giá trị Nhân văn vĩ đại.

Xin ông cho biết những giá trị nào sẽ xuất hiện khi những con đường Nhân văn gặp gỡ và hợp tác?

Hơn 90 triệu con người Việt Nam đồng lòng khép lại quá khứ đau thương để hướng đến một tương lai tương sáng không có hận thù. Chủ tịch nước Trần Đại Quang cũng nhấn mạnh, thành tựu quan trọng của hợp tác Việt – Mỹ là từ những cựu thù, hai nước đã trở thành bạn, đối tác song phương và đa phương”. Con đường Việt Nam Nhân văn đã dẫn Obama đến Việt Nam cũng như đã dẫn các cựu thù đến với nhau trong tình yêu thương cao cả còn sót lại của loài người.

Giáo sư Carl Thayer (Úc) bình luận: “Việt Nam là câu chuyện thành công của Mỹ ở Châu Á”. Nhưng tôi thì cho rằng, thành công đó của Mỹ là một biểu hiện sức mạnh tiền ẩn, tiềm tàng của dân tộc Việt Nam lấy chủ nghĩa Nhân văn làm trụ cột.

Ông nhìn nhận thế nào về tương lai của Con đường Việt Nam nhân văn?

Con đường nhân văn là mục đích của mọi thời đại. Vì vậy, tư tưởng nhân văn sẽ sáng ngời, không thể gói gọn trong dải dất hình chữ S mà lan tỏa rộng khắp trên toàn thế giới. Như Chủ tịch Hồ Chí Minh đã nói: Năm châu bốn biển đều là anh em. Vì lẽ đó, Con đường Việt Nam Nhân văn sẽ là ngọn đuốc soi vào lương tri và sự thánh thiện của mỗi con người, mỗi dân tộc, hàn gắn chiến tranh, xoa dịu đau thương.

Như chúng ta đã biết: Ở đâu có nhân văn, ở đó sẽ không tồn tại những mâu thuẫn đối đầu và lẽ tất nhiên sẽ có một nền hòa bình thật sự. Và đó chính là đỉnh cao tột cùng của văn minh nhân loại.

Trân trọng cảm ơn Tiến sỹ!

Đọc thêm