Ông bà nào được quyền nuôi cháu mồ côi?

(PLO) - Quá uất hận vợ, Long ra tay giết chết Yến. Bé Tôm, con trai vợ chồng Long Yến  phải đứng giữa một cuộc tranh giành quyền nuôi dưỡng của hai bên nội ngoại.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Đắm đuối vì con...
“Người ta có mười thì tốt, tôi đây có một thì vô duyên”, bà Mân mở đầu câu chuyện bằng lời than thân trách phận. Nhà nghèo, lại không được trời cho nhan sắc nên bà Yên đành chịu phẩn hẩm duyên ôi, quá lứa lỡ thì. Mãi đến năm 36 tuổi, bà mới được một người đàn ông góa vợ hỏi làm vợ kế, rồi sinh ra con trai là Vũ Văn Long. Năm Long lên 5 tuổi thì mồ côi cha, từ đó bà ở vậy, thắt lưng buộc bụng nuôi con.   
Nhà nghèo, ít ruộng nên từ năm 23 tuổi Long đã theo bạn bè ra Hà Nội làm thuê, dành dụm được đồng nào thì mang về gửi mẹ làm vốn lo cưới vợ. Đầu năm đi làm, cuối năm đó Long đã dắt người yêu về nhà ra mắt mẹ già. Đó là Thân Thị Yến, một cô gái xinh đẹp cùng quê, hiện đang bán hàng ở Hà Nội. 
Nhưng mối tình này không được gia đình cô gái chấp nhận, vì lý do xuất thân của Long nghèo khó, hoàn cảnh lại éo le, mẹ góa con côi. Bà Mân nghe thế cũng tự ái, định lựa lời khuyên con nhưng đã quá muộn, Long thú nhận hai đứa đã thuê nhà chung sống như vợ chồng và khi đó Yến đã có thai đứa con trai đầu lòng được 4 tháng. 
Sự đã rồi, bà Mân đành tác thành cho hai đứa thành vợ thành chồng. Rồi bé Tôm ra đời, cũng một tay bà chăm sóc nâng niu từ tấm bé. Khi thằng bé được 6 tháng, vợ chồng Long để con ở nhà nhờ mẹ nuôi giúp rồi lên Hà Nội làm thuê, tiền gửi về cho bà nuôi cháu của đôi vợ chồng này cũng tháng có tháng không. 
“Tôi còn khỏe, vẫn đủ sức giúp con nuôi cháu. Tôi hy vọng vợ chồng nó bảo nhau làm ăn, may mắn thì mua được miếng đất ở Hà Nội làm nhà, không thì cũng tích cóp được một ít để con cái ăn học. Thế mà bỗng đâu bi kịch ập xuống...”, kể đến đây, bà Mân nghẹn giọng, đưa tay chấm nước mắt. 
Cạn nước mắt giành quyền nuôi cháu
Bà Mân không biết rõ mâu thuẫn vợ chồng Long-Yến bắt đầu từ đâu và xảy ra từ bao giờ. Sau này nhiều người kể lại thì nguyên nhân là do Yến ngoại tình, còn Long thì quá ghen tuông, thiếu kiềm chế nên mới đang tâm sát hại vợ. 
Yến làm tạp vụ ở một trung tâm giải trí bao gồm các dịch vụ: giải khát, ăn uống, bida mà khách hàng hầu hết là đàn ông. Gái một con tươi mơn mởn nên đương nhiên Yến có nhiều khách đàn ông “hảo ngọt” săn đón, ve vãn. Những lời ong bướm hứa hẹn, những tờ bạc màu xanh có ma lực chết người đã khiến Yến lạnh nhạt dần với anh chồng nghèo kiết xác. Thậm chí Yến tạm quên luôn cả đứa con trai mới 3 tuổi đang phải sống ở quê, xa cha nhớ mẹ mà đã cả nửa năm nay Yến chưa thèm đoái hoài về thăm. 
Khi Long nhắc nhở Yến phải quan tâm hơn đến gia đình thì vợ chồng xảy ra cự cãi, Yến dọn hẳn đến ở tại chỗ làm. Chồng đến xin lỗi, làm lành, Yến cũng không chịu về nhà trọ sống với Long nữa, còn dọa sẽ ly hôn. Sau đó Yến chuyển thuê nhà chỗ khác, thay số điện thoại khác nhằm “cắt đứt” với chồng; báo hại Long phải bỏ làm bỏ ăn đi tìm 3 ngày mới ra. 
Đến khi con ốm phải đi cấp cứu, Long đến tận nơi báo tin cho vợ nhưng Yến vẫn cho rằng chồng bịa chuyện để níu kéo mình quay lại nên nhất quyết không về. Quá uất hận, không kiềm chế được nên Long đã vung dao sát hại vợ.
Ảnh minh họa. Nguồn internet.
Ảnh minh họa. Nguồn internet. 
Sau khi xảy ra vụ án, Long bị bắt, bà Mân và gia đình đã tổ chức tang ma cho Yến chu đáo. Bà Mân bảo, Yến đã là dâu con nhà bà nên “sống quê cha, ma quê chồng” là phải đạo; gia đình thông gia cũng không phản đối điều này. Trong khi bà Mân tất bật lo đám tang thì bà thông gia đã đến trông giúp cu Tôm, rồi bế luôn thằng bé về nhà mình, từ đó giữ rịt không trả cháu cho bà nữa. 
Ban đầu bà Mân nể gia đình thông gia và nghĩ thương cháu mồ côi nên dằn lòng để cháu ở bên đó ít ngày. Thế nhưng đã quá một tháng, rồi ba tháng, không thấy nhà ngoại mang trả cháu, bà “đánh liều” sang thăm và ngỏ ý xin cháu về thì bị gia đình thông gia “cấm cửa”, nói rằng con trai bà đã giết con họ, nếu cứ để cháu họ ở nhà bà thì ai nói trước được tai ương nào sẽ còn xảy ra? Bà Mân tức nghẹn họng mà đành phải lủi thủi ra về, hy vọng vì đứa cháu đáng thương này mà gia đình thông gia sẽ tha thứ cho bố cháu bé, sẽ khép lại nỗi đau. 
Nhưng sự việc ngày càng tồi tệ, khi Long bị tuyên án 20 năm tù về tội “Giết người”, gia đình thông gia thậm chí còn đề nghị phải tử hình con rể. Bà Mân càng ngày càng héo hon sầu muộn, giờ đây bà chỉ còn một nguồn an ủi duy nhất là đứa cháu nội mà bà nuôi từ tấm bé, nhưng hiện gia đình thông gia đang “cách ly” không cho bà gặp. Trong trường hợp này, ai mới là người được nuôi cháu mồ côi? Bà phải làm gì để giành được quyền nuôi cháu? 
(Tên các nhân vật đã thay đổi)  

Đọc thêm