Ông già thợ may đêm đêm lén đi học, dạy 9 con thành cử nhân, thạc sĩ

(PLO) - Cuộc sống nghèo khó thiếu thốn cái ăn cái mặc, nuôi 9 đứa con nheo nhóc, nhưng ông bà vẫn tảo tần nuôi các con ăn học thành người. Để cho các con đến được chân trời mơ ước, người chồng ban ngày làm lụng, tối đến lén vợ con cắp sách đạp xe đi học. Nghị lực và tình thương ấy đã được đền đáp, khi cả 9 người con đều trở thành cử nhân, thạc sĩ.
Ông bà Mai cùng các con.
Ông bà Mai cùng các con.
Đêm đêm lén vợ con đi học
Đó là câu chuyện đầy cảm động của vợ chồng ông Võ Mai (SN 1936) và bà Nguyễn Thị Mai (SN 1940) ở phường Nguyễn Văn Cừ, TP.Quy Nhơn, tỉnh Bình Định. Mỗi năm qua đi, những tháng ngày gian khổ ấy lại lùi xa với họ, thế nhưng kí ức thì chẳng thể phai nhòa. 
Ông Mai vốn là con trai cả trong một gia đình nông dân nghèo có 3 anh em trai. Vì gia cảnh nghèo khó nên học hết lớp 7, cậu bé nghỉ học và làm đủ thứ nghề để mưu sinh. Muốn kiếm một nghề ổn định, năm 18 tuổi ông đi học may, hai năm sau ông vào TP.Quy Nhơn làm công nhân cho một xí nghiệp may, gặp một cô gái cùng quê cũng tên Mai, chính là vợ ông bây giờ.
Năm 1963 hai người chính thức nên vợ nên chồng sau một đám cưới đơn sơ. Giữa thời đói khổ, tình người luôn ắp đầy, đôi vợ chồng trẻ đến với nhau từ hai bàn tay trắng vẫn thương yêu nhau hết mực.
Năm 1964, cô con gái đầu lòng Võ Thị Kiều Phượng chào đời. Rồi lần lượt 8 người con là Lệ Hồng, Đức Dũng, Xuân Cảnh, Xuân Sang, Chí Hiếu, Xuân Đào, Kim Bằng và Quý Phương nối tiếp nhau ra đời.
Nhà càng đông con càng đầy ắp tiếng cười, niềm vui, nhưng cuộc sống cũng càng khó nhọc, thiếu thốn bội phần. Vợ chồng phải sớm hôm may vá, tằn tiện mới lo đủ ngày 2 bữa cơm.
Ngày ngày nhìn con trẻ sống trong túng thiếu, thiệt thòi, ông Mai không khỏi buồn lòng. Muốn lo cho các con no đủ bằng người, ông tâm niệm dù khổ đến mấy cũng phải cho con ăn học đến nơi đến chốn. Với vốn kiến thức trước đây được học, ông kèm cặp các con từ những ngày đầu đến trường. Sau này ông nhận ra, với kiến thức lớp 7 thì chưa đủ để dạy các con, ông quyết định đi học bổ túc vào ban đêm.
Vợ chồng ông bà Mai.
 Vợ chồng ông bà Mai.
Ông đăng kí học chương trình từ lớp 8 tại phường vào buổi tối, rồi đêm đêm cắp sách, đạp xe đến lớp. Thấy chồng đã đứng tuổi lại sách vở đi học, bà Mai khuyên can: “Người ta là cán bộ nên cần đi học để làm việc, mình là dân lao động nghèo, ông đi học người ta cười cho”. Ông quả quyết: “Mình đi học vì tương lai các con”. 
Ông Mai nhớ lại: “Lúc bé tôi muốn đi học nhưng chẳng được, sau này khi chỉ bài cho các con, tôi thấy kiến thức mình quá ít nên muốn đi học để về dạy cho các con, cũng là để làm gương cho con noi theo. Vì bà nhà tôi không cho nên nhiều đêm tôi phải giấu sách vở trong áo, dắt xe đạp lén đến lớp. Nhiều lúc tôi vừa dắt xe đạp ra cổng là bả biết, giữ lại không cho đi. Cứ như thế suốt bốn năm ròng”. 
Những năm sau này, nghề may vá chẳng đủ để chăm lo cho đàn con, bà Mai phải đi buôn bán để kiếm tiền. Người vợ lặn lội cùng những chuyến hàng từ TP.Quy Nhơn ngược xuôi đi khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc. Bà đi từ lúc 3h sáng đến tối mịt mới về. Nhiều lúc bụng mang dạ chửa hay vừa sinh con tròn tháng, bà vẫn lặn lội buôn gánh bán bưng mưu sinh. 
Để vợ yên tâm bươn chải, ông thay vợ ở nhà trông nom đàn con. Ban ngày ông làm thợ may, cần mẫn cắt từng mảnh vải, đi từng đường kim mũi chỉ, đêm đến ông trở thành người thầy, tay cầm thước, tay cầm phấn ân cần giảng bài. Lớp học bên dưới là đàn con ngồi quây quần bên nhau chăm chú nghe cha dạy.
Cha thợ may, 9 người con cử nhân, thạc sĩ
Đang học lớp 10, nhìn gia cảnh khó khăn, Kiều Phượng muốn bỏ học để theo mẹ đi làm nuôi các em. Biết được suy nghĩ của con, ông bà khuyên nhủ và động viên con cố gắng. Chính nghị lực và tình thương đã giúp Phượng tiếp tục đi trên con đường mơ ước. 
Biết rằng, học thật giỏi thì mới có thể đỡ đần được bố mẹ, cô học trò nghèo miệt mài học tập. Năm 1982, Phượng thi đỗ vào trường ĐH Y Dược TP.HCM. Tiếp bước chị, 2 năm sau cô em gái Lệ Hồng cũng thi đỗ ĐH Kinh tế Quốc gia TP.HCM.
Niềm tự hào của gia đình cứ thế lớn dần lên khi năm 1986 anh Đức Dũng đậu ĐH Y Dược TP.HCM. Năm 1988, anh Xuân Cảnh đỗ ĐH Y Dược Huế. Một năm sau, anh Xuân Sang thi đỗ ĐH Y Dược Huế. Đến năm 1992, 1993 anh Chí Hiếu, chị Xuân Đào lần lượt thi đỗ ĐH Y Dược TP.HCM. 
Những năm sau, hai người con trai út là anh Kim Bằng và anh Quý Phương lần lượt thi đỗ ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Khoa học tự nhiên TP.HCM. Đến nay, 9 người con của ông bà Mai đều đã thành tài, trong số đó, anh Đức Dũng hiện là thạc sĩ - bác sĩ nhãn khoa và đang công tác tại BV mắt TP.HCM, anh Xuân Sang hiện là thạc sĩ - bác sĩ tim mạch, làm việc tại BV Hoàn Mỹ TP.HCM.
Để nuôi các con ăn học, ông bà Mai đã phải trải qua biết bao gian khổ. Cho đến bây giờ, mỗi lần nhắc lại, ông bà vẫn nhớ như in cảnh cơ cực thiếu thốn ngày ấy. Bà Mai tâm sự: “Năm 1987, khi sinh con trai út được 4 năm thì tôi lâm bệnh nặng, có lúc tưởng như không qua khỏi nhưng vợ chồng vẫn dặn lòng không được gục ngã, may mắn sau đó căn bệnh thuyên giảm.
Khi mấy đứa con đầu vào đại học, hằng ngày vợ chồng đối mặt với nỗi lo cơm áo gạo tiền. Lúc túng quẫn quá, tôi bàn với chồng bán căn nhà đang ở để có tiền lo cho con ăn học, nhưng rồi mọi chuyện cũng qua, khi các con đầu ra trường đi làm phụ bố mẹ lo cho các em, vợ chồng tôi dần bớt khổ cực”.  
Với 9 người con đều trở thành cử nhân, thạc sĩ, gia đình ông bà nhiều năm liền được bầu chọn là “Gia đình hiếu học” cấp thành phố, cấp tỉnh. Tháng 10/2007, gia đình được mời đi dự đại hội gặp mặt các gia đình, dòng họ khuyến học tiêu biểu toàn quốc lần thứ II, được tổ chức tại Hà Nội.
Ông Mai tâm sự: “Các con đều tốt nghiệp đại học, cao học vợ chồng tôi vui sướng lắm. Niềm tự hào của chúng tôi không phải vì được vinh danh mà là được nhìn thấy các con học hành nên người, thoát khỏi cảnh sống thất học, đói nghèo như bố mẹ”.
Sau khi học hành thành tài, 9 người con của ông bà Mai giờ đây đều đã lập gia đình và có cuộc sống ổn định. “Qua cơn bĩ cực đến hồi thái lai”, ông bà giờ đây sống cảnh “vợ chồng son” với những niềm vui giản dị thường ngày. Hướng về những bức ảnh khi gia đình tụ họp, họ nhìn nhau ánh mắt ngập tràn hạnh phúc. 

Đọc thêm