Phẩm chất cao quý của người thủy thủ viễn dương

Về mặt thực thi nhiệm vụ thì họ thật xứng đáng là những người anh hùng thực sự... Có những dòng điện tín từ tàu nhắn gửi về bờ, mà đến bây giờ người viết vẫn nổi da gà khi nhắc lại: “nếu 15 phút nữa chúng tôi không điện về thì xin được gửi lời chào vĩnh biệt Tổ quốc và những người thân”. 


Phẩm chất cao quý của người thủy thủ viễn dương

Cách đây hơn ba thập niên, vào khoảng những năm 80, 90 của thế kỉ 20, thời kì mà nền kinh tế nước ta còn cực kì khó khăn thì có hai lớp người được không ít thanh niên cũng như những người dân mơ ước. Một là lái xe quá cảnh, thứ hai là người thủy thủ viễn dương. 

Làm nhiệm vụ vận tải biển viễn dương hồi đó có nhiều công ty như Công ty vận tải biển 3, Công ty Vitranschart, các công ty vận tải biển của các địa phương như Hamasco của Hà Nội…Nhưng Công ty Vận tải biển Việt nam (bây giờ đổi tên là Công ty Cổ phần Vận tải biển Việt Nam), tên thương hiệu là Vosco, giữ vai trò chủ lực vận tải viễn dương đã trở thành biểu tượng và thương hiệu vận tải biển Việt Nam, và thủy thủ viễn dương dù ở đâu cũng đều được dân gian gọi là thủy thủ Vosco.

Anh lái xe quá cảnh và chàng thủy thủ Vosco dạo đó được xã hội ngưỡng mộ chủ yếu vì sự giàu có. Và sự giàu có này đều bắt đầu từ buôn lậu. Lái xe quá cảnh giấu hàng lậu dưới những tảng thạch cao để vượt qua kiểm soát của Hải quan Lao Bảo, còn thủy thủ viễn dương thì giấu hàng lậu “cáy” ( hàng vượt chỉ tiêu được phép mang sau mỗi chuyến vận tải ) ở đủ các ngóc ngách khó tìm trên tàu.

Xét về khía cạnh nào đó, hiện tượng buôn lậu của lái xe quá cảnh và chàng thủy thủ viễn dương đều xuất phát từ quan hệ cung cầu, do sự khan hiếm hàng hóa và hoàn cảnh đưa đẩy. Tuy nhiên, về mặt thực thi nhiệm vụ thì họ thật xứng đáng là những người anh hùng thực sự.

Chỉ nói riêng về đội ngũ phương tiện vận tải viễn dương dạo đó, khi chúng ta trở về những năm cuối thập kỉ 80 của thế kỉ trước khi nước ta đã bắt đầu những chính sách mở cửa, đổi mới trong kinh tế. Cần nói công bằng rằng nếu không có đội ngũ tàu viễn dương thì chúng ta sẽ tự thêm một lần nữa bế quan tỏa cảng nền kinh tế nước ta vừa thoát khỏi gọng kìm bao cấp và cấm vân. Mà để vận hành những con tàu viễn dương ít nhiều hiện đại so với thời ấy lại chính là đội ngũ những người thủy thủ viễn dương. 

Đang điều khiển những con tàu có trọng tải cao nhất chỉ vài trăm tấn chạy trên sông, chạy ven biển đội ngũ thủy thủ vận tải biển thật sự sáng tạo, thông minh, chịu khó học hỏi tiếp cận công nghệ tiên tiến để làm chủ những con tàu có trọng tải hàng vài nghìn, đến hàng vạn tấn có dàn thiết bị điều khiển đòi hỏi một tay nghề chuyên môn cao. Cùng với việc làm chủ phương tiện, thiết bị hiện đại là sự làm quen với các thủ tục vận tải biển quốc tế cực kì nghiêm khắc và quy củ mà trước đó còn rất xa lạ với cán bộ, thủy thủ Việt Nam.

Dạo đó cũng như hiện nay trong giao dịch, vận chuyển tại các bến cảng quốc tế hầu hết đều bằng tiếng Anh. Vậy mà đoàn thủy thủ viễn dương non trẻ của chúng ta đều đã từng bước làm chủ được. Những năm tháng khó khăn đó, có thể nói hầu hết mọi nhiệm vụ vận tải, giao nhận của đoàn tàu viễn dương của ta đều hoàn thành xuất sắc mọi nhiệm vụ. Giao và nhận thông đồng bén giọt mọi hợp đồng vận tải với mọi quốc gia trên thế giới.  

Nói về người thủy thủ viễn dương, không thể không nói đến sự hi sinh cao cả của mỗi cá nhân khi đảm trách nhiệm vụ trên những con tàu. Người viết bài này đã từng trải qua một chuyến đi biển tròn một tháng trên tàu kéo ụ nổi 8.500 tấn vượt Biển đông, chạy từ Quảng Ninh vào đến cảng Sài gòn. Chỉ trong vòng một tháng trời trên biển, mà mọi cảm xúc hỉ, nộ, ái, ố mà một con người có thể trải qua trong suốt cuộc đời đều có thể xuất hiện.

Thử thách đầu tiên đối với mọi người đi biển, chính là những con sóng. Những con sóng khi gần bờ, tại những bãi biển sao hiền hòa thế, nên thơ thế khi nhẹ nhàng ôm lấy bãi cát. Vậy mà ở giữa biển khơi, những con sóng trở nên thật hùng vĩ, tràn đầy nội lực, đôi khi còn trở nên hung dữ một cách đáng sợ. 

Phải nói rằng, khi đã trên biển, người thủy thủ viễn dương luôn phải sống, ăn, ngủ, làm việc, làm mọi sinh hoạt cá nhân trong một không gian động, rung lắc liên tục bởi sự tác động của những con sóng. Sau khi kết thúc hành trình, bước lên bờ, cảm giác đầu tiên phải chịu đựng chính là “ say đất”, khi mà sau một thời gian dài ở trong không gian động chuyển sang không gian tĩnh thì thần kinh của chúng ta vẫn chưa kịp thích nghi nên đã tạo ra cảm giác như vậy. 

Thử thách thứ hai chính là tình trạng luôn đối mặt với những sự hiểm nguy giữa biển cả mênh mông. Những người thuyền viên khi làm việc luôn trong tình trạng căng thẳng vì phải giữ an toàn cho chính mình, các đồng nghiệp, con tàu cùng nhiều hàng hóa, tài sản giá trị trong điều kiện vô cùng khắc nghiệt. Những con tàu to lớn, vĩ đại như vậy, nhưng giữa biển cả mênh mông, chỉ như những chiếc lá tre nổi trôi trên sông mà thôi. Có những dòng điện tín từ tàu nhắn gửi về bờ, mà đến bây giờ người viết vẫn nổi da gà khi nhắc lại: “nếu 15 phút nữa chúng tôi không điện về thì xin được gửi lời chào vĩnh biệt Tổ quốc và những người thân”. 

Thử thách thứ ba là sự cô đơn, những chuyến đi dài hàng vài ba tháng trời giữa biển cả mênh mông, giữa những bến bờ xa lạ để thực hiện nhiệm vụ ngành và đất nước giao phó, xung quanh toàn là nước biển mặn, trên là trời, dưới là biển. Người viết bài này đã từng đứng trên boong tàu nhiều tiếng đồng hồ, dõi mắt xa xăm nhìn ra biển, biển phẳng lặng xanh ngắt, trời cao trong vắt không một gợn mây, tầm nhìn đạt cực đại, nhưng tuyệt nhiên không có một bóng tàu hay thuyền của ngư dân. Thử thách lớn nhất, hay đôi khi cũng trở thành bi kịch cuộc đời, đó là theo hoàn cảnh, điều kiện công việc, người thủy thủ viễn dương phải thường xuyên xa gia đình, xa vợ, con, không làm tròn nhiệm vụ của người chồng, người cha để hoàn thành nhiệm vụ được giao. 

Không ít trường hợp vì long đong trên tàu làm nhiệm vụ vài ba tháng, nửa năm mà người thủy thủ viễn dương khi lên bờ có khi vợ thì ngoại tình vì xa chồng lâu lại có điều kiện kinh tế đủ đầy do chồng cung cấp, con hư hỏng vì không có bàn tay giáo dục của người cha, và cũng một phần vì lý do kinh tế như trên, cha già, mẹ yếu không được chăm nom, chăm sóc đầy đủ...

Nhiều nhiều lắm những thử thách mà người và nghề thủy thủ viễn dương phải đối mặt, nhưng người viết bài này chỉ kể ra những thử thách đời thường nhất, những thử thách con người nhất mà ai cũng có thể cảm nhận được. Ngoài ra, bản lĩnh của những người thuyền viên Việt Nam lại luôn được thể hiện khi những thử thách về sự cố kỹ thuật, thiết bị giữa biển khơi luôn luôn rình rập.

 

Vào những năm cuối của thập niên 80 của thế kỉ trước thì hầu hết những con tàu trong đội ngũ tàu viễn dương của Việt Nam ta đều là tàu cũ, khiến đội ngũ tàu biển viễn dương của ta hồi đó có tuổi bình quân hơn 30 tuổi, có thời gian lên xấp xỉ 40 tuổi. Vậy mà với những người thủy thủ viễn dương dạo đó nói tiếng Anh truyền khẩu, trình độ tay nghề đang trong tiếp tục trong thời gian tìm tòi, học hỏi, vậy mà hầu như vào những năm đó tỉ lệ vận tải viễn dương đạt độ an toàn lên đến 93-94%.  Đặc biệt không có trường hợp nào tàu của Việt Nam bị đắm, chìm do sự cố kĩ thuật.

Ngày nay nền kinh tế Việt Nam đã ít nhiều phát triển, đời sống dân ta đa phần được cải thiện, nên nghề lái xe qúa cảnh, thủy thủ viễn dương không còn hấp dẫn như xưa nhưng riêng với những ai vào nghề thủy thủ viễn dương hôm nay đã là một ghi nhận cho tình yêu nghề vận tải, yêu biển của những người dấn thân đến với danh hiệu thủy thủ viễn dương. Và với những con người đó thì truyền thống của viễn dương luôn hoàn thành nhiệm vụ, thông minh, sáng tạo trong công việc, dũng cảm đối mặt với mọi hiểm nguy vẫn là dòng chảy để đội ngũ thủy thủ viễn dương vẫn luôn vững vàng, xứng đáng với những gì họ được gửi gắm và giao phó.

Đọc thêm