Phạm Duy Tốn – Khai mở lối văn tả chân

(PLO) -Sinh thời cũng như khi mất đi, Phạm Duy Tốn được độc giả biết đến nhiều qua “Sống chết mặc bay”, và vị trí của ông trên văn đàn được xác lập rõ lắm. Ấy nhưng, nhà văn họ Phạm cũng từng tham gia vào hoạt động chính trị buổi ấy, dẫu không có dấu ấn như nghiệp cầm bút. 
Phạm Duy Tốn
Phạm Duy Tốn

Tác giả văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) có cho hay, chính quán của Phạm Duy Tốn (1883 - 1924) ở làng Phượng Vũ, thuộc huyện Phú Xuyên, Hà Nội ngày nay, nhưng ông lại được sinh ra tại thôn Đông Thọ (tức phố Hàng Dầu) của đất kinh kỳ. Trong bài Viết về bố của nhạc sĩ Phạm Duy cho biết chi tiết hơn, ông được sinh tại số 54 phố Felloneau. 

Kinh qua bách nghệ

Nguồn gốc gia đình của họ Phạm cũng được kể rõ ràng qua lời nhạc sĩ Phạm Duy, thân sinh Phạm Duy Tốn là cụ Phạm Duy Đạt làm Thiên hộ (trưởng khu phố thời Pháp thuộc), thân mẫu là bà Nguyễn Thị Huệ từng làm nghề ca xướng. Gia đình họ Phạm làm nghề bán dầu nên điều kiện kinh tế cũng khá giả.

Và như một mẫu số chung với những người nằm trong “Tứ kiệt Hà thành”, Phạm Duy Tốn cũng kinh qua chân học sinh trường Thông ngôn, là một trí thức Tây học chính cống dạo ấy. 18 tuổi tốt nghiệp (1901), Phạm đi làm phiên dịch cho Tòa Thống sứ Bắc Kỳ. 

Đời ăn cơm Tây của họ Phạm không dài lắm. Chỉ một thời gian sau, anh trai trẻ đã xin thôi việc cầu nối ngôn ngữ cho người, bởi mê nghề báo hơn hết. Nhưng sau khi nghỉ ở tòa sứ, một thời gian nhà báo tương lai đi làm nghề gõ đầu trẻ ở trường Trí Tri phố Hàng Quạt, rồi lại mở tiệm cao lâu, nhưng sớm đóng cửa vì không cạnh tranh nổi với Hoa kiều. 

Nhưng cái chí của họ Phạm cũng di động lắm chứ chẳng chịu bó gối một chỗ. Thất bại keo ấy, ông mở tiệm vàng Nam Bảo, rốt cuộc làm ăn thua lỗ. Chí trai hừng hực chưa thôi, họ Phạm cùng bạn bè đi tìm mỏ ở Quảng Yên.

Cú áp chót trước khi nghiêng hẳn sang nghiệp báo, anh thanh niên Phạm Duy Tốn được người bạn Pháp giúp cho vào làm việc ở nhà băng Banque d’Indochine có chi nhánh ở Mông Tự bên Trung Quốc, nhưng làm cũng chẳng được lâu. Về nước, nghiệp cầm bút từ ấy bén thân. 

Điểm qua nghiệp báo chí của nhà văn họ Phạm, Lược truyện các tác gia Việt Nam cho biết, với những bút danh như Ưu Thời Mẫn, Đông Phương Sóc, Thọ An…. Phạm Duy Tốn đã viết cho nhiều báo như Đại Việt tân báo, Nông cổ mín đàm, Đồng Dương tạp chí, Lục tỉnh Tân văn, Nam Phong tạp chí, Trung Bắc tân văn, Đăng Cổ tùng báo… 

Từ nghiệp làm báo, Phạm Duy Tốn đã sáng tạo nên một vốn liếng văn chương kể ra không nhiều, nhưng có dấu ấn lớn trên văn đàn dạo ấy. Cho đến nay, Sống chết mặc bay được in trên Nam Phong tạp chí năm 1918 là truyện ngắn để lại dấu ấn đậm nét, tạo nên tên tuổi cho nhà văn – nhà báo Phạm Duy Tốn.

Nhưng truyện ngắn trước nhất của ông được thống kê lại là truyện Bực mình ra mắt độc giả năm 1914. Sau này, tác giả còn có những Con người Sở Khanh in năm 1919, Nước đời lắm nỗi in năm 1920, Tiếu lâm quảng ký in năm 1920… 

Tác phẩm "Sống chết mặc bay" được đăng kỳ đầu tiên trên Nam Phong tạp chí số 18, năm 1918
 Tác phẩm "Sống chết mặc bay" được đăng kỳ đầu tiên trên Nam Phong tạp chí số 18, năm 1918

Nhà văn làm chính trị

  Thực ra, khi làm báo, nhà văn Phạm Duy Tốn cũng đã rất tích cực trong công cuộc làm chính trị tư tưởng thông qua ngòi bút của mình. Nhạc sĩ Phạm Duy cho rằng văn nghiệp của cụ thân sinh ra mình có một mục đích, đó là “văn nghiệp của bố tôi khi đó, dưới thời Bảo hộ của Pháp và dưới quyền của một thứ chế độ mới, giai cấp mới đã là một cách phê phán, đả kích, chế giễu xã hội”. 

Tâm sự của nhạc sĩ Phạm Duy về cha mình, kể ra cũng có lý, điều đó không chỉ thể hiện ở những tác phẩm báo chí, văn chương được chuyển tải đến bạn đọc, mà ngay ở tính tình của tác giả cũng rất ư cá tính.

Thực nghiệp dân báo số 1004 ra sau khi Phạm Duy Tốn mất đã nhận xét ông là người “thiên tính khảng khái trực triệt, đối với đồng bào tổ quốc ông chan chứa tấm nhiệt thành, tuy vì buổi đời đen bạc, con tạo đành hanh, làm cho ông nhiều phen gian nan nguy hiểm, lại bó buộc vì một chữ nghèo, song cái nhiệt thành ấy ông không khi nào nguôi, cái khí khái ông không lúc nào lùi, kim tiền và thế lực, ông coi khinh như cỏ rác vậy”.

Trong thời gian làm báo, ngoài viết truyện, viết báo phản ánh những thực trạng xã hội đương thời, Phạm Duy Tốn từng viết nhiều bài vận động tham gia ủng hộ đồng bào bão lụt. Trong số 169 của tạp chí Văn chuyên đề Tưởng niệm Phạm Duy Tốn, Vũ Bằng có viết “lúc ấy cụ đứng vào cương vị người viết báo như cổ động đồng bào lạc quyên nước lụt năm 1915”. 

Tuổi đời của nhà văn họ Phạm, kể ra thật ngắn. Ông chỉ thọ 43 xuân. Trong những năm cuối đời, Phạm Duy Tốn tham gia hoạt động chính trị tại Hà Nội. Ông từng làm nghị viên tư vấn Bắc Kỳ. Sau ông đắc cử làm Hội viên của Hội đồng Thành phố Hà Nội.

Năm 1922, ông tham gia đoàn đi dự Đấu xảo ở Marseille cùng với những Nguyễn Văn Vĩnh, Phạm Quỳnh, Vũ Huy Quang. Khi trở về nước năm 1923, bệnh lao phổi trở nặng và tháng 2/1924, ông mất. 

Một điều rất đáng lưu ý rằng trong “Tứ kiệt Hà thành”, giữa ông Vĩnh và ông Tốn, hai người có mối thâm tình keo sơn với nhau. Và xét ra, 4 nhân vật tứ kiệt ấy, xuất phát điểm học vấn gần như giống nhau khi đều từ trường Thông ngôn mà bước ra lập thành sự nghiệp. Bên cạnh nghiệp báo chí, văn chương, nghiên cứu, thì ở mức độ nhiều ít, đều có tham gia vào sinh hoạt chính trị bấy giờ, dẫu mỗi người đường đi, chí hướng có khác nhau.

Tạp chí Văn tưởng niệm Phạm Duy Tốn
Tạp chí Văn tưởng niệm Phạm Duy Tốn

Khai mở lối văn tả chân

Ngẫu nhiên làm sao, “Tứ kiệt đất Hà thành” đều một lòng tha thiết với chữ quốc ngữ. Với ba học giả Phạm Quỳnh, Nguyễn Văn Vĩnh, Nguyễn Văn Tố ta hẳn đều đã biết ở những kỳ trước về tấm lòng với tiếng nước ta. Còn nhà văn Phạm Duy Tốn, thì hãy xem lời giới thiệu của Phạm Quỳnh trong Nam Phong tạp chí số 18, tháng 12/1918 khi kỳ đầu tiên tác phẩm Sống chết mặc bay của ông Tốn được đăng:

“Trong học giới báo giới ta, chắc ai cũng đã biết tên ông Phạm Duy Tốn. Ông là một người rất nhiệt thành với văn quốc ngữ, và đã biệt lập ra một lối văn riêng lấy sự tả chân làm cốt. Mỗi bài văn của ông như một tấm ảnh phản chiếu cái chân tướng như hệt”. 

Qua lời giới thiệu của ông chủ bút Nam Phong, ta vừa biết được tấm lòng của nhà văn Phạm Duy Tốn với quốc ngữ, mà với văn Việt, còn có công khai phá lối văn tả thực nữa. Nhận định này về sau cũng có sự tương đồng trong ý kiến của Vũ Ngọc Phan qua Nhà văn Việt Nam hiện đại khi cho rằng lối văn của Phạm Duy Tốn là “lối văn linh hoạt”, “đem so văn những nhà văn bây giờ, không kém xa mấy tý”. Và những truyện ngắn Sống chết mặc bay, Con người Sở Khanh “đã được coi, trong một thời là những truyện tả chân tuyệt khéo”. 

Đa phần ý kiến sau này đều cho rằng, Phạm Duy Tốn chính là “cây bút tiên phong trong bước chuyển mình của thể truyện Việt Nam bước vào hiện đại” như lời Tác giả văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) phẩm bình. Nói cụ thể hơn, như Thành ngữ điển tích danh nhân từ điển có ghi, thì ông là người tiên phong ở đầu thế kỷ XX về lối viết đoản thiên tiểu thuyết vậy.

Ý kiến này, nhất nhật nhận được sự tương hợp ở những tác phẩm khác như Bảng lược đồ văn học Việt Nam của Thanh Lãng, hay Việt Nam văn học sử yếu của Dương Quảng Hàm… 

Dẫu có phê bình tác giả Sống chết mặc bay rằng vẫn còn chưa thoát ly được hoàn toàn khỏi cái lối văn khuôn sáo cổ, nhưng Vũ Ngọc Phan cũng phải nhận định rằng sau thời của nhà văn họ Phạm 10 năm, tiểu thuyết tả chân mới bắt đầu nảy nở ở đất Việt. Rõ là “người ta cũng không thể quên ông là người đã viết truyện ngắn theo lối Âu Tây trước nhất.

Như vậy người ta cũng có thể nói: Phạm Duy Tốn là một nhà tiểu thuyết đi vào đường mới trước nhất và những truyện ngắn của ông là thứ văn chương đã đánh dấu một quãng đường văn học của nước nhà”.../.

Đọc thêm