Phạm Quỳnh: Chuyện Nhà văn hóa sa chân …nghiệp chính trị

(PLO) -Là một trong “Tứ kiệt Hà thành” buổi đầu thế kỷ XX, ông Phạm Quỳnh chứng tỏ được tài năng, tầm ảnh hưởng to lớn của mình trên địa hạt văn hóa. Nhưng tham vọng của họ Phạm không dừng ở đó, ông tiến sâu hơn vào nghiệp chính trị. Và điều đó có đáng tiếc hay không, thôi thì mưa gió thời gian sẽ thẩm định vậy. 
 Phạm Quỳnh trong biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, Huế năm 1945.
Phạm Quỳnh trong biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, Huế năm 1945.

Nghiệp làm báo của ông Quỳnh, cứ phải nói đến Nam Phong tạp chí mới không thiếu sót. Báo chí Việt Nam từ khởi thủy đến 1945 cho hay, đây là tờ báo bách khoa nghị luận và văn chương, thân chính quyền, phát hành tại Hà Nội mỗi tháng một kỳ, từ số 194 tăng lên mỗi tháng 2 kỳ, báo có tuổi thọ đáng kể: 1917 – 1934. Lịch sử của Nam Phong, được phác qua trong Lược sử báo chí Việt Nam, theo đó “tờ Nam Phong tạp chí ra đời một cách công khai để lộ chủ trương của nhà cầm quyền Pháp”.

Dấu ấn Nam Phong tạp chí

Về đóng góp của Nam Phong tạp chí, đánh giá một cách khách quan, tờ tạp chí này dù thân Pháp, nhưng đã góp phần không nhỏ với nền văn hóa nước nhà, bởi như Nguyễn Việt Chước nhận định: “tờ báo này chú tâm vào việc trui luyện quốc văn, sưu tầm vốn văn hóa cũ, phổ biến tư tưởng học thuật Đông Tây và làm giầu tiếng nước ta”. Điểm này, cũng như lời của Vũ Ngọc Phan trong Nhà văn Việt Nam hiện đại “Đến khi Nam Phong tạp chí ra đời (tháng Bảy 1917), quốc văn lại bước cao hơn một bậc nữa”.

Nhà nghiên cứu văn học Vũ Ngọc Phan tìm hiểu Nam Phong, thấy rằng Phạm Quỳnh chính là tay viết chủ lực của tạp chí, viết nhiều bài nhất, và chia ra làm bốn thể loại chính: Những bài viết có tính cách chính trị xã hội; Những bài có tính cách văn học (Khảo cứu, dịch thuật, trước thuật, bình luận); Những bài có tính cách triết học; Những bài Pháp văn. 

Báo ảnh hưởng nhiều ở Bắc, Trung kỳ, còn riêng ở Nam kỳ, Nam Phong tạp chí được mua bất đắc dĩ bởi những công chức, cơ quan, còn dân thường rặt chẳng ưa, hoặc vì văn phong khác lạ, hoặc vì độ phổ cập chỉ giới hạn đối tượng.

Cụ Sển trong Nửa đời còn lại đã hồi tưởng “nhớ lại tỉnh Sốc Trăng khi báo N.P ra đời, tỉnh có gần gần một trăm xã thôn, thì quan chánh bố ép làng mua hộ giúp N.P rắc rắc gần đủ 100 niên báo”… “khi tôi khởi sự ham sưu tầm và tìm mua, thì mọi làng đều trả lời: “Không ai hiểu báo nói gì, và đã lấy giấy đậy hũ mắm hoặc cho trẻ phất diều…”.

Năm 1968, tìm hiểu về Nam Phong tạp chí, Hồng Nhuệ Nguyễn Khắc Xuyên đã xuất bản cuốn Mục lục phân tích tạp chí Nam Phong, hẳn là tài liệu bổ ích cho ai cần tìm hiểu về tờ báo có vai trò một thời và gắn liền tên tuổi Phạm Quỳnh. 

Một số của Nam Phong tạp chí năm thứ hai
 Một số của Nam Phong tạp chí năm thứ hai

Khi viết báo, ngoài bút danh Lương Ngọc nhớ bản quán, Phạm Quỳnh còn có bút hiệu Hồng Nhân, Hoa Đường (biệt thự của ông ở Huế có tên này), rồi Thượng Chi. Nhiều bài báo của ông, tùy thể tài, đã được tập hợp và in thành sách mà phát hành rộng rãi. 

Hoạt động văn hóa, tác phẩm văn chương

Ngoài nghiệp báo chí với dấu ấn rõ rệt nhất từ Nam Phong tạp chí, Phạm Quỳnh còn có những ảnh hưởng khác trên bình diện văn hóa. Trong Tác gia văn học Thăng Long – Hà Nội (từ thế kỷ XI đến giữa thế kỷ XX) cho biết, ông là thành viên sáng lập và là Tổng Thư ký của Hội Khai Trí tiến đức, tham gia biên soạn Việt Nam tự điển. Lại làm Hội trưởng của Hội Trí tri Bắc kỳ thời gian 1925 – 1928. 

Văn là người, vì thế khi đọc văn của Phạm Quỳnh, người đọc cảm được cái thần thái, tư tưởng của ông, như lời Nhà văn hiện đại: “Ông là người chủ trương cái thuyết: đọc sách tây là để thâu thái lấy tư tưởng, lấy tinh thần văn hóa Âu Tây để bồi bổ cho nền quốc văn còn khiếm khuyết, để chọn lấy cái hay của người mà dung hòa với cái hay của mình, ngõ hầu gìn giữ cho cái học của mình không mất bản sắc, mà vẫn có cơ tiến hóa được”.

Tư tưởng ấy, vừa thức thời mà nhân văn biết mấy. Với Nam Phong tạp chí, ông được đánh giá là đã góp phần xây đắp nên nền móng quốc văn vững vàng vậy. 

Quan điểm văn chương của Phạm Quỳnh cũng rất rõ rệt. Điều đó, cứ xem bài “Bàn về văn nôm của ông Nguyễn Khắc Hiếu” đăng trên Đông Dương tạp chí số 120, năm 1915 hẳn rõ, ông tự xem mình cùng những văn sĩ đương thời “là bọn phá đường mở lối, là quân tiên phong của đội binh những nhà làm văn về sau này, ta đi vào đường nào thì người sau tất cũng đi theo ta vào đường ấy”. 

Đường văn chương, văn hóa của ông tập trung chủ yếu trong thời gian trước 1933, nghĩa là trước khi ông “làm quan” vậy. Ấy vậy mà, Phạm Quỳnh để lại cho đời một di sản đồ sộ về số lượng cũng như chất lượng tác phẩm.

Điểm xét kỹ càng về những tác phẩm ấy, nên xem qua Lược truyện các tác gia Việt Nam do Trần Văn Giáp chủ biên, như: Quelques conférences à Paris (1923), Phật giáo đại quan (1924), Văn minh luận (1927), Văn học nước Pháp (1927), Thượng Chi văn tập (1943)… 

Khi làm Thượng thư Bộ Quốc gia giáo dục trong chính quyền của vua Bảo Đại từ tháng 5/1933, vị Thượng thư “Bộ Dục” đã thực hiện việc sửa đổi chương trình giáo dục ở các lớp sơ học, mà theo quan điểm của người đương thời, thì chương trình ấy đã làm đình trệ bước tiến của thế hệ thiếu niên mới.  

Gia đình Phạm Quỳnh năm 1934
 Gia đình Phạm Quỳnh năm 1934

Trong mắt giới thanh niên thuở ấy, Phạm Quỳnh cũng như Nguyễn Văn Vĩnh, giành được cảm tình của họ, nên lớp thanh niên rất phục vốn tri thức uyên thâm của ông, cũng như phong cách văn chương hoa mĩ của Phạm Quỳnh. Cũng thật ngẫu nhiên làm sao, dẫu quan điểm chính trị của Nguyễn Văn Vĩnh và Phạm Quỳnh đối nghịch nhau, nhưng hai ông đều rất yêu tiếng mẹ đẻ, ra sức vun trồng cho tiếng Việt. Thật là:

Nổi danh sáng lập báo Nam Phong,

Tự học tài hoa rạng núi sông.

Cổ động dồi trau văn quốc ngữ,

Tuyên truyền dịch thuật sách Tây Đông. 

(Trích Cận đại Việt sử diễn ca)

Nghiệp chính trị

Làm chủ Nam Phong tạp chí, xét trên mức độ nào đó, với sự hậu thuẫn của chính quyền cho tờ báo, Phạm Quỳnh đã tham gia hoạt động chính trị rồi, nhưng mới ven lề mà thôi. Và rồi, tháng 11/1932, ông được Chính phủ Nam triều bổ nhiệm làm Ngự tiền văn phòng của vua Bảo Đại.

Sau đó, ông kinh qua những chức vụ khác nhau: Thượng thư Bộ Quốc gia giáo dục từ tháng 5/1933; Thượng thư Bộ Lại từ tháng 5/1942. Nhưng rõ là, nghiệp chính trị của ông không nổi bật như những đóng góp ông đã thể hiện ở lĩnh vực văn hóa. Và ở lĩnh vực này, lời khen, tiếng chê dành cho ông vẫn còn phân luồng ý kiến lắm.  

Trong quan điểm chính trị của họ Phạm, có sự đối lập với Nguyễn Văn Vĩnh, ông là người chủ trương bảo hoàng, vẫn giữ ngai vàng cho họ Nguyễn, và mong muốn quyền hành chính ở Trung, Bắc kỳ được Pháp trả lại cho Bảo Đại, với hiến pháp mới do ông soạn thảo. Nên báo chí Pháp dạo ấy gọi là “Constitution PhamQuynh”. Chủ trương của Phạm Quỳnh thân Pháp nên được Pháp ủng hộ. 

Nhà báo Pháp A. Viollis (1870 - 1950) khi trình bày hiểu biết của mình về ông Quỳnh, đã tỏ ra rất ư ngưỡng mộ: “Đứng đầu một tờ báo, học thức và vô cùng thông minh, ông Phạm Quỳnh, che giấu, dưới những văn hoa của tu từ học, một số sự thật sắc nhọn”… “Phạm Quỳnh đã chứng tỏ rằng ông biết vận hành với sự khéo léo, đan xen sự liều lĩnh và mềm dẻo vào nhau”.

Điểm này, bạn đọc có thể xem tường tận hơn ở phần Phụ lục của tác phẩm Ba thế hệ tri thức người Việt (1862 - 1954) của GS Trịnh Vân Thảo. 

Bình xét nghiệp chính trị của Phạm Quỳnh, có nhiều ý kiến trái chiều khác nhau, chúng tôi không mong có câu giải đáp thấu đáo cho vấn đề này, xin để công luận và thời gian soi sáng những uẩn khúc, vướng mắc còn chưa giải quyết được.

Ở đây, người viết đồng tình với ý kiến của Nguyễn Vỹ trong Văn thi sĩ tiền chiến, rằng “Nếu ông Phạm Quỳnh đừng xen vào chính trị”… “nếu Phạm Quỳnh đem hết trí thông minh lớn lao và tài văn nghệ rất hoạt bát của ông để phụng sự hoàn toàn cho Văn học Việt Nam, thì chắc là ông đã để lại một sự nghiệp Văn hóa vĩ đại vô kể”. Vướng nghiệp làm quan, nên như Cận đại Việt sử diễn ca cảm thán về ông:

Bể hoạn ba đào, thuyền lắc lẻo,

Gió triều biến chuyển tấm thân vong. 

Dẫu đã là người thiên cổ trong mùa thu năm 1945 ở tuổi 53, nhưng những di sản văn hóa Phạm Quỳnh để lại cho đời, đến nay vẫn còn nhiều giá trị. Đời ông, quyền cao chức trọng là thế, nhưng một vợ, 16 người con.

Phạm Quỳnh trong biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, Huế năm 1945

Phạm Quỳnh trong biệt thự Hoa Đường bên sông An Cựu, Huế năm 1945

Và nơi chín suối, ông hẳn vui vì nhiều người con của ông, thành danh ở đời, dẫu chẳng theo nghiệp cha, tỉ như nhạc sĩ Phạm Tuyên, một tài hoa trên những khuông nhạc mà chúng tôi sẽ có dịp nói đến ở một bài riêng sau này…/.

Đọc thêm